Ý kiến của Ông Nguyễn Công Khẩn – Cục trưởng Cục vệ sinh an toàn thực phẩm về Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm

Thứ Sáu 00:48 15-04-2011

Kính thưa Ông Trần Hữu Huỳnh, kính thưa các vị đại biểu đến từ các cơ quan nhà nước, các vị đại diện cho đại sứ quán Hoa Kỳ, liên minh Châu Âu và các doanh nghiệp đến tham dự Hội thảo ngày hôm nay. Chúng tôi được phép thay mặt cho ban soạn thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Ngày hôm nay với sự cho phép và tạo điều kiện của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, với trọng tâm mà Nghị định nêu ra và Ban soạn thảo chúng tôi đã có một số lần xin ý kiến của các bộ ngành của các địa phương, các tổ chức về Dự thảo Nghị định này. Thay mặt cho ban soạn thảo, tôi xin trình bày một số điểm trọng tâm để xin ý kiến của các quý vị, đặc biệt là của các quý vị doanh nghiệp và các quý vị có liên quan Luật An toàn thực phẩm theo yêu cầu có hiệu lực ngày 1/7 năm nay. Trước hết cho phép tôi trình bày những nguyên tắc chung mà trong Nghị định này nêu ra.

Trong nhóm chúng tôi soạn cũng nhất quán một điều là làm sao Nghị định phải đảm bảo được ván đề đơn giản hóa thủ tục hành chính theo yêu cầu của Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp nhưng đồng thời cũng đảm bảo tối cao của Luật An toàn thực phẩm là vì sức khỏe nhân dân, đặt lợi ích của người tiêu dùng và sức khỏe của nhân dân lên trên hết và giải quyết được làm sao đơn giản hóa thủ tục, thuận lợi cho doanh nghiệp và cũng như lời đồng chí Trần Hữu Huỳnh vừa nêu là bảo đảm làm sao cho chi phí thấp rõ ràng mặc dù chúng ta cũng chưa thoát khỏi những  phương thức xây dựng luật pháp và chính sách luật pháp ở nước ta hiện thời nhưng Nghị định nhóm chúng tôi biên soạn làm sao cố gắng được chi tiết càng tốt. Tất nhiên chúng ta sẽ còn thêm những bổ sung để chi tiết hóa, nhưng trên tinh thần chúng tôi càng được chi tiết càng tốt.

Đối với vấn đề quản lý Nhà nước, chúng tôi đã bàn bạc rất nhiều và trao đổi ở các địa phương, các ngành, đến nay đã là Dự thảo 14, 15 rồi nhưng một yêu cầu là làm sao giảm được sự chồng chéo, làm sao khắc phục được những khó khăn phát sinh từ sự chồng chéo này trong công tác quản lý và bảo vệ an toàn thực phẩm đối với các doanh nghiệp. Đối với người tiêu dùng chúng tôi cũng nêu một yêu cầu là làm sao dễ áp dụng, mọi người đều áp dụng được. Đồng thời Nghị định chúng tôi cũng cố gắng xây dựng rất sát 4 Luật: thứ nhất, Luật An toàn thực phẩm; thứ hai, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (đây là luật có chi phối tương đối nhiều); thứ ba, Luật Chất lượng tiêu chuẩn hàng hóa; và cuối cùng là Luật Bảo vệ người tiêu dùng. Bốn Luật này thì 2 luật đã có hiệu lực, còn 2 luật là Luật An toàn thực phẩm và Luật Bảo vệ người tiêu dùng thì sẽ có hiệu lực cùng có thời gian là 1/7/2010. Sau đây chúng tôi đi thẳng vào vấn đề những vấn đề Chương I quy định chung là không có vấn đề gì. Chương II về Công bố hợp quy đây là nội dung có liên quan đến Luật Quy chuẩn, tiêu chuẩn mà Nghị định này quy định và triển khai rõ ràng theo Luật An toàn thực phẩm yêu cầu phải làm rõ. Chương III Quy định về bảo đảm an toàn đối với sức khỏe con người và môi trường của thực phẩm biến đổi gien Chương IV và vấn đề về các điều kiện sản xuất kinh doanh không thuộc diện đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận an toàn, ngoài những đối tượng này được cấp Giấy chứng nhận an toàn. Chương V Đối tượng được miễn kiểm tra Nhà nước về an toàn thực phẩm; Chương VI về nhãn thực phẩm (được dành nhiều thời gian tranh luận lớn, mất rất nhiều trao đổi từ khi soạn thảo luật đến khi soạn thảo Nghị định, về cơ bản chúng tôi đã có hướng tiếp thu ý kiến đóng góp của các địa phương và các bộ ngành trong thời gian qua); Chương VII về Quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm (đây cũng là một chương hết sức quan trọng, chắc chắn đây là một chương ngày hôm nay trong Hội thảo này các đại biểu quan tâm rất nhiều, vì quản lý Nhà nước, ta vẫn gọi là “quản lý Nhà nước” mà các nước khác không dùng, có liên quan đến việc thực thi pháp luật, có liên quan đến hệ thống thủ tục trình tự và phạm vi điều chỉnh và các đối tác thực hiện các quy định pháp luật có liên quan đến vấn đề giải quyết, xử lý. Đây là một chương hết sức quan trọng, ngày hôm nay rất mong ý kiến của các quý vị và các doanh nghiệp chính cũng là một trong những đối tượng.

Bây giờ tôi xin nhấn mạnh vào một số điểm mong muốn các quý vị sẽ phát biểu và chúng tôi sẽ tiếp thu, đó cũng là trông đợi của Ban Soạn thảo:

Thứ nhất, đối tượng phải công bố hợp quy, cái này đã được công bố trong Luật rồi. Công bố hợp quy là những đối tượng đã được thống kê tại Điều 5 của Luật, trong đó phải nhấn mạnh đến những thực phẩm phải bao gói sẵn thì phải công bố hợp quy. Còn những thực phẩm chưa thể công bố hợp quy được, ví dụ như mớ rau muống, cái bánh rán ngoài chợ. Đấy là những cái mà không công bố hợp quy thì phải quản lý theo cách khác. Cách quản lý hơp quy là một cách tiếp cận mà cách tiếp cận này dựa trên Luật Tiêu chuẩn Quy chuẩn. Đấy là đối tượng đã được ghi ở trong Luật rồi. Những trường hợp nằm trong diện phải công bố hợp quy nhưng chưa ban hành quy chuẩn chính thức theo nghĩa là quy chuẩn của Luật Tiêu chuẩn Quy chuẩn thì sẽ phải công bố điều kiện an toàn, phù hợp an toàn.

Thế tại sao lại chưa có quy chuẩn? Bản chất là chúng ta đã có quy chuẩn và đã có từ lâu, khi chúng ta làm việc theo Luật Tiêu chuẩn Quy chuẩn thì quy định về các ngưỡng ta chuyển sang hình thức quy chuẩn, đó là một hình thức mới. Quy định luật pháp về các ngưỡng giới hạn mà các nước khác người ta gọi là tiêu chuẩn. Phải phân biệt quy chuẩn và tiêu chuẩn. Quy chuẩn là những cái chúng ta bắt buộc phải thực hiện vì có liên quan đến những giới hạn mà ở đó sẽ có hại hoặc không được vượt quá vì làm hại đến sức khỏe con người. Đối với một số các thực phẩm đặc biệt có hướng dẫn riêng về vấn đề hợp quy này.

Về thời hạn, đây là một điểm tương đối mới, tương đối rõ hơn so với Luật. Thời hạn của Giấy xác nhận phù hợp và Công bố hợp quy này thì chia ra mức độ đối với trình độ công nghệ và sự kiểm soát về an toàn thực phẩm. Chứ không như trước đây, tất cả các loại một thời gian như nhau, là 5 năm. Nhưng bây giờ có chia ra: những nơi có HACCP, có GMP, có ISO ..v..v.. tức là có hệ thống kiểm soát chất lượng tốt thì thời gian đó dài hơn. Những nơi có điều kiện kiểm soát chất lượng càng thấp thì thời gian càng ngắn. Điều này cũng phù hợp với thế giới vì kiểm tra về mặt an toàn thực phẩm càng chặt với những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa được chuẩn hóa, mà càng chuẩn hóa thì càng có điều kiện thực hiện tốt.

Tiếp theo, về cơ quan tiếp nhận Bản đăng ký hợp quy này là đâu? Theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn cũng như theo Nghị định 127 để hướng dẫn Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn: Bộ ban hành quy chuẩn kỹ thuật đối với các sản phẩm thì bộ sẽ là nơi quản lý Nhà nước tiếp nhận bản đăng ký này và chỉ định các đơn vị chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật. Theo Luật An toàn thực phẩm thì đơn vị ban hành quy chuẩn kỹ thuật đối với thực phẩm là Bộ Y tế. Đấy là cái chúng ta vận dụng các luật như vậy.

Đối với các đối tượng không phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm: Trước đây chúng ta yêu cầu tất cả kinh doanh thực phẩm là kinh doanh có điều kiện phải cấp Giấy hết. Mà thực sự không phải thế và ta làm cũng không nổi, mà cũng khó quá. Vì sao khó? Vì người người làm thực phẩm, nhà nhà làm thực phẩm. Cũng như một số nước, nước ta, 9 triệu hộ nông dân sản xuất, cung cấp thực phẩm. Nếu có đưa tây sang nước ta quản lý thì tây cũng bó tay. Vậy, để phù hợp với điều kiện hiện tại, trong quá trình xây dựng luật Quốc hội thảo luận rất nhiều về vấn đề này, tôi nhớ đã dành hàng tiếng đồng hồ để tranh cãi nhau, xem là ông nhỏ lẻ, ông kinh doanh, ông nông dân kia thì như thế nào? Cuối cùng Luật An toàn thực phẩm quy định cũng rõ rồi, trong Nghị định chúng tôi đưa ra chi tiết như thế này: "Những hộ kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, hộ gia đình thì thôi. Có ý kiến cho rằng, thế nào là hộ gia đình? thế nào là nhỏ lẻ? là 30 người kinh doanh hay là 10 người." Câu chuyện này vẫn còn dài dài nhưng ý tưởng ở đây: nhỏ lẻ là ở cấp độ gia đình thôi, không phải cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật hiện hành. Những người bán hàng rong, trước đây chúng ta gọi là thức ăn đường phố, bán hàng rong thì cũng không có yêu cầu phải cấp giấy. Và kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn mà không có yêu cầu bảo quản đặc biệt khác thì ta đã biết như vậy.

Tiếp theo, đến vấn đề thu hồi Giấy: trước đây chúng ta cũng có quy định thu hồi nhưng trên thực tế Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, về nguyên tắc là một giấy rất quan trọng. Bởi vì suy cho cùng đó là một vấn đề tiền kiểm. Hiện nay chúng ta đang tiến hành hậu kiểm. Mà chúng ta biết rằng, quản lý thực phẩm không phải quan trọng ở hậu kiểm mà phải là tiền kiểm, các điều kiện cần thiết về mặt an toàn vệ sinh phải được xác định trước thì mới gọi là kiểm soát thực phẩm. Chúng ta hiện nay thì tiền kiểm là chịu thôi, chưa có điều kiện, chúng ta không thể nóng vội được. Chúng ta cũng không thể xây thành Roma trong một đêm, chúng ta cũng không thể hy vọng quản lý thực phẩm như nước Mỹ, như nước Nhật. Chưa thể ngay được! Cho nên chúng ta phải chấp nhận những giai đoạn quá độ. Luật cũng đã hướng dẫn để cho nó khả thi. Trong Nghị định này nêu thêm một điểm là căn cứ vào mức độ vi phạm thì thu hồi. Chúng ta cũng không coi Giấy chứng nhận đủ điều kiện là một cái giấy khen tượng trưng để chúng ta dán lên vĩnh viễn. Không phải!

Tiếp theo, vấn đề thực phẩm nhập khẩu được miễn kiểm tra Nhà nước. Đây chỉ là những quy định có tính chất rất chung. Xin ý kiến của Bộ Ngoại giao thì theo thông lệ đối với nước ta, chúng tôi cho rằng không có vấn đề gì trừ khi có tình huống đặc biệt. Ví dụ, những thực phẩm đi từ vùng nhiễm xạ xách tay về thì sẽ có những xử lý đặc biệt, không đưa vào đây nhưng có những quy định trong Luật khi xảy ra tình huống cần phải kiểm tra.

Ghi hạn trên nhãn sử dụng cũng là một vấn đề tranh luận: có những đại biểu cho rằng chúng ta ghi đủ các kiểu, đủ các tên nào là hạn sử dụng cuối cùng, nào là ngày hết hạn cuối cùng...thì trong luật có đưa thêm khái niệm là "sử dụng tốt nhất trước ngày." Đây là khái niệm của nước ngoài, khái niệm của hội nhập. Đối với ta thì chúng ta chưa đủ trình độ để quản lý nhưng rất đáng để tranh luận cuối cùng thì trong Nghị định cũng đưa ra một phương án như Luật đã ghi là "sử dụng tốt nhất trước ngày" nhưng rõ hơn là được áp dụng với thực phẩm được chứng minh đủ điều kiện

Bởi vì nhiều cơ quan cho rằng Coca cola, nước khoáng mà tôi uống thì thời hạn là 3 năm hay là 5 năm, bao nhiêu năm đối với rượu, vodka thì để 2 năm chắc là tốt hơn 1 năm, vậy thì hạn của nó đến bao giờ? Như vậy, đưa thêm một điều như vậy để chúng ta thấy rằng điều kiện Việt Nam chúng ta làm như vậy.

Tiếp theo là phương án mà chúng tôi trông đợi hôm nay các quý vị thảo luận là: việc tiếp cận của Luật này là có 3 Bộ tham gia quản lý thực phẩm chính đã được xác định: thứ nhất, Bộ Y tế-mama tổng quản. Tổng quản thứ nhất thanh tra, kiểm tra tất cả các khâu, tổ chức các đoàn thanh tra liên ngành và có thể thanh tra tất cả các công đoạn khi có vấn đề cần xử lý liên quan đến an toàn thực phẩm. Bộ Y tế là Bộ bảo vệ sức khỏe nhân dân cho nên luôn đặt mục tiêu bảo vệ sức khỏe nhân dân lên trên hết, chúng tôi xin nhấn mạnh điểm đó. Và 90% các nước người ta giao cho Bộ Y tế, cũng có một số nước người ta giao cho Bộ Nông nghiệp như Canada tất nhiên cũng phải phối hợp với Bộ Y tế. Nhật Bản và Mỹ đều giao cho Bộ Y tế bởi vì người ta nhận thấy rằng sứ mệnh bảo vệ sức khỏe của nhân dân và nòi giống độc lập với các ngành sản xuất, vì các ngành sản xuất là lợi nhuận, an toàn sức khỏe của nhân dân phải được giao cho Bộ Y tế. Mama tổng quản phải kiểm tra toàn bộ. Thứ hai, Bộ Y tế có nhiệm vụ ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật mà ở đó có việc chi phối đến sức khỏe. Điều này rất quan trọng! Ta biết vừa rồi là phóng xạ, các thứ khác... liên quan đến con người là Bộ Y tế.

Thế phải tổ chức được các vấn đề đánh gía phân tích nguy cơ, quản lý nguy cơ, truyền thông nguy cơ, tức là các cơ sở chuyên môn của quản lý thực phẩm bởi vì quản lý thực phẩm của chúng ta phải quản lý dựa vào nguy cơ, dựa vào bằng chứng. Đó là Bộ Y tế phải chủ trì, đồng thời là phối hợp mà không chỉ là với 3 Bộ mà tất cả các ngành khác. Và đương nhiên Bộ Y tế là đầu mối, phối hợp với Chính phủ. Đó chính là cái thống nhất quản lý, Chính phủ cho 2 Bộ những nhiệm vụ cực kỳ rõ ràng mà lần trước Pháp lệnh không ghi: một-Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý 9 ngành hàng và quản lý toàn bộ khâu sản xuất-đương nhiên cái này rất thuận lợi, Luật quy định và sau này Bộ Y tế đi kiểm tra bất kỳ khâu nào đều phải thông báo Bộ Nông nghiệp và chúng tôi cũng đã ngay lập tức lên kế hoạch một tháng một lần báo cho Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn một lần có việc a, b, c, d xảy ra. Chúng ta không phải đùn đẩy nhau, trước đây ông y tế đùn đẩy với ông nông nghiệp, chúng ta đã khắc phục được. Lập kế hoạch tất cả các khâu nông nghiệp đều phải kiểm tra và thông báo công khai cho ban chỉ đạo liên ngành hàng tháng, thông báo cho Phó Thủ tướng. Như vậy là các đồng chí bên nông nghiệp đã sẵn sàng xây dựng một đội ngũ để có những ứng phó tốt từ khâu sản xuất. Bộ Y tế phải công bố hàng tháng, thậm chí công bố công khai trước dư luận đối với 2 đồng chí Bộ trưởng, chúng tôi đã báo cáo với thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân rồi, chúng tôi lập kế hoạch để phân bố cho ngành nông nghiệp của chúng ta tấn công vào mặt trận này một cách thực sự chứ không phải là chúng ta tấn công như trước đây. Đó là điều rất tốt. 9 ngành hàng nông sản thực phẩm, tôi cho rằng Bộ Nông nghiệp có trách nhiệm rất lớn mà chính các bản thân các đồng chí lãnh đạo Bộ Nông nghiệp đã xác định nhiệm vụ này. Thực sự sẽ có hiệu quả.

Bộ thứ hai là Bộ Công thương quản lý 5 ngành hàng: sữa, tinh bột, dầu ăn, đường bánh kẹo, chế biến. Cụ thể thực chất quản lý của Bộ Y tế sẽ thu hẹp lại để Bộ Y tế sẽ đi kiểm tra các việc khác chứ Bộ không quản lý nhiều ngành hàng như trước đây. Tức là Bộ Y tế sẽ quản lý thực phẩm tăng cường vi chất liên quan đến sức khỏe bởi vì nó liên quan đến những vấn đề điều chỉnh sức khỏe cộng đồng; thực phẩm chức năng; phụ gia; nước uống. Đó là những ngành hàng cũng không nhiều nhưng phải tham gia quản lý. Đó là những cái được phân tương đối rõ. Phân theo ngành dọc như vậy rồi thì cũng không có nước nào phân chia như nước mình. Chúng ta xây dựng pháp luật lại lo lắng với bức xúc ở ngoài chợ, không đủ bình tĩnh để thiết chế rõ ràng, tốt... thì chúng ta phải chia sẻ lực lượng để làm, để cùng tham gia cho tốt. Nếu không có lực lượng thì không được. Như vậy nó lại đẻ ra sự chồng chéo. Vì bản chất của thực phẩm là chồng chéo. Một sản phẩm được coi là phân công cho Bộ này nhưng lại đan chéo vào Bộ kia. Như vậy, trước đây trong giai đoạn Pháp lệnh ta có sự chồng chéo này, bây giờ ta lại có sự chồng chéo khác. Hôm nay chúng tôi nêu ra đây để các đồng chí cho ý kiến để làm sao thuận tiện.

Muốn để chứng nhận điều kiện an toàn đối với các doanh nghiệp thì chúng tôi nêu ra 3 phương án trước đây trong Dự thảo 14 nêu ra 2 phương án nhưng Dự thảo hiện nay là 3 phương án theo kiến góp ý của các địa phương trong Dự thảo hiện nay. Như các vị cầm trong tay có 2 phương án: phương án 1 nếu có một mặt hàng vừa lĩnh vực Công thương, vừa lĩnh vực Y tế, vừa lĩnh vực Nông nghiệp quản lý thế thì ai quản lý. Chúng tôi có thể lấy cho các quý vị các ví dụ, trong tay chúng tôi cũng đã có điều tra mặt hàng hỗn hợp thì có khoảng  30.000 loại thực phẩm mà trước mắt chúng ta điều tra. Tôi xin lấy ví dụ, bánh pizza bao gồm bột mỳ, thịt bò tôm cá hồi, và chua, rau thơm, phụ gia; bánh chưng thì bao gồm bột, thịt...rồi bánh ruốc thịt, giò gồm có thịt và bột nhưng giò chanh thì không có bột...thì ai quản lý những mặt hàng thực phẩm hỗn hợp đó hay là bánh nướng, bánh bích quy, bánh panda, phụ gia thì không biết bao nhiêu lĩnh vực có liên quan khiến cho chồng chéo về ngành hàng đặt ra thách thức mà chúng ta phải xem xét, xem quản lý thế nào cho thuận tiện đối với các doanh nghiệp. Nhưng đồng thời trong giao dịch về mặt quản lý thì các quý vị ngồi đây sẽ biết có những công ty kinh doanh 3 mặt hàng: thực phẩm chức năng; thịt; bột mỳ thì các vị phải đến đâu cho 3 Bộ. Vì thực phẩm chức năng do Bộ Y tế quản lý; bột mỳ là Bộ Công thương; thịt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Như vậy, các quý vị thấy rằng chúng ta phải giải quyết bài toán này trong Nghị định để làm sao quản lý của từng ngành có hiệu quả nhưng không gây khó khăn cho các doanh nghiệp về mặt hành chính. chúng tôi đề xuất 3 phương án như sau:

- Phương án 1: lấy mặt hàng chủ đạo của ngành đó sản xuất cho Bộ đó quản lý. Tôi lấy ví dụ một doanh nghiệp của các quý vị ngồi đây: nào là thực phẩm chức năng, nào là thịt, nào là bột mỳ nhập khẩu. Thịt là chính xin mời đến đăng ký Bộ Nông nghiệp, thay mặt Bộ Y tế, Bộ Công thương làm hết. Nhưng thế nào là chính? Chính là tiền hay chính là khối lượng, là trọng lượng? Vấn đề này Ban Soạn thảo cũng tranh luận rất nhiều. "chính" là tiền, ví dụ trong 3 tỷ: loại này 2 tỷ thì đưa sang Bộ Nông nghiệp. Tất nhiên, với cách này thuận tiện cho doanh nghiệp và Bộ Nông nghiệp cũng thay mặt để quản lý. Nhưng trong những cái chính đó có những cái tỷ trọng chỉ đáng có 100.000 đ thôi nhưng lại rất nguy cơ. Các anh các chị biết có nhiều mặt hàng giá chỉ có 100.000 đ thôi nhưng có thể gây chết người. Thì quản lý thế nào? Có những khó khăn như vậy. Đó là phương án 1.

- Phương án 2: những sản phẩm nào được phân công trong Luật An toàn thực phẩm triển khai theo Nghị định , thuộc Bộ nào, cứ thế mà quản lý. Ví dụ: một doanh nghiệp có 4 mặt hàng, bây giờ xin mời ông có 4 cái giấy. Xin mời cứ đi sang Bộ Nông nghiệp, cứ đi sang Bộ Y tế, cứ đi sang Bộ Công thương. Như vậy thì không phải bàn cãi gì nữa, anh có bao nhiêu mặt hàng thì đi sang từng ấy Bộ. Các doanh nghiệp như vậy sẽ không kinh doanh đa mặt hàng nữa mà tiến tới kinh doanh đơn mặt hàng. Không biết đây có phải là ý nguyện của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam hay không nhưng với cách cơ học như vậy thì giải quyết như thế nào đối với các doanh nghiệp?

- Phương án 3: qua ý kiến góp ý của rất nhiều địa phương, bộ ngành, phương án này chúng tôi chưa ghi vào bản sơ thảo nhưng có đề xuất; cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn ăn ngay thì do Bộ Y tế chịu trách nhiệm; kinh doanh nguyên liệu thì mặt hàng chính quản lý theo Bộ cũng như cấp Giấy đủ điều kiện. Với phương án thứ 3 này có ưu điểm là thuận lợi cho doanh nghiệp quản lý được nguy cơ. Nhưng Bộ Y tế có nặng quá không? Bộ Nông nghiệp thì thế nào? Vậy thì cách tiếp cận của chúng ta sẽ đẻ ra những phương án chúng ta phải bàn trong Nghị định và chúng tôi cho rằng là dù phương án nào đi chăng nữa thì việc phối hợp các Bộ. Bản chất việc phối hợp chặt chẽ của các Bộ thì bao giờ cũng là tinh hoa của phát triển. Chúng ta đều biết tinh hoa trình độ phát triển của một nước thể hiện ở sự phối hợp. Còn khả năng không ngồi được với nhau thể hiện trình độ kém. Dù phương án nào cũng đòi hỏi cái đó, đòi hỏi một lực lượng cán bộ không chỉ giỏi về chuyên môn mà lại phải hết sức tâm huyết về nghề nghiệp, hiểu biết sâu sắc về xã hội. Đó là thách thức rất lớn cho ngành thực phẩm. Không phải chỉ riêng Bộ Y tế mà nhiều ngành khác cũng đang bắt đầu. Chúng tôi muốn xin ý kiến của các quý vị đi sâu vào những điểm mấu chốt như vậy để tiếp thu làm sao Dự thảo mới, cuối cùng sẽ tốt, và càng tốt được bao nhiêu thì chúng ta càng có lợi bấy nhiêu, nhân dân chúng ta càng có lợi. Chúng tôi xin phép được thay mặt cho Ban Soạn thảo và Cục an toàn thực phẩm cảm ơn sự tham gia của các quý vị, các vị khách quốc tế, các vị đại diện cho các cơ quan thương mại quốc tế cũng như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức những buổi hôm nay và ngày mai ở thành phố Hồ Chí Minh.

Xin kính chúc Hội thảo thành công. Xin cảm ơn.

Các văn bản liên quan