Ý kiến của Đại diện Công ty Monsanto về Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm

Thứ Sáu 00:44 15-04-2011

Tôi xin không nhắc lại những ý kiến đã nêu trong phần trình bày gửi đến quý vị. Tôi xin đi cụ thể vào vấn đề dưới góc độ quan tâm của doanh nghiệp vì bất cứ vấn đề nào, quy định pháp luật nào mà đặc biệt là văn bản hướng dẫn tạo ra môi trường pháp lý minh bạch rõ ràng cho những sản phẩm mới như thực phẩm biến đổi gien những căn cứ khoa học. Đó là cái nền tảng để tạo ra cho khung pháp lý  này đồng thời bảo đảm khả năng thực thi.

Ở đây chúng tôi xin đưa ra một số kiến nghị rằng: khi xây dựng Nghị định này, Ban Soạn thảo cần phải tham chiếu rõ ràng với những văn bản đặc biệt là những luật đã có hiệu lực: Luật Tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật; Luật Quản lý chất lượng hàng hóa sản phẩm. Đối với doanh nghiệp chúng tôi hết sức quan tâm Luật Thương mại. Vì trong Nghị định có nêu vấn đề in nhãn với thực phẩm biến đổi gien rõ ràng đã không phát huy được các văn bản đã được ban hành. Nếu như quan điểm cho rằng thực phẩm biến đổi gien là một cái gì đó thoát ly hoàn toàn, có ý nghĩa là chúng ta phải xây dựng một hệ thống song song với hệ thống luật hiện nay đã vận hành và đang định hình tại Việt Nam. Cho nên một trong những điều cơ bản chúng tôi kiến nghị là định nghĩa thực phẩm biến đổi gien là gì? Trên cơ sở khoa học thì chúng ta sẽ điều chỉnh chúng ra sao trong khuôn khổ pháp lý Việt Nam? Lộ trình thời gian cần thiết để chuẩn bị các hạ tầng cơ sở cần thiết cũng như năng lực kỹ thuật để làm sao quản lý được thực phẩm biến đổi gien. Qua một số tham vấn của các bộ ngành có liên quan không phải chỉ Bộ Y tế mà còn cả Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Công thương, chúng tôi thấy rằng chúng ta cần có khoảng thời gian nhiều hơn, trước khi có thể điều chỉnh một cách có cơ sở khoa học, rõ ràng và minh bạch.

Quay lại vấn đề in nhãn, một số đại biểu trước đã nêu, nhãn không chỉ là vấn đề chúng ta mong muốn doanh nghiệp công bố thông tin mà ghi nhãn phải dựa vào cơ sở rõ ràng. Nếu như đưa ra ngưỡng 5% thì trong Luật chỉ ghi là sẽ giao cho Chính phủ quy định cụ thể tùy theo mức độ phù hợp với xã hội Việt Nam. Khi nào nó phù hợp? Phù hợp bao gồm những vấn đề mà tôi nêu ra, ví dụ sự chuẩn bị, năng lực quốc gia, của cơ quan quản lý. Thứ hai, nữa thời gian hợp lý mà doanh nghiệp có thể tham gia được. Với tư cách là Monsanto, chúng tôi đang hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để đưa cây ngô biến đổi gien vào Việt Nam. Sau khi được thương mại hóa thì cây biến đổi gien sẽ vào chuỗi tạo giá trị. Chúng tôi sẽ không an tâm nếu chỉ được chứng nhận an toàn làm thức ăn gia súc. Chính vì vậy, cần có điều chỉnh rõ ràng khi thực phẩm có ít thành phần biến đổi gien. Cần có cơ sở khoa học rõ ràng cho 5% bằng văn bản. Không chỉ tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý mà đồng thời doanh nghiệp phải tuân thủ được.

Về phân công giữa các Bộ ngành, chúng tôi nghĩ rằng khi Luật đã đưa ra các tiêu chí thì Nghị định phải làm rõ hơn. Tôi chỉ xin nêu một vấn đề nhỏ, nếu giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý thực phẩm biến đổi gien thì chuỗi giá trị tạo ra, hàm lượng biến đổi gien nó sẽ vào những loại khác mà thuộc quản lý của Bộ Công thương. Lúc đó, sẽ giao cho Bộ nào?

Một số cam kết của Việt Nam với tư cách là thành viên của WTO. Có hai hiệp định quan trọng: Hiệp định về các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS); Hiệp định về hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (TPT). Một số ý kiến nêu ra trước đây đã khuyến cáo rằng khi chúng ta đưa ra những vấn đề quản lý mới thì cần phải hết sức lưu ý xem rằng chúng có tạo ra những hàng rào kỹ thuật hay không? Điều đó sẽ làm phương hại tới quan hệ với các đối tác, đặc biệt là khi Việt Nam đang tham gia đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đó là hội nhập sâu nhập hơn của Việt Nam vào thế giới. Những cam kết của Việt Nam với tư cách là thành viên của WTO sẽ cần phải được tôn trọng. Như vậy không chỉ quan tâm dưới góc độ sản xuất những gì cung cấp cho thị trường nội địa mà còn là những sản phẩm nhập khẩu, xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Tôi xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Ban Soạn thảo đã cho chúng tôi cơ hội được trình bày ý kiến của mình trong Hội thảo ngày hôm nay. Chúng tôi sẵn sàng đóng góp khi Ban soạn thảo cần ý kiến doanh nghiệp cho việc xây dựng các văn bản sau này.

Các văn bản liên quan