Đại biểu Nguyễn Thế Tuy tỉnh Lạng Sơn góp ý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH
Đại biểu Trịnh Thị Thanh Bình tỉnh Bến Tre góp ý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH
Đại biểu Trần Xuân Vinh tỉnh Quảng Nam góp ý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH
Trần Xuân Vinh - Quảng Nam
Kính thưa Quốc hội,
Thứ nhất, về phân loại dự án đầu tư công, dự án luật đã phân loại dự án đầu tư công thành 4 loại: dự án quan trọng quốc gia, dự án Nhóm A, Nhóm B và Nhóm C. Tuy nhiên tôi phân vân như ý kiến của đại biểu Nguyễn Hữu Hùng ở Tiền Giang đã nêu. Theo báo cáo chỉnh lý sửa đổi, bổ sung, tiếp thu ý kiến đã nêu là đã tiếp thu ý kiến của đại biểu và căn cứ vào Nghị quyết 49 của Quốc hội về dự án công trình quan trọng quốc gia, dự án di sản văn hóa, Luật quốc phòng. Nhưng Điều 7 quy định các tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia không có dự án đầu tư các di sản quốc gia, dặc biệt địa bàn trọng điểm về quốc phòng, an ninh đặc biệt quan trọng cần phải được Quốc hội xem xét quyết định. Tôi đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc thêm về vấn đề này.
Mặt khác dự thảo luật chưa phân loại thế nào là dự án trọng điểm Nhóm B nên rất khó khăn trong việc xác định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, chương trình, dự án đầu tư, các dự án trọng điểm Nhóm B do địa phương quản lý được quy định tại Điều 17 và Điều 27. Vì vậy đề nghị bổ sung các tiêu chí phân loại dự án trọng điểm nhóm B để thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện.
Ngoài ra đề nghị Ban soạn thảo xem xét phân cấp cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư các dự án chương trình đầu tư bằng toàn bộ nguồn vốn cân đối từ ngân sách địa phương và ngân sách Trung ương hỗ trợ, trừ các dự án do trung ương quản lý. Đối với các dự án cần phải khắc phục nhanh các sự cố hư hại do thiên tai, lũ lụt, hạn hán để kịp thời phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân.
Về vấn đề công khai, minh bạch trong đầu tư công, đề nghị bổ sung vào dự án luật hình thức công khai, minh bạch như thế nào? những nội dung bắt buộc cơ quan, tổ chức, cá nhân phải công khai và thời gian công khai.
Tôi cũng thống nhất với ý kiến của đại biểu Bùi Văn Phương đoàn Ninh Bình, đặc biệt là dự án về đánh giá tác động môi trường, một trong những nội dung mà hiện nay dư luận rất quan tâm, ô nhiễm môi trường rất lớn tại các khu công nghiệp, các địa bàn trọng điểm. Đồng thời quy định biện pháp chế tài, trách nhiệm đối với các chủ thể không thực hiện công khai, minh bạch trong đầu tư công theo quy định của pháp luật thì trong dự án luật cũng chưa nêu cụ thể, rõ ràng. Đồng thời đề nghị dự thảo luật bổ sung thêm quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công. Đây là cơ sở quan trọng để thực hiện công khai, minh bạch, công bằng về các địa phương và vùng, miền.
Thứ ba, về điều chỉnh chương trình, dự án đầu tư công, thực tế trong thời gian qua nhiều dự án, chương trình đầu tư công đã điều chỉnh mức vốn đầu tư với số tiền rất lớn, nhiều dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư gấp 2, 3 lần, đơn cử như dự án đường cao tốc cầu Rẽ Ninh Bình vượt hàng ngàn tỷ đồng, dự án đường sát đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông vượt hàng trăm, triệu đô la Mỹ, nhưng trách nhiệm chủ đầu tư, trách nhiệm quản lý đầu tư công mà đơn vị tư vấn thiết kế thì không rõ ràng gây bức xúc trong dư luận và nhân dân. Do đó, đề nghị để tăng cường công tác quản lý nhà nước, trách nhiệm về tình trạng lạm dụng tùy tiện trong việc điều chỉnh chương trình, dự án đầu tư công, đề nghị cần thiết phải quy định cụ thể những chương trình, dự án đầu tư công nếu phải điều chỉnh tăng vốn đầu tư mà vượt vốn dự phòng thì bắt buộc phải có ý kiến thống nhất của cơ quan quyết định chủ trương đầu tư trước khi quyết định điều chỉnh dự án đầu tư. Đồng thời quy định cụ thể trách nhiệm của tổ chức, cá nhân người phê duyệt dự án và đơn vị tư vấn thiết kế lập dự toán thiết kế để vượt dự toán so với ban đầu.
Về giám sát đầu tư của cộng đồng, dự án luật quy định Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp là cơ quan chủ trì, tổ chức thực hiện giám sát cộng đồng đối với các chương trình, dự án đầu tư công. Tuy nhiên, dự thảo lại không quy định rõ thẩm quyền cụ thể của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là gì, cấp nào được tổ chức thực hiện giám sát cộng đồng hay Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đều tham gia thực hiện giám sát cộng đồng đối với các chương trình, dự án đầu tư công, đặc biệt là các dự án liên quan đến cộng đồng dân cư trên địa bàn nhiều địa phương, nhiều xã, nhiều huyện thì Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp nào thực hiện việc giám sát và cách thực hiện giám sát như thế nào. Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc làm rõ hơn về nội dung này.
Khoản 2, Điều 8 quy định cơ quan chủ quản tham khảo ý kiến cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án đối với quyết định đầu tư các dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, trong khi đó cơ quan chủ quản theo quy định tại Điều 4 gồm các cơ quan trung ương và tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, các cơ quan trực thuộc Quốc hội, cơ quan thuộc Chính phủ, quy định như vậy rất khó thực hiện đối với thực hiện quyết định đầu tư, tôi đề nghị phải thay thế cơ quan chủ quản bằng cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án để thực hiện các chương trình khi tham khảo ý kiến của cộng đồng.
Về việc tham khảo ý kiến của cộng đồng dân cư, nơi thực hiện dự án phải có bắt buộc hay không và việc xử lý kết quả tham khảo ý kiến cộng đồng dân cư đối với chương trình, dự án này như thế nào, trường hợp các chủ dự án không tiếp thu các dự án, ý kiến tham gia của cộng đồng dân cư thì việc xử lý như thế nào. Đề nghị dự thảo cũng cần làm rõ hơn về vấn đề này. Xin trân trọng cám ơn Quốc hội.