Dự luật có là bước lùi?

Thứ Sáu 10:02 26-05-2006
Đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận Dự luật Doanh nghiệp (thống nhất):

Dự luật có là bước lùi?

"Doanh nghiệp nhà nước ở đâu trong dự án luật này?" là câu hỏi nóng nhất được đưa ra khi thảo luận ở Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Và vì tính chất của vấn đề, tại hội nghị này, một lần nữa câu hỏi này lại được đưa ra, cùng với câu hỏi: "Dự án luật có là một bước lùi?".

Doanh nghiệp nhà nước đứng ở đâu?

Đại diện cơ quan thẩm định dự án, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách của QH Nguyễn Đức Kiên cho rằng, phạm vi điều chỉnh dự luật chưa đề cập đến doanh nghiệp (DN) nhà nước. Đây vốn là vấn đề được các đại biểu rất quan tâm và còn nhiều ý kiến khác nhau.

Còn ĐB Nguyễn Đình Lộc cho rằng, dự luật chưa đổi mới được bao nhiêu (so với Luật Doanh nghiệp hiện hành - PV). Do đó, có nên gọi là Luật Doanh nghiệp (thống nhất) hay chỉ nên gọi là Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Về khía cạnh khác, ĐB Nguyễn Ngọc Trân phát biểu, trước đây các DN thường chỉ quan tâm đến Luật Doanh nghiệp, chỉ đến khi dự án có phần ưu đãi nào đó họ mới quan tâm đến Luật Đầu tư. Nhưng với thay đổi của Dự luật Doanh nghiệp (thống nhất) và Luật Đầu tư (chung) thì các DN phải quan tâm một lúc đến cả hai luật này. Nghĩa là, có nhiều quy định ràng buộc hơn trước đối với các DN. Nếu so với chủ trương cần bỏ bớt các thủ tục hành chính, đây phải chăng chính là bước thụt lùi?

Còn ĐB Phan Trung Lý cũng cho rằng, dự luật còn lòng vòng lắm thứ, chúng ta còn có thể giảm được nhiều hơn các thủ tục hành chính không cần thiết.

Về nghĩa vụ của DN, theo ý kiến của một số ĐB, nếu dự luật nêu "DN có nghĩa vụ kịp thời hiệu đính lại các thông tin trong trường hợp có hành vi giả mạo các thông tin đối với cơ quan có thẩm quyền" thì quá nhẹ, cần phải có quy định pháp lý để xử lý những hành vi và hậu quả của hành vi giả mạo này. Về điều kiện thành lập, đăng ký kinh doanh của DN, đa số các ý kiến đồng tình với dự luật thiết kế "thoáng", nhưng với một số lĩnh vực đặc thù như ngân hàng, bảo hiểm, dịch vụ tài chính..., một số ĐB đề nghị cần quy định bổ sung các quy định về năng lực tài chính, trình độ quản lý, điều hành của DN. Về vấn đề này, ĐB Đặng Văn Thanh đưa ra ý kiến: Trong khi cơ chế kiểm soát vốn chúng ta chưa cao, chưa nên đưa vấn đề quy định về vốn là đúng, nhưng phải tìm cơ chế phù hợp để kiểm tra năng lực tài chính của DN nếu không dễ... bị lừa đảo.

Quản lý nhà nước: Quản lý cái gì?

ĐB Đăng Như Lợi cho rằng, một số doanh nghiệp nhà nước dù được gọi là Cty TNHH một thành viên hay Cty cổ phần (loại hình doanh nghiệp này có nhiều thành phần kinh tế khác nhau tham gia - PV) thực chất vẫn là vốn của Nhà nước. Mà thực tế cho thấy, không ít vị lãnh đạo DN nhà nước "cái nào ăn được cứ tranh thủ mà... ăn". Các bộ, UBND các tỉnh là cơ quan chủ quản, quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp nhưng quản lý như thế nào lại không rõ. Do đó, dự luật cần làm rõ: Quản lý nhà nước là quản lý cái gì và quản lý như thế nào?

ĐB Nguyễn Đình Lộc cũng đưa ra nhận xét: Các loại ưu đãi từ xưa đến nay thường dành cho các DN nhà nước. "Chạy" ưu đãi này nọ cũng thường là các DN nhà nước. Do đó, trong dự luật đã nói đến sự bình đẳng giữa các loại DN tại sao vẫn còn nhiều điều khoản vẫn dùng từ "ưu đãi".

Nhằm mục đích nâng cao hiệu quả hoạt động của DN nhà nước, ĐB Phan Trung Lý cho rằng, trong dự luật không nên làm một chương riêng về DN nhà nước, cần phải đưa tất cả loại hình DN vào dự luật này. Từ trước đến nay đã có nhiều ưu đãi đối với DN nhà nước rồi, nay nếu đưa vào một sân chơi chung, các DN này buộc phải cạnh tranh để tự vươn lên.

Duy Hưng
Đăng tại Báo Lao động số ra ngày 17/8/2005

Các văn bản liên quan