Góp ý của ĐBQH Đỗ Văn Vẻ- Đoàn Thái Bình đối với dự thảo Luật khoa học công nghệ sửa đổi sửa đổi

Thứ Ba 14:40 18-12-2012

Kính thưa Đoàn Chủ tọa.

Kính thưa Quốc hội.

Luật khoa học và công nghệ năm 2000 đã đặt nền móng cho việc xây dựng hành lang pháp lý ngày càng rõ ràng và thông thoáng cho các hoạt động khoa học và công nghệ. Tuy nhiên sau hơn 10 năm triển khai thi hành, Luật khoa học và công nghệ đã bộc lộ nhiều điểm hạn chế so với yêu cầu thực tiễn hiện nay cũng như trong các giai đoạn tiếp theo. Điều đó đặt ra yêu cầu cần thiết khách quan về việc cần sửa đổi Luật khoa học, công nghệ. Sau đây tôi xin được đóng góp một số nội dung sau.

Về biện pháp phát triển thị trường khoa học, công nghệ. Các nhiệm vụ khoa học, công nghệ phải xuất phát từ yêu cầu của mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của các cấp, các ngành phát triển thị trường khoa học, công nghệ nhằm đáp ứng ngày càng cao nhu cầu ứng dụng tri thức khoa học, công nghệ trong công tác quản lý, trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp để thực hiện được các mục tiêu đó, tôi xin đề xuất một số vấn đề sau.

Thứ nhất, nhà nước cần rà soát đánh giá lại một số trung tâm và cơ quan nghiên cứu và chỉ có thể cấp kinh phí nhà nước cho các cơ quan nghiên cứu, làm ăn có hiệu quả. Hạn chế việc cấp kinh phí khoa học, công nghệ từ ngân sách nhà nước cho các cơ quan nghiên cứu, làm ăn không đạt được hiệu quả. Bởi lẽ thực tiễn cho thấy với việc cấp kinh phí cho một số các cơ quan nghiên cứu theo đề tài đăng ký như hiện nay đã và đang tạo ra rất nhiều đề tài khoa học không sát với thực tiễn sau khi nghiệm thu được lưu trữ trong tủ hồ sơ không phát huy được tác dụng. Nhà nước cấp kinh phí khoa học, công nghệ cho các doanh nghiệp có đề án ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất kinh doanh theo hướng quy định chặt chẽ của pháp luật. Trên cơ sở đó các doanh nghiệp ký hợp đồng với các viện nghiên cứu và chỉ được thanh toán khi kết quả được ứng dụng trong thực tế. Nhà nước cấp kinh phí trực tiếp cho các viện nghiên cứu với những đề tài nghiên cứu khoa học cơ bản theo đề nghị của Bộ khoa học và công nghệ.

Về cơ chế tài chính đặc thù cho hoạt động khoa học, công nghệ, trong các cuộc hội nghị, hội thảo nhiều ý kiến cho rằng vướng mắc lớn nhất, điểm tắc nghẽn chủ yếu trong hoạt động khoa học và công nghệ hiện nay chính là cơ chế tài chính. Cơ chế tài chính thực hiện trong hoạt động khoa học và công nghệ còn mang tính bao cấp, chưa phù hợp với đặc thù và không đáp ứng yêu cầu tiến độ của hoạt động khoa học và công nghệ, chưa tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ, bảo đảm sử dụng đúng mục đích và hiệu quả nguồn kinh phí của nhà nước cấp cho khoa học và công nghệ. Những quy định về thủ tục phức tạp, hệ thống định mức chi phí xa thực tiễn đã làm cho các nhà khoa học đôi lúc phải lách luật khi thanh toán chi phí cho đề tài dự án.

Vì vậy, việc đổi mới cơ bản cơ chế tài chính trong hoạt động khoa học và công nghệ cho phù hợp với đặc thù của hoạt động khoa học và công nghệ là rất cần thiết và cần phải khẳng định cơ chế đặc thù về tài chính ngay trong văn bản có hiệu lực pháp lý cao là Luật khoa học và công nghệ (sửa đổi). Cần tháo gỡ khó khăn cho việc sử dụng quỹ phát triển khoa học và công nghệ doanh nghiệp. Luật thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 đã xác định các doanh nghiệp có quyền trích 10% lợi nhuận trước thuế để lập quỹ phát triển khoa học, công nghệ.

Theo Bộ Tài chính nếu tất cả các doanh nghiệp Việt Nam đều trích 10% lợi nhuận trước thuế để thành lập quỹ phát triển khoa học, công nghệ thì tổng quỹ này sẽ thu hút được 13.500 tỷ đồng cao gấp 2 lần đầu tư từ ngân sách nhà nước năm 2008 7000 tỷ đồng. Xong trên thực tế rất ít doanh nghiệp trích lập quỹ, từ đó xin kiến nghị việc trích lập quỹ phát triển khoa học, công nghệ chỉ được quy định là quyền chưa thể là nghĩa vụ bắt buộc của doanh nghiệp bởi không phải tất cả các doanh nghiệp đang hoạt động đều có nhu cầu về khoa học và công nghệ như nhau.

Tuy nhiên, nếu quy định một chế tài bắt buộc đối với tất cả các doanh nghiệp trong việc đầu tư cho khoa học và công nghệ với các tỷ lệ khác nhau thì cần áp dụng các biện pháp đồng bộ như không phạt vi phạm, không truy thu nếu doanh nghiệp không sử dụng hết số tiền đã trích. Hơn nữa phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là các doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, do đó phần trích được từ lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp không đủ để đầu tư đổi mới khoa học và công nghệ của chính họ. Trong trường hợp đó, căn cứ vào dự án đổi mới khoa học và công nghệ của doanh nghiệp đã được Bộ khoa học và Công nghệ thẩm định, nhà nước cần cấp bổ sung kinh phí ngân sách nhà nước cho doanh nghiệp để thực hiện dự án đó.

Sửa đổi, bổ sung quy định về trích lập và sử dụng quỹ phát triển khoa học, công nghệ sau khi Luật thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 có hiệu lực được Bộ Tài chính có Thông tư số 15 năm 2011 ngày 09/02/2011 hướng dẫn thành lập tổ chức hoạt động quản lý và sử dụng quỹ phát triển khoa học, công nghệ và Thông tư số 105 ngày 25/06/2012 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 15 ngày 09/02/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn thành lập tổ chức, hoạt động quản lý và sử dụng quỹ phát triển khoa học, công nghệ của doanh nghiệp 2 thông tư nêu trên đã quy định những điều kiện rất chặt chẽ, những thủ tục khi doanh nghiệp thành lập quản lý và sử dụng quỹ phát triển khoa học và công nghệ.

Từ các yếu tố trên, sau khi Luật khoa học và công nghệ (sửa đổi) được ban hành cần sớm ban hành các văn bản mới quy định về tài chính đối với quỹ của doanh nghiệp trên cơ sở tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp trích lập và chi tiêu cho khoa học, công nghệ từ quỹ của mình, nhà nước chỉ kiểm soát chi tiêu đối với phần nào doanh nghiệp được hưởng lợi về thuế. Khi trích lập quỹ doanh nghiệp đóng góp cho quỹ của địa phương thì phần đóng góp này của doanh nghiệp cũng phải được miễn thuế như trích lập đối với quỹ của doanh nghiệp. Tuy nhiên Luật khoa học và công nghệ (sửa đổi) lần này Quốc hội mới cho ý kiến lần đầu và vẫn còn thời gian. Vì vậy, tôi đề nghị riêng khoản bắt buộc trích 10% lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp làm quỹ đầu tư cho phát triển khoa học và công nghệ, Bộ khoa học và công nghệ cần bàn bạc kỹ và thống nhất với Bộ tài chính, đồng thời tham khảo lấy ý kiến của các chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học, các Hiệp hội doanh nghiệp để kỳ họp tiếp theo Quốc hội sẽ xem xét thêm nhằm đảm bảo công bằng và hiệu quả.

Về quy định vai trò của Hiệp hội khoa học kỹ thuật, một trong những hạn chế của Luật khoa học và công nghệ hiện hành là những đề cập luật hóa vai trò của các Hiệp hội khoa học và công nghệ, trong đó Liên hiệp các hiệp hội khoa học kỹ thuật được thành lập từ Trung ương tới địa phương đã có đóng góp không nhỏ trong hoạt động khoa học, công nghệ ở nước ta. Hơn nữa, với chủ trương xã hội hóa hoạt động khoa học và công nghệ nhằm huy động tối đa các nguồn lực của xã hội tham gia phát triển khoa học và công nghệ thì việc quy định quyền và nghĩa vụ của Hiệp hội khoa học và công nghệ là rất cần thiết. Vì vậy, đề nghị bổ sung vào dự luật sửa đổi nội dung quy định về Hiệp hội khoa học, công nghệ lần này.

Về gắn kết khoa học, công nghệ với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và nông nghiệp, nông thôn với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Kinh nhgiệm phát triển khoa học, công nghệ ở các nước cho thấy để tăng cường khả năng ứng dụng khoa học, nghiên cứu khoa học Nhà nước cần có chính sách để hoạt động khoa học, công nghệ gắn với doanh nghiệp và sản xuất kinh doanh, các tổ chức về khoa học, công nghệ hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp và khoa học, công nghệ, các tổ chức khoa học và công nghệ được tự chủ về mặt kinh phí hoạt động. Đồng thời Nhà nước cần giữ vai trò là người hoạch định chính sách tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp quan tâm đến hiệu quả sản xuất kinh doanh và xem xét lại các lựa chọn của khoa học, công nghệ. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan