Góp ý của đại biểu Phùng Đức Tiến- Đoàn Hà Nam đối với dự thảo Luật khoa học công nghệ sửa đổi

Thứ Ba 14:13 18-12-2012

Kính thưa Đoàn Chủ tịch.

Kính thưa Quốc hội.

Trước hết tôi đánh giá cao Ban soạn thảo và thống nhất với báo cáo của Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường Quốc hội. Sau khi thảo luận ở tổ và nghiên cứu Nghị quyết số 20 ngày 1/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tôi xin được phép bổ sung một số ý kiến như sau.

Một, về tổ chức khoa học, công nghệ, Nghị quyết Trung ương 6 chỉ rõ quy hoạch sắp xếp lại hệ thống tổ chức khoa học và công nghệ các trường đại học đảm bảo hoạt động có hiệu quả phù hợp với các mục tiêu và định hướng nhiệm vụ phát triển khoa học, công nghệ trong từng giai đoạn. Hiện nay các viện, các trường đại học, cán bộ khoa học tập trung chủ yếu ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, ở các cơ quan Trung ương. Như vậy, cần có sự phân bổ lại nguồn lực, sắp xếp lại tổ chức để tạo sự ảnh hưởng đồng bộ của khoa học và công nghệ trên phạm vi toàn quốc. Trong các ngành, lĩnh vực cũng cần sắp xếp lại cho tinh gọn, tránh chồng chéo, tập trung nhân lực, vật lực đủ tầm để giải quyết những vấn đề do thực tiễn đặt ra. Tại các trường đại học có đội ngũ cán bộ khoa học, trang thiết bị sinh viên tương đối hùng hậu, hàng năm các trường đào tạo hàng ngàn học viên cao học và nghiên cứu sinh, chắc chắn không đủ cơ sở vật chất để triển khai các đề tài cho các học viên. Đội ngũ các nhà khoa học không có điều kiện để tham gia nghiên cứu, trong khi đó ở các viện có đội ngũ các chuyên gia rất giỏi, có cơ sở vật chất, có phòng thí nghiệm trọng điểm thì không được tham gia đào tạo. Do vậy, cần phải có cơ chế phối hợp, huy động tối đa các nguồn lực của cả viện, trường đại học và nghiên cứu kết hợp với đào tạo.

Về hình thức tổ chức đơn vị khoa học vẫn theo hai khuynh hướng;

Một, theo Quyết định 720 của Thủ tướng Chính phủ sắp xếp sáp nhập các viện và các trung tâm thành viện lớn.

Thứ hai, tự chủ, tự chịu trách nhiệm nâng cao vai trò trách nhiệm phát huy tính năng động sáng tạo của các nhà khoa học và cơ quan khoa học theo tinh thần Nghị định 115 và thường được coi là khoán mười trong khoa học.

Sắp tới tổng kết đánh giá hai hình thức để lựa chọn mô hình tổ chức cho phù hợp và có hiệu quả xây dựng tiêu chí đánh giá xếp hạng các đơn vị nghiên cứu hàng năm công bố công khai trên các phương tiện truyền thông và làm căn cứ để giao nhiệm vụ khoa học. Cũng như Luật Giáo dục đại học có một phân tầng và cũng phải có tiêu chí đánh giá trên cơ sở đó để giao nhiệm vụ hàng năm.

Ý kiến thứ hai, về đội ngũ cán bộ khoa học và trọng dụng nhân tài. Phải coi nhà khoa học là trung tâm của các hoạt động khoa học và công nghệ trên cơ sở chiến lược phát triển của các ngành, lĩnh vực để có quy hoạch, kế hoạch đào tạo phát triển nguồn nhân lực khoa học, thậm chí từ học sinh phổ thông. Trong luật cần cụ thể hóa hơn nữa về việc đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài để từng bước có nhiều chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực. Có chính sách cụ thể tạo môi trường làm việc thuận lợi thu hút nhân tài, đặc biệt đội ngũ chuyên gia đầu ngành, có chế độ khen thưởng tôn vinh các nhà khoa học có đóng góp quan trọng, có giải thưởng lớn về khoa học, công nghệ tác giả của những công trình có giá trị thực tiễn cao góp phần phát triển kinh tế xã hội. Phát hiện kịp thời đào tạo bồi dưỡng cán bộ khoa học tài năng trẻ, quan tâm bồi dưỡng nhóm nghiên cứu xuất sắc. Cần quan tâm đầy đủ đến đội ngũ cán bộ trong lực lượng vũ trang, huy động được các nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài để đóng góp phục vụ xây dựng đất nước. Cần có cơ chế huy động các nhà khoa học tham gia giải quyết những vấn đề cấp bách do thực tiễn đặt ra như chương trình công nghệ lớn của quốc gia.

Ý kiến thứ ba, về chiến lược khoa học, công nghệ và nhiệm vụ khoa học. Để thực hiện mục tiêu trong Nghị quyết Trung ương 6 đề ra đến năm 2020 khoa học và công nghệ Việt Nam đạt trình độ phát triển của các nhóm đứng đầu ASEAN. Cần phải rà soát lại thực trạng, trình độ khoa học, công nghệ của các ngành, lĩnh vực, từ đó xây dựng được chiến lược khoa học, công nghệ quốc gia và chiến lược khoa học và công nghệ các ngành, các lĩnh vực, đề ra mục tiêu cụ thể để phấn đấu cho từng giai đoạn. Kiểm điểm, đánh giá kết quả đạt được sau quá trình thực hiện, xác định hàm lượng khoa học, công nghệ đóng góp trong giá trị gia tăng của sản phẩm. Khoa học công nghệ phải được xem là giải pháp quan trọng, góp phần phát triển kinh tế, xã hội ở các ngành, các địa phương. Đề cao trách nhiệm thủ trưởng cơ quan, đơn vị về phát triển khoa học, công nghệ.

Đây là một tư duy rất mới, vì gắn trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị vào phát triển khoa học, công nghệ. Đây cũng là tiêu chí để đánh giá cán bộ.

Từ chiến lược khoa học, công nghệ Bộ khoa học và công nghệ, các bộ, ngành, các tỉnh có thể đặt đề tài với các nhà khoa học và các tổ chức khoa học, đồng thời tiếp nhận đề xuất, tuyển chọn những đề tài đề xuất từ dưới lên. Cần giảm bớt thủ tục hành chính trong đề xuất, phê duyệt, tuyển chọn đề tài. Phải kết gắn chặt chẽ giữ khoa học, công nghệ với doanh nghiệp và thị trường để sản phẩm khoa học có nơi ứng dụng, có thị trường cụ thể, tránh tình trạng kết quả nghiên cứu, nghiệm thu xong để trong tủ.

Trong dự án luật cần bổ sung thêm thông tin thống kê khoa học, công nghệ, có trung tâm dữ liệu về khoa học, công nghệ để thuận lợi cho việc quản lý và tìm kiếm thông tin khi lựa chọn hoặc đề xuất đề tài, nghiệp vụ khoa học.

Ý kiến thứ tư, về cơ chế tài chính trong khoa học, công nghệ. Đối với kinh phí từ nguồn ngân sách Nhà nước để đảm bảo nguồn lực đáp ứng được việc thực hiện tốt các nội dung trong đề tài cần thường xuyên rà soát các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật, đơn giá, định mức kỹ thuật của các ngành, các lĩnh vực cho sát với thực tiễn. Mở rộng khoán chi đối với các đề tài, nhiệm vụ khoa học trong các đề tài, dự án. Nên có phần dự phòng phí để có thể điều chỉnh định mức chi trong thời gian thực hiện. Giảm bớt thủ tục hành chính trong thanh, quyết toán đề tài, nhiệm vụ khoa học. Phê duyệt nhiệm vụ khoa học không mang tính kế hoạch như hiện nay để đảm bảo tính kịp thời phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.

Về huy động các nguồn lực xã hội đầu tư vào phát triển khoa học, công nghệ cần đa dạng hóa hình thức hợp tác, phải coi doanh nghiệp là trung tâm của hoạt động đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ, cần có hệ thống giải pháp đủ tầm để huy động nguồn lực từ các tập đoàn doanh nghiệp đầu tư cho khoa học, công nghệ, tháo gỡ cho cơ chế tài chính, đầu tư phát triển khoa học các tập đoàn và doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi thực sự cho các doanh nghiệp khoa học, công nghệ, các đơn vị thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị định 115 được vay vốn ưu đãi góp phần thúc đẩy phát triển nhanh sản phẩm khoa học vào đời sống xã hội. Phần vốn đầu tư phát triển khoa học, công nghệ đề nghị đưa về Bộ khoa học và Công nghệ quản lý đảm bảo tính thống nhất và có hiệu quả đầu tư cao. Trên đây là một số ý kiến của tôi, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan