Luật Thuế thu nhập cá nhân – nhìn từ góc độ quản lý nhà nước

Thứ Hai 09:21 09-07-2007


LUẬT THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN - NHÌN TỪ GÓC ĐỘ
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC

  
          TS. Luật học Phạm Tuấn Khải
 
          Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân là một Dự Luật nhạy cảm, tác động đến các đối tượng trong xã hội. Không phải ngẫu nhiên, Dự thảo được UBTVQH gửi lấy ý kiến nhân dân bắt đầu từ 15/6/2007.

          Từ góc nhìn của quản lý nhà nước, có thể đưa ra một số bình luận về các quy định của Dự Luật như sau:

          1. Các quy định của Dự Luật phản ánh sự chuyển đổi tích cực trong tư duy những người làm công tác quản lý. Cũng như các Luật thuế khác, Dự Luật này khẳng định một trong những đặc điểm của nhà nước là: Ban hành chính sách thuế, đa dạng hoá các loại hình thu thuế và sử dụng thuế vào mục đích phục vụ các tầng lớp nhân dân. Sự mất cân đối trong nguồn thu ở nước ta được Đảng ta chỉ rõ: " Thu ngân sách còn phụ thuộc vào nguồn thuế nhập khẩu và dầu thô"[1]. Như vậy, yêu cầu thu thuế cá nhân như Dự thảo luật là sự thể hiện quan điểm cân đối và tăng nguồn thu trong chính sách kinh tế của Đảng và Nhà nước.

          Nếu nói quản lý nhà nước là sự tác động có hướng, có mục đích của chủ thể vào khách thể quản lý nhằm đạt được mục tiêu nhất định, thì việc ra đời một đạo luật điều chỉnh các quan hệ xã hội với các đối tượng chịu thuế từ hoạt động kinh doanh, đầu tư vốn, chuyển nhượng vốn bất động sản và các hoạt động chịu thuế khác (trúng thưởng xổ số; trúng thưởng trong các hình thức khuyến mại, trò chơi có thưởng, thu nhập từ quyền thừa kế, quà tặng) là một đòi hỏi cần thiết. Nếu không làm lần này, chúng ta sẽ mắc tội với lịch sử.

          Với các quy định của Dự thảo, Nhà nước đã hướng sự tác động của mình (thông qua các quy phạm) vào các quan hệ xã hội mà nhân dân đang mong đợi, đặc biệt là phù hợp với xu thế hội nhập khu vực và quốc tế.

          Cũng có ý kiến cho rằng, tại sao Dự thảo không có Chương quản lý Nhà nước về Thuế thu nhập cá nhân? Điều này cũng dễ hiểu, vì việc ban hành các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực thuế là một trong những hình thức quản lý nhà nước.

          2. Mục đích quản lý nhà nước thông qua Dự thảo Luật này là nhằm hướng tới các bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân một cách bình đẳng (theo các quy định của Hiến pháp). Nếu nói xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa cần phải có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh thì chưa đầy đủ (bởi các nhà nước trước kia cũng có thể có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh). Bởi lẽ, có những nhà nước ban hành và sử dụng pháp luật không bảo vệ quyền con người và sự bình đẳng giữa con người với con người trong xã hội. Ở đây chúng tôi muốn nhấn mạnh đến quyền của con người, trong đó có quyền tự do kinh  doanh, quyền được lao động... và trong triết lý pháp quyền, quyền bao giờ cũng gắn với nghĩa vụ. Không có quyền thì không có nghĩa vụ và ngược lại. Nếu các yếu tố của quyền (thông qua một quy phạm) không bao hàm sự lựa chọn làm gì, làm cho ai, lợi ích gì?) thì không thể nói đến nghĩa vụ của các chủ thể tham gia thực hiện quyền đó. Nghĩa vụ ở đây cũng có 2 mặt: Nghĩa vụ của người đóng thuế và nghĩa vụ của Nhà nước (đồng thời cũng là quyền của Nhà nước) đứng ra thu thuế. Do đó, nếu nói rằng, Luật này hướng tới yêu cầu các công dân trong các hoạt động chịu thuế phải đóng thuế thì chưa đủ, mà phải gắn với quyền của họ được lựa chọn thuế để đóng (thông qua các quy định của nhà nước). Đó chính là sự phản ánh chính sách thuế thông qua pháp luật của một nhà nước hiện đại.

          Đây là một bổ sung cho thuyết minh về "nghĩa vụ đóng thuế" của các các đối tượng trong Dự thảo Luật.

          3. Bảo đảm tính ổn định của các quy định trong Dự Luật và hiệu quả thực tế của các quy định đó. Đây là nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước việc soạn thảo Luật thuế. Chúng ta đều biết, khi chuyển đổi nền kinh tế từ tập trung sang cơ chế kinh tế thị trường, đòi hỏi các yêu cầu xây dựng pháp luật phải năng động hơn. Pháp luật không chỉ là ý chí của giai cấp thống trị mà còn đòi hỏi sự điều hoà các lợi ích của các giai tầng trong xã hội, bảo đảm sự công bằng trong việc thực hiện quyền của công dân. Người dân sẽ đòi hỏi ở Nhà nước ban hành và thực thi các quy định của pháp luật một cách bình đẳng (ai có thu nhập thì phải chịu thuế, khắc phục cho được sự trốn tránh, lách thuế, không muốn đóng thuế).

          Hiệu quả thực tế của các quy định của Dự Luật đòi hỏi khi xây dựng, cần có cách nhìn thực tiễn, tránh chủ quan, áp đặt, mà phải xuất từ thực tiễn đời sống xã hội để quy định (đây là lý thuyết xây dựng pháp luật 2 chiều ở một số quốc gia tiên tiến). Chẳng hạn, để tạo ra những khuyến khích và sự tăng trưởng của năng suất và đầu tư, cần lựa chọn các đối tượng chịu thuế theo hướng mở rộng, cân nhắc các lĩnh vực không phải nộp thuế như tiền gửi tiết kiệm, ngoại hối... Sau một thời gian, do sự phát triển của thị trường, ta có thể điều chỉnh tiếp. Mặt khác, các quy định của Dự Luật cũng cần hướng tới tính giản đơn, dễ thực hiện, ít có các trường hợp miễn giảm thì sẽ hạn chế được chi phí cho việc thu, nộp thuế.

          Điều này cũng phù hợp với định hướng của Đảng ta là "điều chỉnh chính sách thuế theo hướng giảm và ổn định thuế suất, mở rộng đối tượng thu, điều tiết hợp lý thu nhập"[2].

          4. Bảo đảm bình đẳng giữa các nhóm lợi ích khác nhau. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X nhấn mạnh cần "hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế theo nguyên tắc công bằng, thống nhất và đồng bộ"[3]. Nội dung này, Dự thảo Luật đã đề cập tương đối cụ thể. Tuy nhiên, để phân phối thu nhập và điều tiết vĩ mô nền kinh tế xã hội, không nên hạn chế các đối tượng (hưởng lương, thu nhập từ các khoản ngoài lương hay các đối tượng không có khả năng nộp thế...) mà cần phải bảo đảm sự bình đẳng theo nguyên tắc: Ai có thu nhập, người đó phải chịu sự điều chỉnh của quy định thuế. Tác động này tạo ra cho người dân một nhận thức pháp lý về đóng thuế vì lợi ích chung của đất nước (tạo và nuôi dưỡng nguồn thu), đương nhiên nguồn thu này phải công khai và sử dụng có hiệu quả. Ai cũng phải nộp thuế nhưng thuế suất cho từng loại cần có nhiều bậc khác nhau (tối thiểu, trung bình thấp, trung bình cao, thu nhập cao), còn việc hoàn thuế đối với các trường hợp này nên để tính toán vào cuối năm)[4]. Việc làm này sẽ tạo ra không chỉ tính công bằng trong các đối tượng mà có thể là một biện pháp ngăn chặn được tính không minh bạch, tham nhũng của các quan chức nhà nước và viên chức khác trong các doanh nghiệp.

          5. Bảo đảm tính khả thi và đồng bộ của các quy định trong Dự Luật với các quy định của các luật khác. Các quy định của Dự thảo phải bảo đảm kiểm soát được thuế, tạo nguồn thu. Chẳng hạn, ai cũng nói có nhiệm vụ nuôi dưỡng mẹ già hoặc con chưa thành niên. Vậy giải quyết vấn đề này thì cần xem xét và vận dụng các quy định của Bộ luật dân sự, Luật hôn nhân và gia đình về "cấp dưỡng nuôi con, người phải nuôi dưỡng, cấp dưỡng"; Luật Doanh nghiệp về kinh doanh, thuế doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh, Luật kinh doanh bất động sản về " chuyển nhượng, thừa kế bất động sản"... để khi chúng ta áp dụng không có sự xung đột pháp luật. Mặt khác, hiện nay, ở nhiều lĩnh vực, chúng ta cũng chưa hiểu  và quản lý hết các hoạt động mang tính thu nhập như "thu nhập từ kiều hối, thu nhập không bằng tiền, sử dụng tiền mặt"  v.v.. Do đó, cần định lượng tương ứng để khi Luật Thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực, chúng ta có thể thực hiện được ngay. Đồng thời, cần mở mã số thuế cho cá nhân, kể cả những đối tượng không có thu nhập để quản lý (các nước trên thế giới đều có quy định mở mã thuế cá nhân đối với mọi công dân). 

        Về quy định căn cứ tính thuế đối với cá nhân không cư trú. Đây cũng là bài toán khó nếu chúng ta chưa có cơ chế thực hiện quản lý đối tượng này. Chúng tôi được biết, việc quản lý trật tự hành chính của Bộ Công an về vấn đề hộ khẩu, hộ tịch cũng chỉ đưa ra con số được kiểm soát bởi sự khai báo, còn thực tiễn trên các địa bàn hiện nay là rất khó (ví dụ, hiện nay có một số người từ các địa phương khác nhau đang buôn bán bất động sản, có cả người nước ngoài, nhưng con số là bao nhiêu, hình thức buôn bán rất tinh vi mà hiện tại chúng ta chưa nắm được). Đây cũng là lời giải tiếp theo cho việc phải có một cơ chế pháp lý thật rõ ràng, minh bạch và tạo điều kiện cho việc thực thi các quy định về Thuế thu nhập cá nhân.

          Một điểm đáng lưu ý nữa đối với vấn đề quản lý thuế thu nhập cá nhân là thuế đánh vào người đầu tư chứng khoán. Hiện nay, thị trường chứng khoán cũng đang biến động (bao gồm cả thị trường chính thức và không chính thức). Đây là lĩnh vực cũng khó kiểm soát (đặc biệt là OTC). Việc đánh thuế vào chứng khoán hiện nay có các loại như thặng dư vốn, kinh doanh chứng khoán, sở hữu cổ phần, cổ phiếu với cổ tức phát sinh và theo nguyên tắc: có chứng khoán là đánh thuế và thuế này phải dựa vào giao dịch trên thị trường. Tuy nhiên, như phân tích, việc quản lý thị trường OTC, quản lý các công ty về tài chính (cả công ty niêm yết và chưa niêm yết), quản lý các giao dịch riêng lẻ...vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp đúng nghĩa đang chờ các nhà chuyên môn và xây dựng pháp luật tiếp tục nghiên cứu và trả lời.

          6. Kiểm tra, kiểm soát và áp dụng các chế tài pháp lý. Cần có các quy định kiểm tra, kiểm soát để các quy định của Dự thảo sau khi được thông qua và có hiệu lực phát huy được tác dụng. Công tác kiểm tra, kiểm soát là một khâu tất yếu trong việc thực hiện Thuế thu nhập cá nhân. Đáng tiếc, trong Dự thảo lần này, các quy định này còn mờ nhạt.

          Về chế tài pháp lý, Dự thảo Luật cũng chưa quy định cụ thể các chế tài pháp lý đối với các đối tượng chịu thuế hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thu thuế vi phạm các quy định của Dự luật. Phải chăng, quy định ở các luật khác? Theo chúng tôi, nếu chưa có, cần quy định có tính nguyên tắc để bảo đảm hiệu quả thi hành; nếu đã được quy định ở các văn bản khác, cũng nên viện dẫn để dễ thực hiện.

          7. Về triển khai thực hiện, cần tăng cường các thiết chế phối, kết hợp giữa công cụ quản lý của ngành ngân hàng (xoá bỏ việc thanh toán tiền mặt, chuyển sang dùng tài khoản), quy định chặt chẽ hơn việc nhận quà có giá trị; các quy tắc ứng xử theo tiêu chuẩn đạo đức của các cán bộ, công chức, viên chức nhà nước. Bên cạnh đó, việc phát triển thị trường chứng khoán theo hướng minh bạch, dễ quản lý, áp dụng công nghệ thông tin cho việc đăng ký và áp dụng thu thuế thông qua chứng từ điện tử cần triển khai sớm và đồng bộ. Đây là việc làm hay, có tác dụng giảm bớt tham nhũng, tiêu cực trong chi tiêu và giảm chi phí cho việc thu thuế; thuận lợi cho các đối tượng thu và nộp thuế. Triển khai ngay các dịch vụ công nghệ thông tin trên mạng nhằm phục vụ tốt nhu cầu thu và quản lý thuế thu nhập cá nhân./.
 
 
         
 
 
 
 


[1]  Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2006, tr.169

[2] Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2006, tr.169

[3] Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2006, tr.245
 

[4] Vấn đề này, xem “Thử tìm một cách tiếp cận khác đối với Dự thảo Thuế thu nhập cá nhân”. Thời báo kinh tế Sài Gòn. Số 26/2007, tr.18-19

Các văn bản liên quan