“Cty người nhà”: chưa có giải pháp ngăn chặn

Thứ Sáu 10:01 26-05-2006
“Công ty người nhà”: chưa có giải pháp ngăn chặn

Thái Thanh - Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Từ vụ Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng nhà và đô thị (HUD) bị bắt đến vụ điện kế điện tử tại Công ty Điện lực TPHCM hay vụ hồ sơ mời thầu bị lộ ra ngoài ở dự án Nhà máy Xi măng Hải Phòng - tất cả đều có chung một tình trạng: lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước đã “giao” những hợp đồng cho các công ty tư nhân thực hiện. Những công ty tư nhân đó đều do người thân, vợ, con của lãnh đạo chủ đầu tư thành lập.

Một quan chức của Vụ Đổi mới doanh nghiệp, thuộc Văn phòng Chính phủ, nói rằng hiện tượng lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ký kết các hợp đồng mang tính tư lợi với các doanh nghiệp tư nhân của vợ, con mình là hiện tượng khá phổ biến hiện nay. “Thực tế còn nhiều vụ như thế nữa nhưng chúng ta chưa phát hiện được thôi”, quan chức trên nói.

Điều 36 của Luật DNNN quy định chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT), thành viên HĐQT, tổng giám đốc DNNN chỉ được giữ các chức danh quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty có vốn đầu tư nước ngoài khi được công ty, tổ chức nhà nước có thẩm quyền giới thiệu ứng cử vào các chức danh quản lý hoặc cử làm đại diện của công ty đối với phần vốn góp vào các doanh nghiệp đó.

Điều 36 còn nói rằng, vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT, tổng giám đốc DNNN không được giữ chức danh kế toán trưởng, thủ quỹ tại cùng công ty.

Hợp đồng kinh tế, lao động, dân sự của DNNN ký kết với vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh chị em ruột của thành viên HĐQT, tổng giám đốc phải được thông báo cho người bổ nhiệm thành viên HĐQT, tổng giám đốc, người ký hợp đồng thuê tổng giám đốc biết. Trường hợp người bổ nhiệm thành viên HĐQT, tổng giám đốc, người ký hợp đồng thuê tổng giám đốc phát hiện hợp đồng có mục đích tư lợi mà hợp đồng chưa được ký kết thì có quyền yêu cầu thành viên HĐQT, tổng giám đốc không được ký kết hợp đồng đó; nếu hợp đồng đã được ký kết thì bị coi là vô hiệu, thành viên HĐQT, tổng giám đốc phải bồi thường thiệt hại cho công ty và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo lời của quan chức ở Vụ Đổi mới doanh nghiệp, thuộc Văn phòng Chính phủ, với những quy định khá rõ như vậy thì rõ ràng một số vụ việc đang được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ cho thấy lãnh đạo các DNNN bị phát hiện đã cố tình vi phạm pháp luật.

Nhưng ông Nguyễn Đức Tặng, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), lại nói rằng những quy định của Luật DNNN trên đây mới chỉ điều chỉnh quan hệ giữa lãnh đạo hay người nắm cương vị chủ chốt trong DNNN với người thân trong nội bộ một doanh nghiệp, tức là quan hệ giữa cá nhân với cá nhân. Ông Tặng cho rằng luật hiện nay chưa điều chỉnh mối quan hệ làm ăn giữa các cá nhân có quan hệ họ hàng với nhau ở hai doanh nghiệp hay hai pháp nhân độc lập. Điều này cộng với hệ thống giám sát nội bộ lỏng lẻo trong các DNNN hiện nay đã làm nảy sinh hiện tượng thông đồng giữa một số lãnh đạo DNNN và tư nhân, mang lại lợi ích cục bộ cho một nhóm người là lãnh đạo doanh nghiệp.

Hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp đều có HĐQT là chủ sở hữu quản lý tài sản của doanh nghiệp. Nhưng theo ông Tặng, ở các nước, HĐQT hoạt động hữu hiệu và kiểm soát được hoạt động của tổng giám đốc do thành viên HĐQT không hưởng lương, thưởng mà hưởng lợi nhuận từ cổ phiếu. Nhưng ở Việt Nam, HĐQT cũng được trả lương, thưởng và vì vậy vai trò giám sát trở nên mờ nhạt. Đó là chưa kể HĐQT còn hoạt động thiếu thực chất và không được quyền ký hợp đồng thuê và sa thải giám đốc.

“Chừng nào chúng ta còn giữ cách làm cũ là bổ nhiệm giám đốc thì chừng đó vai trò của HĐQT còn mờ nhạt và việc kiểm soát nội bộ doanh nghiệp còn bị hạn chế”, ông Tặng nói.

Theo lời một quan chức của Ban Đổi mới doanh nghiệp Trung ương, một trong những đặc điểm từ các sai phạm ở những DNNN có sự thông đồng với tư nhân vừa qua là hầu hết các giám đốc đều sắp đến tuổi nghỉ hưu. Quan chức này nói rằng không ít giám đốc DNNN sắp đến tuổi về hưu đã nảy sinh tư tưởng tư lợi. “Với những giám đốc chỉ ngoài 40 tuổi, con đường phía trước còn dài thì chưa chắc họ đã đánh đổi cả sự nghiệp bằng những phi vụ làm ăn như vậy”, quan chức này nói.

Theo ông Tặng, có rất nhiều việc cần làm một cách đồng bộ để giảm thiểu tình trạng này, từ đấu thầu công khai đến việc tăng quyền giám sát của HĐQT hay các cổ đông. Trước mắt, theo ông Tặng, hiện chúng ta đang sửa đổi các quy chế về đấu thầu, nên đưa vào đó quy định doanh nghiệp tư nhân có người quản lý hay người điều hành có quan hệ ruột thịt với lãnh đạo DNNN có dự án gọi thầu thì không được tham gia đấu thầu dự án đó.

Theo kinh nghiệm của Úc và New Zealand, giám đốc DNNN là người đi làm thuê và thành viên HĐQT là những cá nhân làm việc trong các ngành, nghề khác nhau chứ không nhất thiết phải là quan chức nhà nước - ông Tặng nói. Cơ cấu này cộng với hệ thống kiểm soát nội bộ tốt sẽ giám sát được giám đốc trong việc thực thi các nhiệm vụ do HĐQT đưa ra. Ở những nước này, các thành viên HĐQT cũng không hưởng lương, nhưng khi được nhà nước mời vào làm thành viên HĐQT ở một doanh nghiệp nào đó thì đó là một vinh dự lớn.

Các văn bản liên quan