Giải quyết tranh chấp thương mại và thương mại quốc tế

Thứ Sáu 15:54 26-05-2006
Giải quyết tranh chấp thương mại và thương mại quốc tế

Th.s Dương Quốc Thành
Thẩm phán Toà án Nhân dân quận Hai Bà Trưng


Ngày nay, sự giao lưu và hợp tác kinh tế, hoạt động thương mại trong nước và giữa các nước ngày một nhiều. Có nhiều hoạt động thương mại cũng đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều tranh chấp phát sinh. Có thể nói rằng các bên tham gia thương mại và thưong mại quốc tế thường chọn trọng tài thương mại để giải quyết hơn là toà án. Bài viết này, do đó, chủ yếu đề cập đến trọng tài thương mại như một phương thức giải quyết tranh chấp thương mại và thương mại quốc tế chủ yếu. Các vấn đề như thoả thuận trọng tài, việc công nhận và cho thi hành quyết định trọng tài được phân tích. Bài viết đồng thời đưa những thông tin về các hiệp dịnh thương mại, hiệp định khuyến khích đầu tư và các cách thức giải quyết tranh chấp có liên quan được đề cập trong các văn bản này.

Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại

Có rất nhiều giấy mực đã viết về lợi thế khi lựa chọn trọng tài chứ không phải là toà án để giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế, song chủ yếu những ưu điểm sau đây được đề cập. Thứ nhất, dù trọng tài thương mại có thể là dạng vụ việc (ad hoc) hay trọng tài của các trung tâm trọng tài quy chế, thì thường cũng sẽ là các trọng tài không cùng quốc gia của các bên có liên quan trong tranh chấp, do đó các bên dường như tin tưởng hơn ở mức độ vô tư khi giải quyết vụ việc. Thứ hai, việc giải quyết tại trọng tài được các bên tin tưởng hơn về góc độ chuyên môn. Đó là vì khi lựa chọn các trung tâm trọng tài hay các trọng tài viên, các bên đều có thể yên tâm vì các trọng tài thương mại là những người có kiến thức và kinh nghiệm về thương mại quốc tế. Thứ ba, việc giải quyết tại trọng tài là một quá trình kín, do đó các bên giữ được bí mật trong việc làm ăn của mình cũng như uy tín của mình với các đối tác khác, tránh bị coi là đang phải theo kiện. Thứ tư, giải quyết tại trọng tài được xem là tiêu tốn ít thời gian hơn là việc kiện tụng tại toà án. Quyết dịnh của trọng tài là quyết định cuối cùng và không có quyền kháng cáo. Điểm cuối cùng rất quan trọng là, thực tiễn trên thế giới đều thừa nhận việc phần lớn các quyết định của trọng tài được thi hành một cách tự nguyện.

Trọng tài ad hoc là loại trọng tài đặc biệt, được thành lập để giải quyết một vụ việc nhất định và giải tán khi giải quyết xong vụ việc đó. Đặc điểm của loại trọng tài này là không có trụ sở, không phụ thuộc vào bất kỳ quy tắc xét xử nào và việc xét xử thường được tiến hành bởi một trọng tài duy nhất.

Các tổ chức trọng tài quy chế hay các trung tâm trọng tài thương mại lớn trên thế giới phần lớn được thành lập bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp. Các trung tâm trọng tài này, do đó, có trụ sở cố định, hoạt động theo điều lệ riêng của mình. Các trung tâm này hoạt động trong khuôn khổ của Luật trọng tài là luật của quốc gia nơi đặt trung tâm trọng tài có quy định tương đồng với Luật mẫu trọng tài của Ủy ban luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc (UNCITRAL) ban hành năm 1985. Các trung tâm có quy tắc tố tụng riêng của mình. Có rất nhiều trung tâm trọng tài nổi tiếng như: Toà án trọng tài quốc tế thuộc Phòng Thương mại quốc tế (ICC) có trụ sở tại Paris, Pháp; Hiệp hội trọng tài Mỹ (AAA); Trọng Tài quốc tế Singapore, Hồng kông và các trung tâm khác. Các loại trọng tài nêu trên chỉ giải quyết các tranh chấp thương mại trong đó có thương mại quốc tế.

Tranh chấp thương mại quốc tế được hiểu là các tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại quốc tế. Như vậy có hai khái niệm cần làm rõ, đó là thương mại và quốc tế. Khái niệm hay định nghĩa về thương mại cần trước hết dựa vào các quy định của luật có liên quan, ví dụ, Luật thương mại của Việt Nam quy định tại Điều 45 chỉ có 14 hành vi thương mại.

Song theo Pháp lệnh trọng tài thương mại định nghĩa thì hoạt động thương mại rộng hơn nhiều, đó là việc thực hiện một hay nhiều hành vi thương mại của cá nhân, tổ chức kinh doanh bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ; phân phối; đại diện, đại lý thương mại; ký gửi; thuê, cho thuê; thuê mua; xây dựng; tư vấn; kỹ thuật; li xăng; đầu tư; tài chính; ngân hàng; bảo hiểm; thăm dó, khai thác; vận chuyển hàng hoá, hành khách bằng phương tiện hàng không, đường biển, đường sắt, đường bộ và các hành vi thương mại khác theo quy định của pháp luật.

Do đó, có thể nói cách định nghĩa về hoạt động thương mại như tại khoản 1 Điều 8 của Dự Thảo là hợp lý hơn và phù hợp với xu thế hiện nay của hoạt động thương mại và thương mại quốc tế.

Khái niệm Quốc tế được thừa nhận rộng rãi đó là các bên có địa điểm kinh doanh hay trụ sở ở những nước khác nhau. Song không chỉ có thế phải dựa vào các quy định cụ thể của từng nước. Theo luật của Pháp, một hợp đồng được coi là hợp đồng quốc tế sẽ phải thỏa mãn hai tiêu chí (a) đó là phải có sự chuyển dịch của hàng hóa, dịch vụ hay tiền vốn từ một nước này sang một nước khác; thậm chí các bên trong hợp đồng có thể là công dân hay pháp nhân của cùng một quốc gia; và (cool.gif đó là quan hệ hợp đồng mà có thể liên quan đến thẩm quyền của nhiều cơ quan tài phán có liên quân đến địa điểm ký kết hợp đồng, địa điểm thực hiện hợp đồng hay do các bên trong hợp đồng có quốc tịch khác nhau. Tương tự, theo định nghĩa mà Mỹ thừa nhận được đưa ra trong các phán quyết của Tòa Tối cao thì các yếu tố để xem xét tính quốc tế của các hợp đồng có thể bao gồm: quốc tịch của các bên tham gia, đối tượng của hợp đồng (ví dụ bán hàng ở nước ngoài hay hành vi chủ yếu của một bên được thực hiện ở nước ngoài cũng như các tiêu chí như mục tiêu hướng tới của hợp đồng hay địa điểm đàm phán và ký kết hợp đồng ở nước ngoài. Thêm nữa, các Nguyên tắc của UNIDROIT về Hợp đồng Thương mại quốc tế mới được đưa ra năm 2004 bởi Viện Quốc tế vì sự Thống nhất về Tư pháp đã định nghĩa về hợp đồng quốc tế dựa trên các tiêu chí từ cụ thể như địa điểm thực hiện việc kinh doanh hay nơi cư trú của các bên ở các nước khác nhau cho đến các tiêu chí chung chung hơn như hợp đồng liên quan đến nhiều nước hay liên quan đến việc chọn luật áp dụng của nhiều quốc gia khác nhau.

Thoả thuận trọng tài
Không phải khi nào các bên cũng có quyền đưa vụ tranh chấp ra trọng tài để giải quyết mà cần có điều kiện tiên quyết là các bên phải có Thoả thuận trọng tài, trong đó lựa chọn trọng tài là cơ quan giải quyết tranh chấp. Điều đó có nghĩa là nếu không có thoả thuận trọng tài thì không thể có việc giải quyết bằng trọng tài. Thoả thuận trọng tài thường được các bên đưa vào hợp đồng thương mại hay đầu tư song cũng có thể là một thoả thuận riêng biệt song đều phải dưới hình thức văn bản. Hơn nữa, thoả thuận trọng tài cũng có thể được các bên xác lập, thoả thuận ngay cả khi đã có tranh chấp phát sinh chứ không chỉ từ khi ký kết hợp đồng.

Trong thực tế, có rất nhiều các quan điểm về tính hợp pháp của thoả thuận trọng tài. Có quan điểm cho rằng, các bên chỉ cần nhắc đến việc đưa tranh chấp ra “trọng tài” là đủ hình thành thoả thuận trọng tài và cho trọng tài có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, mặc dù các bên không đề cập hay chỉ ra tổ chức trọng tài quy chế nào hay trọng tài cụ thể nào sẽ giải quyết tranh chấp. Những người ủng hộ quan điểm này cho rằng cần phải hiểu như vậy bởi lẽ ý chí của các bên khi có thoả thuận giải quyêt bằng trọng tài thì điều quan trọng nhất là các bên đã lựa chọn cho họ cơ quan giải quyết tranh chấp là “trọng tài” và ngay lập tức loại trừ thẩm quyền của cơ quan tư pháp là toà án đối với tranh chấp.

Tuy nhiên, cũng có quan điểm khác cho rằng, thoả thuận trọng tài cần phải cụ thể hơn, cần chỉ ra và chỉ ra chính xác tên tổ chức trọng tài hay loại trọng tài sẽ giải quyết tranh chấp. Nếu không thoả mãn yêu cầu này, thoả thuận trọng tài có thể bị coi là vô hiệu. Quan điểm này dường như không nhận được nhiều sự ủng hộ do việc các doanh nhân hay pháp nhân dường như chưa thực sự sẵn sàng lựa chọn cụ thể tổ chức trọng tài hay trọng tài vụ việc khi ký kết hợp đồng. Song những người ủng hộ quan điểm này cho rằng đó là nghĩa vụ của các bên khi tham gia hợp đồng, họ phải tuân thủ các yêu cầu của luật pháp, đó là họ được quyền lựa chọn cơ quan tài phán song nếu sự lựa chọn đó không cụ thể thì rất có thể sự lựa chọn đó sẽ không được công nhận và khi đó, thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp sẽ thuộc về toà án.

Toà án sẽ nhìn nhận như thế nào về hai quan điểm trên khi xem xét tính hợp pháp của thoả thuận trọng tài. Một thoả thuận trọng tài liệu có bị coi là vô hiệu nếu không nêu được cụ thể tổ chức trọng tài nào hay trọng tài vụ việc (ad hoc) sẽ giải quyết vụ tranh chấp. Như trên đã nêu, đây là điểm hiện còn tranh cãi khi xem xét tính hợp pháp của thoả thuận trọng tài. Theo quan điểm cá nhân, một thoả thuận trọng tài sẽ được coi là hợp pháp nếu thoả mãn được điều kiện về mặt hình thức là một thoả thuận viết và có nội dung nêu được là “các tranh chấp phát sinh sẽ được giải quyết bằng trọng tài”. Tất nhiên, cùng với sự phát triển của thương mại, các tranh chấp sẽ xảy ra nhiều hơn và để giảm thiểu sự tranh chấp, tôi đồng thời ủng hộ việc các bên khi tham gia hợp đồng nên dự liệu trước tổ chức hay loại trọng tài hay cơ quan tài phán nhất định sẽ giải quyết các tranh chấp phát sinh.

Như vậy Thẩm phán cần biết trước hết về thẩm quyền của Toà án, đó là khi các bên trong các quan hệ thương mại, đầu tư lựa chọn Toà án là cơ quan giải quyết tranh chấp hoặc các bên không có thoả thuận trọng tài. Khi toà án giải quyết vụ tranh chấp cần phải nắm được luật quốc gia và cả luật pháp quốc tế, bao gồm các điều ước, công ước và các hiệp định có liên quan cũng như các tập quán quốc tế được thừa nhận một cách rộng rãi. Xử lý tốt trường hợp áp dụng luật nước ngoài khi các bên trong hợp đồng chọn luật nước ngoài để điều chỉnh hợp đồng họ đã ký kết.

Nếu các bên có thoả thuận trọng tài hợp pháp thì Toà án phải từ chối thụ lý vụ án. Toà án có thể xem xét thoả thuận trọng tài khi các bên trong hợp đồng có tranh chấp về diểm này. Song khi xem xét về thoả thuận trọng tài cần phải có cách nhìn phù hợp về thoả thuận trọng tài, chỉ cần các bên có thoả thuận bằng văn bản và thể hiện việc sẽ dùng trọng tài để giải quyết tranh chấp là thoả thuận trọng tài đó hợp pháp và phải được tôn trọng.

Quan hệ giữa toà án và trọng tài thương mại

Khi vụ tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài Thương mại Việt Nam, Toà án Việt Nam phải có sự hỗ trợ cho trọng tài theo Pháp lệnh trọng tài Thương mại như việc xem xét thoả thuận trọng tài hay áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Công nhận và cho thi hành quyết định trọng tài

Một trong những điểm quan trọng cần tìm hiểu liên quan đến trọng tài thương mại là việc công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài theo Công ước New York 1958 và Pháp lệnh công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam 1995. Việt Nam đã tham gia Công ước này vào ngày 28/7/1995 và sau đó Pháp lệnh công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài đã được thông qua và công bố ngày 27/9/1995.

Phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh này và các quy định có liên quan đến việc công nhận và cho thi hành các quyết định củan trọng tài nước ngoài hay trọng tài quốc tế. Điểm cần đặc biệt lưu ý đây là thủ tục công nhận và cho thi hành chứ không phải giải quyết lại vụ án tại Toà án. Toà án không xét xử lại vụ án và cũng không như một Toà cấp phúc thẩm xem xét quyết định trọng tài.

Có thể nói rằng việc thông qua Pháp lệnh trên là nhằm “nội luật hoá” các quy định của Công ước New York 1958 và quy định về thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của trọng tài nước ngoài. Có ba điểm cần nhấn mạnh trong các quy định của Pháp lệnh về phạm vi điều chỉnh. Thứ nhất, pháp lệnh này áp dụng cho việc xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của trọng tài nước ngoài. Khái niệm "Quyết định của Trọng tài nước ngoài" được hiểu là quyết định được tuyên ở ngoài lãnh thổ Việt Nam và bao gồm quyết định của Trọng tài được tuyên tại lãnh thổ Việt Nam, nhưng không do Trọng tài Việt Nam tuyên. Như vậy, các quyết định của các trung tâm trọng tài được thành lập và hoạt động tại Việt Nam sẽ không nằm trong phạm vi điều chỉnh của pháp lệnh.

Thứ hai, pháp lệnh này chỉ áp dụng cho việc xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài thương mại, có thể là các tổ chức hay trung tâm trọng tài quy chế hay trọng tài vụ việc (ad hoc). Khái niệm thương mại có thể được hiểu theo các cách định nghĩa của các luật có liên quan hay có thể hiểu theo nghĩa rộng. Bởi hiện nay, theo Luật thương mại, khái niệm này sẽ hẹp hơn so với các cách hiểu về thương mại của các nước và theo các quy định thường gặp của các văn bản Luật, chúng ta luôn thừa nhận việc nếu các quy định của Luật trong nước, nếu trái với các hiệp định hay điều ước mà Việt Nam tham gia, các quy định tại các hiệp định hay điều ước sẽ có hiệu lực pháp lý cao hơn.
Điều này là rất quan trọng khi các Toà án xem xét việc công nhận và cho thi hành các quyết định của trọng tài nước ngoài khi xem xét các quyết định ấy có phải thuộc về các quyết định trọng tài về thương mại hay không. Nói cách khác, không chỉ xem xét tiêu chuẩn “thương mại” theo các quy định của Luật Việt Nam, Toà án cần phải mở rộng xem xét các quy định hay định nghĩa thương mại trong các hiệp định và điều ước có liên quan mà Việt Nam tham gia hay ký kết có liên quan đến vụ việc. Đáng lưu ý là cho đến khi Pháp lệnh trọng tài Thương mại được ban hành và có hiệu lực thì khái niệm thương mại hay hành vi thương mại đã được mở rộng rất nhiều.

Thứ ba, không chỉ cho công nhận và thi hành các quyết định của trọng tài nước ngoài thuộc các nước thành viên của công ước New York 1958, Việt Nam còn công nhận và cho thi hành quyết định của trọng tài thuộc các nước không phải là thành viên của công ước trên cơ sở có đi có lại. Do đó, khi xem xét các quyết định cũng cần lưu ý để có thể biết được quyết định của trọng tài tại quốc gia nào sẽ thuộc thẩm quyền của Toà án Việt Nam, mặc dù quốc gia đó chưa ký kết, tham gia vào công ước New York 1958.

Một điểm nữa cần lưu ý là cùng với đơn xin công nhận quyết định trọng tài được gửi đến toà án qua Bộ tư pháp, cá nhân hay pháp nhân là người được thi hành còn phải nộp các giấy tờ khác trong đó có:

a. Bản gốc hoặc bản sao quyết định của Trọng tài nước ngoài đã được chứng thực phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam;
b. Bản gốc hoặc bản sao: Thoả thuận trọng tài đã được chứng thực phù hợp với quy định của pháp lệnh Việt Nam.

Các trường hợp Toà án không công nhận quyết định trọng tài được quy định tại điều 16 Pháp lệnh và gần như nhắc lại quy định tương tự của Công ước New York 1958, trong đó có 6 trường hợp Toà án sẽ ra quyết định không công nhận quyết định trọng tài khi bên phải thi hành chứng minh được cho các trường hợp này và có 2 trường hợp toà án sẽ tự mình xem xét và ra quyết định. Hiện mới chỉ có một số lượng rất ít các quyết định của Trọng tài quỗc tế được công nhận và thi hành tại Việt Nam.
Tại Việt Nam trước đây, trọng tài kinh tế, khi ra quyết định phải dựa váo sự tự nguyện thi hành của các bên. Nếu các bên không tự nguyện thi hành thì vụ việc sẽ được đưa ra Toà kinh tế để giải quyết. Đối với Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam thì việc thi hành phán quyết tại Việt Nam chỉ dựa vào sự tự nguyện của bên phải thi hành. Bởi lẽ, sau khi giải quyết tại Trung tâm trọng tài này, các bên không có quyền kiện ra toà án song Toà án Việt Nam lại không có thẩm quyền công nhận và cho thi hành tại Việt Nam các quyết định của trung tâm trọng tài này. Điều bất cập này chỉ được giải quyết khi có Pháp lệnh trọng tài Thương mại, có hiệu lực từ 1/7/2003, quy định việc quyết định của trọng tài thương mại Việt Nam cũng được Toà án Việt Nam công nhận và cho thi hành, trong đó có quyết định củaTrung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam.

Hiện vẫn còn tồn tại những điểm chưa hợp lý trong quy định của việc công nhận và thi hành quyết định của trọng tài thương mại Việt Nam. Bởi khác với quy định về công nhận và cho thi hành theo Công ước New York 1958 và Pháp lệnh công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam 1995, tại Pháp lệnh trọng tài thương mại lại đưa ra thủ tục “huỷ quyết định trọng tài”. Theo đó, thay vì cho phép bên được thi hành yêu cầu toà án công nhận và cho thi hành quyết định trọng tài, Pháp lệnh cho phép bên phải thi hành được đề nghị Toà án huỷ quyết định trọng tài. Khi Toà án không chấp nhận yêu cầu huỷ quyết định trọng tài, quyết định sẽ được cho thi hành và đảm bảo thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự.

Có rất nhiều ý kiến cho rằng đây là một điểm không hợp lý của Pháp lệnh trọng tài Thương mại. Bởi lẽ, theo thông lệ và được quy định tại Công ước New York 1958 và Pháp lệnh công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam 1995 thì thủ tục của Pháp lệnh trọng tài thương mại dường như không được hợp lý. Bởi lẽ, ngay lập tức, bên phải thi hành, nếu không tự nguyện sẽ có được một vũ khí lợi hại trong tay để kéo dài vụ tranh chấp và trì hoãn nghĩa vụ thi hành bằng việc đưa đơn xin huỷ quyết dịnh trọng tài ra Toà án có thẩm quyền. Quy định này đồng thời gây một sự không thống nhất khó hiểu giữa hai pháp lệnh về cùng một thủ tục để quyết dịnh trọng tài được công nhận và cho thi hành. Quan điểm cá nhân là cần sửa đổi quy dịnh về huỷ quyết định trọng tài của Pháp lệnh trọng tài Thương mại theo thủ tục bên được thi hành đề nghị Toà án công nhận và thi hành như quy định tại Công ước New York 1958 và Pháp lệnh công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam 1995.

Giải quyết tranh chấp thương mại tại toà án

Cũng có thể các bên sẽ đưa vụ tranh chấp ra Toà án để giải quyết, lúc đó toà án cần xác định thẩm quyền của toà án. Trong đó phải xem xét có thoả thuận trọng tài hay không, trong trường hợp các bên đã có thoả thuận trọng tài hợp pháp, Toà án sẽ không có quyền thụ lý vụ án. Nếu đã thụ lý vụ án rồi sau đó mới phát hiện có thoả thuận trọng tài thì Toà án phải đình chỉ việc giải quyết vụ án vì không thuộc thẩm quyền, trả lại đơn và hướng dẫn cho đương sự giải quyết tại trọng tài.

Một điểm quan trọng khác là phải xem xét luật áp dụng đã được các bên thoả thuận trong hợp đồng. Đây là một điểm rất khác so với các quy định hiện thời của Việt Nam, bởi lẽ khi một vụ án được giải quyết tại Toà án Việt Nam, dường như đương nhiên luật Việt Nam được áp dụng, kể cả luật tố tụng và luật nội dung. Trong thực tiễn cho thấy, các nước đều thừa nhận rộng rãi việc Toà án quốc gia nào xử thì sẽ áp dụng luật tố tụng của quốc gia đó. Song các bên trong hợp đồng thương mại quốc tế được lựa chọn luật áp dụng cho hợp đồng và do đó, khi xét xử cần phải áp dụng đúng luật mà các bên đã lựa chọn. Trong trường hợp luật mà các bên lựa chọn là luật nước ngoài thì các bên chính là người phải chứng minh, viện dãn luật, như thực hiện nghĩa vụ xuất trình chứng cứ. Nói cách khác, việc viện dẫn luật để chứng minh cho yêu cầu của của mỗi bên trong vụ kiện sẽ là nghĩa vụ của các bên chứ không phải thẩm phán toà án. Vấn đề cần quan tâm của Toà án lúc đó là Thẩm phán và Hội đồng xét xử làm thế nào để có thể có được những kiến thức nhất định về luật nước ngoài hay luật pháp quốc tế, bao gồm cả các tập quán pháp để có thể áp dụng cho đúng và phân xử vụ tranh chấp được công bằng.

Giới thiệu về hiệp định song phương về thương mại và khuyến khích và bảo hộ đầu tư

Trong số các hiệp định song phương, các hiệp định về thương mại và bảo hộ đầu tư có thể được coi là các hiệp định quan trọng nhất. Các hiệp định thương mại thường được ký để thúc đẩy hoạt động thương mại giữa các quốc gia, tạo khung pháp lý để các quốc gia cho các công ty hay pháp nhân của các quốc gia khác được hưởng chế độ Tối huệ quốc và Đối xử công dân. Đồng thời các hiệp định này cũng cam kết không thực hiện các rào cản cho hoạt động thương mại. Hiệp định song phương về bảo hộ đầu tư được ký lại mang một sắc thái khác, nhằm đảm bảo cho nhà đầu tư nước ngoài được yên tâm khi họ đầu tư tại một nước khác.

Việt Nam đã ký nhiều hiệp định song phương về thương mại, khuyến khích và bảo hộ đầu tư trực tiếp nước ngoài, tính nay đã có 51 hiệp định thương mại, hợp tác kinh tế thưong mại, kỹ thuật và 46 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư. Song trong hầu hết các hiệp định về thương mại nói trên, không có các quy định về giải quyết tranh chấp cụ thể trừ hiệp định với Hoa kỳ. Hiệp định thương mại Việt Nam Hoa kỳ, quy định tại Điều 7, Chương I việc các cá nhân hay pháp nhân của cả hai nước được lựa chọn cách thức giải quyết tranh chấp thương mại phát sinh tại Toà án và các cơ quan hành chính hay đưa ra giải quyết tại trọng tài do các bên thoả thuận khi ký hợp đồng hoặc thoả thuận riêng không nằm trong các điều khoản của hợp đồng. Các trung tâm trọng tài được đề cập là những trung tâm trọng tài quy tác thành lập và tuân theo quy tắc của UNCITRAL (uỷ ban Luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc) và sẽ có địa điểm trọng tài tại Việt Nam, Hoa kỳ hay bất kỳ một nước nào khác tham gia Công ước Newyork 1958 về cho công nhận và thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài.

Trong các hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư nêu các cơ quan giải quyết tranh chấp cụ thể, ví dụ Hiệp định giữa CHXHCN Việt Nam và Nhật Bản về Tự do, Xúc tiến và Bảo hộ đầu tư có đưa ra các cách thức giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và Nhà nước sở tại sẽ có thể bằng Trọng tài theo Công ước Washington 1965 hoặc bằng trọng tài theo quy định về thủ tục Trọng tài của Uỷ ban Luật Thương mại quốc tế của Liên hợp quốc, được Uỷ ban này thông qua ngày 28/4/1976. Song các nhà đầu tư cũng có thể lựa chọn Toà án để giải quyết tranh chấp và việc giải quyết của Toà án sẽ có giá trị pháp lý và vụ việc sẽ không được xem xét theo thủ tục trọng tài nữa.

Hiệp định song phương về bảo hộ đầu tư được ký lại mang một sắc thái khác, nhằm đảm bảo cho nhà đầu tư nước ngoài được yên tâm khi họ đầu tư tại một nước khác. Các hiệp định này nhằm đảm bảo cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng được hưởng quy chế tối huệ quốc hay đối xử công dân khi họ tham gia các hoạt động đầu tư ở nước khác. Một điểm quan trọng hơn ở loại hiệp ước này là nhà đầu tư sẽ được nhà nước sở tại nơi họ đầu tư cam kết không quốc hữu hoá hay tịch thu tài sản. Đồng thời, các nhà đầu tư cũng được quyền đưa tranh chấp giữa họ và nhà nước sở tại ra các cơ quan giải quyết tranh chấp để giải quyết, bao gồm cả Toà án và Trọng tài giải quyết các tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và Nhà nước sở tại ICSID, theo Công ước Washington 1965.

Như trên đã đề cập, xem xét theo nghĩa rộng, các hoạt động thương mại bao gồm cả các hoạt động đầu tư, phần tiếp theo sẽ cung cấp các thông tin liên quan các hiệp dịnh song phương về khuyến khích và bảo hộ đầu tư và một cơ quan giải quyết tranh chấp tương đối đặc thù cho các tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và Nhà nước sở tại, trọng tài ICSID.
Hiệp định song phương về bảo hộ đầu tư sớm nhất đã được ký kết cách đây gần 50 năm giữa Cộng hoà Liên bang Đức và Pakistan, các thập kỷ sau đó một loạt các nước châu Tây Âu cũng ký các hiệp định song phương về bảo hộ đầu tư với các nước đang phát triển. Song phải đến cuối những năm 80 của thế kỷ trước thì các hiệp định này mới thực sự được công nhận rộng rãi là phương tiện hữu hiệu cho việc thúc đẩy đẩu tư và là công cụ pháp lý bảo vệ cho các nhà đầu tư. Đến nay, đã có hơn 1100 hiệp định được ký kết giữa 155 nước, trong đó các hiệp dịnh ký sau năm 1987 cho đến nay vào khoảng hơn 800. Trong số các nước này, không chỉ có các hiệp định được ký giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển hay giữa các nước có các nhà đầu tư và các nước nhận đầu tư mà còn được ký kết giữa các nước đang phát triển với nhau. Các hiệp định này, như đã đề cập đều có phần quy định về giải quyết tranh chấp và phần lớn đều có thoả thuận sẽ đưa tranh chấp ra giải quyết tại Trọng tài quốc tế giải quyết các tranh chấp giữa nhà đầu tư nuớc ngoài và nhà nước sở tại (ICSID) được thành lập theo Công ước Washington 1965, có hiệu lực năm 1966.
Giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và Nhà nước sở tại

Việc tham gia vào công ước này là hoàn toàn tự nguyện song một khi các quốc gia đã tham gia thì họ không được rút khỏi công ước. Các quốc gia thành viên, dù không phải là một bên trong tranh chấp vẫn phải tiến hành công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài ICSID.

Một đặc diểm nữa của Trọng tài ICSID là địa diểm trọng tài không chỉ ở tại trụ sở của Trung tâm Trọng tài tại Washington DC, Hoa kỳ mà các bên có thể thoả thuận địa điểm bất kỳ nơi đâu. Bản thân Trung tâm trọng tài cũng đã có sự kết hợp với các Trung tâm trọng tài khác để tạo thuận lợi về địa diểm cho các bên như Toà án trọng tài tại La hay Hà lan, Trung tâm trọng tài Khu vực thuộc Uỷ ban tư vấn pháp lý á-Phi tại Cai rô Ai cập và Kualalumpur Malaysia, Trung tâm trọng tài Thương mại Quốc tế của úc tại thành phố Men-bơn, Úc.

Cho đến nay, đã có 149 nước gia nhập công ước này và thừa nhận thẩm quyền của trung tâm trọng tài ICSID. Song trên thực tế, có thể số vụ việc mà trọng tài này giải quyết là không nhiều, tính đến 2002, chỉ có 103 vụ việc bao gồm cả các việc đã được giải quyết hoặc đang trong quá trình giải quyết. Việt Nam, cho đến nay cũng đã ký tới 46 Hiệp Định khuyến khích và Bảo hộ đầu tư song vẫn nằm ngoài danh sách các nước thành viên tham gia công ước Washington 1965 và công nhận thẩm quyền của Trung tâm trọng tài ICSID.

Kết luận

Nhìn vào Dự thảo Luật thương mại sửa đổi, có thể thấy đây là một công trình lớn và chứa đựng nhiều diểm mới, đặc biệt đưa ra định nghĩa rộng hơn về hoạt động thương mại. Có hoạt động thương mại gia tăng cũng đồng nghĩa sẽ có nhiều tranh chấp phát sinh. Trọng tài và Tòa án đã đang và sẽ là các cơ quan tài phán tham gia vào giải quyết các tranh chấp một cách nhanh chóng, công bằng để góp phần vào việc thúc đẩy thương mại phát triển. Song mặt khác, khi tham gia vào các hoạt động thương mại, các thương gia cũng cần tìm hiểu về các cơ quan tài phán và các quy định có liên quan việc giải quyết tranh chấp để có thể chủ động lựa chọn cho mình cơ quan tài phán cho phù hợp, bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình.
Ngành toà Việt Nam nói chung và các Thẩm phán nói riêng, để đáp ứng được yêu cầu công việc, không còn cách nào khác ngoài việc nâng cao trình độ bằng cách tham gia các khoá đào tạo, cập nhật với các văn bản và điều quan trọng là phải có cách thức nhìn nhận hay tư duy phù hợp với sự thay đổi nhanh chóng hiện nay của các quan hệ thương mại và đi kèm với sự thay đổi ấy là các quy định có liên quan của luật pháp trong nước và quốc tế./.

Các văn bản liên quan