Góp ý của VCCI

Thứ Hai 09:14 24-09-2007


Kính gửi:      BỘ CÔNG THƯƠNG       
               V/v: Góp ý Dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành PLBVNTD

 Phúc đáp công văn số 139/BCT-QLCT ngày 13 tháng 08 năm 2007 của quý Bộ xin ý kiến cho Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ người tiêu dùng (Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có một số ý kiến như sau:

I. NHẬN XÉT CHUNG

Về nguyên tắc, việc soạn thảo Dự thảo Nghị định phải đáp ứng những yêu cầu sau:

1.      Đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác;

2.      Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, hiệp hội người tiêu dùng;

3.      Nội dung phải rõ ràng, minh bạch;

4.      Đảm bảo tính hợp lý và khả thi;

II. VỀ NHỮNG GÓP Ý CỤ THỂ

1. Về phạm vi và đối tượng điều chỉnh của Dự thảo

Về cơ bản, nhất trí với phạm vi và đối tượng điều chỉnh của Dự thảo. Tuy nhiên, cần phải cân nhắc nội dung hướng dẫn chi tiết về thủ tục, trình tự thực hiện các quyền của người tiêu dùng. 

2. Về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ

Mặc dù  Ban soạn thảo có nhiều nỗ lực trong việc chi tiết hóa trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ (nhà cung ứng) đối với xã hội, song đề nghị Ban soạn thảo thận trọng với bốn vấn đề sau:

Một là, liệu việc giải đáp kịp thời thắc mắc của người tiêu dùng (Điều 5, khoản 1) có phải là một nghĩa vụ pháp lý? Cũng cần giải thích thêm thế nào là thắc mắc và phạm vi của thắc mắc của người tiêu dùng? Xin lưu ý là, Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 1999 không quy định nghĩa vụ này. Loại thông tin phải cấp cho người tiêu dùng, đối với dịch vụ thì phải cung cấp như thế nào? Vì nhãn chỉ áp dụng đối với hàng hoá.

Hai là, trách nhiệm hướng dẫn đầy đủ cho người tiêu dùng cần được hiểu thế nào? Cần phải quy định chi tiết hơn theo hướng cung cấp thông tin có phân hóa theo chủng loại hàng hóa, dịch vụ.

Ba là, đề nghị Ban soạn thảo làm rõ khái niệm “như đã cam kết’’ tại Điều 6.1.

Bốn là, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về phương thức và nội dung thông báo tới người tiêu dùng. Theo đó, chủ thể công bố theo cách thức để người tiêu dùng thông thường, với những phương tiện thông thường có thể tiếp cận tới thông tin này (Điều 7 Dự thảo).

3. Cơ chế khởi kiện tập thể

Như đề cập ở trên, cơ chế chưa được phản ánh và ghi nhận trong pháp luật của nước ta, do đó, Ban soạn thảo có thiết kế cơ chế này thông qua các quy định đại diện theo ủy quyền (Điều 12, khoản 1, điểm a).

Việc thiết kế như vậy cần phải được cân nhắc vì những nguyên nhân sau:

Một là, trong cơ chế khởi kiện tập thể, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng là người đại diện ủy quyền thường xuyên của những người tiêu dùng. Họ sẽ can thiệp vào vụ việc khi tiếp nhận một số lượng đơn yêu cầu nhất định của người tiêu dùng. Với phương thức này, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng có thể chủ động sử dụng các phương tiện pháp lý thích hợp để bảo vệ người tiêu dùng một cách có hiệu quả.

Với cách thiết kế của Ban soạn thảo, thì đây vẫn là những vụ khiếu nại hay khởi kiện đơn lẻ và có khả năng lặp lại trong những nhóm người tiêu dùng khác nhau với cùng một công việc. Điều này có thể gây lãng phí các nguồn lực xã hội một cách không cần thiết.

Hai là,  Dự thảo cũng chưa cho biết, việc ủy quyền này được thực hiện giữa tập thể người tiêu dùng với tổ chức bảo vệ người tiêu dùng hay của từng người tiêu dùng với tổ chức bảo vệ người tiêu dùng?.

Ba là, Dự thảo cũng chưa cho biết, nguồn tài chính nào để tổ chức bảo vệ người tiêu dùng thực hiện các công việc này? Việc thu phí có ảnh hưởng đến mục tiêu hoạt động của các tổ chức này không? (Điều 11 khoản 3).

4. Thủ tục hoà giải tại cơ quan quản lý nhà nước

Như đã trình bày trên về yêu cầu phân hóa giữa hành vi vi phạm về trách nhiệm sản phẩm và vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc lại thủ tục hòa giải tại cơ quan quản lý nhà nước vì những lý do sau đây:

Một là, việc hòa giải theo Điều 23 theo Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng là công việc riêng và thuộc quyền tự định đoạt của người tiêu dùng có khiếu nại và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ bị khiếu nại. Bởi thế, họ có quyền lựa chọn hòa giải viên hoặc tổ chức hòa giải chuyên nghiệp mà không cần đến vai trò của cơ quan quản lý nhà nước. Bởi thế, việc quy định thủ tục hòa giải tại cơ quan quản lý Nhà nước trong trường hợp chỉ do người tiêu dùng yêu cầu theo Điều 19, khoản 1 điểm b của Dự thảo Nghị định là vi phạm quyền tự định đoạt của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ bị người tiêu dùng khiếu nại.

Hai là, như đã trình bày trên, những hành vi vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng dưới hình thức các vi phạm hành chính và hình sự thì không được và không thể giải quyết qua thủ tục hòa giải. Bên vi phạm và người tiêu dùng bị vi phạm chỉ được thỏa thuận về nội dung khắc phục hậu quả:  về mức, hình thức và phương thức bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng[1].

Ba là, việc cơ quan quản lý nhà nước đảm nhận chức năng giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa giải cho các bên trong các tranh chấp theo Luật tư là sáng kiến của Dự thảo song đáng tiếc là nó không phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước trong Nhà nuớc pháp quyền. Đây là công việc của các Trung tâm hòa giải hoặc hòa giải viên (hòa giải ngoài tố tụng) và của Tòa án (hòa giải trong tố tụng).

5. Về thời hiệu khiếu nại (Điều 17 Dự thảo)

Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc cách tiếp cận của Dự thảo. Có hai cách tiếp cận, một là theo hướng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng hoặc hai là theo hướng xác định nghĩa vụ của người cung cấp hàng hoá, dịch vụ. Ở góc độ thứ nhất, việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng sẽ rộng hơn. Do đó cần phải sửa lại Điều này như sau “Trừ trường hợp.... là hai năm kể từ ngày người tiêu dùng phát hiện quyền lợi của mình bị phạm....“

6. Về kỹ thuật lập pháp

6.1 Về tính khả thi của Dự thảo Nghị định

Có thể nói rằng, đây là một Dự thảo có nhiều vấn đề cần xem xét và cân nhắc thận trọng khi đánh giá theo tiêu chí tính khả thi, đặc biệt là những vấn đề sau:

-         Thanh tra về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng:  Dự thảo đã không làm rõ hoạt động thanh tra được thực hiện như thế nào? Sự phối hợp giữa Cơ quan quản lý thị trường và Cơ quan quản lý cạnh tranh trong công tác thanh tra, kiểm tra cũng chưa được làm rõ.

-         Về sự phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác: Dự thảo chưa làm rõ được cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng và cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng. Trong Dự thảo cần phải chi tiết hóa nội dung phối hợp, yêu cầu, trình tự và thời hạn tham gia... thì mới có thể giải quyết căn bản những tồn tại trong Nghị định 69/2001/NĐ-CP ngày 02.10.2001.

6.2 Về giải thích thuật ngữ 

 Dự thảo còn có một số thuật ngữ chuyên môn được giải thích hoặc sử dụng không phù hợp, đặc biệt là:

-             Việc bổ sung khái niệm cá nhân, tổ chức khi giải thích thuật ngữ “người tiêu dùng” tại Điều 3, khoản 1 của Dự thảo so với Điều 1 của Pháp lệnh;

-             Thuật ngữ “thiệt hại về an toàn tính mạng” tại Điều 8, khoản 2 của Dự thảo; “hình thức khiếu nại có thể được thực hiện bằng miệng”... là những thuật ngữ được sử dụng không chính xác.

7.      Về giải quyết tố cáo của người tiêu dùng (Điều 21 Dự thảo)

Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc hai điểm sau:

-         Thứ nhất, pháp luật khiếu nại, tố cáo tuy có quy định về quyền tố cáo của công dân nhưng chủ yếu hướng tới việc công dân tố cáo cơ quan nhà nước. Đối với Dự thảo này, chủ thể bị tố cáo là doanh nghiệp. Vì vậy, để đảm bảo tính khả thi, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ đối tượng, trình tự và thủ tục tố cáo để người dân có thể biết và thi hành.

-         Thứ hai, cần quy định rõ cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tố cáo và trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết tố cáo của người tiêu dùng. Trong trường hợp này nên tập trung về một đầu mối là Cục Quản lý Cạnh tranh và các Sở Công thương.

Trên đây là một số ý kiến góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ người tiêu dùng. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trân trọng gửi tới quý Cơ quan nghiên cứu, hoàn thiện Dự thảo.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.


[1] Xem Phần I, Mục 2,  Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08 tháng 97 năm 2006  hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ Luật Dân Sự 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Các văn bản liên quan