Bản tổng hợp ý kiến góp ý của VCCI về Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm

Thứ Hai 16:32 23-05-2011

PHÒNG THƯƠNG MẠI

VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

------------------------------

Số:                        /PTM-PC

V/v: góp ý Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về

an toàn thực phẩm

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

-----------------------------------

Hà Nội, ngày  23 tháng 05 năm 2011

 

Kính gửi: BỘ Y TẾ

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận được Công văn số 1583/BYT-ATTP của Bộ Y tế về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (sau đây gọi tắt là Dự thảo Nghị định). VCCI đã tiến hành lấy ý kiến rộng rãi các hiệp hội, doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp của Dự thảo Nghị định, chuyên gia. Trên cơ sở các góp ý của doanh nghiệp, hiệp hội và chuyên gia, VCCI có một số ý kiến như sau:

Về cơ bản, nội dung Dự thảo Nghị định phù hợp với Luật An toàn thực phẩm, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Về phạm vi điều chỉnh, Dự thảo Nghị định quy định có tính nguyên tắc, những quy định nào liên quan đến an toàn thực phẩm sẽ được tập trung chủ yếu ở Dự thảo Nghị định này; trường hợp những quy định liên quan đến an toàn thực phẩm mà chưa được quy định tại Dự thảo Nghị định này nhưng lại được quy định tại Nghị định khác của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan thì sẽ áp dụng quy định tại Nghị định đó. Hơn nữa, Dự thảo Nghị định cũng có những quy định mang tính dẫn chiếu những quy định đã được Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2008 và Nghị định số 128/2008/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của 2 Pháp lệnh để tránh bỏ sót những hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm và khắc phục sự trùng lặp, chồng chéo giữa các quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính là hợp lý.

Tuy nhiên, để hoàn thiện, đề nghị Dự thảo Nghị định xem xét, cân nhắc một số quy định sau:

I.                   Chương I: Phần quy định chung

Về mức phạt tiền: Khoản 1 Điều 3 Dự thảo Nghị định quy định: “mức quy định tiền phạt tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm là 100.000.000 đồng”. Tuy nhiên, tại điểm d khoản 2 Điều 14 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi) các hành vi vi phạm ở mức phạt 100.000.000 đồng không có “an toàn thực phẩm”. Do vậy, đề nghị Dự thảo Nghị định xem xét đến quy định này và đưa ra lý do giải thích.

II.                Chương II: Hành vi vi phạm hành chính, hình thức và mức phạt

  1. Một số khái niệm chưa rõ ràng

-         Theo Dự thảo Nghị định, Mục 1 Chương II quy định về các hành vi vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn đối với sản phẩm thực phẩm. Trong Luật An toàn thực phẩm có quy định về giải thích thuật ngữ “thực phẩm là sản phẩm mà con người ăn, uống ở dạng tươi sống hoặc đã qua sơ chế, chế biến, bảo quản. Thực phẩm không bao gồm mỹ phẩm, thuốc lá và các chất sử dụng như dược phẩm” (khoản 20 Điều 2). Theo quy định này, thực phẩm được định nghĩa là “sản phẩm”, nên sử dụng thuật ngữ “sản phẩm thực phẩm” là chưa hợp lý. Đề nghị Dự thảo Nghị định bỏ cụm từ “sản phẩm” trong tiêu đề của Mục 1 Chương II;

-         Khoản 3 Điều 5 Dự thảo Nghị định quy định mức phạt đối với việc sử dụng “nguyên liệu không an toàn” để sản xuất, chế biến thực phẩm. Đây là một thuật ngữ có nội hàm rất rộng, vì tất cả các nguyên liệu gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người đều thuộc là “nguyên liệu không an toàn”, như vậy tất cả các nguyên liệu được quy định tại các khoản khác tại Điều 5 như: nguyên liệu thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ, thịt đã qua kiểm tra thú y nhưng không đạt yêu cầu để sản xuất, chế biến thực phẩm, sản phẩm động vật đang trong thời gian theo dõi cách ly kiểm dịch … đều thuộc phạm vi của “nguyên liệu không an toàn”. Đề nghị Dự thảo Nghị định xem xét lại quy định này để tạo sự rõ ràng khi triển khai thực hiện;

-         Đề nghị Dự thảo Nghị định giải thích cụm từ “thôi nhiễm vào thực phẩm” tại điểm c khoản 2 Điều 21.

  1. Về biện pháp khắc phục hậu quả

-         Biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi “sử dụng nguyên liệu thực phẩm có chứa tạp chất được cố tình đưa vào nhằm gian dối kinh tế và không đảm bảo an toàn thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm” là “buộc tiêu hủy tang vật vi phạm hoặc thực hiện các biện pháp loại bỏ tạp chất do hành vi cố tình đưa vào thực phẩm”. Việc loại bỏ tạp chất đã đưa vào thực phẩm là việc làm hết sức khó khăn về kỹ thuật và tốn kém chi phí, trong khi không đảm bảo về độ an toàn của thực phẩm sau khi đã loại bỏ. Để bảo đảm tính hiệu quả trong hoạt động quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, đề nghị Dự thảo Nghị định cân nhắc sửa đổi biện pháp khắc phục này theo hướng, đối với thực phẩm đã có tạp chất làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân thì phải áp dụng biện pháp khắc phục là “tiêu hủy” chứ không là “loại bỏ tạp chất”;

-         Đối với thực phẩm có sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm vượt quá giới hạn cho phép quy định tại khoản 1 Điều 6 Dự thảo Nghị định thì cần phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là “tiêu hủy” và “buộc thực hiện đúng theo quy định của pháp luật”, không nên quy định chỉ áp dụng biện pháp “buộc thực hiện đúng theo quy định của pháp luật” (điểm b khoản 5 Điều 6 Dự thảo Nghị định);

-         Tương tự, đối với việc tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm không thuộc danh mục theo quy định của Bộ Y tế quy định tại khoản 1 Điều 8 Dự thảo Nghị định thì cần áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “tiêu hủy” và “buộc thực hiện đúng theo quy định của pháp luật”, không nên quy định chỉ áp dụng biện pháp “buộc thực hiện đúng theo quy định của pháp luật”;

-         Khoản 1 Điều 9, khoản 1 Điều 10, khoản 1 Điều 11, khoản 2 và khoản 3 Điều 16, khoản 2 Điều 25 Dự thảo Nghị định quy định nhiều khung xử phạt cho một hành vi vi phạm (căn cứ vào số lượng người vi phạm, giá trị hàng hóa vi phạm để quy định những khung xử phạt khác nhau). Đề nghị Dự thảo Nghị định xem xét lại các quy định này (hoặc thiết kế lại) để đảm bảo tính hợp lý và phù hợp với Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính. Bởi, theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, căn cứ để xử phạt vi phạm hành chính là hành vi vi phạm, đối với một hành vi vi phạm thì chỉ quy định một khung xử phạt. Quyết định mức phạt trên cơ sở các tình tiết tăng năng, tình tiết giảm nhẹ (số lượng, giá trị hàng hóa vi phạm, số lượng người vi phạm, thời gian vi phạm …). Tương tự, khoản 1 Điều 25 Dự thảo Nghị định quy định khung xử phạt khác nhau đối với cùng một hành vi vi phạm về giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm nhưng do cơ quan hành chính ở các cấp khác nhau cấp là không hợp lý và chưa phù hợp với nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính;

  1. Về hành vi vi phạm và mức phạt

-         Đề nghị chuyển Điều 16, 17, 23, 24 tại  Mục 2 Dự thảo Nghị định về các hành vi vi phạm các quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm sang Mục 1 về các hành vi vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm để phù hợp với nội dung của quy định và các quy định tại Luật An toàn thực phẩm;

-         Một số mức phạt còn nhẹ chưa đủ sức răn đe đối với đối tượng vi phạm trong khi các hành vi vi phạm này có tác động nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng như: mức phạt từ cảnh cáo đến 3.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm được phép sử dụng nhưng vượt quá giới hạn cho phép hoặc đã quá thời hạn sử dụng (khoản 2,3 Điều 6 Dự thảo Nghị định); mức phạt từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc hoặc hóa chất bị cấm sử dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm (khoản 1,2 Điều 7 Dự thảo Nghị định); khoản 3 Điều 12; điểm a, d khoản 6 Điều 15; điểm a, b khoản 4 Điều 26 … Đề nghị Dự thảo Nghị định nâng mức phạt đối với các hành vi trên để tạo tính hiệu quả khi áp dụng;

-         Một trong các hành vi vi phạm quy định về sử dụng vi chất dinh dưỡng trong sản xuất, chế biến thực phẩm là “tăng cường vi chất dinh dưỡng là vitamin, khoáng chất, chất vi lượng vào thực phẩm không thuộc danh mục theo quy định của Bộ Y tế” (điểm b khoản 1 Điều 8 Dự thảo Nghị định). Đề nghị Dự thảo Nghị định xem xét lại tính hợp lý của quy định này. Bởi vì, các vi chất nếu đã được gọi là “vi chất dinh dưỡng” tức là đã được khoa học công nhận là các chất có lợi ích đối với dinh dưỡng con người, do vậy mọi người cần có quyền được sử dụng các chất này để đáp ứng nhu cầu về dinh dưỡng. Việc yêu cầu các “vi chất dinh dưỡng phải thuộc danh mục theo quy định của Bộ Y tế” là đáp ứng được yêu cầu quản lý, tuy nhiên, thực tế, việc cập nhật Danh mục này thường khá chậm, điều này sẽ ảnh hưởng đến sự tiếp cận của cộng đồng đối với những thành tựu khoa học tiên tiến và có thể ảnh hưởng đến sự phát triển và sức cạnh tranh của ngành công nghiệp thực phẩm nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Do vậy, Dự thảo Nghị định có thể cân nhắc sửa đổi khoản này theo hướng “bổ sung các thành phần tự nhiên hoặc nhân tạo chưa được chứng minh là an toàn vào thực phẩm”;

-         Điều 18 Dự thảo Nghị định quy định về các hành vi vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm đã qua chế biến. Đề nghị Dự thảo Nghị định tham chiếu với Điều 27 Luật An toàn thực phẩm về các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm đã qua chế biến để đảm bảo tính thống nhất giữa các văn bản, bởi vì, các hành vi quy định tại Điều 18 Dự thảo Nghị định vẫn chưa bao quát hết các điều kiện theo yêu cầu của Điều 27 Luật An toàn thực phẩm;  

-         Về hành vi vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm chức năng, thực phẩm biến đổi gen, thực phẩm chiếu xạ (Điều 23 Dự thảo Nghị định): đề nghị sửa đổi điểm a khoản 1 Điều 23 Dự thảo Nghị định thành “sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng chưa được xác nhận công bố hợp quy” để phù hợp với quy định tại Luật An toàn thực phẩm. Đề nghị Dự thảo Nghị định xem xét hai hành vi quy định tại điểm b khoản 1 (sản xuất, kinh doanh thực phẩm biến đổi gen nhập khẩu không có giấy chứng nhận lưu hành tự do của nước xuất khẩu và các giấy chứng nhận khác về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật) và điểm a khoản 2 Điều 23 (sản xuất, kinh doanh thực phẩm biến đổi gen từ sinh vật biến đổi gen không có giấy xác nhận đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm hoặc có tên trong danh mục sinh vật biến đổi gen được cấp giấy xác nhận đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm theo quy định của pháp luật) vì có nội dung trùng nhau trong khi lại quy định ở hai khung xử phạt khác nhau. Tương tự, đề nghị Dự thảo Nghị định xem xét hành vi quy định tại điểm b khoản 3 Điều 27 với điểm b khoản 1 Điều 23 Dự thảo Nghị định vì có nội dung tương tự nhau nhưng lại có khung xử phạt và ở nhóm hành vi khác nhau;

-         Điều 29, 30 Dự thảo Nghị định quy định về hành vi và mức xử phạt đối với các vi phạm quy định trong quảng cáo và ghi nhãn thực phẩm. Đề nghị Dự thảo Nghị định dẫn chiếu đến các quy định tại các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao du lịch và thông tin và hoạt động thương mại để tránh chồng chéo trong quy định giữa các văn bản khi cùng quy định về một vấn đề.

III.             Chương III: Thẩm quyền xử phạt

Theo quy định của Luật Thanh tra thì công chức được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành và Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành (Cục trưởng, Tổng cục trưởng cũng như Chánh Thanh tra Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ) có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, nhưng mức xử phạt do các chức danh trên lại không quy định. Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ban hành năm 2002 cũng không quy định thẩm quyền xử phạt đối với 2 chức danh mới mà Luật Thanh tra quy định. Đề nghị Dự thảo Nghị định bổ sung quy định về thẩm quyền xử phạt đối với các chức danh trên để đảm bảo tính hợp lý khi triển khai thực hiện trên thực tế.

Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Rất mong cơ quan soạn thảo lưu ý xem xét, cân nhắc để hoàn thiện Dự thảo.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

 

 

Nơi nhận:

-         Như trên;

-         Lưu VT, PC

 

T/L. CHỦ TỊCH

TRƯỞNG BAN PHÁP CHẾ

 

 

 

 

TRẦN HỮU HUỲNH

 

 

Các văn bản liên quan