Để xứng tầm Luật Doanh nghiệp thống nhất

Thứ Sáu 10:02 26-05-2006
Để xứng tầm luật thống nhất

Huy Nam, Chuyên viên kinh tế và chứng khoán TPHCM
Đăng tại Thời báo Kinh tế Sài gòn số 33-2005 (765), Ngày 11-8-2005



Bản dự thảo mới nhất (tháng 7-2005) của Luật Doanh nghiệp (thống nhất) tuy đã đi được một bước dài so với Luật Doanh nghiệp 1999, nhưng không phải không còn những chi tiết cần hoàn thiện. Bài viết này chỉ xin nêu một số ý.

Theo quy định về đăng ký kinh doanh (ĐKKD) thì trên giấy chứng nhận ĐKKD cấp cho công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) và cổ phần đều phải ghi tên cụ thể người đại diện theo pháp luật của công ty. Điều này nghe có vẻ hợp lý nhưng có thể lại không phải cách.

Người đại diện theo pháp luật có thể là chủ tịch (hội đồng thành viên - nếu là công ty TNHH, hội đồng quản trị - nếu là công ty cổ phần) hay tổng giám đốc (TGĐ). Trường hợp TGĐ là người đại diện và vào thời điểm đăng ký nếu công ty chưa chọn được TGĐ (điều này dễ có), thì lấy tên cụ thể đâu để ghi trên giấy chứng nhận ĐKKD? TGĐ lại có thể là người dễ ở dễ đi (họ làm thuê), vậy ta ghi cụ thể tên ai đó vào tờ giấy khai sinh doanh nghiệp có phải là cách ổn? Trường hợp cương vị TGĐ chưa được xác định (ví dụ quyền TGĐ hay hợp đồng thử việc) thì chẳng lẽ giấy đăng ký sẽ phải chạy theo! Tình trạng cũng tương tự khi công ty chọn chủ tịch hội đồng quản trị (hay hội đồng thành viên) là người đại diện. Nhiệm kỳ của người này về lý thuyết chỉ có ba năm, vậy thì luật có dự liệu cứ mỗi ba năm sẽ thay giấy ĐKKD?

Thật ra, chỉ cần ghi trên giấy ĐKKD chức danh người đại diện theo pháp luật (chủ tịch hội đồng quản trị/hội đồng thành viên hay TGĐ) thôi, còn tên cụ thể và các thông tin khác của người giữ nhiệm vụ đó sẽ được thực hiện bằng văn bản. Cách làm này hợp lẽ hơn vì ta loại trừ được một yếu tố động dễ làm cho cái bằng chứng pháp lý của doanh nghiệp (giấy ĐKKD) mau bị mất giá trị! Như vậy, chỉ khi nào công ty có những thay đổi quan trọng về vốn (hay số cổ phần được phép phát hành) theo điều lệ, về tên công ty, mục tiêu... thì mới cần đăng ký xin cấp chứng nhận ĐKKD mới. Hơn nữa, thủ tục đăng ký kinh doanh cũng đã có đầy đủ thông tin của những người sáng lập thì chẳng lo chuyện không nắm được tóc, đặc biệt đối với giai đoạn thành lập công ty.

Trong dự thảo cũng chưa có sự rõ ràng, thậm chí lẫn lộn giữa các nội dung cần đăng ký, đăng ký lại, hay chỉ cần công bố. Chẳng hạn, việc đổi văn phòng đại diện, chi nhánh, thay đổi liên quan đến cổ đông sáng lập, thay đổi lượng cổ phần chưa chào bán trong tổng lượng cổ phần được quyền chào bán... có thể chỉ cần buộc công bố là đủ, thì nay chưa được quy định rõ ràng. Việc thay đổi vốn góp đủ (tổng số tiền thực góp của cổ đông), trong các trường hợp số liệu vốn quan trọng này có biến động, cũng chưa được nêu thành tiêu chí phải công bố, công khai bắt buộc, trong dự luật.

Đối với công ty cổ phần, cả dự thảo luật mới và luật cũ đều chỉ cho các cổ đông sáng lập được sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết có ba năm. Đối với các nhà tạo lập doanh nghiệp vừa trải qua giai đoạn khởi đầu nan, hay sẽ tiếp tục chịu thử thách trước đầu sóng ngọn gió trong chiến lược phát triển lâu dài, thì điều này có vẻ kém động viên. Doanh nghiệp lại rất cần những nhà tiên phong gắn bó lâu dài. Thời gian ba năm có thể chưa hết lỗ hay chỉ mới ổn định. Mới dễ thở hơn thôi mà phải chịu bình đẳng như người góp vốn đơn thuần (cổ phần phổ thông) có thể là chuyện không công bình. Ta gọi là cổ phần ưu đãi biểu quyết nhưng thực ra ở đây không hàm ý ưu đãi (preference). Đúng ra đây chỉ là loại cổ phần phổ thông có thêm đặc quyền biểu quyết (controlling voting rights), là loại cổ phiếu phổ thông hạng A (class A) mà nhiều nước vẫn thường áp dụng, và ta cũng có thể chế định để áp dụng.

Trong các quy định liên quan đến cổ phiếu, dự thảo lần này vẫn còn dùng khái niệm cổ phiếu ghi tên và không ghi tên là điều đáng tiếc. Vì nó mơ hồ và bất khả thi. Lại có cả khái niệm trao tay trong nội dung về chuyển nhượng cổ phiếu. Điều này thêm khó hiểu, dễ gây tùy tiện. Trong thực tế không có cổ phiếu nào là không ghi tên cả. Và cũng không có việc mua bán hay chuyển nhượng cổ phiếu theo cách chỉ trao tay như tiền, vàng hay vé đá banh. Không ghi tên và trao tay là điều không có thật, chẳng ai làm, và cũng không thể làm. Nhưng vì luật nói thế nên ai cũng cứ thế bê nguyên vào điều lệ, để rồi lúng túng và lắm khi ngộ nhận, tranh cãi. Nếu ý chính ở đây chỉ là sự chế định việc phải nắm giữ hay tự do chuyển nhượng cổ phiếu thì văn luật nên dùng khái niệm hạn chế (restricted). Riêng việc chuyển nhượng cổ phiếu thì nhất thiết phải qua thủ tục, tại công ty hay tổ chức lưu ký và thanh toán bù trừ.

Đối với loại hình hợp danh, dự luật chưa phân định rõ loại doanh nghiệp hợp danh thuần túy (general partnership) và hợp danh hữu hạn (limited partnership), để từ đó có các chế định khác nhau về lĩnh vực tổ chức điều hành, thuế, chi phí... Tương tự là các nội dung có tính phân định về lợi thế hay các đặc trưng tương thích (cơ sở lý giải sự hơn kém) của từng loại hình doanh nghiệp nhằm phục vụ cho sự chọn lựa đa dạng của nhiều đối tượng kinh doanh. Cụ thể hơn, điều gì làm cho người này chọn công ty TNHH một thành viên, người kia lại chọn doanh nghiệp tư nhân; hay giữa doanh nghiệp hợp danh và TNHH?... Những tình tiết này nếu tải được trong luật là tốt nhất, còn nếu không thì cũng nên chuẩn bị thật chuẩn, thật tốt trong các văn bản dưới luật.

Yêu cầu về độ chuẩn của ngôn từ, sự rõ ràng, mạch lạc và ăn khớp giữa các điều luật với toàn khung luật, mức độ chính xác và bao quát của các nội dung chuyên ngành... đối với một dự án luật tầm vóc như Luật Doanh nghiệp (thống nhất) đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục nỗ lực để hoàn chỉnh.

Các văn bản liên quan