Góp ý của ĐBQH Phùng Đức Tiến – Hà Nam đối với dự thảo Luật đất đai sửa đổi

Thứ Sáu 15:07 21-12-2012


Kính thưa Đoàn Chủ tịch,

Kính thưa Quốc hội,

Trước hết, phải khẳng định Ban soạn thảo có rất nhiều cố gắng. Tuy nhiên, để góp phần hoàn thiện dự án luật, tôi xin có một số ý kiến sau đây.

Một, tại Điều 10 phân loại đất trong nhóm nông nghiệp có 8 loại đất. Đất chăn nuôi thuộc nhóm đất khác, hiện nay giá trị ngành chăn nuôi chiếm tới 25%, 27% trong nông nghiệp định hướng đến năm 2020 sẽ chiếm tới 40%, trong thời gian qua Nhà nước đã có chủ trương quy hoạch phát triển chăn nuôi ở các địa phương nhưng rất khó. Vì chưa có danh mục đất chăn nuôi trong các loại đất nông nghiệp. Vì vậy, tôi đề nghị đưa đất chăn nuôi thành một loại đất như đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối.

Về quy hoạch sử dụng đất, từ Điều 35 đến Điều 52 quy định đất là tư liệu sản xuất đặc biệt, tài nguyên không tái tạo. Sử dụng đất thực hành tiết kiệm, có hiệu quả không để lãng phí như hiện nay. Đất công nghiệp khoảng 150 ngàn ha tỷ lệ lấp đầy chỉ 65% còn lại 35% tương ứng với 52,5 ngàn ha chưa được sử dụng. Chưa kể nhiều ha đất đô thị là đất trồng lúa đã san lấp để hoang hóa, nhiều nơi có hiện tượng khai hoang khu công nghiệp, khu đô thị biết bao giờ mới đi vào sử dụng, đây là lãng phí lớn.

Điều 37 nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần bổ sung:

Thứ nhất, cần có ý kiến tham gia thống nhất của các ngành.

Thứ hai, phải đảm bảo ổn định diện tích đất trồng lúa.

Thứ ba, về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải tính đến phát triển các ngành trong vùng, nếu không tính đến phát triển các ngành mà chỉ chú ý đến kinh tế - xã hội của tỉnh thì không huy động được các nguồn lực và lợi thế so sánh của các vùng.

Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải đảm bảo sử dụng lâu dài, bền vững, tránh tình trạng điều chỉnh, bổ sung một cách tùy tiện, bị động như trong thời gian vừa qua. Các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải được công bố một cách công khai.

Về thu hồi giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, Điều 54 thu hồi và giao đất là hai nhiệm vụ gắn liền với nhau, do vậy khi thu hồi để giao đất cần kiểm soát kỹ tính khả thi, hiệu quả kinh tế xã hội của các dự án, đặc biệt là khả năng tài chính, chứng minh nguồn vốn, tiến độ thực hiện dự án trong giai đoạn vừa rồi, việc thẩm định năng lực tài chính chứng minh nguồn vốn còn đơn giản, do đó nhiều dự án được duyệt, được giao đất không thực thi, không đủ năng lực tài chính để triển khai dẫn đến bỏ hoang đất còn nhiều. Tôi nghĩ các dự án sử dụng đến đâu thì thu hồi và giao đến đó.

Tại Điều 55 thu hồi đất do vi phạm Luật đất đai trong bối cảnh nhiều dự án bị đình, hoãn, giãn tiến độ, do vậy cần bổ sung thêm hình thức xử lý các nhà đầu tư khó khăn chưa triển khai dự án do điều kiện khách quan.

Điều 61 thẩm quyền giao đất và thu hồi đất. Chủ tịch tỉnh, huyện quyết định, không được ủy quyền nhưng tôi đề nghị phải có trách nhiệm khi ký quyết định không đúng.

Điều 71 nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi. Tôi đề nghị đảm bảo công bằng 3 lợi ích: Lợi ích của người có đất, lợi ích nhà đầu tư và lợi ích quốc gia.

Điều 75 bố trí tái định cư cho người bị thu hồi đất. Trong thời gian qua việc tổ chức tái định cư còn nhiều nơi chưa thực hiện tốt, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc còn thiếu rất nhiều đất ở, đất sản xuất, mặt khác hạ tầng kém, nhà ở không đúng với không gian văn hóa của các dân tộc. Đất nơi tái định cư để sản xuất không bằng đất cũ, chất lượng kém, độ dốc cao, thậm chí còn thiếu rất nhiều. Do vậy, Nhà nước và nhà đầu tư cần có chính sách hỗ trợ thỏa đáng cho tái định cư và hậu tái định cư.

Điều 90 miễn, giảm tiền sử dụng đất và tiền thuê đất. Khoản 9 sử dụng đất của các đơn vị sự nghiệp. Đối với hàng ngàn đơn vị khoa học công lập thực hiện Nghị định 175 chiếm khoảng 3000 doanh nghiệp khoa học công nghệ không phải nộp tiền thuê đất nhưng cũng không được mang quyền sử dụng đất đi thế chấp vay vốn Điều 156. Như vậy sẽ khó khăn cho các đơn vị thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm thực hiện các dự án trong hoàn cảnh công nghệ chưa được cao, vốn không được vay, thị phần hẹp, quản trị doanh nghiệp còn hạn chế. Do vậy, Ban soạn thảo cần cân nhắc tạo điều kiện cho môi trường khoa học công nghệ phát triển đóng góp vào phát triển kinh tế, xã hội.

Điều 99 giá đất do Nhà nước quy định. Trong cả 2 phương án đều quy định giá trị sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp đã có giai đoạn giá trị quyền sử dụng đất tính vào cổ phần hóa doanh nghiệp không thể triển khai được. Đặc biệt là các doanh nghiệp lâm nghiệp hết sức khó khăn. Đề nghị cần tính toán phù hợp với điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Điều 114 về hạn mức giao đất, nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp. Hiện nay cả nước ta có tổng diện tích đất nông nghiệp không bao gồm đất lâm nghiệp là hơn 10 triệu ha trên 70 triệu thửa ruộng và gần 14 triệu hộ nông dân. Mỗi hộ trung bình có 5 thửa ruộng thì diện tích mỗi hộ có 0,14 ha. Nếu dồn điền đổi thửa một cách triệt để mỗi hộ cũng chỉ có 0,7 ha. Với hiện trạng trên đây và mức hạn điền như Điều 114 thì việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật về giống quy trình chăm sóc cơ giới hóa sẽ rất khó thực hiện. Hạn mức giao đất nông nghiệp thấp ảnh hưởng đến sức hình thành các vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu. Hạn mức thấp, muốn tích tụ được đất phải chuyển quyền sử dụng đất và phải nhờ người khác đứng tên. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện nay nếu để ổn định tình hình kinh tế, chính trị với 70% dân cư sinh sống ở nông thôn cần có hạn điền ổn định để sản xuất và tăng thu nhập và không khuyến khích tích tụ đất.

Việc thứ hai, để sản xuất nông nghiệp có quy mô và tỷ suất hàng hóa cao, sản phẩm có giá thành hạ, chất lượng cao hoặc các tiêu chí đáp ứng các yêu cầu trong nước và xuất khẩu thì tất yếu phải đi theo hướng sản xuất trang trại gắn với chuỗi sản phẩm. Để phát triển nông nghiệp, nông thôn, sự hình thành các doanh nghiệp ở nông thôn là tất yếu khách quan, để có một nền sản xuất lớn cần có các tổ hợp nông, công nghiệp phát triển bền vững như các nước phát triển hiện nay. Vì thế phải có cơ giới hóa, tự động hóa, áp dụng những thành tựu công nghệ sản xuất hàng loạt. Như vậy, mới nâng mức hạn điền tạo điều kiện tích tụ đất đai, nhưng trong hoàn cảnh hiện nay nếu quá trình tích tụ diễn ra nhanh chóng, dân không có việc làm di cư vào thành thị sẽ gây một áp lực lớn đối với xã hội.

Thứ ba, đến năm 2020 nước ta sẽ cơ bản là một nước công nghiệp để công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phải chuyển dịch cơ cấu kinh tế tất yếu phải chuyển dịch cơ cấu lao động. Như vậy, chỉ còn 8 năm nữa, chúng ta không thể có cơ cấu lao động như hiện nay với 46,9 triệu người lao động, trong đó lao động trong khu nông, lâm nghiệp, thủy sản là 24,9 triệu người chiếm tới 48,2%.

Với ba yếu tố trên đây tôi đề nghị cần cân nhắc yếu tố hạn điền và các yếu tố khác để đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế chính trị vùng nông thôn rộng lớn và phát triển được nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa, đồng thời đạt được mục tiêu chuyển dịch cơ cấu lao động đến năm 2020. Điều 141 đất xây dựng các công trình lao động có hành lang bảo vệ an toàn hiện nay ở nhiều địa phương diễn ra tình trạng vi phạm hành lang đê, các công trình thủy lợi đề nghị quy định phải có tính khả thi và có chế tài để ngăn chặn tình trạng này.

Điều 157 Điểm d, Khoản 2 được quyền thế chấp bằng quyền sử dụng đất và tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền trên đất với các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam trong thời gian sử dụng đất. Từ trước đến nay khi đi vay vốn ngân hàng thường thỏa thuận không căn cứ vào pháp lý, có thể thỏa thuận với mức rất cao để vay vốn cao, không đúng với giá trị. Có thể thỏa thuận ở mức rất thấp chỉ được vay vốn với mức thấp. Do vậy sắp tới đây nếu thế chấp được quyền sử dụng đất bằng tài sản trên đất thì phải có căn cứ pháp lý để xác định giá trị, không như tình trạng vừa rồi. Đấy cũng là một nguyên nhân làm nợ xấu ngân hàng cao. Trên đây là một số ý kiến của tôi. Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan