Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thời – Thái Nguyên

Thứ Năm 14:27 11-11-2010

Kính thưa Đoàn Chủ tịch.

Thưa Quốc hội,

Vì ít đại biểu phát biểu nên tôi xin phép được phát biểu lần thứ hai. Tôi xin tranh luận với đại biểu Vũ Viết Ngoạn về Khoản 2, Điều 12. Xin báo cáo với Quốc hội, như vậy Chính Phủ không có trình là sửa Khoản 2, Điều 12. Điều 12 Chính Phủ chỉ có trình là: "bổ sung Điểm đ vào Khoản 1, Điều 12" mà Khoản 1, Điều 12 vừa nãy về vốn tôi đã phát biểu rồi. Như vậy, trong quá trình họat động 3 năm vừa qua, tôi cho là Điều 12 không có gì vướng mắc cả, cho nên Chính Phủ không trình. Vậy thì tại sao Ủy ban kinh tế tự nhiên lại đưa Khoản 2, Điều 12 vào. Đồng chí Vũ Viết Ngoạn vừa giải thích lúc nãy thì tôi thấy không có sức thuyết phục, bởi vì nếu như trong quá trình hoạt động có vướng mắc thì Chính Phủ phải trình lên thì Quốc hội mới sửa, nhưng Chính Phủ không trình.

Nếu có thời gian thì tôi đề nghị thêm một khoản tức là tôi đề nghị Quốc hội cũng xem xét lại về Chương IV về thị trường giao dịch chứng khoán. Ở Chương IV nói từ Điều 33 cho tới Điều 41, ở đây Chính Phủ chỉ có trình sửa 2 điều, Điều 33 và Điều 40 tôi thấy cũng chưa thỏa đáng. Tôi đề nghị sửa thêm Điều 34 và Điều 37. Điều 34 nói về: "tổ chức hoạt động của Sở giao dich chứng khoán và trung tâm giao dịch chứng khoán", ở đây trong luật viết: "Sở giao dich chứng khoán và trung tâm giao dịch chứng khoán là pháp nhân thành lập và hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần theo quy định của luật này". Tôi nghĩ nếu đã là một doanh nghiệp thì rõ ràng mục tiêu của doanh nghiệp là doanh lợi. Mục tiêu của Sở giao dịch chứng khoán mà là danh lợi thì lấy mục tiêu lợi nhuận, mà đã mục tiêu lợi nhuận thì phải tăng cường, làm sao cho thật nhiều công ty niêm yết lên để thu phí, điều này sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của các cổ đông, quyền lợi của các nhà đầu tư. Bởi vì một hàng hóa mà anh đưa lên sàn, anh vì mục tiêu lợi nhuận anh không thẩm tra kỹ, thì rõ ràng là hàng hóa đó không sạch, sẽ rất nguy hiểm cho các nhà đầu tư. Thị trường chứng khoán như các vị phát biểu là thị trường thông tin, nếu mất niềm tin thì thị trường chứng khoán sụp đổ. Cho nên tôi đề nghị điều này phải sửa lại, nên theo hình thức Sở giao dịch chứng khoán là một tổ chức hoạt động phi lợi nhuận, điều này đã có tiền lệ ở một số nước trên thế giới, ta đưa vào đó là một tổ chức có lợi nhuận, theo tôi là không thỏa đáng.

Hai nữa trong luật đã quy định quyền của Sở giao dịch chứng khoán, các trung tâm giao dịch chứng khoán, tôi đề nghị việc quy định cấp phép niêm yết, hủy bỏ niêm yết chứng khoán hoàn toàn do Sở giao dịch chứng khoán quyết định. Sở giao dịch chứng khoán hiện nay là doanh nghiệp cho nên được liên kết với nước ngoài mà như truyền hình tối hôm qua đưa thì sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội đang liên kết với Đài Loan. Đã liên kết với nước ngoài, mà liên kết về vốn thì rõ ràng chịu sự chi phối của nhà đầu tư nước ngoài và như vậy về mặt an ninh, về mặt tài chính, kinh tế của các nhà đầu tư niêm yết trên đó sẽ bảo đảm như thế nào. Việc này tôi đề nghị Ban soạn thảo giải thích cho rõ, nếu không sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của các nhà đầu tư, nhà đầu tư mất niềm tin thì sẽ rất khó.

Tôi đề nghị sửa thêm Điều 59 việc thành lập hoạt động của công ty chứng khoán, trong Luật rất lỏng lẻo, chính vì thế trong thời gian qua dung lượng thị trường chứng khoán rất nhỏ như đại biểu Lịch nói là Báo cáo về chứng khoán là 37,6% GDP nhưng dung lượng nhỏ, nhiều công ty chứng khoán năng lực yếu, nên ảnh hưởng đến các nhà đầu tư. Tôi đề nghị trong Luật quy định rõ Khoản 1: "Công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán sau đây gọi là công ty quản lý quỹ được tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần theo quy định của Luật Doanh nghiệp". Điều 2 là: "Công ty chứng khoán Nhà nước cấp giấy phép thành lập và hoạt động công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, giấy phép này đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh". Như vậy toàn bộ việc đăng ký kinh doanh chứng khoán trong Luật không nói, cũng như các đại biểu nói có 3 điều kiện như thế quá dễ dàng cho nên công ty chứng khoán ra đời một loạt. Chính vì vậy, tôi đề nghị điều này sửa phải quy định rõ về điều kiện và thủ tục để thành lập công ty chứng khoán, đồng thời quy định rõ về vốn và hoạt động giải thể, sát nhập và phá sản của công ty này.

Trong luật tôi thấy không quy định rõ mỗi một người được mở bao nhiêu tài khoản, chính vì được mở tài khoản mà nếu tài khoản đó rơi vào một công ty chứng khoán yếu, sau đó phá sản, hiện nay trên sàn Hà Nội đã có 1 công ty chứng khoán xin ngừng hoạt động để nhờ đến thanh tra của Công an kiểm tra giám sát. Vì khả năng công ty không kiểm tra, giám sát được, cho nên đã xảy ra những rủi ro. Nếu như rơi vào điều đó thì rõ ràng cực kỳ rủi ro cho các nhà đầu tư. Trên đây là một số ý kiến của tôi, xin cảm ơn Quốc hội.

 

Các văn bản liên quan