Ngổn ngang thách thức về bảo hộ quyền tác giả

Thứ Sáu 15:54 26-05-2006
Ngổn ngang thách thức về bảo hộ quyền tác giả

Hôm qua, tại Hà Nội, Cục Bản quyền tác giả văn học nghệ thuật Việt Nam và Viện Sở hữu trí tuệ liên bang Thụy Sĩ đã phối hợp tổ chức hội thảo "Quyền tác giả trong môi trường kỹ thuật số" - một vấn đề mới và đặt ra nhiều thách thức tại Việt Nam hiện nay.

Công ước Berne về Bảo hộ các tác phẩm văn học nghệ thuật được thông qua năm 1886 và được sửa đổi thường xuyên để đáp ứng với sự thay đổi về công nghệ trong lĩnh vực ghi âm, điện ảnh, truyền hình… Còn tại VN, theo TS. Vũ Mạnh Chu, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả văn học nghệ thuật, đến năm 1992, khái niệm “Bảo hộ quyền tác phẩm” lần đầu tiên được chính thức đưa vào Hiến pháp và đến 24/10/2004, Công ước Berne mới chính thức có hiệu lực.

Tuy tham gia muộn nhưng công ước Berne đã có những tác động rõ rệt đến ngành xuất bản VN. Năm 2005, số lượng đầu sách dịch các tác phẩm nước ngoài chỉ chiếm 50% cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này, theo ông Chu, một mặt phản ánh những tác động tích cực của một công ước quốc tế, mặt khác đặt ra những thách thức, yêu cầu các nhà xuất bản cần năng nổ hơn nữa trong việc giao dịch tác quyền nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức các ấn phẩm văn hóa ngoại của bạn đọc.

Ngày 6/7 vừa qua, công ước Geneva có hiệu lực tại VN nhưng so với công ước Berne, công ước này chưa có nhiều ảnh hưởng đến thị trường các sản phẩm ghi âm. Ông Chu thừa nhận, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có sự xâm hại lớn nhất các chương trình ghi âm. Ông lấy dẫn chứng, một bản nhạc chuông tải về điện thoại, người sử dụng phải trả 2.000 đồng cho các công ty ứng dụng công nghệ chứ Trung tâm bảo hộ quyền tác giả âm nhạc của nhạc sĩ Phó Đức Phương không nhận được đồng nào.

Lý giải cho tình trạng này, các ý kiến phát biểu tại hội thảo thừa nhận, cả 3 yếu tố đảm bảo cho việc thực thi nghiêm chỉnh quyền tác giả tại VN gồm: ý thức chủ thể, Hệ thống pháp luật và Cơ chế thực thi đều thiếu và yếu. Việt Nam đang phải đối mặt với ngổn ngang những thách thức về bảo hộ quyền tác giả. Trong nhiều yếu tố thể hiện sự ý thức chưa đầy đủ của những chủ thể sáng tạo ở VN về tác quyền, theo Giám đốc Trung tâm tin học Bộ Văn hóa Thông tin Mai Linh, có sự tác động của tâm lý hư danh, đề cao khía cạnh tinh thần của người Việt. Ông cho rằng, người VN nói chung nặng về hư danh và có tâm lý ngại đề cập đến tiền bạc, do đó chưa có sự đấu tranh triệt để cho quyền lợi chính đáng về tác quyền của mình.

Bên cạnh đó là sự chưa hoàn thiện của hệ thống luật pháp và cơ chế thực thi tại VN. Khi được hỏi liệu mức xử phạt hành chính tối đa là 200 triệu đồng có phải là mức trần quá thấp so với lợi nhuận thu được từ những hành vi xâm phạm tác quyền, ông Vũ Mạnh Chu cho biết, ngoài việc xử phạt hành chính, căn cứ vào mức độ vi phạm, các cơ quan thực thi pháp luật còn áp dụng những biện pháp như tịch thu sản phẩm vi phạm, tước giấy phép kinh doanh… Và như thế, các chế tài này cần đi kèm với những cơ chế thực thi thật sự nghiêm minh.

Góp ý cho các vấn đề về bảo hộ bản quyền tại Việt Nam, TS. Emanuel Mayer, Cố vấn pháp luật Viện Sở hữu trí tuệ liên bang Thụy Sĩ, băn khoăn, liệu Luật sở hữu trí tuệ VN có phân biệt rõ sự khác nhau giữa bảo hộ quyền tác giả toàn bộ tác phẩm với bảo hộ ý tưởng trong tác phẩm, phân biệt hành vi vi phạm vì mục đích thương mại và các mục đích thông thường khác…

Tuy là hội thảo về quyền tác giả trong môi trường kỹ thuật số nhưng tham luận của các báo cáo viên mới chỉ dừng lại ở việc thống kê nội dung các bộ luật về quyền tác giả, than vãn về tình trạng vi phạm bản quyền ở Việt Nam và bước đầu đề cập đến những thách thức đặt ra về vấn đề bảo hộ bản quyền trên Internet. Trong khi đó, những kinh nghiệm của các quốc gia khác do các chuyên gia đưa ra chỉ mang tính tham khảo vì còn có độ vênh nhất định với thực tiễn ở VN.

Lưu Hà - Theo Vnexpress ngày 07/12/2005

Các văn bản liên quan