Góp ý của ĐBQH Nguyễn Thị Huệ – Đắc Lắk đối với dự thảo Luật đất đai sửa đổi

Thứ Sáu 15:06 21-12-2012


Kính thưa Quốc hội,

Đất đai là nguồn tài nguyên vô cùng quan trọng, là tư liệu sản xuất gắn chặt với cuộc sống của mọi con người. Việc quản lý và sử dụng đất luôn là vấn đề hết sức phức tạp và nhạy cảm. Để hoàn thiện Luật Đất đai (sửa đổi) tôi xin đóng góp ba vấn đề như sau:

Vấn đề thứ nhất, về sự công khai, minh bạch trong việc giải quyết khiếu nại, khiếu kiện. Qua kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai của Đoàn giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy việc khiếu nại, khởi kiện của công dân đối với các quyết định liên quan đến đất đai có xu hướng tăng trong những năm gần đây, chủ yếu là do người dân không hài lòng về kết quả khiếu nại nên tiếp tục khiếu nại ở các cơ quan Nhà nước cấp cao hơn hoặc khởi kiện theo Luật tố tụng hành chính, Báo cáo giám sát của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Thường vụ Quốc hội cũng cho thấy tỷ lệ khởi kiện đúng là 19,8% và đúng một phần là 28% tại Tòa án nhân dân các cấp trong các vụ được đưa ra xét xử.

Điều đó cho thấy còn rất nhiều vướng mắc tranh chấp của công dân chưa được giải quyết thấu đáo, triệt để. Vì vậy, người dân tiếp tục có những phản ứng với các cơ quan hành chính, thậm chí là những phản ứng tập thể đông người, ảnh hưởng đến trật tự công cộng. Tôi cho rằng những quy định đang hạn chế quyền khởi kiện trước tòa của công dân cần được sửa đổi trong Luật đất đai lần này nhằm luật hóa các quyền cơ bản mang tính tự bảo vệ quyền lợi của người dân trước pháp luật, cần phải có quy định rất cụ thể về quy trình khiếu nại, khiếu kiện, về phạm vi, thẩm quyền và cần minh bạch, công khai thủ tục để tạo cách hiểu thống nhất, thuận lợi cho người dân. Thực tế cho thấy người dân có bức xúc về đất đai cần phải được giải quyết kịp thời, nhưng phần lớn không đủ điều kiện thuê luật sư, thiếu thông tin về các quy định, thủ tục pháp lý. Thiết nghĩ nên chăng cần có một tổ chức hoạt động độc lập theo luật định, tương tự như trọng tài đứng ra trợ giúp pháp lý cho người dân tổ chức hòa giải giữa người khởi kiện và cơ quan hành chính bị khởi kiện thì sẽ có hiệu quả trong việc giảm bớt khiếu kiện tại Tòa án hành chính.

Vấn đề thứ hai, về quy định cho thuê đất, các quy định hiện hành của Luật đất đai về giao đất, cho thuê đất còn quá phức tạp, chia thành nhiều hình thức khác nhau trong khi bản chất thì giống nhau. Đề nghị đối với cơ chế thuế đất cần quy định rõ các vấn đề như điều kiện được thuê đất, các quyền và nghĩa vụ của bên cho thuê và bên thuê đất. Cần quy định thời hạn thuê đất có mức giá thuê đất cụ thể trong hợp đồng đối với việc thuê đất trả tiền hàng năm để người thuê đất chủ động trong quá trình sử dụng và thực thi đúng bản chất của hợp đồng thuê đất.

Vấn đề thứ ba, về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cần có quy định về chính sách đất đai đặc thù đối với một số vùng, miền. Theo nghị quyết của Quốc hội đến năm 2013 phải hoàn hành nhiệm vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong phạm vi cả nước. Việc này đối với các tỉnh Tây Nguyên là rất khó bởi vì Tây Nguyên là một vùng có biến động về đất đai rất lớn. Qua các kỳ kiểm kê, thống kê đất đai thì diện tích sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng do tỷ lệ tăng dân số quá cao, nhất là tăng dân số cơ học do tình trạng lượng lớn người dân di cư đến Tây Nguyên sinh sống và làm việc sử dụng đất nông nghiệp làm đất ở, phần lớn thuộc đối tượng sử dụng đất sau ngày 15/10/1993 nên người dân trong diện này gặp phải khó khăn bởi vì quy định của nhà nước về thu tiền chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất thổ cư quá cao nên không có khả năng nộp tiền để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đề nghị trong quá trình xây dựng luật cần có chính sách cụ thể, hỗ trợ cho các đối tượng này.

Bên cạnh đó các tỉnh Tây Nguyên là các tỉnh nghèo không có khả năng về ngân sách để làm công tác đo đạc và rà soát đất đai. Để hoàn thành việc xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ thêm ngân sách để thực hiện tốt công tác này. Tôi nghĩ Luật đất đai là một đạo luật vô cùng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân và hoạt động của tất cả các tổ chức, cũng như chiến lược sử dụng đất của quốc gia. Vì vậy, đề nghị trước khi ban hành cần hết sức cân nhắc lấy ý kiến của nhân dân về những tác động của việc sửa đổi lần này nhằm mang lại hiệu quả thiết thực cho đất nước. Xin hết.

Các văn bản liên quan