Góp ý của bà Đặng Thị Bình An – Nguyên phó Tổng cục trưởng – Tổng Cục hải quan

Thứ Tư 17:12 18-08-2010

            Kính gửi:  PHÒNG THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Về Bản dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về hoá đơn bán hàng, cung ứng dịch vụ (bản ghi ngày 9/8/2010), tôi xin có ý kiến như sau:

1/ Tại Điều 3: Loại và hình thức hoá đơn; Chứng từ.

Tại điểm 4 có ghi: Chứng từ sau đây được in, phát hành, sử dụng và quản lý như hoá đơn: Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ, phiếu xuất kho hàng gửi bán đại lý. Quy định này hoàn toàn trái với điểm 1 của Điều 3 định nghĩa: hoá đơn là chứng từ do người bán lập, ghi nhận thông tin bán hàng ; Các loại phiếu trên là chứng từ luân chuyển nội bộ, không phải chứng từ ghi nhận việc bán hàng do vậy không thể quy định như hoá đơn được. Loại chứng từ này hiện nay ngành thuế quy định để kiểm tra hàng hoá lưu thông trên đường và các doanh nghiệp vẫn mua của cơ quan thuế nhưng hiện nay, Nghị định 51 không đề cập đến loại chứng từ này vì vậy không nên đưa vào thông tư hướng dẫn.  

2/ Tại Điều 4: Nội dung trên hoá đơn.

Tại điểm 2.2 có quy định: Các thông tin tạo thêm như logo, hình ảnh trang trí hoặc quảng cáo hoặc các thông tin khác phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng kích thước cỡ chữ phải nhỏ kích cớ chữ nhỏ nhất của các nội dung bắt buộc. Hiện nay chỉ có tên, mã số của đơn vị in hoá đơn được quy định cỡ 10. Như vậy được hiểu chữ phải từ 10 trở xuống còn hình ảnh logo có bị khống chế hay không cần phải quy định rõ hơn.

3/ Tại Điều 6: Tạo hoá đơn tự in

Điểm 1.1.c đề nghị sửa lại: Doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu ghi trong sổ kế toán từ 10 tỷ đồng trở lên.

Khoản 2 của điểm này đề nghị bổ sung thêm từ: Chỉ - để hiểu dễ hơn.

Điểm 1.2: Quy định điều kiện nên có định lượng để khi kiểm tra đối tượng kiểm tra và đối tượng bị kiểm tra không hiểu khác nhau. Ví dụ: có hệ thống thiết bị đảm bảo cho việc in và lập hoá đơn.

Về điều kiện: Không bị xử phạt vi phạm pháp luật thuế từ 20 tr đồng trở lên... Riêng đối với doanh nghiệp đang được tự in nếu có bị xử phạt vẫn tiếp tục được in. Quy định này là không công bằng.

4/ Tại Điều  8 Tạo hoá đơn tự in

Khoản 2 điểm 2.1 nên sửa lại: Hộ, cá nhân kinh doanh thuộc đối tượng được tạo hoá đơn đặt in nhưng không tạo hoá đơn đặt in thì được mua hoá đơn của cơ quan thuế.

( nếu Bộ Tài chính đề nghị Bổ sung thêm câu: Doanh nghiệp, Hộ, cá nhân kinh doanh thuộc đối tượng tạo hoá đơn đặt in nhưng không tạo hoá đơn đặt in thì được mua hoá đơn của cơ quan thuế thì sẽ tốt cho doanh nghiệp vừa và nhỏ rất nhiều, tiết kiệm xã hội sẽ là rất lớn )

5/ Tại Điều 9: Bán, cấp hoá đơn do Cục thuế đặt in.

Thủ tục cấp hoá đơn lẻ quy định ở điểm 3 rất lỏng lẻo doanh nghiệp dễ lợi dụng để hợp pháp hoá chi phí. Đề nghị bổ sung thêm hợp đồng nếu hoạt động mua bán có giá trị từ 2tr đồng trở lên.

6/ Tại điều 10: Phát hành hoá đơn

Tại điểm 4: Niêm yết hoá đơn ngay tại các cơ sở sử dụng hoá đơn, trường hợp bán hàng lưu động, taxi, vé ôtô buýt...sẽ niêm yết tại đâu.

Quy định Cục thuế địa phương chỉ đưa các nội dung phát hành hoá đơn vào trang điện tử của nghành thuế, các doanh nghiệp sẽ khó tra cứu khi nhận hoá đơn DN nghi là giả hoặc bất hợp pháp.

7/Tại Điều 14 Nguyên tắc lập hoá đơn.

Ngày lập hoá đơn xuất khẩu là ngày cơ quan Hải quan xác nhận hàng thực xuất. Hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu đều phát hành invoice đây là hoá đơn chính thức ghi nhận việc bán hàng với nước ngoài; Hiện nay, theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế ngoài hoá đơn chính thức này, doanh nghiệp phải viết thêm hoá đơn giá trị gia tăng để ghi thuế GTGT 0% như vậy mới đủ thủ tục để xin khấu trừ, hoàn thuế GTGT. Nay quy định Hoá đơn xuất khẩu thì có phải sửa quy định ở thông tư hướng dẫn về thuế GTGT không , cần cân nhắc vấn đề này. Có thể sử dụng invoice mà các doanh nghiệp đang sử dụng sẽ tiết kiệm cho xã hội rất nhiều.

Quy định hoạt động bán dầu thô và khí Thông tư quy định thực hiện theo hướng dẫn riêng của Bộ Tài chính. Việc bán dầu thô và khí diễn ra hàng chục năm nay, hiện nay đang làm thế nào nên quy định luôn vào 01 thông tư không nên hướng dẫn riêng. Vấn đề tạo hoá đơn điện tử là vấn đề mới thì nên để riêng. Các trường hợp khác nên đưa vào Thông tư chung.

8/Tại điều 15 quy định :

“ - Hoá đơn bán hàng hoá, dịch vụ mà thời điểm bán hàng hoá, dịch vụ phát sinh trước ngày xác định cơ sở kinh doanh bán hàng hóa, dịch vụ bỏ trốn theo thông báo của cơ quan thuế, nhưng cơ quan thuế, cơ quan công an và các cơ quan chức năng khác đã có kết luận là sử dụng bất hợp pháp hóa đơn;”

“- Hoá đơn bán hàng hoá, dịch vụ mà tại thời điểm bán hàng hoá, dịch vụ phát sinh tuy chưa có thông báo của cơ quan thuế về việc cơ sở kinh doanh bỏ trốn, nhưng cơ quan thuế, cơ quan công an và các cơ quan chức năng khác đã có kết luận là sử dụng bất hợp pháp hóa đơn.

Thực tế trong thời gian qua có  nhiều trường hợp các DN khi đi mua hàng hóa dịch vụ trước, trong  hoặc sau  thời điểm bỏ trốn, có thể không cố tình mà chỉ là nạn nhân vì  không  thể có thông tin để đối chiếu ... Đây là vấn đề nhiều  DN đang bức xúc và nay nếu  tiếp tục  không quy định rõ ràng thì càng tiếp tục lộn xộn và là  kẽ hở cho các cán bộ thuế xử lý không thống  nhất – gây khó cho DN.

Đề xuất : Nên thống nhất nếu phát hiện DN bỏ trốn đã có thông báo: (phải quy định  rõ: thông báo ở đâu... trang thông tin của Nganh thuế ...) thì kể từ ngày  có thông báo là sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.

9/ Tại Điều 19 quy định: 

Cần quy định rõ thủ tục trình tự dừng sử dụng hoá đơn cho rõ ràng minh bạch.

10/ Tại Điều 20. Ghi hoá đơn khi danh mục hàng hoá nhiều hơn số dòng của Hoá đơn.

Dòng cuối của điểm 1: Cần sửa lại: Không dùng bảng kế để liệt kê các loại hàng hoá, dịch vụ bán đã được ghi trên hoá đơn.

Điểm 2.2 quy định Bảng kê phai có đầy đủ các chữ ký của người bán hàng, giám đốc, người mua, kết toán trưởng là không phù hợp. Vì quy định đối với hoá đơn chỉ tiêu bắt buộc chỉ có chữ ký người mua, người bán và Thủ trưởng đơn vị hoặc người được uỷ quyền. Đề nghị chỉ quy định như hoá đơn ( Nên quy định Bảng kê được ký như hoá đơn – có trường hợp người mua không cần phải ký )

11/ Tại Điều 30. Kiểm tra việc in, phát hành...hoá đơn.

Điểm 2.4 chỉ quy định nội dung chính của Biên bản kiểm tra chỉ gồm: các căn cứ pháp lý để thiết lập biên bản là chưa đủ , đề nghị viết lại điểm này.

12. Điều 33. Hiệu lực thi hành: cần hướng dẫn rõ câu:

- Đối với các doanh nghiệp trước ngày 01/01/2011 đã thực hiện đặt in hoá đơn nếu có nhu cầu sử dụng thì được đăng ký với cơ quan thuế tiếp tục sử dụng ( cần phải quy định mẫu đăng ký và nối rõ sau khi đã đăng ký thì có hoặc không phải làm thủ tục thông báo phát hành hoá đơn.

Câu các doanh nghiệp thực hiên đặt in hoá đơn ngày từ năm 2010 theo hưỡng dẫn tại thông tư này. Đề nghị viết lại: Để doanh nghiệp có hoá đơn sử dụng ngay từ ngày 1/1/2011 donh nghiệp sẽ phải đặt in vào năm 2010. Ý văn bản soạn thảo cần phải rõ ràng.

Trên đây là một số ý kiến tham gia về dự thảo Thông tư hướng dẫn sử dụng hoá đơn. Đề nghị Phòng Thưong mại và Công nghiệp Việt nam xem xét , tổng hợp góp ý với ban soạn thảo.

Trân trọng cám ơn.

 

                                                                                NGƯỜI THAM GIA

 

 

                                                                                      ĐẶNG THỊ BÌNH AN

Các văn bản liên quan