VCCI góp ý về việc ngừng cấp phép cho các tàu mang quốc tịch nước ngoài vận chuyển container trên tuyến nội địa Việt Nam

Thứ Ba 08:46 11-12-2012

PHÒNG THƯƠNG MẠI VÀ

CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM


Số:   3134  /PTM-PC

Vv: ngừng cấp giấy phép cho các tàu mang quốc tịch nước ngoài vận chuyển container trên tuyến nội địa Việt Nam

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc


Hà Nội, ngày  10  tháng 12 năm 2012

Kính gửi:           Văn phòng Chính phủ

Đồng kính gửi:   Bộ Giao thông vận tải

             Bộ Công Thương

Ngày 28/06/2012, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Công đã ký văn bản số 5036/BGTVT-VT thông báo chủ trương tạm ngừng cấp giấy phép vận tải container trên các tuyến nội địa cho tàu mang cờ quốc tịch nước ngoài. Hiện tại, tàu biển mang cờ quốc tịch nước ngoài được cấp giấy phép vận tải container nội địa trong một số trường hợp mà tàu biển Việt Nam không có đủ khả năng vận chuyển. Việc cấp phép này được thực hiên căn cứ Bộ luật hàng hải, Thông tư 04/2010/TT-BGTVT ngày 29/02/2010 của Bộ Giao thông vận tải quy định thủ tục cấp phép cho tàu biển nước ngoài vận tải nội địa theo đó tàu biển nước ngoài được cấp giấy phép vận tải container nội địa khi tàu biển Việt Nam không đủ khả năng vận chuyển..

Theo Cục Hàng hải thì giấy phép hiện hành của các tàu biển nước ngoài sẽ hết hạn vào ngày 31/12/2012. Như vậy, theo tinh thần tại Thông báo nói trên, từ ngày 01/01/2013, việc vận tải container nội địa sẽ hoàn toàn do tàu biển Việt Nam vận chuyển.

Ngày 12/11/2012, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công Thương có tiến hành cuộc họp lấy ý kiến các hiệp hội liên quan về chủ trương dừng cấp phép cho các tàu mang quốc tịch nước ngoài vận chuyển container trên tuyến nội địa Việt Nam.

Việc ngừng cấp giấy phép vận tải container đối với tàu biển nước ngoài sẽ tác động lớn tới nhiều đối tượng, đặc biệt là các doanh nghiệp là các chủ hàng có nhu cầu vận chuyển hàng hóa đường thủy nội địa ở các mặt sau:

-         Về vấn đề lưu thông hàng hóa: Liệu đội tàu biển Việt Nam có đủ năng lực (về số lượng, về khả năng kỹ thuật và tính sẵn sàng để vào tất cả các cảng nội địa …) để đáp ứng và hoàn toàn thay thế tàu biển nước ngoài trong việc vận chuyển container nội địa không? Có thể xảy ra hiện tượng ách tắc, dồn ứ hàng tại các cảng nội địa và khiến cho việc giao hàng trong nội địa bị ảnh hưởng không?

-         Về chi phí và chất lượng dịch vụ của đội tàu biển Việt Nam: đội tàu biển Việt Nam có thể đảm bảo cung cấp dịch vụ vận tải nội địa với chi phí và chất lượng tương tự như đội tàu nước ngoài hiện đang cung cấp không?

Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp – là đối tượng chịu tác động của chính sách này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tiến hành lấy ý kiến của các hiệp hội là đại diện của các đối tượng có liên quan trực tiếp việc ngừng cấp phép cũng như hiểu về thực trạng năng lực vận tải và giá dịch vụ của đội tàu biển Việt Nam. Dưới đây là tổng hợp các ý kiến phản hồi về vấn đề này từ các đơn vị liên quan::

1.      Về vấn đề lưu thông hàng hóa

Trong khi Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam khẳng định đội tàu biển Việt Nam có đủ năng lực vận tải container nội địa xét cả về số lượng tàu cũng như công suất tàu nên hiện tượng ách tắc, dồn ứ hàng hóa tại cảng nội địa sẽ không xảy ra nếu ngừng cấp phép vận tải biển cho tàu mang quốc tịch nước ngoài, Hiệp hội này cũng như Cục Hàng hải Việt Nam (tại cuộc họp nói trên cũng như tại các văn bản gửi tới VCCI) chưa thể khẳng định chắc chắn rằng:

-         Tàu biển Việt Nam có thể vào được tất cả các cảng của Việt Nam

-         Tàu biển Việt Nam sẵn sàng vào cảng để lấy hàng và vận chuyển trong bối cảnh lượng container cần vận chuyển ở một số tỉnh là khá ít (Điều này có tính đến chi phí mà đội tàu biển Việt Nam phải bù lỗ nếu phải đi quãng đường xa trong khi lượng hàng vận chuyển lại không nhiều).

Như vậy, từ góc độ khả năng đảm trách lưu thông hàng hóa của đội tàu Việt Nam để thay thế hoàn toàn dịch vụ mà đội tàu nước ngoài hiện đang cung cấp sau khi chấm dứt việc cấp phép là chưa được đảm bảo.

2.      Về vấn đề chi phí và chất lượng dịch vụ của đội tàu biển Việt Nam

Theo phản ánh từ một số hiệp hội đại diện của các ngành hàng, hiện tại khá nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu sử dụng dịch vụ vận chuyển nội địa của tàu biển nước ngoài và cho rằng các tàu biển nước ngoài có hệ thống quản lý điều hành tốt, sử dụng hiệu quả cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần và tối ưu hóa thông tin về khách hàng. Chi phí vận tải nội địa thấp hơn hẳn so với chi phí vận tải của tàu biển Việt Nam.

Các hiệp hội ngành hàng có quan ngại về chất lượng dịch vụ cũng như giá cước của đội tàu biển Việt Nam và cho rằng, nếu ngừng cấp phép vận tải container nội địa cho tàu biển nước ngoài thì chủ hàng Việt Nam sẽ phải chịu tác động lớn, khi phải sử dụng chất lượng dịch vụ không tốt bằng và chi phí tăng cao hơn. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của các sản phẩm của Việt Nam trên thị trường quốc tế khi các chi phí bị đội lên khá cao do giá cước vận tải tăng lên và vô hình trung ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay.

Ngoài ra, các hiệp hội các ngành hàng cũng quan ngại rằngviệc ngừng cấp phép đối với vận tải container nội địa của các tàu biển nước ngoài có thể gây hệ quả dây chuyền - khiến cho các tàu nước ngoài tăng cước vận tải quốc tế.

Nguy cơ này cũng đã được đề cập trong báo cáo của Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam và Cục Hàng hải Việt Nam theo đó “Doanh nghiệp vận tải biển năng lực khai thác hạn chế, chỉ làm dịch vụ vận tải biển đơn thuần chưa kết hợp các dịch vụ khác trong dây chuyền logistics, vùng hoạt động chủ yếu tuyến Đông Nam Á. Trong khi hãng nước ngòai thuộc tập đoàn lớn nhất thế giới hoạt động toàn cầu, kết hợp hoàn chỉnh vận tải quốc tế với vận tải nội địa, kết hợp các dịch vụ khác trong dây chuyền logistics hoàn chỉnh” và “do tàu Việt Nam nhỏ, tuổi cao nên chỉ hoạt động tuyến nội địa, chỉ một số tàu chạy kết hợp tuyến quốc tế nên khả năng đáp ứng với chủ hàng chưa hiệu quả với giá cước chưa linh hoạt, trong khi các tàu chạy tuyến quốc tế chỉ kết hợp chạy tuyến nội địa nên thu cước linh hoạt thậm chí thu cước rất thấp trên tuyến nội địa”.

Từ những ý kiến của các Hiệp hội có liên quan tới việc ngừng cấp phép vận tải container nội địa của tàu biển nước ngoài như sau, có thể thấy:

-         Chủ trương nâng cao năng lực chuyên môn của đội tàu biển Việt Nam và chính sách “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” trong lĩnh vực này là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, cũng như trong các lĩnh vực khác, việc triển khai chủ trương này cần có lộ trình thích hợp với hoàn cảnh cụ thể và đảm bảo lợi ích tương đối của các chủ thể có liên quan, đặc biệt là các lợi ích của các chủ thể nội địa.

-         Việc ngừng cấp phép cho đội tàu nước ngoài có thể là một biện pháp hành chính có hiệu quả tức thì nhằm hỗ trợ, tạo cơ hội, từ đó hy vọng phát triển đội tàu biển Việt Nam (thông qua việc loại bỏ các đối thủ cạnh tranh trực tiếp của đội tàu Việt Nam tại thị trường cụ thể này). Tuy nhiên, biện pháp hành chính này cần hết sức thận trọng trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, doanh nghiệp sản xuất đứng trước nhiều thách thức lớn như hiện nay, và việc sử dụng biện pháp này có thể khiến các doanh nghiệp này phải sử dụng dịch vụ kém hơn nhưng phải chịu giá cước cao hơn. Hơn nữa, hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp cũng sẽ phải chịu tác động gián tiếp khi việc dừng cấp phép có thể dẫn tới nguy cơ các hãng tàu nước ngoài tăng giá cước vận tải quốc tế cho hàng hóa Việt Nam do tàu nước ngoài không còn được vận tải nội địa.

Tóm lại, việc ngừng cấp giấy phép vận tải container nội địa trong khi đội tàu biển Việt Nam chỉ có thể là hợp lý nếu chúng ta có phương án khả thi và được cân nhắc cẩn trọng trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm giá cước vận tải, đảm bảo sự cân bằng tương đối về lợi ích giữa các chủ tàu Việt Nam và một số lượng lớn các chủ hàng cũng như triển vọng kinh doanh nói chung của một nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Việt Nam..

Trong khi chưa có một phương án như vậy (và cũng chưa đảm bảo được tính khả thi của phương án đó), nên chăng cơ quan có thẩm quyền cân nhắc việc cấp giấy phép vận tải container nội địa của tàu nước ngoài theo hạn ngạch (chỉ cấp một số lượng nhất định và có tính toán để tàu biển Việt Nam có thể tham gia vào vận tải nội địa với số lượng hạn chế tàu nước ngoài tham gia). Đây có lẽ là lộ trình thích hợp để Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam cũng như Cục Hàng hải Việt Nam có thời gian xây dựng và triển khai các đề án có tính khả thi trong việc nâng cao chất lượng của đội tàu biển Việt Nam để từng bước có thể thay thế hoàn toàn tàu biển nước ngoài (thay thế theo cả về chất lượng dịch vụ cũng như giá cước) đồng thời không gây xáo trộn quá lớn tới hoạt động và lợi ích của các chủ hàng Việt Nam .

Trên đây là các ý kiến mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổng hợp và đề xuất liên quan quan tới chính sách ngừng cấp phép vận tải container nội địa đối với tàu mang quốc tịch nước ngoài. Rất mong Quý Cơ quan cân nhắc để có chính sách và quyết định thích hợp, vì lợi ích chung của nền kinh tế cũng như sự phát triển của các ngành kinh tế liên quan.

Trân trọng.

Nơi nhận:

-          Như trên

-          Chủ tịch Vũ Tiến Lộc (để báo cáo)

-          Lưu VT, PC

KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC

(đã ký)

Hoàng Văn Dũng

Các văn bản liên quan