Góp ý của Bà Nguyễn Thị Phương Minh – Ban Pháp chế Vietcombank

Thứ Ba 14:25 02-10-2007


Ý KIẾN ĐỐI VỚI DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC, QUẢN TRỊ VÀ
HOẠT ĐỘNG CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI.
 

Nguyễn Thị Phương Minh
Ban Pháp chế - Vietcombank

1.      Về tên của văn bản: Đề nghị sửa đổi như sau: “Nghị định về thành lập, tổ chức, quản trị và hoạt động của NHTM”. Vì trong nội dung của dự thảo có cả các quy định về thành lập NHTM. Đồng thời với việc sửa đổi tên của văn bản, trong Điều 2, khoản 2 của dự thảo đề nghị bổ sung đối tượng áp dụng là: “Tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thành lập, tổ chức, quản trị và hoạt động của ngân hàng”, để văn bản này có giá trị áp dụng đối với cả các cơ quan và cán bộ nhà nước có thẩm quyền trong việc nhận và giải quyết hồ sơ thành lập NHTM.

2.      Về cơ cấu của văn bản: đề nghị cơ cấu thành 6 phần riêng biệt với các nội dung của các phần như sau để đảm bảo tính logic chặt chẽ:

q       Phần I: Quy định chung.

q       Phần II: Các quy định về thành lập NHTM.

q       Phần III: Các quy định về tổ chức và quản trị NHTM.

q       Phần IV: Các quy định về hoạt động của NHTM.

q       Phần V: Kiểm soát đặc biệt, phá sản, giải thể, thanh lý.

q       Phần VI: Điều khoản thi hành.

3.      Việc phân loại các NHTM theo dự thảo Nghị định không thống nhất tiêu chí phân loại. Ở đây các NHTM vừa được phân chia theo sở hữu (nhà nước, nước ngoài) lại vừa được phân chia theo mô hình doanh nghiệp. Trong khi đó trong phần quy định cụ thể về quản trị các NHTM lại được áp dụng theo mô hình doanh nghiệp. Cụ thể: nội dung chương V của dự thảo được áp dụng cho NHTM Nhà nước và NH 100% vốn nước ngoài được tổ chức theo mô hình Công ty TNHH 1 thành viên; nội dung Chương VI được áp dụng cho mô hình NH liên doanh đồng thời áp dụng cho mô hình NH 100% vốn nước ngoài được tổ chức theo mô hình Công ty TNHH 2 thành viên trở lên. Vì vậy, để tránh phức tạp và sử dụng tham chiếu nhiều trong một văn bản, nên chăng phân loại các NHTM theo 01 tiêu chí là mô hình tổ chức doanh nghiệp. Hơn nữa, Luật DN 2005 cũng phân chia các doanh nghiệp theo mô hình tổ chức. Mặc dù, Ngân hàng là một lĩnh vực chuyên biệt, nhưng ngoài các văn bản chuyên ngành thì các NHTM vẫn phải tuân thủ các quy định của Luật DN 2005 đối với những nội dung mà các văn bản luật chuyên ngành chưa đề cập đến. Do đó, việc phân chia theo mô hình tổ chức sẽ phù hợp với Luật DN 2005 hơn và phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam về nguyên tắc đối xử quốc gia.

4.      Tại Điều 10, Khoản 1, điểm c có quy định: “…; không được sử dụng tiền vay dưới bất cứ hình thức nào để góp vốn điều lệ ngân hàng”. Đề nghị xem xét lại quy định này. Quy định này có trái với Luật các TCTD và Luật Doanh nghiệp 2005 hay không khi 02 Luật trên đều không hạn chế quyền này của nhà đầu tư. Hơn nữa, các cơ quan chức năng có thể kiểm soát được điều này không, đặc biệt là đối với các NHTM cổ phần mà đối tượng tham gia góp vốn có thể lên đến hàng trăm người bao gồm cả tổ chức và cá nhân. Và cuối cùng quy định này có là cần thiết không? khi quy trình về thành lập một NHTM là hết sức chặt chẽ đảm bảo tính thực góp của vốn chứ không đơn thuần là vốn đăng ký hay vốn khai báo.

5.      Điều 13, khoản 2: đề nghị bỏ cụm từ “đơn vị sự nghiệp”. Vì cụm từ này thường được sử dụng trong các đơn vị trực thuộc các cơ quan hành chính sự nghiệp.

6.      Điều 16. khoản 5, đề nghị sửa đổi như sau: “… Thành viên Hội đồng quản trị có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế và có thể bị miễn nhiệm, bãi nhiệm bất kỳ lúc nào theo quyết định của cấp có thẩm quyền bầu hoặc bổ nhiệm, chỉ định”. Vì ở đây các NHTM là một tổ chức kinh tế độc lập, do đó việc bầu, bổ nhiệm, miễn nhiệm các vị trí lãnh đạo trong NHTM sẽ phải do chính NHTM đó thực hiện không thể do một cơ quan độc lập, bên ngoài nào tác động vào cho dù đó là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành. Có chăng các cơ quan nhà nước chỉ ra quyết định chuẩn y chứ không phải là quyết định bầu, bổ nhiệm hay miễn nhiệm. Do đó, đề nghị thay cụm từ “cơ quan có thẩm quyền” thành “cấp có thẩm quyền” sẽ hợp lý hơn. “Cấp có thẩm quyền” ở đây được hiểu là cấp có thẩm quyền trong cơ cấu tổ chức quản trị của NHTM đó.

7.      Điều 19, khoản 2, điểm b: Đề nghị xem lại quy định này. Quy định này có cứng nhắc quá hay không khi đặt ra một biện pháp trừng phạt quá nặng nề đối với những doanh nhân dám nghĩ, dám làm. Việc thất bại trong kinh doanh là điều bình thường và tất yếu trong nền kinh tế thị trường. Chính những người đã từng thất bại là những người có nhiều kinh nghiệm trong thương trường. Việc doanh nghiệp của họ phá sản không đồng nghĩa với việc họ vi phạm pháp luật và do đó họ không đáng phải chịu những chế tài quá nặng nề. Nên chăng quy định một thời gian giới hạn là trong vòng 03 năm kể từ ngày doanh nghiệp mà họ quản lý bị tuyên bố phá sản thì họ không được đảm nhiệm các chức vụ quản lý trong NHTM. Đây có thể coi là một khoảng thời gian để họ đúc rút những kinh nghiệm từ sự thất bại của mình. Sau thời hạn đó thì họ có quyền đảm nhiệm những chức vụ này. Có như vậy, mới có thể khuyến khích các cá nhân mạnh dạn trong hoạt động đầu tư, kinh doanh làm giàu cho đất nước, đồng thời lựa chọn được những người có kinh nghiệm, có năng lực vào các vị trí quản lý của các NHTM.

8.      Điều 29, khoản 5 có quy định: “Ngân hàng phải có tối thiểu 100 cổ đông và không hạn chế số lượng tối đa”. Đề nghị xem lại quy định này có trái với Luật các TCTD hay không? khi Luật các TCTD không có quy định nào buộc các NHTM cổ phần phải được thành lập dưới mô hình công ty đại chúng, trong khi đó Nghị định hướng dẫn lại bó hẹp quyền lựa chọn của các nhà đầu tư, chỉ được thành lập NHTM cổ phần dưới hình thức công ty đại chúng.

9.      Điều 48, khoản 5, đề nghị sửa đổi như sau: “Quy định tại khoản 2 Điều này không áp dụng nếu ngân hàng nhận được thông báo bằng văn bản về một trong các trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều này trước giờ khai mạc cuộc họp của Đại hội đồng cổ đông”.

10. Điều 50 khoản 2, điểm a, đề nghị xem lại quy định “…trường hợp không bầu được thì thành viên Hội đồng quản trị có chức vụ cao nhất điều khiển để Đại hội cổ đông bầu chủ toạ cuộc họp trong số những người dự họp và người có số phiếu bầu cao nhất sẽ chủ toạ cuộc họp”. Trong cơ cấu của HĐQT chỉ có Chủ tịch và các thành viên HĐQT. Vậy khi Chủ tịch HĐQT vắng mặt thì việc xác định thành viên HĐQT có chức vụ cao nhất dựa vào tiêu chí nào?

11. Điều 52, Khoản 5 có quy định: “Hội đồng quản trị kiểm phiếu và lập biên bản kiểm phiếu dưới sự dưới sự chứng kiến của Ban kiểm soát hoặc của cổ đông không nắm giữ chức vụ quản trị, điều hành ngân hàng.”. Đề nghị sửa lại theo hướng HĐQT chịu trách nhiệm về việc thành lập một ban kiểm phiếu và ban kiểm phiếu này sẽ tiến hành kiểm phiếu, lập biên bản kiểm phiếu.
12. Điều 52 Khoản 7, đề nghị sửa đổi như sau: “Nghị quyết, quyết định được thông qua dựa trên kết quả kiểm phiếu (thể hiện trên Biên bản kiểm phiếu) phải được gửi đến các cổ đông trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kết thúc kiểm phiếu”
13. Điều 55, khoản 10 có quy định nhiệm vụ quyền hạn của HĐQT là “Chịu trách nhiệm về các vấn đề có liên quan đến bộ phận kiểm toán nội bộ,…”. Đề nghị xem lại quy định này vì theo quy định tại khoản 2 Điều 38 Luật các Tổ chức tín dụng thì hoạt động kiểm toán nội bộ là do Ban kiểm soát chỉ đạo thực hiện.

14. Điều 60 Khoản 3 có quy định “Hội đồng quản trị dự tính mức thù lao cho từng thành viên theo nguyên tắc nhất trí. Tổng mức thù lao của Hội đồng quản trị do Đại hội đồng cổ đông quyết định tại cuộc họp thường niên”. Quy định này mâu thuẫn với quy định tại khoản 8 Điều 58 “Quyết định của HĐQT được thông qua nếu được đa số phiếu tán thành, bao gồm cả phiếu biểu quyết bằng văn bản và biểu quyết theo uỷ quyền; trường hợp số phiếu ngang nhau thì quyết định cuối cùng thuộc về phía có ý kiến của người chủ toạ cuộc họp”. Hơn nữa, nội dung này cũng không phải quá quan trọng đến mức cần phải thông qua theo nguyên tắc nhất trí, vì tổng mức thù lao của HĐQT đã được Đại hội đồng cổ đông khống chế.

15. Điều 61 Khoản 5, có quy định “… Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày kết thúc kiểm tra, Ban kiểm soát phải báo cáo, giải trình về những vấn đề được yêu cầu kiểm tra đến Hội đồng quản trị và cổ đông hoặc nhóm cổ đông có yêu cầu…”. Quy định này có hợp lý không khi Hội đồng quản trị cùng với Ban điều hành là đối tượng chịu sự kiểm soát của Ban kiểm soát nhưng Ban kiểm soát lại phải báo cáo, giải trình với HĐQT.

16. Trong Chương V, Quản trị NHTM nhà nước, đề nghị xác định rõ “Chủ sở hữu” ở đây là ai? Cơ quan nào, đơn vị nào sẽ thực hiện chức năng “Chủ sở hữu” ở các NHTM nhà nước. Việc xác định rõ “Chủ sở hữu” cũng nhằm tách bạch vai trò của nhà nước với chức năng là Chủ sở hữu và chức năng quản lý nhà nước trong hoạt động ngân hàng.

17. Điều 71, khoản 3 có quy định: “… Việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ ngân hàng, tổ chức lại ngân hàng, chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của ngân hàng phải được ít nhất ¾ số thành viên dự họp chấp thuận. Quyết định của HĐQT có giá trị pháp lý kể từ ngày được thông qua, trừ trường hợp Điều lệ ngân hàng quy định phải được chủ sở hữu ngân hàng chấp thuận”.

Đề nghị xem lại quy định trên vì những lý do sau: Theo quy định tại Điều 67 khoản 1, khoản 15 của dự thảo thì những nội dung này thuộc nhiệm vụ và quyền hạn của chủ sở hữu NHTM nhà nước chứ không phải thuộc thẩm quyền của HĐQT; (2) Theo quy định tại Điều 29 Luật các TCTD thì Điều lệ NHTM phải được NHNN chuẩn y thì mới có hiệu lực, đồng thời quy định tại Điều 67, khoản 15 của dự thảo thì việc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ số vốn điều lệ cho tổ chức hoặc cá nhân khác phải được NHNN chấp thuận, như vậy những Quyết định của HĐQT liên quan đến các nội dung trên, ngay cả khi đã được Chủ sở hữ chấp thuận cũng chưa có hiệu lực nếu như chưa được NHNN với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước chuẩn y hoặc chấp thuận. Đề xuất tương tự với Khoản 5 Điều 83.

18. Điều 74, Khoản 5, đề nghị xem lại, trường hợp người vi phạm chính là HĐQT thì việc quy định Ban kiểm soát thông báo cho HĐQT có hợp lý không?

19. Điều 81, khoản 1 điểm r có quy định HĐQT NHTM liên doanh có quyền “Quyết định mức lương, thưởng, thù lao và các lợi ích khác đối với Chủ tịch và các thành viên HĐQT, Trưởng Ban và các thành viên Ban kiểm soát…”. Tuy nhiên, HĐQT lại là đối tượng chịu sự giám sát, kiểm soát của Ban Kiểm soát (Điều 85, khoản 1, điểm a). Như vậy, thì có đảm bảo tính khách quan của Ban kiểm soát trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình hay không?
 
 

Các văn bản liên quan