Góp ý của Đại biểu Quốc hội Võ Thị Dễ – Long An

Thứ Hai 09:59 01-11-2010

Kính thưa Quốc hội,

Trước hết, tôi thể hiện sự đồng tình với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Khi chuẩn bị tiếp xúc cử tri cho kỳ họp thứ 8, báo cáo với cử tri là sẽ thông qua Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cử tri rất phấn khởi và mong đợi Luật này sẽ sớm được ban hành để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, tôi đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ban soạn thảo làm rõ thêm một số điều sau đây:

Thứ nhất, tại Điều 22 về trách nhiệm thu hồi hàng hóa có khuyết tật, khi phát hiện hàng hóa có khuyết tật, tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa có trách nhiệm trong luật có nêu là tiến hành mọi biện pháp cần thiết để ngừng việc cung cấp hàng hóa đó trên thị trường. Tuy nhiên, tôi nghĩ vấn đề ở đây là phải nhanh chóng và kịp thời, do vậy tôi thấy cần thiết phải bổ sung cụm từ "kịp thời" có nghĩa là kịp thời tiến hành mọi biện pháp cần thiết để ngừng việc cung cấp hàng hóa đó trên thị trường. Liên quan đến vấn đề này, tôi đề nghị bổ sung vào Khoản 1, Điểm c, Điều 26 một nội dung là trong văn bản giải quyết yêu cầu bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng có nêu rất nhiều điều, tôi đề nghị bổ sung thêm một điều là có thời hạn thu hồi hàng hóa. Quy định này tôi nghĩ sẽ giúp khắc phục thực tế là thời gian qua có một số sản phẩm, hàng hóa dù phát hiện có khuyết tật và ảnh hưởng đến người tiêu dùng rất nhiều, tuy nhiên khâu thu hồi rất chậm và tiếp tục làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, đặc biệt là ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa thiếu thông tin. Như chúng ta đã biết trong thời gian qua trong vụ nước tương đen có nồng độ 3-MCPD vượt quá mức an toàn thì cũng nhiều nơi thu hồi rất chậm, làm tiếp tục ảnh hưởng đến quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó tại Khoản 2, Điều 22 có quy định sẽ thông báo công khai về hàng hóa, về việc thu hồi hàng hóa có khuyết tật ít nhất 5 số liên tiếp trên báo hàng ngày hoặc 5 ngày liên tiếp trên đài phát thanh, truyền hình tại địa bàn mà hàng hóa đó được lưu thông. Tôi cho rằng quy định này đã thể hiện trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, ở đây tôi quan tâm đến việc là làm sao cho người tiêu dùng biết thật sớm để hạn chế tối đa các tác hại, nhất là ở những vùng nông thôn nơi các phương tiện truyền thông rất hạn chế.

Tôi thiết nghĩ khoảng thời gian thông báo, phương tiện thông báo còn tùy thuộc rất nhiều vào mức độ, vào quy mô ảnh hưởng. Vì có một số vụ việc ảnh hưởng kéo dài và trên quy mô rộng, nghiêm trọng thì việc thông báo, cảnh báo nguy cơ của hàng hóa cần phải được lặp đi lặp lại nhiều lần trên các phương tiện thông tin đại chúng. Do dó tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu và có quy định sát hợp hơn.

Cũng tại Điều 22 tôi đề nghị bổ sung thêm một khoản đề cập đến một vấn đề, đó là đối với những hàng hóa có khuyết tật đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng theo tôi thì cần có những quy định như thế nào cho hết sức chặt chẽ để phù hợp với tính chất của vụ việc.

Tiếp theo, góp ý về hoạt động quảng cáo đối với các sản phẩm tiêu dùng, tôi đồng tình với các ý kiến của các đại biểu trước tôi đã nói nhiều về vấn đề này. Ở đây tôi chỉ xin đề cập đến một mảng nhỏ, đó là trong thời gian qua trên các phương tiện thông tin đại chúng, các sản phẩn tiêu dùng được quảng cáo dưới hình thức thật hấp dẫn và lôi cuốn, trong đó có các thực phẩm chức năng và ngay cả thuốc tây để trị bệnh. Nhiều thuốc được quảng cáo hiệu quả nhất và trị được bách bệnh làm cho người tiêu dùng, người dân hết sức là hoang mang không biết chọn lựa như thế nào. Tôi hết sức đồng tình việc dự án luật đã đưa vấn đề quảng cáo sản phẩm hàng hóa dịch vụ vào Điều 8, các hành vi bị nghiêm cấm, tuy nhiên tôi đề nghị ở đây cần quy định cụ thể hơn và quy định rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước của các bộ cũng như Ủy ban nhân dân các cấp trong việc bảo vệ lợi ích chung của người tiêu dùng ở lĩnh vực quảng cáo, nhất là các sản phẩm liên quan đến sức khỏe như thuốc trị bệnh, thực phẩm chức năng, các sản phẩm thiết thực cho sản xuất của nông dân như thuốc trừ sâu, phân bón.

Góp ý tiếp theo của tôi là việc cảnh báo nguy cơ, dự án luật đã nêu khá đầy đủ việc giải quyết khi có xảy ra vụ việc ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng. Tôi xin đề cập đến một vấn đề nữa đó là tại Chương V về trách nhiệm quản lý Nhà nước làm sao để cảnh báo nguy cơ của cơ quan quản lý Nhà nước. Cụ thể tôi đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước phải có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra và công bố thông tin cho người tiêu dùng, trong đó nêu rõ kết quả kiểm tra chất lượng những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh để mọi người tiêu dùng tự phòng tránh hoặc quyết định có nên sử dụng hàng hóa, dịch vụ đó không, không chờ để xảy ra sự cố tác hại cho người tiêu dùng rồi mới giải quyết.

Cuối cùng tại Điều 25 quy định về việc yêu cầu cơ quan quản lý Nhà nước bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tôi đề nghị cần có những quy định với thủ tục đơn giản khả thi nhất cho người dân, tránh những quy định rườm rà, tốn kém, đi lại mất nhiều thời gian khi họ cần được bảo vệ liên quan sản phẩm tiêu dùng. Tôi xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan