Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh – TP Hà Nội

Thứ Năm 11:12 17-06-2010

Kính thưa Đoàn Chủ tọa.

Kính thưa Quốc hội.

Tôi tán thành với nhiều ý kiến của đại biểu đã phát biểu trước tôi và cũng tán thành sự cần thiết sửa đổi bổ sung Luật thanh tra như Tờ trình của Chính phủ nêu. Thực tế hoạt động quản lý nhà nước không thể thiếu được vai trò kiểm tra thanh tra. Đây là chức năng bảo vệ trật tự pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, của nhà nước chúng ta. Thực tiễn hơn 5 năm thi hành Luật thanh tra đã bộc lộ những bất cập, yếu kém trong công tác thanh tra và dẫn đến việc mà làm cho việc thực thi pháp luật không được nghiêm minh.

Pháp luật hiện hành quy định, cơ quan thanh tra chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp và chịu sự chỉ đạo hướng dẫn của cơ quan Thanh tra Nhà nước cấp trên về công tác tổ chức nhiệm vụ thanh tra. Thực tế các văn bản pháp luật này đã tập trung quyền hạn cho Thủ trưởng cơ quan đối với cơ quan thanh tra, dẫn đến sự can thiệp quá sâu vào hoạt động thanh tra, làm giảm tính chủ động và tính độc lập cần thiết của các cơ quan thanh tra. Nhiều vụ việc thanh tra phát hiện có sai phạm nhưng Thủ trưởng cơ quan hành chính sợ mất thành tích hoặc là thậm chí có dính lứu vào những sai phạm này, nên đã bỏ qua kết luận kiến nghị của thanh tra hoặc là dây dưa không giải quyết dứt điểm dẫn đến những khiếu kiện dai dẳng vượt cấp, có không ít vụ việc ngay cả Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu phải giải quyết nhưng địa phương hoặc cơ quan cấp dưới không chấp hành, làm cho pháp luật bị coi thường và không bảo đảm kỷ cương, kỷ luật hành chính trong quản lý Nhà nước.

Việc nhiều Bộ, ngành nở ra những hoạt động thanh tra chuyên ngành vừa qua đã làm cho hoạt động quản lý Nhà nước hết sức khó khăn. Có Bộ vừa có Tổng cục, Cục có thanh tra chuyên ngành vừa có Tổng cục, Cục không có thanh tra chuyên ngành. Phần lớn các Bộ chỉ có Thanh tra Nhà nước không có thanh tra chuyên ngành. Có Bộ có Cục thuộc Bộ nhưng lại không có thanh tra. Tình trạng trên tạo ra sự lộn xộn khó quản lý, hướng dẫn, thống nhất, gây chồng chéo mâu thuẫn, thậm chí dẫn đến triệt tiêu vai trò của Thanh tra Nhà nước.

Để khắc phục những bất cập này, đồng thời để thể chế hóa Nghị quyết 48 của Bộ Chính trị cụ thể hóa Nghị quyết 21 của Chính phủ, bảo đảm mọi hoạt động quản lý Nhà nước đều chịu sự thanh tra, kiểm tra của Chính phủ, làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức thanh tra Nhà nước, tăng cường tính độc lập, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan thanh tra và tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong thực thi các kết luận của các thanh tra. Tôi đề nghị, Luật thanh tra (sửa đổi) lần này cần tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan thanh tra, khẳng định tính thống nhất, tinh giảm đầu mối trong hoạt động thanh tra và bảo đảm nguyên tắc song trùng trực thuộc. Tổng thanh tra Chính phủ phải có sự quản lý thống nhất với thanh tra Bộ, thanh tra tỉnh, trên cơ sở có sự phân công trách nhiệm cụ thể từng cấp, từng ngành. Thanh tra Bộ vừa phải chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng, đồng thời phải chịu sự chỉ đạo hướng dẫn công tác, tổ chức nghiệp vụ của thanh tra Chính phủ.

Vì lẽ đó, một là tôi tán thành với quy định ở Khoản 4, Điều 1 là: "cơ quan thanh tra Nhà nước được tổ chức tại các cơ quan quản lý Nhà nước, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của thủ trưởng cơ quan Nhà nước cùng cấp. Đồng thời chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về công tác tổ chức và nghiệp vụ của thanh tra Chính phủ và chịu sự hướng dẫn nghiệp vụ của thanh tra cấp trên". Tôi thấy quy định như thế là phù hợp.

Vấn đề thứ hai, về thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành ở Điều 5, dự thảo luật quy định tách bạch thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành, thiếu sự kết nối giữa thanh tra Chính phủ với thanh tra chuyên ngành. . Nếu quy định như thế này thì chưa bảo đảm sự đổi mới trong công tác thanh tra. Điều này là giải thích của người làm Luật, vì vậy tôi đề nghị cần phải bổ sung vào nội dung thanh tra chuyên ngành như sau. Thanh tra chuyên ngành do thanh tra Bộ, Thanh tra Chính phủ hướng dẫn tổ chức nghiệp vụ theo phân công, phân cấp cụ thể. Quy định như vậy bảo đảm tính thống nhất, không mâu thuẫn, chồng chéo, bảo đảm địa vị cần thiết cho hoạt động thanh tra. Thực tế thời gian qua nhiều Bộ, ngành đã không chấp hành nghiêm pháp luật thanh tra và không phát huy vai trò của thanh tra Bộ được pháp luật quy định, mà lại giao cho cơ quan quản lý cấp trên thanh tra hoạt động quản lý Nhà nước cấp dưới, cũng như các cơ quan khác dẫn đến tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi, không khách quan, có khi triệt tiêu sức mạnh vị thế cần có của thanh tra Bộ. Tôi đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước, Tổng cục, Cục có chức năng kiểm tra cần phải làm tốt chức năng này. Thanh tra Bộ khi cần thiết theo yêu cầu chỉ đạo của Bộ trưởng, cái này hoàn toàn là do Bộ trưởng, nhưng Bộ trưởng đã không làm mà lại giao cho cơ quan quản lý Nhà nước tiến hành vừa kiểm tra rồi lại thanh tra và khi cần thiết thì thành lập Đoàn thanh tra có sự huy động của cán bộ, các chuyên gia giỏi kể cả cán bộ Tổng cục, Cục quản lý Nhà nước về vấn đề này. Mỗi cơ quan quản lý Nhà nước được ra đời đều có chức năng, nhiệm vụ riêng, không thể tiếp tục theo mô hình chồng chéo, mâu thuẫn như vừa qua. Trong các bộ vừa qua tôi thấy duy nhất có Bộ Xây dựng có thanh tra bộ, nhưng không có thanh tra Tổng cục và Cục thuộc Bộ, thực tế hoạt động rất hiệu quả.

Vấn đề thứ ba là tổ chức cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực. Tôi đề nghị chỉ quy định thanh tra bộ, thanh tra bộ vừa có chức năng thanh tra nội bộ, vừa có chức năng thanh tra ngành. Bộ trưởng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực được phân công, nhưng khi cần thì thanh tra chuyên ngành có thể thành lập đoàn thanh tra do thanh tra bộ giúp Bộ trưởng về việc này, vừa tăng cường vai trò trách nhiệm của trưởng đoàn thanh tra. Tôi đề nghị bỏ thanh tra tổng cục, cục, chi cục bởi vì vừa làm cho bộ máy Nhà nước rất cồng kềnh. Hiện nay mới chỉ có 21 thanh tra tổng cục và cục, nhưng còn lại chúng tôi đếm còn 31 Tổng cục và Cục chưa có thanh tra, nếu chúng ta quy định như thế này nếu không cẩn thận lại phát sinh thêm 31 thanh tra tổng cục và cục nữa. Cuối cùng Nhà nước pháp luật quy định vẫn không có tính khả thi. Tôi đề nghị chúng ta kiên quyết không có chuyện hợp thức hóa những sai phạm trong thời gian vừa qua làm cho bộ máy Nhà nước của chúng ta hạn chế về hiệu quả, đặc biệt trong thực tế mỗi khi Quốc hội có vấn đề về giải quyết khiếu nại, tố cáo hay cần phải có giải trình thì đều phải chất vấn Tổng thanh tra Chính phủ tại Quốc hội, nhưng thực tế Tổng thanh tra Chính phủ lại không đủ quyền năng để thực hiện nhiệm vụ. Tôi nghĩ Quốc hội chất vấn Tổng thanh tra Chính phủ như thế là quá oan. Cho nên theo tôi bây giờ để đảm bảo cho Quốc hội có thể giám sát được hoạt động thanh tra và có thể chất vấn cho đúng, phù hợp với quy định thì cần phải giao cho Tổng thanh tra Chính phủ có những nhiệm vụ, quyền hạn như tôi đề nghị. Có như vậy thì Tổng thanh tra Chính phủ phải chịu trước trách nhiệm trước Quốc hội mỗi khi các đại biểu Quốc hội chất vấn. Xin cảm ơn Quốc hội. Xin hết.

Các văn bản liên quan