Góp ý của ĐBQH Giàng Páo Mỷ – Lai Châu đối với dự thảo Luật đất đai sửa đổi

Thứ Sáu 15:07 21-12-2012


Kính thưa Quốc hội,

Tôi nhất trí với Tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban kinh tế về nội dung sửa đổi Luật đất đai năm 2003. Việc sửa đổi Luật đất đai lần này là cần thiết nhằm đáp ứng sự mong đợi của cử tri và nhân dân cả nước. Tôi hy vọng rằng với việc sửa đổi lần này Luật đất đai sẽ khắc phục được nhiều bất cập, hạn chế trong quản lý nhà nước về đất đai như hiện nay, nhất là tình hình đơn thư khiếu nại, tố cáo về đất đai. Tôi xin tham gia vào dự thảo luật như sau:

Thứ nhất, về căn cứ xác định loại đất tại Khoản 4 Điều 11 quy định một trong các căn cứ để xác định các loại đất là theo hiện trạng sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, đối với các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa thì tỷ lệ đất đai được quy hoạch, sử dụng là rất thấp. Do đó không thể xác định được loại đất căn cứ vào hiện trạng sử dụng có phù hợp với quy hoạch hay không.

Tôi đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung thêm quy định về xác định loại đất trên thực địa đối với nơi chưa có quy hoạch nhằm đảm bảo Luật Đất đai (sửa đổi) khi có hiệu lực sẽ áp dụng khả thi ở tất cả các địa phương.

Thứ hai, về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ. Nhà nước khi thu hồi đất tại Khoản 1 Điều 71 quy định giá đất tính tiền bồi thường theo mục đích đang sử dụng đất tại thời điểm có quyết định thu hồi đất. Tôi cho rằng quy định này là phù hợp, tuy nhiên vấn đề đặt ra là làm thế nào quản lý, kiểm soát, tránh tình trạng đầu cơ đất nông nghiệp tiếp diễn như trước đây. Vì nếu quy định mục đích sử dụng đất là căn cứ  xác định giá đất để tạo kẽ hở cho một số đối tượng lợi dụng chính sách gom đất nông nghiệp để rồi chuyển đổi mục đích sử dụng.

Vì vậy, theo tôi giải pháp quan trọng là phải thực hiện tốt chế độ công khai, minh bạch về quy hoạch, về kế hoạch sử dụng đất cho người dân biết và cũng tại Khoản 6 điều này, tôi đề nghị bổ sung cụm từ "kịp thời" vào sau cụm từ "công bằng" nhằm tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức khi thực hiện bồi thường, hỗ trợ.

Thực tế cho thấy tình trạng chậm chi trả, nợ tiền bồi thường, hỗ trợ cho người dân bị thu hồi đất diễn ra ở nhiều nơi, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân có đất bị thu hồi và gây bức xúc trong nhân dân.

Thứ ba, về chính sách hỗ trợ, chuyển đổi nghề và tạo việc làm tại Điểm b Khoản 3 Điều 73 dự thảo luật quy định hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp ngoài việc được bồi thường về đất theo quy định Nhà nước hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tạo việc làm từ nguồn thu từ đất. Diện tích được hỗ trợ không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp tại địa phương.

Thực tế, hiện nay chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm đang được áp dụng theo quy định tại Nghị định 69 của Chính phủ. Tuy nhiên, qua giám sát thực tế ở địa phương cho thấy quy định mức hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm bằng tiền từ 1,5 đến 5 lần giá đất nông nghiệp đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi chưa phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội ở các địa phương.

Tại các đô thị lớn thì sau khi tính cả mức hỗ trợ giá đất vẫn còn cách biệt so với giá thị trường trong khi tại các tỉnh miền núi và trung du thì mức hỗ trợ như vậy là lớn. Nhiều dự án gặp khó khăn, nhất là trong việc xây dựng các công trình công cộng vì chi phí đền bù, hỗ trợ cao hơn chi phí xây lắp vì hạn mức đất nông nghiệp theo quy định tại các địa phương này là rất lớn, trong khi đó nguồn thu từ sử dụng đất lại rất ít. Hơn nữa, việc hỗ trợ chủ yếu thực hiện chi trả bằng tiền trong khi đó người dân không thể tự mình học nghề và chuyển đổi việc làm nên hiệu quả của chính sách này không đạt được. Đặc biệt là đối với các tỉnh miền núi, đồng bào đã quen với phong tục tập quán sản xuất nông nghiệp, nên người dân sau khi bị thu hồi đất gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Vì vậy, tôi đề nghị cần quy định rõ về điều kiện làm việc và chính sách an sinh xã hội cho những người có đất bị thu hồi.

Thứ tư, về giá đất do nhà nước quy định Điều 99 tôi nhất trí với phương án 1 trong dự thảo nhằm đảm bảo sự linh hoạt cho các địa phương trong việc điều chỉnh giá đất kịp thời, chủ động và phù hợp với sự biến động của thị trường trong từng thời kỳ. Nếu bảng giá đất xây dựng định kỳ 5 năm là quá dài, không phù hợp với sự biến động thường xuyên của giá thị trường sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người có đất bị thu hồi. Nhất là đối với những dự án bị kéo dài qua nhiều năm, để hạn chế việc lấy đất nông nghiệp, nhất là đất trồng cây lương thực để thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng như sân golfs v.v...Luật cần quy định giá đền bù phải phù hợp so với khả năng sinh lợi từ hoạt động đầu tư, sản xuất trên đất tạo điều kiện để người dân ổn định để sống.

Thứ năm, về bồi thường hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất ở Điều 74. Luật Đất đai hiện hành quy định về bồi thường hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất vào mục đích phát triển kinh tế xã hội bằng hai phương thức. Theo giá nhà nước quy định và sự thỏa thuận giữa chủ đầu tư và người dân đã tạo ra cơ chế hai giá đất có sự chênh lệch lớn trong cùng một địa bàn, tại cùng một thời điểm gây khó khăn cho nhà đầu tư muốn triển khai nhanh chóng các dự án sản xuất kinh doanh thì phải thỏa thuận tăng mức bồi thường từ đó tạo ra tâm lý càng kéo dài thì càng có lợi, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến khiếu nại, tố cáo. Như vậy, để khắc phục tình trạng trên tôi đề nghị quy định thống nhất việc Nhà nước bồi thường theo nguyên tắc giá do Nhà nước quy định.

Thứ sáu, về quyền và nghĩa vụ của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức kinh tế liên doanh sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư tại Việt Nam theo Điều 166. Tôi đề nghị không quy định cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư tại Việt Nam thuê đất đã trả tiền một lần được phép thế chấp quyền sử dụng đất thuê tại các tổ chức tín dụng trong nước cũng như nước ngoài mà chỉ được phép thế chấp tài sản trên đất. Vì trên thực tế đã có nhiều tổ chức, cá nhân nước ngoài với năng lực tài chính không cao, đầu tư dây truyền máy móc lạc hậu vào Việt Nam nhưng vẫn được cấp phép đầu tư, cấp đất xây dựng trụ sở, lợi dụng quy định trên để thế chấp đất thuê cho ngân hàng trong nước với số tiền lớn, ngừng hoạt động, thay đổi nhân sự, bỏ trốn về nước gây thiệt hại lớn cho các ngân hàng thương mại. Hơn nữa, đất đai là tài sản quốc gia, nếu đem thế chấp cho các ngân hàng nước ngoài như vậy sẽ rất mạo hiểm.

Vấn đề tiếp theo là về chính sách dân tộc, tôi cũng hoàn toàn nhất trí với ý kiến của đại biểu Danh Út và đại biểu Mã Điền Cư là trong luật cũng nên quy định về chính sách đảm bảo đất đai và đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đặc biệt trong luật cũng nên quy định hạn chế để người dân tộc và người nghèo chuyển nhượng đất ở và đất sản xuất để hầu hết đồng bào đân tộc thiểu số đều sống ở nơi có điều kiện kinh tế xã hội hết sức khó khăn khi bị mất đất sản xuất thì đời sống của họ sẽ khó khăn hơn rất nhiều và dễ bị kẻ xấu lợi dụng để gây rối trật tự an ninh. Đồng thời Nhà nước cũng phải mất rất nhiều công sức và tiền của để giải quyết các vấn đề trên. Trong khi đó chỉ có người đầu tư, đầu cơ đất là có lợi. Trên đây là ý kiến phát biểu của tôi. Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan