Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên kết luận Hội nghị

Thứ Năm 14:30 11-11-2010

Kính thưa Quốc hội.

Đến bây giờ đã có 11 lượt ý kiến của các vị đại biểu phát biểu ý kiến. Trên cơ sở ý kiến đã thảo luận ở tổ và ý kiến trao đổi đi, trao đổi lại ngày hôm nay và ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã nói một số vấn đề rất cụ thể. Qua ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, tôi xin có một số ý kiến kết thúc cho nội dung này.

Ý kiến chung nhất là thị trường chứng khoán của chúng ta ra đời mới được 10 năm. So với thế giới thì còn rất non trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm. Ở chúng ta thì nền kinh tế đang chuyển đổi, đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào đời sống kinh tế quốc tế. Vừa phải chơi chung một sân nhưng phải phù hợp với thực tế của nước ta. Chính vì thế cho nên kỳ này đa số ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội cơ bản thống nhất với phạm vi sửa đổi, bổ sung như Chính phủ trình. Tuy nhiên có một số vấn đề cụ thể thì cũng gợi ý để cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan lưu ý thêm qua ý kiến các vị đại biểu Quốc hội.

Thứ nhất là về điều kiện thành lập công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ. Bộ trưởng đã nói là Chính phủ đã có thông qua văn bản Nghị định của Chính phủ để chấn chỉnh việc hình thành các công ty này quá ồ ạt, quá nhiều trong thời gian vừa qua và một số vấn đề khác. Với tinh thần chúng ta vừa tạo điều kiện cho thị trường chứng khoán phát triển nhưng vẫn phải bảo đảm an toàn, lành mạnh của thị trường này, cho nên có thể có những nội dung thực hiện theo Nghị định của Chính phủ trong thực tế thấy nó đã đi vào cuộc sống, khẳng định được tính hợp lý của nó, đề nghị nghiên cứu để thu hút vào trong sửa đổi lần này.

Thứ hai, về bổ sung thêm một số nhiệm vụ cho Ủy ban chứng khoán nhà nước. Ở đây có một vấn đề là Ủy ban chứng khoán nhà nước là cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính. Nhưng với hoạt động đặc thù thì trong Luật chứng khoán Quốc hội cũng cho phép Bộ Tài chính ủy quyền cho Ủy ban chứng khoán nhà nước thực hiện một số nhiệm vụ thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài chính. Cho nên vấn đề giao cho Ủy ban chứng khoán quyền được xác định chứng minh chứng cứ do gian dối, thao túng thị trường chứng khoán thì cũng cân nhắc mối quan hệ giữa thẩm quyền của Bộ quản lý nhà nước và cơ quan trực thuộc, mặc dù mang tính đặc thù nhưng nó liên quan đến một lĩnh vực nhạy cảm đó là quyền bảo mật về thư tín giữa các loại hình thức của thư tín và quyền bảo mật về tiền gửi của dân cư cũng như các tổ chức khác. Cho nên có thể cân nhắc để rồi xác định mức độ như thế nào cho hợp lý, mặc dù kinh nghiệm của các nước thì như vậy. Và thực tế thời gian vừa qua xem chúng ta có được bao nhiêu những hiện tượng gian dối, móc nối với nhau liên quan đến việc này, việc kia trong đó có những hoạt động như rửa tiền v.v...

Vấn đề thứ ba, liên quan đến quỹ đầu tư bất động sản. Nghiên cứu xem có thể hiện được nội dung gì thêm trong lần sửa đổi này không hay là thông qua một văn bản của Chính phủ, mà đồng chí Trần Du Lịch có nêu Nghị định của Chính phủ về quỹ đầu tư bất động sản cho nó phù hợp với tình hình thực tiễn chúng ta ngày càng hội nhập sâu rộng vào đời sống kinh tế quốc tế.

Vấn đề thứ tư, liên quan đến các loại chứng khoán khác phát sinh như đại biểu Trần Đình Long có nêu. Thật ra vì nó là thị trường mới nhưng là một kênh huy động vốn rất quan trọng, chúng ta cũng chưa hình dung hết trong quá trình chuyển đổi, cho nên trong một số luật đều có ghi một số khoản tạm gọi vui với nhau là khoản quét. Không tuyệt đối hóa nhưng tùy theo từng lĩnh vực mà cũng có thể cho phép quy định này. Thật ra nó chủ yếu mang tính kỹ thuật. Cũng giống như một bà vợ có nhu cầu, tôi xin nói vui một chút, có mấy loại vòng đeo cổ trang sức, loại có màu vàng, loại có màu bạc, loại có màu xanh thì nguyện vọng đó là chính đáng. Nhưng thỏa thuận với bà ấy là thôi, kỳ này chưa có tiền, bà mua một cái vòng có màu vàng, còn nay mai có tiền bà mua thêm vòng màu trắng, màu xanh thì ghi vào, đỡ phải xin ý kiến chồng cho đỡ rắc rối, tùy cơ để điều kiện linh hoạt hơn.

Vấn đề thứ tư, xoay quanh vấn đề công bố thông tin và những hoạt động liên quan đến tổ chức tín dụng nhưng có hoạt động chứng khoán, đương nhiên chúng ta phải áp dụng cả hai luật, kể cả Luật tổ chức tín dụng mà Quốc hội vừa thông qua và việc sửa đổi, bổ sung cũng như nhưng quy định hiện hành của Luật chứng khoán mới đảm bảo chặt chẽ được. Đây là một lĩnh vực hoạt động rất đặc thù, rất nhạy cảm, có rủi ro gì mất lòng tin, tác động mang tính an toàn của cả hệ thống như đồng chí Vũ Viết Ngoạn có nói là "không chỉ vấn đề của một doanh nghiệp mà nhìn ở góc độ an toàn của cả hệ thống". Đó là một vấn đề tôi xin báo cáo thêm với Quốc hội để tạo điều kiện cho các cơ quan hữu quan phối hợp hoàn chỉnh với nhau trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này vào phiên họp sau.

 

Các văn bản liên quan