Góp ý của Đại biểu Quốc hội Đào Xuân Nay – Bình Thuận

Thứ Năm 11:13 17-06-2010

Kính thưa Chủ tọa kỳ họp,

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Tôi nhất trí nhiều vấn đề sửa đổi trong dự thảo luật lần này của Ban soạn thảo cũng như các ý kiến trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và các ý kiến của các đồng chí phát biểu trước tôi. Tôi xin phát biểu để làm rõ thêm 3 vấn đề như sau:

Thứ nhất, về vị trí pháp lý của thanh tra. Tôi thấy mặc dù Ban soạn thảo có nhiều cố gắng, có chuẩn bị khá công phu nhưng mà toát lên vấn đề lớn của vị trí thì so với luật hiện hành 2004 thì tôi thấy rằng cũng chưa làm rõ được vị trí pháp lý, đặc biệt là tính độc lập của nó cả ở 3 cấp, tức là từ thanh tra Chính phủ cho tới thanh tra huyện. Chúng tôi rất thông cảm về thể chế chúng ta, cơ chế chúng ta nhưng mà làm sao vai trò thanh tra của chúng ta phải mang tính độc lập tương đối và chính từ độc lập tương đối này nó gắn với gì? Nó gắn ở chỗ quyền hạn, nhiệm vụ của nó. Cho nên từ vị trí luôn ở thế không hoàn toàn độc lập, hoặc độc lập chưa mang tính tương đối thì ở dưới gắn công việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình luôn thụ động và quyền năng không cao. Ví dụ kết luận của thanh tra đúng ra phải chấp hành, cơ quan bị thanh tra phải chấp hành, nếu cơ quan thanh tra kết luận sai, thì người đứng đầu chịu trách nhiệm, người kết luận chịu trách nhiệm.Còn nếu đúng mà anh không làm thì phải kỷ luật anh, mặc dù đúng hay sai thì phải chấp hành sau đó anh khiếu nại. Việc này mình không nghiêm, cho nên có nhiều vụ việc đoàn thanh tra kết luận rồi, nhưng sau đó được xem xét lại rồi kết luận lần thứ hai, đồng chí kết luận lại chức vụ cao hơn, cho nên người ta thấy đồng chí được đi thanh tra lần thứ nhất không có tác dụng, theo đó người ta khiếu nại. Nếu Tổng thanh tra Chính phủ kết luận người ta không nghe thì chờ Thủ tướng. Chính vì vậy việc giải quyết khiếu nại của chúng ta thời gian qua biểu hiện vấn đề này, nó không dứt khoát. Theo tôi cần làm rõ hơn tính độc lập tương đối này, gắn với việc này phải chỉnh lại quyền hạn, chức năng, nhiệm vụ của mình.

Thứ hai, nếu luật này sửa đổi trong lúc chúng ta thảo luận Luật khiếu nại, tố cáo thì phù hợp hơn. Chắc chắn sắp tới khi Luật khiếu nại, tố cáo Quốc hội bàn sẽ đụng đến Luật thanh tra (sửa đổi), Nếu chúng ta kết cùng một lúc thì rất thuận lợi.

Vấn đề thứ hai về tổ chức của Ban thanh tra, tôi đồng ý như ý kiến của Ủy ban Pháp luật và một số ý kiến của các đồng chí phát biểu trước tôi là đối với một số bộ có lĩnh vực quản lý lĩnh vực rộng như Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế v.v. những bộ lớn thì nên cần có thanh tra chuyên ngành. Tôi đồng ý như thế và ở tỉnh, tương tự các sở có chức năng đó cũng được thanh tra có chuyên ngành ở cơ sở. Nhưng theo tôi thì thanh tra chuyên ngành và thanh tra hành chính nên góp lại thành một tổ chức thanh tra. Có như vậy thì có người bộ máy mới bảo đảm được. Anh chọn đồng chí có năng khiếu về công tác thanh tra hành chính, am hiểu về thanh tra hành chính, làm nhiệm vụ thanh tra hành chính và những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên ngành thì tham gia lĩnh vực chuyên ngành. Chỉ có luật chúng ta quy định rõ là chức năng của thanh tra hành chính thế nào và chức năng của thanh tra chuyên ngành như thế nào và tăng quyền hạn, nhiệm vụ cho nó. Nếu như vậy thì ở bộ hiện nay cũng đủ lực mà ở cấp tỉnh người ta cũng đủ sức. Ví dụ hiện nay ở sở lao động có 3 người, chi cục có 2 người thanh tra nữa, như vậy là có 5 người, trong khi nằm rải rác ở 2 cơ quan, cho nên có lúc chồng chéo.

Tôi đề nghị trong tổ chức thanh tra tôi đề nghị cái cuối cùng là thanh tra nhân dân. Tôi cho rằng thanh tra nhân dân thì chúng ta thấy ai cũng xác định vị trí chính quyền cơ sở là quan trọng bởi Nhà nước ta có 4 cấp nhưng Thanh tra ta có 3 cấp, cấp huyện là hết rồi, tôi đồng ý là cấp huyện thôi chứ không xuống cấp xã. Thực tế cấp xã cũng là cơ quan quản lý Nhà nước, triển khai thực hiện chính quyền địa phương, các chính sách pháp luật được giải đáp, trong nội dung thanh tra là kiểm tra việc thực hiện thi hành pháp luật, hiện tại cơ sở này không có bộ máy nào thanh tra, Thanh tra cấp huyện thì không có người. Xuất phát từ yêu cầu đó, tôi đồng ý mặc dù có bất cập về Hiến pháp, nhưng ta phải có tổ chức về thanh tra nhân dân. Tôi cho tổ chức này chính là phối hợp với Thanh tra Nhà nước để làm tốt công tác Thanh tra này tại cơ sở về mặt chấp hành chính sách, pháp luật, chính sách ta về cơ sở hết, tất cả mọi chính sách chủ trương, nếu không có bộ máy Thanh tra thì không biết sai, biết đúng. Trong chương này theo đề nghị của Ban soạn thảo, tất nhiên không đúng lắm nhưng nên giữ lại và bổ sung thêm một số điều, làm rõ quyền hạn chức năng của nó. Trong khi đó, ta kết hợp là Ban soạn thảo và Chính phủ nên nghiên cứu dự thảo luật thanh tra nhân dân hoặc Luật hoạt động giám sát nhân dân để chuẩn bị kết hợp thảo luận cùng Luật khiếu nại, tố cáo sắp tới, kể cả sửa đổi Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. thì tôi nghĩ nên có vai trò của tổ chức thanh tra nhân dân dù chưa thành Luật riêng, hoặc nằm trong dự thảo Luật này, tôi đề nghị vẫn nên có thẩm quyền cho nó. Tôi cho nếu bỏ vai trò thanh tra nhân dân là không đúng. Bởi hiện nay bộ máy người ta đang hoạt động, tuy rằng chính sách, chế độ là tất tật nhưng anh em ta đã hoạt động có kinh nghiệm thực tiễn rồi và thời gian qua đã phối hợp với thanh tra của Nhà nước giải quyết nhiều vấn đề bức xúc trong xã hội, nhiều vấn đề tiêu cực ở tại cơ sở. Cho nên, tôi cho rằng duy trì thanh tra để thực hiện được chức năng đó thì nó phối hợp một cách đồng bộ đó là Quốc hội, Hội đồng nhân dân giám sát mang tính quyền lực, còn thanh tra nhân dân giám sát mang tính nhân dân.

Tôi nghĩ rằng 2 cơ quan này phối hợp với nhau giữa Nhà nước quyền lực và với nhân dân mà ta làm đúng bài bản cái đó, thì tin chắc rằng công tác thanh tra của ta cũng tốt hơn mà nhân dân phục vụ thanh tra Nhà nước, đảm bảo thực hiện đúng chính sách pháp luật tại cơ sở. Tôi xin phát biểu ý kiến như vậy, xin hết.

Các văn bản liên quan