Bảy kiến nghị cho dự Luật phòng, chống tham nhũng

Thứ Bảy 18:05 20-05-2006
Bảy kiến nghị cho dự Luật phòng, chống tham nhũng

Đoàn Mậu Huân - Theo Tạp chí nghiên cứu lập pháp ngày 11/10/2005

Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sẽ được xem xét, thông qua vào kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khoá XI sắp tới. Đây là một dự luật rất quan trọng, thu hút sự quan tâm của mọi tầng lớp nhân dân. Bởi trong thời gian vừa qua, vấn đề tham nhũng diễn ra hết sức phức tạp và phổ biến ở khắp các lĩnh vực, gây đảo lộn trật tự quản lý nhà nước và làm mất lòng tin trong nhân dân.

Do đó, để đạo luật được ban hành ra có tính khả thi cao, chúng tôi xin đóng góp một một số ý kiến vào Dự thảo luật như sau:

- Một là, về tên gọi, chúng tôi cho rằng gọi là “Luật Phòng, chống tham nhũng” hay “Luật Chống tham nhũng” đều được, điều cốt yếu là Dự thảo phải quy định được một cách chặt chẽ, đầy đủ những hành vi tham nhũng, từ đó có các biện pháp phòng ngừa hiệu quả và hợp lý. Đồng thời, quy định rõ các mức độ vi phạm nghiêm trọng khác nhau để làm căn cứ sửa đổi Bộ luật Hình sự, có như vậy việc phòng, chống tham nhũng mới thực sự đạt hiệu quả.

- Hai là, về chủ thể thực hiện hành vi tham những, Dự thảo nên quy định là người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức thuộc khu vực nhà nước. Bởi vì, xuất phát từ nội hàm của khái niệm “tham nhũng” là hành vi của cán bộ thi hành quyền lực công, nhưng vì lợi ích cá nhân mà cố ý làm trái quy định của pháp luật. Đồng thời, cần thu hẹp phạm vi điều chỉnh để đảm bảo tính khả thi của Dự thảo.

- Ba là, cần thành lập Uỷ ban Phòng, chống tham nhũng thuộc Quốc hội. Như vậy sẽ tránh trường hợp vị nể, bao che trong quá trình hoạt động và phù hợp với chức năng của Quốc hội là thực hiện việc giám sát tối cao đối với hoạt động của Chính phủ.

- Bốn là, cần bổ sung thêm một số hành vi tham nhũng khác vào Điều 4 của Dự thảo như: nhận những món quà từ người khác cao hơn mức tối đa cho phép được quy định để ủng hộ họ trong việc thực hiện công vụ; lập quỹ trái phép; sử dụng tài sản XHCN (kể cả con người) vì lợi ích riêng; chiếm đoạt giờ lao động của nhà nước; thực hiện những chuyến đi lại không cần thiết hoặc không vì mục đích công vụ ở trong nước hoặc nước ngoài để yêu cầu thanh toán tiền công tác phí; tổ chức đón tiếp khách và mua quà biếu vượt quá giá trị cho phép vì mục đích riêng; sử dụng quyền lực của mình để cung cấp lao động không nhằm phục vụ lợi ích của cơ quan sử dụng lao động mà vì lợi ích của các thành viên trong gia đình và bạn bè. Bởi trên thực tế, đây cũng là những hành vi phổ biến và nguy hiểm, nhưng chưa được quy định trong Dự thảo.

- Năm là, cần có chế độ ưu đãi, khen thưởng thích hợp, đồng thời có biện pháp bảo vệ an toàn cho những người phát hiện và tố cáo những hành vi tham nhũng, ngay cả khi họ là một bên trong quan hệ tham nhũng đó. Bởi chúng ta đều biết, tham nhũng ẩn náu trong bóng tối và do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện nên việc phát hiện là hết sức khó khăn, phức tạp, đặc biệt là người dám tố cáo những hành vi đó còn chịu sự đe doạ trả thù hoặc trù dập từ phía người bị tố cáo. Do vậy, cần có các quy định cụ thể cơ chế bảo vệ người tố cáo. Đồng thời, nên quy định trao giải thưởng hay dùng hiện vật để thưởng cho người tố cáo tham nhũng. Như vậy mới khuyến khích được những người có vị trí thuận lợi phát hiện và tố cáo những hành vi tham nhũng.

- Sáu là, Dự thảo cần quy định biện pháp phòng, chống tham nhũng trên các lĩnh vực quản lý nhà nước mà nạn tham nhũng xảy ra phổ biến như: lĩnh vực xuất nhập khẩu, hải quan; đầu tư xây dựng cơ bản; hoạt động mua sắm tài sản nhà nước... Cụ thể là, quy định những hành vi bị nghiêm cấm, các chế tài phù hợp đối với các hành vi vi phạm trong từng lĩnh vực cụ thể; quy định hoạt động mua sắm tài sản nhà nước phải thông qua một cơ quan đặc biệt, duy nhất, chứ không cho phép từng cơ quan thực hiện hoạt động mua sắm riêng.

- Bảy là, để tăng hiệu quả của công tác đấu tranh chống tham nhũng, Bộ luật Tố tụng Hình sự cần quy định một ngoại lệ về “nguyên tắc nghĩa vụ chứng minh” không phải thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng mà thuộc về bị cáo - không có giả thiết vô tội - đối với các tội tham nhũng. Điều này phù hợp với pháp luật của đa số các quốc gia có nền lập pháp tiến bộ, đồng thời, thể hiện quan điểm cứng rắn của Đảng và Nhà nước ta trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, góp phần vào việc răn đe, phòng ngừa loại tội phạm này.



Các văn bản liên quan