Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh giải trình một số nội dung liên quan đến Dự thảo Luật Chứng khoán

Thứ Năm 14:29 11-11-2010

Kính thưa Chủ tọa phiên họp,

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Qua thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chứng khoán, đa số ý kiến các vị đại biểu cũng đã đồng tình. Qua phát biểu thảo luận ở tổ và Hội trường, chúng tôi trước hết xin ghi nhận những ý kiến các vị đã tham gia để chúng tôi tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện, những ý kiến xác đáng chúng tôi sẽ tiếp thu. Tôi xin giải trình thêm một số nội dung có liên quan đến phát biểu của các vị.

Trước hết, nói qua một chút về thị trường chứng khoán, không phải giải thích định nghĩa, nhưng nói nôm na để cho dễ hiểu là thị trường này rất nhạy cảm và cũng rất hệ trọng đối với nền kinh tế. Đối với các nước thị trường chứng khoán phản ánh trình độ phát triển của nền kinh tế và nó cũng khá là biến hóa vì nó liên thông với các thị trường khác. Nó biến hóa rất nhanh, thậm chí chỉ sau mấy phút và 1 giờ thôi thì nó đã chuyển đổi từ chứng khoán sang tiền tệ, sang bất động sản bởi vì nó được giao dịch và bán tự do trên thị trường, nhưng nó cũng rất quan trọng đối với nền kinh tế, nó thu hút vốn, huy động vốn cho nền kinh tế, bởi vì nó chuyển hóa từ vốn ngắn hạn sang vốn dài hạn. Nó khác với gửi tiền tiết kiệm. Có thể anh mua đấy những ngày mai anh lại bán ngay. Anh mua xong, anh bán ngay được. Đối với cá nhân thì nó là ngắn hạn, nhưng đối với thị trường thì nó lại là vốn dài hạn. Nó biến động rất là mạnh. Chính vì thế cho nên các nước người ta quản lý khá chặt chẽ và cũng rất ngặt nghèo.

Với mục tiêu như vậy, cho nên chúng tôi lần này muốn sửa đổi dẫn đến phạm vi.

Thứ nhất là luật hiện hành về cơ bản là đáp ứng được yêu cầu. Chúng tôi đã tổng kết và đánh giá;

Thứ hai là qua thực hiện thì bối cảnh lúc chúng ta ra luật là thị trường chưa phát triển. Thị trường chưa phát triển thì có lĩnh vực chúng ta khuyến khích, kể cả việc hình thành công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ. Tại thời điểm ấy chúng ta cũng khuyến khích cho nên chúng ta cũng mở rộng. Có đại biểu nói là có vẻ như nó dễ dàng. Đúng là dễ dàng thật. Đấy là việc thứ hai. Chính vì thế cho nên qua quá trình triển khai thực hiện thì thấy rằng nó có những điểm phát sinh mà chúng ta quản lý chưa thật sự chặt chẽ cho nên cần phải đưa vào để quản lý chặt chẽ hơn. Đồng thời cũng minh bạch hơn, công khai hơn, đối với thị trường là công khai, minh bạch là điều vô cùng quan trọng.

Thứ ba, cũng muốn thông qua lần sửa này thì tăng cường thêm vai trò quản lý Nhà nước về thị trường chứng khoán nói riêng và thị trường tài chính nói chung.

Về ý kiến của đại biểu có nêu về điều kiện thành lập Công ty chứng khoán, Công ty quản lý quỹ. Đúng như có đại biểu nói là nó dễ dãi quá, báo cáo với các đồng chí là thời kỳ đầu chúng ta bắt đầu đưa thị trường chứng khoán vào hoạt động là năm 2000 cho đến nay là khoảng 10 năm thì thời kỳ đầu gần như nó không phát triển gì. Báo cáo với các đồng chí là nó có 2 loại để cho thị trường hoạt động.

Một là Công ty chứng khoán và Công ty quản lý quỹ, lúc bấy giờ chúng ta phải đi vận động. Tôi nhớ lại là phải vận động mà chỉ có 2 công ty thành lập, nhưng công ty thành lập ra thì gần như không có việc gì làm, bởi vì nó không có hàng hóa, lúc bấy giờ lại phải làm một động tác nữa là đi vận động các công ty để đưa ra niêm yết, đưa ra giao dịch trên thị trường, thậm chí cũng báo cáo với đại biểu là lúc bấy giờ chúng ta phải khuyến khích, phải tạo điều kiện. Ví dụ, lập hồ sơ, làm các thủ tục là Nhà nước còn phải chi tiền cho họ để họ ra, thì đấy là bối cảnh như vậy. Cho nên, lúc bấy giờ rất dễ, đúng là rất dễ, vốn pháp định của Công ty chứng khoán lúc bấy giờ chỉ quy định có 44 tỷ, nhưng quá trình triển khai thực hiện thì cho đến năm 2006 và đến 2008 thì bắt đầu thị trường phát triển một cách bùng nổ và tại thời điểm này thì các Công ty chứng khoán mới bắt đầu ra đời một cách ào ạt và đăng ký rất nhiều và hiện nay cũng là 105 Công ty chứng khoán.

Báo cáo với đại biểu, trước tình hình đó thì căn cứ vào luật và Chính phủ cũng đã ra văn bản sửa nghị định và nâng tiêu chí để thành lập công ty chứng khoán và các công ty quản lý quỹ bằng cách, một về vốn pháp định đã tăng lên tới gần bốn lần. Thứ hai là ra hàng loạt các chỉ tiêu về biện pháp kỹ thuật mà đòi hỏi các công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ này phải nâng cao chất lượng, cho nên nó hạn chế được việc thành lập công ty chứng khoán. Cũng báo cáo lúc bấy giờ thành lập, đăng ký là mấy trăm công ty, nhưng chính vì biện pháp đó cho nên chúng ta đã chặn được việc này và hiện nay chất lượng của công ty chứng khoán từng bước, từng bước được nâng cao và theo dự kiến chúng tôi cũng đang hoàn thiện và tiếp tục trình Chính phủ để nâng thêm tiêu chí lên. Ví dụ như vốn có thể phải yêu cầu đến 500 tỷ, đấy là một chỉ tiêu, còn các chỉ tiêu khác nữa cũng phải nâng tiêu chí như đại biểu đã nói, thì đấy là lộ trình mà hiện nay vận dụng Luật chứng khoán mà Chính phủ đã và đang thực hiện.

Còn chúng tôi có thể tiếp thu một số ý kiến, vì hiện nay những qui định đấy đã thể hiện trong nghị định của Chính phủ, chúng tôi sẽ rà soát thêm và nếu thấy cần thiết thì nâng lên luật.

Vấn đề thứ tư, về địa vị của Ủy ban chứng khoán, hiện nay trong luật cũng đã trao cho Ủy ban chứng khoán khá nhiều quyền và Ủy ban chứng khoán cũng đã có những công việc tương đối độc lập, tương đối độc lập trong quản lý thị trường chứng khoán, đặc biệt từ khâu cấp phép, đào tạo, đào tạo cấp phép, cấp chứng chỉ, rồi cho thành lập công ty và toàn bộ trong việc thanh tra, kiểm tra là Ủy ban chứng khoán được độc lập và toàn quyền triển khai thực hiện, chỉ những vướng mắc lớn thì mới trình lên Bộ tài chính và Bộ tài chính nếu thấy rằng còn những vướng mắc lớn hơn thì trình lên Chính phủ, hiện nay cũng đã tương đối. Duy nhất có một điểm mà các đại biểu có phát biểu, tôi xin nói kỹ hơn một chút là việc trao cho Ủy ban chứng khoán được một số quyền để thẩm định các nghiệp vụ, khi phát hiện ra có thể lũng đoạn chứng khoán hoặc gian lận hoặc nội gián, hiện nay chưa được ghi trong luật.

Khi nghiên cứu, chúng tôi đã đề xuất vấn đề này, nhưng qua thảo luận ở nhiều phiên, nhiều cuộc cũng có nhiều ý kiến khác nhau, sau đó lại gác ra, bây giờ đại biểu đề nghị đưa vào thì tôi rất tán thành, nếu được đưa vào thì rất tốt. Chúng tôi dự kiến là trao cho Ủy ban chứng khoán quyền khi phát hiện những vấn đề nghi vấn thông qua thanh tra, kiểm tra thì đề nghị yêu cầu các cơ quan, tổ chức cá nhân liên quan cung cấp thông tin về mối quan hệ thân nhân của đối tượng thanh tra với người có liên quan đến khi nghi vấn có gian lận, cung cấp, sao kê các cuộc gọi điện thoại, thư điện tử của đối tượng thanh tra; Sao kê tài khoản chứng từ và dữ liệu giao dịch liên quan đến chứng khoán tại ngân hàng của đối tượng thanh tra và các thông tin, tài liệu liên quan khác. Nếu không có nghiệp vụ này thì trên thực tế vừa qua phát hiện những gian lận vô cùng khó khăn. Mặc dù Ủy ban chứng khoán có ký liên kết với cơ quan cảnh sát điều tra để phối hợp điều tra, nhưng không phải lúc nào cũng có thể thực hiện được một cách kịp thời. Bên các cơ quan cảnh sát điều tra rất bận việc, cho nên có những vụ việc thẩm tra vấn đề này rất khó khăn.

Qua thực tiễn kinh nghiệm chúng tôi nghiên cứu ở các nước như ở Mỹ 75% các hoạt động thanh tra của Ủy ban chứng khoán Mỹ có kết quả dựa trên việc thẩm tra các dữ liệu thông qua nguồn ngân hàng để xác định luồng tiền vận hành như thế nào, thông qua đầu mối và các nhà đầu tư ra sao, đến 75% người ta tổng kết, 50% hoạt động thanh tra của Uỷ ban chứng khoán Mỹ có kết quả là dựa trên việc thẩm tra các cuộc gọi điện thoại và email và rất nhiều Uỷ ban chứng khoán khác người ta được trao quyền này. Nếu được trao quyền này và chúng tôi cũng rất muốn được trao quyền này, tất nhiên còn rất nhiều chi tiết khác, chúng tôi chỉ xin nói vắn tắt như vậy. Bởi vì khi thảo luận vấn đề này, cũng có nhiều ý kiến nói rằng, vậy có phải giao cho Uỷ ban chứng khoán quyền điều tra không? Thưa các đại biểu, ở các nước người ta ghi hẳn vào là Uỷ ban chứng khoán được điều tra nhưng tôi không ghi là được điều tra, mà là được khi có liên quan đến một số các đối tượng có nghi vấn, không phải tất cả, nếu không thì lại vi phạm vào các quyền khác của công dân, của nhà đầu tư, chúng tôi đề nghị như vậy.

Về vấn đề tổ chức tín dụng, có hai vấn đề mà các đồng chí đặt ra, ở đây cũng có thảo luận. Một là liên quan đến vấn đề phát hành tăng vốn. Lỗ có được phát hành tăng vốn không? Tôi không đồng tình với ý kiến lỗ cho phát hành tăng vốn bởi lý do sau:

Thứ nhất, việc tăng vốn có nhiều hình thức tăng vốn thì không phụ thuộc vào lỗ hay lãi. Bây giờ tôi có công ty, tôi có tổ chức tín dụng, tôi bỏ tiền túi ra để tôi tăng vốn thì không có vấn đề gì, anh lỗ hay không lỗ cũng không thành vấn đề, nhưng ở đây tôi chỉ quy định phát hành ra công chúng, khi anh phát hành ra công chúng để tăng vốn thì anh không được lỗ, lỗ là rất nguy hiểm. Đối với một tổ chức tín dụng mà lại lỗ nữa, lỗ của năm trước rồi xong đến năm lũy kế để phát hành ra lại lỗ nữa. Khi anh phát hành ra công chúng có nghĩa là anh huy động vốn của hàng triệu nhà đầu tư trên thị trường, sự rủi ro này vô cùng lớn còn anh bỏ vốn ở túi của anh ra thì không có vấn đề gì cả, hoặc anh đi vay của một tổ chức nào đó mà người ta thấy anh lỗ người ta vẫn cho vay để anh tăng vốn thì chúng tôi không can thiệp vào việc này, mà ở đây thị trường chứng khoán chỉ can thiệp khi anh phát hành ra công chúng mà hàng triệu nhà đầu tư có thể tham gia thì anh phải đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư. Đó là ý thứ nhất.

Thứ hai là luật hiện hành bây giờ đang quy định như vậy và không có vướng mắc gì cả, luật hiện hành đang quy định như thế và đang thực hiện như vậy và không có vướng mắc.

Còn về mặt quản trị, viết thì nó rất kỹ thuật, nhưng chúng tôi nói nôm na tức là anh là tổ chức tín dụng thì anh hoạt động theo Luật tổ chức tín dụng và ngân hàng. Nhưng khi anh có những hoạt động liên quan đến chứng khoán thì anh phải tuân thủ Luật chứng khoán. Cũng giống như anh là bảo hiểm thì anh hoạt động theo Luật bảo hiểm. Nhưng nếu anh có tổ chức ngân hàng ở trong bảo hiểm thì anh phải hoạt động theo Luật ngân hàng và tổ chức chứng khoán. Vậy thì khi anh phát hành ra công chúng, tức là anh hoạt động theo Luật chứng khoán, thì anh phải tuân thủ Luật chứng khoán. Đúng như đồng chí Ngoạn nói, tức là 2 cái này nó không mâu thuẫn với nhau, cho nên anh là ngân hàng thì anh quản trị theo ngân hàng và Luật tín dụng. Nhưng khía cạnh, ví dụ trong đó anh có Công ty chứng khoán thì anh phải hoạt động theo Luật chứng khoán và anh có hoạt động và phát hành ra công chúng mà anh lại niêm yết trên thị trường, tức là anh có hoạt động về chứng khoán thì anh phải theo Luật chứng khoán. Chúng tôi nói nôm na như vậy để cho nó dễ hiểu, tức là nó không có gì mâu thuẫn cả, cho nên anh quản trị là phải theo cái đó và hiện nay Luật chứng khoán đang quy định như vậy và cũng đang quy định là giao cho Bộ Tài chính hướng dẫn về quản trị các công ty đại chúng và công ty niêm yết, báo cáo với đại biểu như vậy. Còn một số ý kiến nhỏ tôi cũng nói rất nhanh.

Một là đề nghị giảm xuống 5 tỷ, trước đây báo cáo với các đại biểu là thời kỳ đầu chúng ta đã có việc giảm xuống 5 tỷ niêm yết, lúc bấy giờ chưa có luật, sau này thấy rằng quy mô 5 tỷ nhỏ quá mà trên thị trường thì cần phải có hàng hóa có chất lượng và luật đã nâng lên 10 tỷ. Thông thường ở các nước chúng tôi cũng thấy rằng các công ty thường quy định ở mức khá lớn. Nhưng đối với chúng ta thì tôi cho rằng 10 tỷ là vừa phải, nếu để 5 tỷ thì mức thấp quá và hoạt động của doanh nghiệp nhỏ mà 5 tỷ thì cũng có thể có rủi ro cho nhà đầu tư. Theo thông lệ quốc tế thì hiện nay có khoảng 30 đến 50% các doanh nghiệp của nền kinh tế thường rơi vào những doanh nghiệp có hoạt động niêm yết hoặc giao dịch trên thị trường.

Vấn đề thứ hai, về ý kiến giảm thời gian thẩm định hồ sơ cấp phép xuống 30 ngày, tôi cũng báo cáo thêm với các đại biểu là việc thẩm định hồ sơ cấp phép rất là hệ trọng và rất quan trọng đối với chất lượng của thị trường. Chính vì thế cũng cần phải có thời gian để thẩm định cho đảm bảo. Trước đây đã quy định là 60 ngày, sau đó khi xây dựng luật thì chúng tôi cũng đã chủ động đưa xuống 30 ngày. Hiện nay báo cáo với các vị đại biểu, chúng tôi tham khảo thì thấy Trung Quốc là 3 tháng là 90 ngày, cũng có nước là 2 tháng nhưng cũng có nước là 1 tháng là 30 ngày. Chúng tôi nghĩ 30 ngày là một thời hạn nhưng chỉ là thời hạn tối đa. Trong thực tế, nếu chất lượng của hồ sơ và chất lượng của công ty tốt thì không đến 30 ngày vẫn cho chấp nhận và vẫn được cấp phép.

Vấn đề thứ ba, báo cáo và dự thảo này có lấy ý kiến rộng rãi không thì báo cáo thêm chắc là chúng tôi sơ xuất đã viết chưa đầy đủ nhưng quy trình là có lấy ý kiến rộng rãi, có tổ chức hội thảo và có đăng lên website của Chính Phủ và website của Bộ Tài chính theo đúng quy trình xây dựng văn bản pháp luật. Còn thông báo các công ty và các công ty chứng khoán và các hành vi vi phạm của các công ty nói chung thì hiện nay chúng tôi đều công bố công khai việc này trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đó là một số các ý kiến các đại biểu có nêu thì chúng tôi xin báo cáo thêm như vậy. Xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan