Góp ý của TS. Đoàn Minh Phụng – Bộ môn Bảo hiểm Học viện Tài chính

Thứ Hai 14:53 06-06-2011

BẢN GÓP Ý

Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm

Người góp ý: TS. Đoàn Minh Phụng

Đơn vị: Bộ môn Bảo hiểm – Khoa Ngân hàng-Bảo hiểm, Học Viện Tài chính

Sau khi đọc toàn bộ Dự thảo Nghị định, tôi nhất trí với phần lớn các quy định (các mục, các điều) của Dự thảo. Để tiết kiệm thời gian, tôi xin không nói đến những điểm thành công mà đi ngay vào những điều muốn góp ý.

Nội dung góp ý:

  1. Về vấn đề cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới:

(1) Quy định về điều kiện cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới (điều 3) và trách nhiệm của đối tượng cung cấp dịch vụ qua biên giới (điều 5) chưa phù hợp và khó áp dụng. Cụ thể:

- Điểm b, điểm c khoản 2: điều kiện về năng lực tài chính trong Dự thảo quy định:

b) Được xếp hạng tối thiểu "BBB" theo Standard & Poor's, “B++” theo A.M.Best, “Baa” theo Moody’s hoặc các kết quả xếp hạng tương đương của các tổ chức có chức năng, kinh nghiệm xếp hạng khác tại năm tài chính trước năm cung cấp dịch vụ qua biên giới tại Việt Nam;

c) Hoạt động kinh doanh có lãi trong 3 năm tài chính liên tục trước năm cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam.

- Khoản 2, điều 5 quy định:

Nộp Bộ Tài chính báo cáo tài chính của năm trước liền kề có xác nhận của tổ chức kiểm toán độc lập và văn bản nhận xét của cơ quan quản lý bảo hiểm của nước ngoài nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính về tình hình thực hiện các quy định pháp luật của doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

Bình luận: ok

- Kết quả xếp hạng DNBH hàng năm không thể có ngay sau khi năm tài chính kết thúc vì vậy DNBH nước ngoài muốn cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới vào đầu mỗi năm không thể cung cấp kết quả xếp hạng của năm tài chính trước liền kề.

- Tương tự như vậy, báo cáo tài chính của DNBH cung cấp dịch vụ qua biên giới là bằng chứng chứng minh DN kinh doanh có lãi cũng khó có thể có được ngay sau khi năm tài chính kết thúc. Mặt khác, khoản 2-điều 5 quy định DNBH cung cấp dịch vụ qua biên giới phải nộp báo cáo tài chính cho Bộ Tài chính VN trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Như vậy nảy sinh vấn đề các DNBH cung cấp dịch vụ BH qua biên giới tại Việt Nam trong khoảng quý 1 hàng năm lấy bằng chứng gì để chứng minh năm tài chính trước liền kề kinh doanh có lãi? => Các quy định này khó áp dụng

(2) Dự thảo nghị định cần có quy định để ngăn chặn hiện tượng chuyển lợi nhuận sang nước ngoài thông qua việc sử dụng dịch vụ qua biên giới của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. ok

- Khoản 2, điều 2 Dự thảo NĐ quy định: Đối tượng sử dụng dịch vụ bảo hiểm cung cấp qua biên giới là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.” Như vậy, người tham gia bảo hiểm là DN có vốn đầu tư nước ngoài có quyền tham gia bảo hiểm tại một DNBH nước ngoài của cùng một công ty mẹ. Như vậy vấn đề là làm sao kiểm soát được việc móc nối, cấu kết giữa họ bằng “thủ đoạn” nâng phí bảo hiểm để chuyển tiền sang nước ngoài bao gồm cả phần lợi nhuận nhằm trốn thuế thu nhập ở Việt Nam?

  1. Về Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm:ok

Quy định về thành lập “Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm” nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được bảo hiểm trong trường hợp DNBH bị phá sản hoặc mất khả năng thanh toán là rất tốt. Song tại khoản 1, điều 30 dự thảo NĐ lại quy định: Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm tự quản lý, theo dõi và hạch toán riêng theo quy định của pháp luật. Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm chịu sự điều hành của Ban điều hành Quỹ”. Và tại khoản 1, khoản 3, khoản 4 điều 31 quy định:

1. Bộ trưởng Bộ Tài chính ra quyết định thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Ban điều hành Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm.

3. Ban điều hành Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm bao gồm:

a) Trưởng Ban điều hành: Chủ tịch Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam;

b) Thành viên: gồm đại diện Bộ Tài chính, đại diện Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam và đại diện một số doanh nghiệp bảo hiểm.

4. Ban điều hành sử dụng con dấu của Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam. Trưởng Ban điều hành chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động của Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm.

(1) Sự chưa phù hợp thể hiện ở 2 điểm:

- Thứ nhất: Ban điều hành Quỹ dự kiến do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định thành lập bao gồm thành phần là: Chủ tịch Hiệp hội BH VN (trưởng ban) và các thành viên gồm đại diện Bộ Tài chính; đại diên Hiệp hội BH và đại diện một số DNBH. Chúng tôi không lạm bàn về thành phần của ban điều hành mà chỉ thấy sự chưa phù hợp ở chỗ Ban điều hành lại dự kiến sử dụng con dấu của Hiệp hội bảo hiểm VN (do cấp có thẩm quyền khác quyết định thành lập).

- Thứ 2: Quỹ này nếu do DNBH tự quản lý, theo dõi và hạch toán riêng chắc chắn sẽ gây ra không ít khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước và khó khăn cho Ban điều hành Quỹ. Nên nhớ rằng quỹ này được sử dụng khi DNBH bị phá sản hoặc mất khả năng thanh toán.

(2) Theo cách hiểu thông thường, từ quy định của Dự thảo nghị định dễ dẫn đến cách hiểu mỗi DNBH có một “Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm” và Quỹ của doanh nghiệp BH nào nhằm để bảo vệ cho người được BH của DNBH ấy khi DNBH ấy bị phá sản hoặc mất khả năng thanh toán. Chúng tôi cho rằng cần phải cho người đọc hiểu chỉ có một “Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm” duy nhất tại Việt Nam và đó là quỹ chung do các DNBH đóng góp để bảo vệ cho bất cứ một người được BH nào của bất cứ DNBH nào tại VN khi DNBH ấy bị phá sản hoặc mất khả năng thanh toán. Hơn nữa, để thực hiện việc đầu tư và quản lý việc đầu tư Quỹ này theo quy định tại khoản 2 điều 30 (dự thảo) cần thiết phải hình thành một “Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm” tập trung. Từ những lý do như vậy, chúng tôi kiến nghị “Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm” nên là quỹ tập trung do Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam quản lý.

(3) Cần quy định thêm nghĩa vụ của DNBH, DN môi giới BH nước ngoài cung cấp dịch vụ BH qua biên giới tại Việt nam liên quan đến việc đóng góp vào “Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm” của Việt Nam.

(4) Cần quy định thêm rằng tỷ lệ đóng góp vào “Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm” là một khoản mục trong chi phí thiết lập hợp đồng bảo hiểm để ràng buộc nghĩa vụ đối với các nhà nhận tái BH (đặc biệt là các nhà nhận tái BH nước ngoài) và thuận lợi cho việc thanh toán phí giữa người nhượng và người nhận tái BH. Không nên quy định chung chung như tại khoản 1, điều 27: Khoản trích này được tính vào chi phí hợp lý, hợp lệ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp”

3. Về từ ngữ, cách diễn đạt:

- Điểm a, khoản 3, điều 26 quy định là: Các doanh nghiệp bảo hiểm được phép chủ động xây dựng quy tắc, điều khoản và biểu phí bảo hiểm theo quy định tại Điều 20 Nghị định 45/2007/NĐ-CP. Trường hợp xét thấy quy tắc, điều khoản, biểu phí do doanh nghiệp bảo hiểm xây dựng và triển khai không đảm bảo an toàn tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm và quyền lợi của bên mua bảo hiểm, Bộ Tài chính được yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm điều chỉnh”. Theo chúng tôi, nên được diễn đạt lại là: Các doanh nghiệp bảo hiểm được phép chủ động xây dựng quy tắc, điều khoản và biểu phí bảo hiểm theo quy định tại Điều 20 Nghị định 45/2007/NĐ-CP. Trường hợp xét thấy quy tắc, điều khoản, biểu phí do doanh nghiệp bảo hiểm xây dựng và triển khai không đảm bảo an toàn tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm và/hoặc quyền lợi của bên mua bảo hiểm, Bộ Tài chính được yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm điều chỉnh.

- Sửa lỗi chính tả tại điểm b, khoản 2, điều 3

 

Các văn bản liên quan