Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Tiến – Hà Tĩnh

Thứ Năm 11:14 17-06-2010

Kính thưa Chủ tọa đoàn,

Kính thưa Quốc hội,

Cơ bản, tôi nhất trí với tính cần thiết và những nội dung sửa đổi của dự thảo Luật thanh tra và cũng như thẩm định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi xin đi vào trực tiếp những nội dung Đoàn thư ký cuộc họp đã đề xuất.

Thứ nhất, về địa vị pháp lý cơ quan thanh tra. Chúng tôi nhất trí với sự "song trùng trực thuộc" của cơ quan thanh tra, đặc biệt đã ảnh hưởng đến tính độc lập, tính chủ động của cơ quan thanh tra, tôi không nhắc lại nữa và đề xuất hai giải pháp:

Thứ nhất, bởi vì các thanh tra viên, chánh thanh tra đều do thủ trưởng đơn vị cùng cấp bổ nhiệm, cho nên tiếp theo ý kiến của đại biểu K Ré ở Đắk Nông chúng tôi thấy là Chánh thanh tra Bộ nên để Thủ tướng Chính phủ ra quyết định bổ nhiệm, Chánh thanh tra của Tổng cục và Cục thì đề nghị Chánh thanh tra Chính phủ ra quyết định bổ nhiệm.

Đề xuất thứ hai, về kết luận của đoàn thanh tra. Theo dự thảo như thế này thì cơ quan, người ra quyết định thành lập đoàn thanh tra chính là thủ trưởng các đơn vị cùng cấp như Bộ trưởng, Chủ tich Ủy ban nhân dân v.v...và ký kết luận của đoàn thanh tra như vậy bất hợp lý ở hai lẽ: một là người ký quyết định không trực tiếp thanh tra, như vậy, không giao được trách nhiệm, phát huy được trách nhiệm của ông Trưởng đoàn thanh tra và các thanh tra viên về tính trung thực, tính chính xác cũng như toàn bộ kết luận của đoàn thanh tra. Chúng tôi nghĩ, nên để trưởng đoàn thanh tra chịu trách nhiệm về kết luận của đoàn thanh tra. Mặt khác, nếu để người ra quyết định thanh tra chịu trách nhiệm kết luận thanh tra, như vậy thì vừa đá bóng, vừa thổi còi. Bởi vì, thủ trưởng của đơn vị quản lý cùng cấp này sẽ phải chịu trách nhiệm xử lý các đề nghị kiến nghị và tôi nghĩ rằng để họ xử lý những đề xuất của Đoàn thanh tra hoặc chuyển cho cơ quan điều tra, nếu có dấu hiệu vi phạm. Như vậy, phát huy được trách nhiệm của Trưởng đoàn thanh tra và đoàn thanh tra thì như vậy tránh được một số hiện tượng các đại biểu đã nêu và như vậy làm tăng tính chủ động, độc lập của cơ quan. Hiện nay trong thực tiễn chúng tôi thấy rằng người ra quyết định thanh tra thì hầu như giao quyền lại cho Chánh thanh tra để đưa ra quyết định. Bởi vì người ra quyết định không thể nào hình dung hết tất cả các tình tiết, bằng chứng cuộc điều tra rất phức tạp đó bằng một Trưởng đoàn thanh tra và thanh tra viên.

Vấn đề thứ hai là về hoạt động thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Chúng tôi nhất trí như dự thảo, bởi vì trong thực tiễn Bộ, ngành được phân cấp quản lý đối với những lĩnh vực đặc thù chuyên môn sâu thì việc thành lập thanh tra Tổng cục, thanh tra Cục thuộc Bộ và thanh tra Chi cục thuộc Sở là cần thiết, bởi vì thanh tra hành chính không đủ người, lực lượng rất mỏng và thứ hai là không đủ những chuyên ngành sâu để có thể thanh tra. Ví dụ như Bộ Y tế trước đây đã được Chính phủ quy định trong Nghị định 79/2008 và dự thảo Luật an toàn thực phẩm có quy định về hệ thống tổ chức quản lý thanh tra an toàn thực phẩm đối với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thanh tra chuyên ngành theo quan điểm cơ bản là hoạt động về mặt chuyên môn, kỹ thuật thuộc phạm vi quản lý của mình. Vì thế chúng tôi thấy theo như dự thảo thì sẽ có sự trùng lắp giữa nhiệm vụ của thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành thể hiện ở Điều 27, trang 15 là nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra Tổng cục, thanh tra Cục thuộc Bộ, đây là thanh tra chuyên ngành thì Điều 1 nhiệm vụ, quyền hạn ở Điểm b, Điểm c, Điểm e, Điểm g thì những điều này nó trùng với thanh tra hành chính, chúng tôi nghĩ không nên để vào nhiệm vụ của thanh tra chuyên ngành, ví dụ như tổng hợp, báo cáo kết quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo tho pháp luật về khiếu nại, tố cáo không nên đưa vào đây mà để cho thanh tra Bộ, hoặc thanh tra của Ủy ban nhân dân làm, còn thanh tra chuyên ngành chỉ làm những việc tiền kiểm, hậu kiểm để đưa những vụ xử phạt hành chính hoặc rút giấy phép v.v... theo chuyên môn kỹ thuật. Nếu đưa vào như vậy, nhiệm vụ nào giống nhau như vậy, lúc nào thanh tra hành chính làm, nhiệm vụ nào thanh tra chuyên ngành làm.

Điều thứ hai, trong dự thảo chưa nêu rõ phạm vi rộng lớn của thanh tra chuyên ngành, thanh tra hành chính chỉ có đơn vị địa phương và đơn vị trực thuộc Bộ trực thuộc Ủy ban nhân dân như thanh tra chuyên ngành như an toàn thực phẩm sẽ rất rộng lớn, không phải thanh tra đơn vị trực thuộc Bộ Y tế mà tất cả các địa phương liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm. Vì thế trong dự thảo chưa nói rõ phạm vi hoạt động, phạm vi hoạt động lớn như vậy, lực lượng thanh tra lẫn cộng tác viên sẽ rất nhiều so với thanh tra hành chính.

Thứ ba, về tổ chưc thanh tra chuyên ngành, thanh tra hành chính có đến cấp huyện nhưng thanh tra chuyên ngành chỉ đến cấp Sở, đối với chuyên ngành thì có Chi cục, đến tỉnh chưa có đến huyện, không thể nối dài. Tôi đề nghị dưới cấp huyện nên có những cán bộ chuyên trách gắn vào đơn vị quản lý của ngành để có thanh tra tuyến huyện về chuyên ngành. Tất cả các đơn vị thanh tra chuyên ngành như vậy không nên thành lập hệ thống vẫn nằm trong Tổng cục hoặc cục mà có một đơn vị là phòng chịu trách nhiệm thanh tra. Những đơn vị tổng cục và cục nào thành lập thanh tra chuyên ngành phải có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, có như vậy mới hạn chế được nhiều đầu mối chồng chéo, nhiều đơn vị, bộ, ngành sẽ tổ chức các thanh tra tổng cục và cục.

Điều thứ tư, chúng tôi có ý kiến là quyền hạn của Trưởng đoàn thanh tra và của người ra quyết định thanh tra, chúng tôi thấy rằng quyết định như thế này thì rõ ràng người ra quyết định thành lập đoàn thanh tra chính là thủ trưởng các cơ quan quản lý cùng cấp, tức là Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Như vậy nhiều chỗ giống hệt như là quyền hạn của trưởng đoàn thanh tra, tôi thấy ở Mục 1, Điều 46 qu định quyền hạn của trưởng đoàn thanh tra, ở Mục 1, Tiết a, b, c, d, e, g nên để cho trưởng đoàn thanh tra, ngược lại quyền hạn của người ra quyết định đã được các mục khác của Điều 48 quy định. Như vậy chúng tôi nghĩ rằng sẽ không có sự quá phụ thuộc của trưởng đoàn thanh tra vào người ra quyết định thanh tra tức là thủ trưởng của các đơn vị cùng cấp.

Điểm thứ sáu theo gợi ý, tôi thấy nên bổ sung trách nhiệm của cơ quan thanh tra trong việc phát hiện vi phạm pháp luật, nhưng không đề xuất biện pháp xử lý thì cần phải đưa vào. Bởi vì anh phát hiện nhưng mà anh che giấu, có nghĩa anh bảo kê, cho nên đoàn thanh tra phải chịu trách nhiệm về kết luận nếu phát hiện mà không đề suất. Ngược lại cũng cần bổ sung nội dung là có nội dung cơ quan thanh tra đã đề xuất biện pháp xử lý nhưng cơ quan chức năng vẫn không xử lý hoặc xử lý không triệt để.

Cuối cùng tôi nghĩ hình thức nên thể hiện theo bảng, một bên là luật hiện hành, một bên là luật sửa đổi và những điểm nào mới sửa đổi để các đại biểu Quốc hội có thể dễ nhận xét hơn. Xin trân trọng cảm ơn.

Các văn bản liên quan