Ý kiến của Ông Nguyễn Mạnh Hùng – P. Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam về Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm

Thứ Sáu 00:49 15-04-2011

Qua nghiên cứu cho thấy Dự thảo đã được chuẩn bị khá kỹ càng, công phu, bài bản. Cơ bản tôi nhất trí như Dự thảo. Sau đây tôi có thêm một số ý kiến.

1) Về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng thực phẩm theo Điều 9 của Luật An toàn thực phẩm: Theo quy định của Điều này thì người tiêu dùng thực phẩm có 5 quyền và 3 nghĩa vụ. Các nội dung khác xét cho cùng cũng nhằm mục đích phục vụ, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Dự thảo nên có quy định chi tiết những quyền này. Ví dụ quyền "Yêu cầu tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng". Ở đây Luật ghi như vậy là đủ, nhưng để khả thi, thì trong Nghị định phải quy định cụ thể hơn. Cụ thể tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là những tổ chức nào? Vì Nhà nước cũng có, mà tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng có. Nhưng cơ chế hoạt động, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và nguồn lực của các tổ chức này hoàn toàn khác nhau. Chỉ riêng vấn đề kinh phí, tổ chức nhà nước được ngân sách cấp, còn tổ chức xã hội thì không. Chỉ khi Nhà nước giao việc cho tổ chức xã hội thì sẽ hỗ trợ kinh phí. Tức là phải có kinh phí cho việc thực hiện. Vì vậy cần có quy định cụ thể về vấn đề này.

2) Về ghi hạn sử dụng (Điều 16):

Khoản 1 ghi: "Hạn sử dụng an toàn bắt buộc phải ghi "ngày hết hạn sử dụng", hoặc "hạn sử dụng cuối cùng" đối với những thực phẩm dễ có khả năng bị hư hỏng do vi sinh vật. Hạn sử dụng an toàn đối với các thực phẩm khác có thể ghi "sử dụng tốt nhất trước ngày" phù hợp với loại sản phẩm thực phẩm."

Tôi cho rằng quy định như vậy không thật cần thiết, bởi lẽ Nghị định 89 về Nhãn hàng hóa dùng cụm từ "Hạn sử dụng" là đủ, lâu nay, ai cũng hiểu "Hạn sử dụng là mốc thời gian mà quá thời gian đó thì hàng hóa không được phép lưu thông" như phần giải thích từ ngữ trong Nghị định 89 và đương nhiên cũng không sử dụng được. Nếu áp dụng như Dự thảo lại thêm khái niệm mới và phải có giải thích từ ngữ, thế nào là "hạn sử dụng cuối cùng", vậy có ghi "hạn sử dụng đầu tiên" không? Hơn nữa không nên dùng cụm từ "có thể ghi" như trong Dự thảo, bởi tính chất văn bản pháp quy dùng  cụm từ ở thể ghi vấn như vậy sẽ khó cho công tác kiểm tra xử lý sai phạm sau này. Ở đây còn phải thay đổi lại nhãn, hoặc có thể phải thay đổi, tạm gọi là khuôn mẫu in trong dây chuyền sản xuất, mà khi thực hiện Nghị định 89 các nhà sản xuất đã phải đối mặt.

Khoản 3 ghi như trong Dự thảo cũng không thể hiện tính chất của văn bản quy phạm pháp luật, khi không có mốc cụ thể về thời gian. Sau thời điểm "sử dụng tốt nhất trước ngày" vẫn được phép bán? Đứng về lý thì sau thời điểm được hiểu là không có mốc về thời gian, đối với mặt hàng thực phẩm không thể ghi thiếu tính pháp lý như vậy.

Trong khi hàng hóa vẫn được lưu thông, nhưng khi xảy ra sự cố thì người bán sẽ vô can vì đã cảnh cáo trên sản phẩm.

Đối với hàng hóa là thực phẩm, rất cần những cảnh báo, nếu pháp luật không quy định cụ thể, vì mục đích kinh doanh rất dễ bị nhà sản xuất xem nhẹ, hoặc thậm chí bỏ qua nếu như những cảnh báo đó không có lợi cho việc đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, ví dụ như cảnh báo hút thuốc lá không có lợi cho sức khỏe, là điều hiển nhiên, nhưng cũng phải qua nhiều hội thảo, đấu tranh thì mới được đưa vào quy định cụ thể và đã được thực hiện. Do vậy, ở góc độ bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, tôi đề nghị Ban soạn thảo bổ sung những quy định cụ thể hơn về vấn đề cảnh báo cho người tiêu dùng đối với những sản phẩm có khả năng gây mất an toàn trong quá trình sử dụng.

Trên đây là một số ý kiến góp ý nhỏ, mong được Ban soạn thảo quan tâm vì lợi ích chung của cộng đồng.

Xin chân thành cảm ơn!

Các văn bản liên quan