Góp ý của ông Vũ Xuân Tiền – Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Tư vấn VFAM Việt Nam

Thứ Tư 17:14 18-08-2010

 

 

MỘT SỐ Ý KIẾN GÓP Ý CHO DỰ THẢO

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP
ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ quy định
về hoá đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ

                                                      -----------------------------------

 

                                                                                                Luật gia Vũ Xuân Tiền

Ủy viên BCH Hội Luật gia Hà Nội

    Chủ tịch HĐTV công ty tư vấn VFAM Việt Nam

 

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ quy định về hoá đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ (NDD51). Đây là một trong những kết quả rõ ràng nhất của Chương trình cải cách thủ tục hành chính theo Đề án 30.

Bộ Tài chính đã hoàn thành Dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định 51 (Dự thảo TT). Việc quản lý hóa đơn ở nước ta từ lâu đã là lĩnh vực rất phức tạp trong quản lý với những thủ tục nhiêu khê, phiền hà, gây khó khăn, tốn kém cả về thời gian và tiền bạc của các cơ sở kinh doanh. Đồng thời, trong các cơ quan quản lý thuế, bộ phận quản lý ấn chỉ cũng ngày càng "phình ra to hơn". Song, tình trạng gian lận trong quản lý, sử dụng hóa đơn, việc mua bán hóa đơn...vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt.

Giao quyền và trách nhiệm cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trong việc tạo lập, quản lý và sử dụng hóa đơn phục vụ kinh doanh là xu hướng hoàn toàn đúng. Xin nhiệt liệt hoan nghênh một cải cách rất thiết thực này!

Tuy nhiên, "vạn sự khởi đầu nan" - chuyển từ việc quản lý rất chặt chẽ của cơ quan thuế sang việc các doanh nghiệp tự quyết định trong việc tạo lập, quản lý và sử dụng hóa đơn, trong điều kiện sự minh bạch trong quản lý kinh tế, xã hội chưa thật được tôn trọng, lượng tiền mặt sử dụng trong lưu thông còn quá lớn... cũng đặt ra không ít những vấn đề cần nghiên cứu, giải quyết, với một lộ trình hợp lý cả với cơ quan quản lý thuế và các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh.

Căn cứ bản dự thảo TT ngày 9 tháng 08 của Bộ Tài chính, để nội dung TT hướng dẫn cụ thể hơn, có tính khả thi hơn, xin có một vài ý kiến góp ý như sau:

I-                   Nhận xét chung:

1.               Dự thảo TT đã bám sát những nội dung cần hướng dẫn thực hiện của Nghị định 51.

2.               Nghị định 51 ban hành ngày 14/5/2010 và có hiệu lực thi hành từ 1/1/2011, song cho đến nay, ngày 18/8, TT hướng dẫn vẫn chưa được ban hành là quá chậm. Thời gian còn lại là quá ngắn, cộng đồng doanh nghiệp, các cơ sở in hóa đơn chắc chắn sẽ "trở tay không kịp".

3.               Về kỹ thuật văn bản, đề nghị không đưa những nội dung mang tính hướng dẫn vào phần Phụ lục mà đưa trực tiếp vào TT. Phần Phụ lục chỉ là những mẫu biểu bắt buộc phải tuân thủ. Đồng thời, xin kiến nghị bỏ hoàn toàn Phần V với Điều 28 và Điều 29 bởi lẽ, hai điều này chỉ dẫn chiếu hai điều của NDD51.

4.               Về thuật ngữ, đề nghị rà soát để sử dụng đúng các thuật ngữ mang tính pháp luật. Chẳng hạn, TT sử dụng khá nhiều lần cụm từ "Chứng minh thư nhân dân" là không đúng. Theo quy định của pháp luật, chỉ có "Giấy chứng minh nhân dân", không có khái niệm " Chứng minh thư nhân dân"...

5.               Đề nghị tập trung để làm rõ về điều kiện, trình tự, thủ tục, quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trong ba trường hợp:

a.       Tự in hóa đơn;

b.      Đặt in hóa đơn;

c.       Mua hóa đơn do cơ quan thuế đặt in và bán cho doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh như hiện nay.

Những nội dung nêu trên đã được đề cập tại Dự thảo TT. Song, nội dung tản mạn, khó nhận biết chính xác.

II-                Những vấn đề cụ thể cần nghiên cứu:

Nghiên cứu toàn văn Dự thảo TT, xin được nêu 13 nhóm vấn đề cần nghiên cứu, trao đổi để đảm bảo Thông tư hướng dẫn có tính khả thi cao hơn như sau:

1. Về loại và hình thức hóa đơn, chứng từ.

a.  Điều 3 của Dự thảo TT có tên "Loại và hình thức hoá đơn; chứng từ".

Thiết nghĩ, không cần đưa thêm nội dung " Chứng từ" vào điều này vì TT này chỉ liên quan đến hóa đơn - một trong những loại chứng từ kế toán. Khoản 7, Điều 4 Luật Kế toán quy định: "Chứng từ kế toán là những giấy tờ và vật mang tin phản ánh nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh và đã hoàn thành, làm căn cứ ghi sổ kế toán". Do đó, nếu hướng dẫn cả những vấn đề về chứng từ thì nội dung của TT còn thiếu rất nhiều.

b. Khoản 2.3 Điều 3 của Dự thảo TT quy định: "Hoá đơn xuất khẩu là hoá đơn dùng trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ ra nước ngoài, xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu theo quy định của pháp luật thương mại (mẫu số 5.4 Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này)".

Hiện nay, hóa đơn dùng trong xuất khẩu là hóa đơn GTGT được phép ghi thuế suất 0%, trong một số trường hợp, DN lập những " Invoice" để gửi sang nước ngoài và vẫn được người mua chấp nhận, còn liên 2 của hóa đơn GTGT đã phát hành chỉ có giá trị khi vận chuyển hàng ra cửa khẩu và làm chứng từ hạch toán. Hơn nữa, với những hợp đồng xuất khẩu có giá trị lớn và thường xuyên, việc thanh toán thường bằng các L/C qua ngân hàng. Do đó, việc bắt buộc phải có một loại hóa đơn riêng cho xuất khẩu là không thật cần thiết. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu, đề nghị phục hồi đoạn sau đây trong dự thảo TT trước bản dự thảo 9/8:

Trường hợp cơ sở kinh doanh xuất khẩu thuộc đối tượng nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ nếu đảm bảo được các điều kiện tự in hóa đơn theo quy định tại Thông tư này được tự in hóa đơn xuất khẩu từ máy tính. Đối với cơ sở kinh doanh xuất khẩu không đảm bảo được các điều kiện tự in hóa đơn theo quy định tại Thông tư này thì cơ sở kinh doanh thực hiện đặt in hóa đơn xuất khẩu. Hóa đơn xuất khẩu được sử dụng thay thế hóa đơn GTGT khi thực hiện xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ.

Trường hợp cơ sở kinh doanh xuất khẩu không đảm bảo được các điều kiện tự in hóa đơn và không đặt in hóa đơn xuất khẩu theo quy định tại Thông tư này thì cơ sở kinh doanh vẫn phải lập hóa đơn GTGT cho hàng xuất khẩu theo quy định.

2. Về nội dung bắt buộc trên hóa đơn

a- Khoản 1 Điều 4 quy định về "Nội dung bắt buộc trên hóa đơn". Đề nghị làm rõ: đó là những nội dung bắt buộc phải có khi phát hành hay ngay khi đặt in? Nếu là bắt buộc khi phát hành thì hợp lý, nhưng  nếu là bắt buộc khi đặt in thì không hợp lý. Bởi lẽ, khi đặt in, chưa thể có các thông tin cụ thể như:Tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua; Tên hàng hóa, dịch vụ; đơn vị tính, số lượng, đơn giá hàng hoá, dịch vụ; thành tiền ghi bằng số và bằng chữ...Trong khi đó, khoản 1 Điều 8 của Dự thảo TT lại quy định: "Hoá đơn đặt in được in ra dưới dạng mẫu in sẵn có nội dung theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này". Đó là quy định không có tính khả thi, các DN sẽ không thể đặt in hóa đơn được vì không thể cung cấp được những thông tin chưa có.

b- Một vấn đề không kém phần quan trọng đối với các thông tin bắt buộc phải có khi đặt in hóa đơn là: Địa chỉ của người bán. Nếu bắt buộc phải in địa chỉ của người bán vào hóa đơn ngay khi in chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng có nhiều hóa đơn bị hủy bỏ, gây thiệt hại cho DN và phức tạp cho quản lý. Bởi lẽ, hiện nay có rất nhiều DN nhỏ và siêu nhỏ đang phải thuê trụ sở làm việc. Những DN này thường phải di chuyển rất bất ngờ do chủ nhà cho thuê chấm dứt hợp đồng hoặc do bị cấm sử dụng nhà chung cư làm văn phòng công ty. Do đó, xin đề nghị cho phép chỉ in tên, mã số thuế của doanh nghiệp, còn địa chỉ DN sẽ khắc dấu và đóng vào hóa đơn hoặc in từ máy tính khi phát hành.Như vậy, DN có thể đặt in với số lượng lớn và sử dụng được ngay cả khi có thay đổi địa chỉ trụ sở.

c-Đề nghị đưa các nội dung hướng dẫn chi tiết tại Phụ lục 1 vào nội dung Thông tư này.

d- Tiết 2.1 và 2.2 của khoản 2 Điều 4 Dự thảo TT quy định: "Ngoài nội dung bắt buộc theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều này, tổ chức, cá nhân kinh doanh có thể tạo thêm các thông tin khác phục vụ cho hoạt động kinh doanh, kể cả tạo lô-gô, hình ảnh trang trí hoặc quảng cáo; Kích cỡ chữ của các thông tin tạo thêm phải nhỏ hơn kích cỡ chữ nhỏ nhất của các nội dung bắt buộc". Quy định nêu trên cho thấy, tiết 2.1 là mở và tiết 2.2 là đóng và đánh đố DN.Bởi lẽ, chẳng hạn, cỡ chữ nhỏ nhất của nội dung bắt buộc là 12, thì Logo của DN sao có thể nhỏ hơn?

3. Về tạo hóa đơn tự in

a)- Tiết 1.1, Khoản 1 Điều 6 quy định về đối tượng được tạo hóa đơn tự in kể từ khi có mã số thuế gồm:a) Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao; b) Các đơn vị sự nghiệp công lập có sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật;c) Doanh nghiệp có mức vốn điều lệ đã được hạch toán kế toán từ 10 tỷ đồng trở lên.

Đề nghị xem lại tính hợp lý của quy định "Doanh nghiệp phải mức vốn điều lệ đã được hạch toán kế toán từ 10 tỷ đồng trở lên" bởi vì:

- Không có tài liệu nào chứng minh rằng, vốn điều lệ của DN càng cao thì DN càng phát hành nhiều hóa đơn. Trên thực tế lại có rất nhiều trường hợp đang chứng minh ngược lại. Một DN có vốn điều lệ 5 tỷ đồng, kinh doanh trong lĩnh vực dược phẩm, một tháng sử dụng tới 5 quyển hóa đơn bằng 250 số, còn một DN kinh doanh bất động sản, có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, một năm chỉ sử dụng chưa hết 50 số hóa đơn.

- Quy định có số vốn 10 tỷ đồng trở lên mới được tự in hóa đơn là một điều kiện kinh doanh. Số vốn điều lệ thể hiện quy mô của DN. Song, Luật DN không có điều khoản nào quy định quy mô DN là điều kiện kinh doanh. Do đó, quy định điều kiện kinh doanh như trên là không có cơ sở pháp lý;

- Với quy định "mức vốn điều lệ đã được hạch toán kế toán" thì câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào để xác nhận được đó là số vốn "đã được hạch toán kế toán"? Bởi lẽ, BCTC của các DN nhỏ và vừa hiện nay đều chưa bắt buộc phải kiểm toán. Các cán bộ thuế có đủ khả năng và thời gian để kiểm tra điều đó không? Điều gì sẽ xẩy ra khi phải tổ chức việc kiểm tra xác minh chỉ tiêu đó để cho DN được tự in hóa đơn?

Từ những lý do trên, đề nghị bỏ điều kiện về mức vốn điều lệ như Dự thảo TT. Hãy để cho các DN tự lựa chọn phương án phù hợp với điều kiện của mình.

b)- Tiết 1.2, khoản 2 điều 6 Dự thảo TT quy định: "1.2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh, trừ các trường hợp nêu tại điểm 1.1 được tự in hoá đơn để sử dụng cho việc bán hàng hoá, dịch vụ nếu có đủ các điều kiện sau:

         - Đã được cấp mã số thuế;

- Có doanh thu bán hàng hoá, dịch vụ;

- Có hệ thống thiết bị đảm bảo cho việc in và lập hoá đơn khi bán hàng hoá, dịch vụ;

- Là đơn vị kế toán theo quy định của Luật Kế toán và có phần mềm bán hàng hoá, dịch vụ gắn liền với phần mềm kế toán, đảm bảo việc in và lập hoá đơn chỉ được thực hiện khi nghiệp vụ kế toán phát sinh.

- Không bị xử phạt vi phạm pháp luật về thuế mà tổng số tiền phạt vi phạm pháp luật về thuế từ 20 triệu đồng trở lên trong vòng 365 (ba trăm sáu mươi lăm) ngày tính liên tục từ ngày thông báo phát hành hoá đơn tự in trở về trước.

Trường hợp tổ chức, cá nhân đang thực hiện tự in hóa đơn có hành vi vi phạm pháp luật về thuế, vi phạm về hóa đơn và bị xử phạt thì vẫn tiếp tục được tự in hóa đơn".

Với quy định nêu trên, cần làm rõ:

- Có hệ thống thiết bị đảm bảo cho việc in và lập hoá đơn khi bán hàng hoá, dịch vụ là hệ thống bao gồm những thiết bị gì? Có cần những điều kiện gì khi trang bị không?

- Phần mềm bán hàng hoá, dịch vụ gắn liền với phần mềm kế toán, đảm bảo việc in và lập hoá đơn chỉ được thực hiện khi nghiệp vụ kế toán phát sinh là phần mềm kế toán nào? Thủ tục xác nhận phần mềm đó đạt tiêu chuẩn như thế nào? Liệu có phát sinh những vấn đề gì đằng sau việc lựa chọn phần mềm này?

- Đề nghị xem lại điều kiện: "Không bị xử phạt vi phạm pháp luật về thuế mà tổng số tiền phạt vi phạm pháp luật về thuế từ 20 triệu đồng trở lên trong vòng 365 (ba trăm sáu mươi lăm) ngày tính liên tục từ ngày thông báo phát hành hoá đơn tự in trở về trước".Phải viết lại là " Đã bị xử phạt vi phạm pháp luật về thuế nhưng tổng số tiền phạt vi phạm pháp luật về thuế dưới 20 triệu đồng trong vòng 365 ngày liên tục từ ngày thông báo phát hành hóa đơn trở về trước". Đề nghị bỏ điều kiện này và bỏ toàn bộ đoạn"Trường hợp tổ chức, cá nhân đang thực hiện tự in hóa đơn có hành vi vi phạm pháp luật về thuế, vi phạm về hóa đơn và bị xử phạt thì vẫn tiếp tục được tự in hóa đơn". Lý do để bỏ điều kiện này là khi đã được tự in hóa đơn, các DN phải chấp hành nghiêm các Luật thuế.

c)- Tiết 1.3 Điều 6 quy định: "1.3. Tổ chức, cá nhân nêu tại điểm 1.1, 1.2 khoản này... phải ra quyết định áp dụng hoá đơn tự in, chịu trách nhiệm về quyết định này. Quyết định áp dụng hoá đơn tự in gồm các nội dung chủ yếu sau:

- Trang thiết bị phần cứng và phần mềm bán hàng, phần mềm kế toán sử dụng cho việc tạo, lập hoá đơn tự in, đảm bảo việc in và lập hoá đơn được thực hiện khi nghiệp vụ kế toán phát sinh;

- Quy trình cài đặt phần mềm; lập, luân chuyển và lưu trữ dữ liệu hoá đơn tự in trong nội bộ doanh nghiệp"

Đề nghị quy định cụ thể về điều kiện của những vấn đề thuộc nội dung của quyết định trong Thông tư hướng dẫn, tránh tình trạng mỗi DN quy định một kiểu gây khó khăn cho cơ quan quản lý khi thanh tra, kiểm tra và có thể dẫn đến những khiếu kiện không cần thiết.

4. Về tạo hóa đơn đặt in

a. Khoản 1 Điều 8 Dự thảo TT quy định "Hoá đơn đặt in được in ra dưới dạng mẫu in sẵn có nội dung theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này".

Quy định này có những điểm không hợp lý đã trình bày ở phần trên.

b. Tiết 2.2 khoản 2 Điều 8 Dự thảo TT quy định: "2.2. Cục Thuế đặt in hóa đơn để cơ quan thuế bán cho các tổ chức không phải là doanh nghiệp nhưng có hoạt động kinh doanh, hộ, cá nhân kinh doanh có cơ sở tại địa phương".

Đề nghị làm rõ hơn khái niệm: Các tổ chức không phải là DN nhưng có hoạt động kinh doanh? Bởi lẽ, ở nước ta hiện nay có rất nhiều tổ chức kinh doanh không đăng ký kinh doanh theo Luật DN nhưng lại kinh doanh với quy mô lớn. Chẳng hạn, các đơn vị thuộc Liên minh các HTX Việt Nam với 360.000 tổ hợp tác, 18.244 HTX, 53 Liên hiệp HTX; các tổ chức khoa học công nghệ, các cơ sở kinh doanh nhưng được gọi là "Cơ sở ngoài công lập"...Nếu những tổ chức này được Cục thuế đặt in hóa đơn và bán cho cơ sở, còn các DN siêu nhỏ, thành lập theo Luật DN lại phải đặt in hóa đơn liệu có là công bằng? Trên thực tế hiện nay, có rất nhiều DN nhỏ và siêu nhỏ, sử dụng hóa đơn không nhiều sẽ xin mua hóa đơn do Cục thuế bán, chấp nhận mất thời gian và chi phí vì như vậy vẫn có hiệu quả hơn khi phải đầu tư máy móc, thiết bị, phần mềm...để in hóa đơn. Đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, xem xét lại vấn đề này.

5. Về bán, cấp hóa đơn do Cục thuế đặt in

Tiết 2.1 khoản 2 Điều 9 về Thủ tục mua hóa đơn lần đầu có đoạn: "Đối với hộ gia đình và cá nhân kinh doanh, trường hợp chủ hộ kinh doanh uỷ quyền cho người khác thì phải viết giấy uỷ quyền theo quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự uỷ quyền. Giấy uỷ quyền phải ghi rõ họ tên, địa chỉ, số chứng minh thư nhân dân của người được uỷ quyền".

Đề nghị quy định rõ hơn: Giấy ủy quyền theo quy định của pháp luật là theo Điều nào của Luật nào và bỏ đoạn "Giấy uỷ quyền phải ghi rõ họ tên, địa chỉ, số chứng minh thư nhân dân của người được uỷ quyền" bởi vì nếu đã " theo quy định của pháp luật" thì không cần quy định thêm như vậy.

6. Phát hành hoá đơn của tổ chức, cá nhân kinh doanh

 a. Khoản 4 Điều 10 Dự thảo TT quy định: "Tờ thông báo phát hành hóa đơn phải được gửi đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp trước ngày tổ chức, cá nhân kinh doanh bắt đầu sử dụng hóa đơn và trong thời hạn mười (10) ngày, kể từ ngày ký thông báo phát hành. Tờ thông báo phát hành hóa đơn phải được niêm yết rõ ràng ngay tại các cơ sở sử dụng hóa đơn để bán hàng hóa, dịch vụ trong suốt thời gian sử dụng hóa đơn".

Đề nghị xem lại quy định :"Tờ thông báo phát hành hóa đơn phải được niêm yết rõ ràng ngay tại các cơ sở sử dụng hóa đơn để bán hàng hóa, dịch vụ trong suốt thời gian sử dụng hóa đơn". Bởi lẽ, " niêm yết rõ ràng ngay tại các cơ sở sử dụng hóa đơn" là không khả thi vì một DN có thể có rất nhiều địa điểm bán hàng và sử dụng hóa đơn. Yêu cầu niêm yết"trong suốt thời gian sử dụng hóa đơn" cũng không khả thi. Việc dán và bảo quản được Tờ thông báo phát hành hóa đơn tại văn phòng công ty hoặc cửa hàng....trong nhiều tháng là không đơn giản.

Đề nghị sửa lại là: DN phải đưa Thông báo phát hành hóa đơn đã gửi cơ quan thuế lên trang Website của mình trong ba tháng liên tục.

b. Cũng tại khoản 4 Điều 10, có quy định:"Trường hợp tổ chức có các đơn vị trực thuộc, chi nhánh có sử dụng chung mẫu hóa đơn của tổ chức thì từng đơn vị trực thuộc, chi nhánh phải gửi Tờ thông báo phát hành cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp".

Đề nghị xem lại trường hợp này. Trong trường hợp các đơn vị trực thuộc, chi nhánh sử dụng chung mẫu hóa đơn của Công ty thì Công ty hay đơn vi trực thuộc, chi nhánh là chủ thể trong việc thông báo phát hành? Theo chúng tôi, với trường hợp này, Công ty là đơn vị Thông báo phát hành và Thông báo này phải gửi cho cơ quan thuế quản lý đơn vị trực thuộc và Chi nhánh.

c.Khoản 4 Điều 10 có quy định: "Trường hợp khi nhận được Thông báo phát hành do tổ chức, cá nhân gửi đến, cơ quan Thuế phát hiện mẫu hóa đơn không đảm bảo đủ nội dung theo đúng quy định thì trong thời hạn hai (02) ngày làm việc kể từ ngày nhận được Thông báo thì cơ quan thuế phải có văn bản thông báo lại cho tổ chức, cá nhân doanh nghiệp biết để hủy và tạo lại mẫu hóa đơn theo đúng quy định".

Quy định nêu trên đúng với trường hợp tự in hóa đơn. Song, sẽ rất khó khăn cho DN với trường hợp đặt in hóa đơn. Nếu hóa đơn đặt in đã in xong, cơ quan thuế mới "có văn bản thông báo lại cho tổ chức, cá nhân doanh nghiệp biết để hủy và tạo lại mẫu hóa đơn theo đúng quy định" thì sẽ gây thiệt hại không ít cho DN.

 7. Về nhận dạng hóa đơn giả, ngăn chặn hóa đơn nối bản.

Khoản 1 Điều 12 Dự thảo TT quy định: "Tổ chức, cá nhân khi in, phát hành hóa đơn có trách nhiệm ghi các ký hiệu nhận dạng trên hóa đơn do mình phát hành để phục vụ việc nhận dạng hóa đơn giả trong quá trình sử dụng".

Quy định nêu trên là đúng. Song, vấn đề được đặt ra là, ngăn chặn hóa đơn giả không chỉ thuộc trách nhiệm của DN. Với những hóa đơn đặt in, nếu nhà in sử dụng bản kẽm để in hóa đơn giả hoặc in nối bản thì DN có phải chịu trách nhiệm không? Có những biện pháp gì để ngăn chặn tình trạng này?

8. Về nguyên tắc lập hóa đơn

a. Khoản 1 Điều 14 quy định:"Nội dung nghiệp vụ kinh tế phát sinh trên hóa đơn không được tẩy xóa, sửa chữa; khi viết phải dùng bút mực, số và chữ viết phải liên tục, không ngắt quãng".

Đề nghị sửa lại quy định "Khi viết phải dùng bút mực" thành " phải dùng bút không phai". Quy định " phải dùng bút mực"là quy định của Luật Kế toán. Song, đó là quy định không khả thi hiện nay.

b.Khoản 2 Điều 14 quy định: "Ngày lập hóa đơn đối với cung ứng dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ hoặc thời điểm lập hoá đơn cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Trường hợp tổ chức cung ứng dịch vụ thực hiện thu tiền trước thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ thì ngày lập hóa đơn là ngày thu tiền".

Đề nghị bổ sung thêm đoạn "Trừ trường hợp bên sử dụng dịch vụ ứng trước với ý nghĩa đặt cọc". Căn cứ của đề nghị trên là, trong cung ứng dịch vụ như du lịch, tư vấn, để khẳng định việc thực hiện hợp đồng, bên sử dụng dịch vụ thường phải ứng trước tiền với ý nghĩa là tiền đặt cọc. Nếu bên sử dụng dịch vụ đơn phương chấm dứt hợp đồng sẽ không được thu lại số tiền đặt cọc theo Điều 358 Luật Dân sự 2005. Bên cung ứng dịch vụ không coi khoản thu được từ đặt cọc là doanh thu và chỉ hạch toán là khoản " Thu nhập khác" nên không bắt buộc phải phát hành hóa đơn.

c. Khoản 4 Điều 12 quy định: "Chỉ tiêu “Số thứ tự, tên hàng hóa, dịch vụ, đơn vị tính, số lượng, đơn giá, thành tiền”: ghi theo thứ tự tên hàng hóa, dịch vụ có cùng mức thuế suất, trừ trường hợp mẫu hóa đơn thiết kế có thể ghi nhiều thuế suất; gạch chéo phần bỏ trống (nếu có) từ trái qua phải".

Đề nghị bỏ đoạn: "trừ trường hợp mẫu hóa đơn thiết kế có thể ghi nhiều thuế suất". Bởi lẽ, cho phép một hóa đơn ghi nhiều thuế suất sẽ gây khó khăn lớn cho việc kiểm tra đối với cơ quan quản lý và sẽ gây nhiều nhầm lẫn đối với các DN trong điều kiện đội ngũ kế toán yếu, kém và không ổn định như ở nhiều DN hiện nay.

 9. Về Sử dụng hoá đơn bất hợp pháp và sử dụng bất hợp pháp hóa đơn

 Khoản 1 Điều 15 Dự thảo TT quy định: "Sử dụng hoá đơn bất hợp pháp là việc sử dụng hoá đơn giả, hoá đơn chưa có giá trị sử dụng, hết giá trị sử dụng; hoặc sử dụng hoá đơn của tổ chức, cá nhân khác (trừ hoá đơn do tổ chức không phải là doanh nghiệp, cá nhân mua tại cơ quan thuế để trực tiếp sử dụng và trường hợp được ủy nhiệm lập hóa đơn) để lập khi bán hàng hoá, dịch vụ, để hạch toán kế toán, khai thuế, thanh toán vốn ngân sách".

Khoản 1 Điều 16 quy định: "Sử dụng bất hợp pháp hoá đơn là việc lập khống hoá đơn; cho hoặc bán hoá đơn chưa lập để tổ chức, cá nhân khác lập khi bán hàng hoá, dịch vụ (trừ việc sử dụng hoá đơn do tổ chức không phải là doanh nghiệp, cá nhân mua tại cơ quan thuế và trường hợp được ủy nhiệm lập hóa đơn);..."

Đề nghị bỏ đoạn trong ngoặc "trừ hoá đơn do tổ chức không phải là doanh nghiệp, cá nhân mua tại cơ quan thuế để trực tiếp sử dụng và trường hợp được ủy nhiệm lập hóa đơn" và "trừ việc sử dụng hoá đơn do tổ chức không phải là doanh nghiệp, cá nhân mua tại cơ quan thuế và trường hợp được ủy nhiệm lập hóa đơn".

Căn cứ của đề nghị trên là, không có cơ sở nào để đảm bảo rằng, các hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp và sử dụng bất hợp pháp hóa đơn sẽ không xẩy ra khi các đơn vị không phải là DN mua hóa đơn của cơ quan thuế. Vì vậy, không thể loại trừ điều đó khỏi phạm vi kiểm soát ngay từ văn bản quy phạm pháp luật.

10. Về bán hàng hóa, dịch vụ không phải lập hóa đơn

Điều 17, Dự thảo quy định về "bán hàng hóa, dịch vụ không phải lập hóa đơn".

Đề nghị bổ sung thêm"Bán hàng hóa, dịch vụ không bắt buộc phải lập hóa đơn".

11. Về ủy nhiệm lập hóa đơn

Điều 21 Dự thảo TT quy định về ủy nhiệm lập hóa đơn. Đây là vấn đề mới, chưa được đề cập ở văn bản nào trước đây. Các quy định trong điều này còn quá chung chung. Đề nghị làm rõ thêm những vấn đề sau:

  -  Điều kiện và phạm vi của việc ủy nhiệm;

  - Trách nhiệm, quyền hạn của đơn vị ủy nhiệm;

  - Trách nhiệm, quyền hạn của bên nhận ủy nhiệm;

12. Về hủy hóa đơn

Khoản 3 Điều 27 Dự thảo TT quy định về hủy hóa đơn của tổ chức kinh doanh như sau: "Hội đồng hủy hoá đơn của tổ chức kinh doanh gồm các thành phần sau: đại diện lãnh đạo đơn vị; đại diện bộ phận kế toán; đại diện bộ phận quản lý cấp phát hoá đơn đặt in và thủ kho đang giữ các hoá đơn đặt in cần hủy, hoặc bộ phận kỹ thuật chịu trách nhiệm, nhà cung ứng dịch vụ phần mềm chịu trách nhiệm về mặt kỹ thuật đối với hoá đơn tự in".

Xin kiến nghị nghiên cứu thêm xem có cách nào đơn giản hơn không? Nếu chỉ còn vài ba tờ hóa đơn cần hủy mà phải lập một Hội đồng hoành tráng đến thế thì thật phiền hà, tốn kém cho DN. Nên chăng, chỉ cần đại diện theo pháp luật của DN và cán bộ thuế quản lý trực tiếp lập biên bản hủy hóa đơn và chịu trách nhiệm trước pháp luật?

13. Về Kiểm tra việc in, phát hành, quản lý, sử dụng hoá đơn

Tại tiết 2.4, khoản 2 Điều 30 Dự thảo TT, có quy định: "Trong thời hạn 5 (năm) ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra, đoàn kiểm tra phải lập Biên bản kiểm tra. Biên bản kiểm tra gồm các nội dung chính sau:

- Các căn cứ pháp lý để thiết lập biên bản".

Có lẽ đoạn trên còn thiếu nội dung. Chẳng lẽ, Biên bản kiểm tra lại chỉ nêu một nội dung là " Các căn cứ pháp lý để thiết lập biên bản" ? Đề nghị Ban soạn thảo kiểm tra lại.

Trên đây là một số ý kiến xin được góp ý cho Dự thảo TT hướng dẫn NĐ 51. Mong Ban soạn thảo tham khảo. Xin trân trọng cảm ơn.

                                                -----------------------------------------

Các văn bản liên quan