Góp ý của Bà Dương Thu Phương-Phòng Quản lý bán đấu giá tài sản, Vụ Bổ trợ tư pháp-Bộ Tư pháp

Thứ Sáu 14:14 22-04-2011

Một số góp ý, trao đổi về nội dung của Dự thảo Nghị định

quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản

1. Bối cảnh, quan điểm xây dựng Nghị định quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản

Đấu giá quyền khai thác khoáng sản đã được giao cho Chính phủ quy định theo khoản 2 Điều 79 Luật Khoáng sản năm 2010 (có hiệu lực từ 01/7/2011): “Chính phủ quy định nguyên tắc, điều kiện, thủ tục đấu giá quyền khai thác khoáng sản”.

Khoáng sản là một loại tài sản hữu hình, quyền khai thác khoáng sản là một loại quyền tài sản được xác định theo nguyên tắc của pháp luật dân sự và pháp luật chuyên ngành. Quyền khai thác khoáng sản có một số nét đặc thù thể hiện ở khâu trước và sau khi bán đấu giá, nên cần phải được nghiên cứu kỹ và cân nhắc quy định cụ thể. Vì vậy, việc ban hành Nghị định quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản là cần thiết.

Dự thảo Nghị định quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản được xây dựng trong bối cảnh Chính phủ đã ban hành Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 về bán đấu giá tài sản (sau đây gọi tắt là Nghị định 17). Đây là Nghị định “khung” về tổ chức, hoạt động bán đấu giá tài sản theo định hướng chuyên nghiệp. Do vậy, các văn bản quy phạm pháp luật khác (Luật, Pháp lệnh, Nghị định …) khi dẫn chiếu đến pháp luật về bán đấu giá tài sản, thì về nguyên tắc phải thống nhất, phù hợp với các quy định của Nghị định 17.

Dự thảo Nghị định quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản (sau đây gọi tắt là Dự thảo Nghị định) chỉ quy định những nội dung liên quan đến tính đặc thù khi đấu giá quyền khai thác khoáng sản: giai đoạn trước và sau khi bán đấu giá. Những nội dung liên quan đến nguyên tắc, trình tự, thủ tục bán đấu giá, tổ chức bán đấu giá sẽ được thực hiện theo quy định tại Nghị định 17. Quan điểm này được thể hiện trong dự thảo Tờ trình Chính phủ và sẽ chi phối toàn bộ nội dung Dự thảo Nghị định.

II. Về nội dung của Tờ trình và dự thảo Nghị định

1. Về dự thảo Tờ trình:

- Phần sự cần thiết ban hành Nghị định có trích dẫn điểm d khoản 1 Điều 1 Nghị định 17 là chưa hoàn toàn phù hợp với tinh thần xây dựng dự thảo Nghị định. Thay vào đó, Ban soạn thảo cần lưu ý đến điểm đ khoản 1 Điều 1 Nghị định 17: “Các tài sản khác phải bán đấu giá theo quy định của pháp luật”. Theo đó, tài sản khác ở đây bao gồm cả quyền tài sản (xem thêm khoản 4 Điều 2 Nghị định 17) được pháp luật chuyên ngành quy định được đưa ra để bán đấu giá.

2.Về dự thảo Nghị định:

2.1. Một số nội dung có tính đặc thù[1]:

Khoảng 2/3 số điều của Dự thảo Nghị định thể hiện tính đặc thù của việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Tương tự như một số tài sản nhà nước khác, đây là những nội dung cần thiết để đưa ra bán đấu giá cần xác định rõ các yếu tố:

- Giai đoạn trước khi bán đấu giá: Quy trình phê duyệt hoặc quyết định đưa tài sản/quyền tài sản ra bán đấu giá; điều kiện đối với tài sản/quyền tài sản được bán đấu giá; giá khởi điểm; điều kiện của tổ chức, cá nhân được tham gia đấu giá;

- Giai đoạn sau khi bán đấu giá: Phê duyệt kết quả bán đấu giá, nộp tiền trúng đấu giá, cấp giấy phép hoạt động v.v

Có thể nói đây là những nội dung cần thiết phải quy định, song nên cân nhắc để có quy định thật rõ ràng, dễ hiểu và phải đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Khoáng sản cũng như Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật này.

2.2. Các quy định về bán đấu giá

Nhận xét chung: Cần rà soát kỹ toàn bộ trình tự, thủ tục bán đấu giá trong Dự thảo Nghị định để đảm bảo thống nhất, phù hợp với quy định của Nghị định 17 và các văn bản pháp luật khác liên quan. Một số điều cụ thể về trình tự, thủ tục bán đấu giá trong Dự thảo (Điều 10, 11, 12, 17, 18) cần được Ban soạn thảo cân nhắc kỹ về tính cần thiết vì Nghị định 17 đã quy định chung, thống nhất về vấn đề này.

- Về giá khởi điểm (Điều 4)

Đề nghị làm rõ căn cứ nào để xác định phần trăm trữ lượng đã được phê duyệt làm giá khởi điểm để bán đấu giá. Hơn nữa, đối với trường hợp chưa thăm dò khoáng sản thì căn cứ nào để xác định giá khởi điểm. Giá khởi điểm cần được quy định thuyết phục hơn, tránh tình trạng quá thấp có thể dẫn tới tiêu cực.

- Về tiền đặt trước (Điều 5 và Điều 6)

Nên quy định thống nhất theo Nghị định 17: từ 1 đến 15% giá khởi điểm, tránh tình trạng với khu vực khai thác có giá trị rất lớn thì mức tiền đặt trước 5% còn quá thấp, chưa đủ ràng buộc trách nhiệm đối với những tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá, họ sẵn sàng bỏ cuộc hoặc tham gia để thông đồng, câu kết với tổ chức khác.

- Về tổ chức bán đấu giá (Điều 11)

Theo quy định tại Nghị định 17 thì mọi cuộc bán đấu giá đều do đấu giá viên điều hành, trừ một số trường hợp. Hơn nữa, nguyên tắc khi xây dựng đã xác định rõ: Nghị định này chỉ quy định những nội dung liên quan đến tính đặc thù khi đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Những nội dung liên quan đến nguyên tắc, trình tự, thủ tục bán đấu giá sẽ được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 17. Việc bán đấu giá quyền khai thác khoáng sản chỉ đặc thù ở khâu trước và sau khi bán đấu giá. Trong quy trình đấu giá không có sự đặc thù so với việc bán đấu giá các loại tài sản, quyền tài sản khác. Vì vậy, quy định về tổ chức bán đấu giá cần thống nhất với quy định chung của Nghị định 17, đó là thông qua tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp, bao gồm: Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản, doanh nghiệp bán đấu giá tài sản thực hiện bán đấu giá theo phương án, kế hoạch đã được phê duyệt.

Hội đồng đấu giá quyền khai thác khoáng sản cũng giống như các lĩnh vực khác chỉ được thành lập trong trường hợp đặc biệt theo Điều 20 Nghị định 17: để bán đấu giá tài sản nhà nước có giá trị lớn, phức tạp hoặc trong trường hợp không thuê được tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp thực hiện. Như vậy, nếu quy định như Dự thảo Nghị định hiện nay thì không tách bạch được vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước khi tham gia vào Hội đồng đấu giá. Trong khi Nghị định 17 đã tạo ra mô hình chuyên nghiệp trong dịch vụ bán đấu giá tài sản với 63 Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản thuộc 63 tỉnh, thành phố, khoảng 100 doanh nghiệp bán đấu giá, nếu không sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp mà vẫn tiếp tục duy trì các Hội đồng là hình thức tổ chức bán đấu giá duy nhất thì khó có thể thoát khỏi cơ chế “xin-cho” trong lĩnh vực này.

Nên chăng Dự thảo Nghị định có quy định rõ trường hợp nào là có giá trị lớn, phức tạp, từ đó mới có cơ sở thành lập Hội đồng đấu giá quyền khai thác khoáng sản trong một số trường hợp đặc biệt nhất định.

- Về phí, chi phí bán đấu giá (Điều 10)

Quy định tại khoản 2 Điều 10 Dự thảo chưa rõ và chưa chính xác. Trong trường hợp đấu giá quyền khai thác khoáng sản do tổ chức đấu giá chuyên nghiệp thực hiện thì cần bổ sung quy định về phí bán đấu giá, ngoài khoản phí tham gia đấu giá (phí hồ sơ). Hiện nay, vấn đề phí bán đấu giá đang được thực hiện theo Thông tư số 96/2006/TT-BTC của Bộ Tài hướng dẫn mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí đấu giá. Vấn đề phí, chi phí bán đấu giá quyền khái thác khoáng sản cũng cần được thực hiện thống nhất theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

- Về việc thông báo, niêm yết bán đấu giá và các mốc thời gian trong đấu giá (Điều 14, Điều 21)

Quy định tại Điều 14 chưa logic, thậm chí mâu thuẫn với Điều 21 Dự thảo về cách tính thời hạn. Liên kết 2 Điều này thì có thể hiểu là phải thông báo, niêm yết việc bán đấu giá trước ít nhất là 30 ngày. Bởi vì, nếu cộng dồn các thời hạn tại Điều 21 thì quy trình này có thể kéo dài hơn 4 tháng (?)

Về địa điểm, nội dung niêm yết, thông báo, cần đối chiếu thêm với Điều 28 Nghị định 17 để đảm bảo tính thống nhất, chặt chẽ hơn. VD: niêm yết tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn nơi có khoáng sản được đấu giá quyền khai thác; địa điểm, thời hạn đăng ký hồ sơ tham gia.

- Về Điều 16 Dự thảo: Nên sử dụng thuật ngữ “tham gia” thay cho “tham dự” để thể hiện đúng vai trò, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong phiên đấu giá. Bởi vì, ngoài những người có đủ điều kiện tham gia đấu giá, còn có đối tượng khác có thể tham dự phiên đấu giá theo quy định của pháp luật. Khoản 3 Điều này chưa nêu rõ khoảng cách của mỗi lần thông báo (sau 03 lần thông báo ...).

- Về Điều 17 Dự thảo: Nên quy định mỗi tổ chức tham gia đấu giá chỉ được cử 01 người tham gia phiên đấu giá, tránh tình trạng gây lộn xộn, thông đồng, khó kiểm soát trong phiên đấu giá.

- Kỹ thuật soạn thảo văn bản: Cần rà soát kỹ để đảm bảo chuẩn xác và logic về thuật ngữ trong toàn bộ văn bản. VD: Điều 19- Tên gọi chưa thống nhất với nội dung, nên sửa thành Phê duyệt kết quả đấu giá; Điều 3 khoản 1 – Thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản.

Dương Thu Phương

Trưởng phòng

Phòng Quản lý bán đấu giá tài sản,

Trọng tài thương mại

Vụ Bổ trợ tư pháp- Bộ Tư pháp

Tel: 0904261682, email:phuongdt@moj.gov.vn



[1] Ở đây, chúng tôi tạm thời phân tách như vậy để thuận tiện cho việc bình luận, góp ý Dự thảo Nghị định.

Các văn bản liên quan