Góp ý của Nguyễn Thị Mai – Nguyễn Hoàng Giang Công ty luật TNHH VLC

Thứ Tư 17:11 18-08-2010

           MỘT SỐ Ý KIẾN VỀ DỰ THẢO THÔNG TƯ HƯỚNG DẪN THI HÀNH

         NGHỊ ĐỊNH 51/2010/NĐ-CP QUY ĐỊNH VỀ HOÁ ĐƠN BÁN HÀNG HOÁ

 

                                                                         Nguyễn Thị Mai- Nguyễn Hoàng Giang

                                                                                Công ty luật TNHH VLC

 

I.          Một số băn khoăn khi thực hiện Nghị định 51 và Thông tư hướng dẫn

Hoá đơn là một căn cứ quan trọng làm cơ sở cho việc xác định trị giá tính thuế và tính thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp. Do đó, công tác quản lý thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp phụ thuộc hoàn toàn vào hiệu quả của công tác quản lý và sử dụng hoá đơn có chặt chẽ hay không.

Mặc dù đã có Nghị định số 89/2002/NĐ-CP ngày 07/11/2002 quy định về việc in, phát hành, sử dụng, quản lý hóa đơn nhưng thực trạng công tác quản lý, sử dụng hoá đơn của ngành thuế mấy năm gần đây đang phải đối diện với những thách thức vô cùng to lớn, khó khăn. Hiện tượng gian lận hoá đơn, thất thoát hoá đơn, sử dụng hoá đơn để trốn tránh, gian lận thuế, lừa đảo, chiếm đoạt tiền hoàn thuế của Nhà nước đang diễn ra khá phổ biến trên phạm vi tất cả các địa phương trong cả nước.

Sau 8 năm thi hành Nghị định số 89/2002/NĐ-CP về việc in, phát hành, sử dụng hoá đơn nhiều ý kiến của các doanh nghiệp cho rằng, Nghị định đó quá bất cập cản trở các hoạt động của doanh nghiệp trong việc mua hoá đơn. Để khắc phục tình trạng đó ngày 14 tháng 5 năm 2010 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 51/2010/NĐ –CP quy định về hoá đơn bán hàng, cung ứng dịch vụ và có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2011. Nghị định này nhằm trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp trong việc in ấn, sử dụng hoá đơn, đã xoá bỏ tình trạng xếp hàng mua hoá đơn thuế, khi mua hoá đơn phải xuất trình nhiều loại giấy tờ. Tuy nhiên, sau khi ban hành Nghị định đã thể hiện một số quy định không hợp lý, khó thực hiện. Trao thêm trách nhiệm cho doanh nghiệp, trong khi doanh nghiệp đã và đang phải đảm nhiệm trách nhiệm khá nặng nề như tìm cách sản xuất, kinh doanh sao cho tốt để đảm bảo không thua lỗ, lương bổng cho người lao động sao cho đảm bảo cuộc sống của họ, vật liệu, sản phẩm đầu ra đầu vào…

Nghị định 89/2002/NĐ-CP quy định việc phát hành hoá đơn quá chặt chẽ, thì đến Nghị định 51 lại quá thoáng. Nếu như theo quy định tại Điều 22 của Nghị định 51 thì bất cứ doanh nghiệp nào có đủ điều kiện quy định tại điều này đều được in hoá đơn. Nhà nước không có biện pháp quản lý số hoá đơn được in thì sẽ dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp in hoá đơn trốn thuế. Ví dụ doanh nghiệp A đặt in 10.000 cuốn hoá đơn, để trốn thuế các bên sẽ thoả thuận ghi 5.000 cuốn.

Nhưng Nghị định đã được Chính phủ ban hành thì phải thực hiện, nếu thấy vướng thì lại khắc phục bằng cách sửa đổi, bổ sung.

            Sau khi nghiên cứu Nghị định số 51 và dự thảo Thông tư hướng dẫn, chúng tôi có một số băn khoăn sau đây:

            1.1 Cuối tháng 8 năm 2010 Bộ Tài chính sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định 51, ngày 01/01/2011 Nghị định sẽ được thi hành. Vậy khi văn bản đã được thi hành thì đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhu cầu không lớn về hoá đơn nếu có nhu cầu in khoảng 10 đến 20 cuốn thì nhà in có nhận in không? Thực tế cho thấy các công ty, văn phòng luật nhu cầu về hoá đơn không nhiều, không nhất thiết phải in hàng trăm cuốn hoá đơn một lúc. Công ty không có bộ phận chuyên về vi tính việc thực hiện cài đặt, in ấn hoá đơn sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

            1.2 Trước đây khi Bộ Tài chính phát hành hoá đơn, hiện tượng mua bán hoá đơn khống, trốn thuế vẫn xảy ra Nhà nước không quản lý được. Vậy, khi soạn thảo Nghị định 51 trình Chính phủ Bộ tài chính đã nghĩ tới cách quản lý việc thu thuế như thế nào chưa?

            1.3 Các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhu cầu về hoá đơn ít, nhưng nay lại phải cộng thêm một khoản tiền để thuê thiết kế mẫu và in hoá đơn vậy Chính phủ và Bộ tài chính đã lường trước được vấn đề là giá thành sản phẩm của các doanh nghiệp này sẽ tăng lên không và đã nghĩ ra các biện pháp khắc phục tình trạng tăng giá chưa?

            1.4 Nếu cho phép in hoá đơn điện tử sẽ xảy ra tình trạng hoá đơn giả rất nhiều và cuối cùng thì doanh nghiệp đó sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Vậy, có biện pháp nào để khắc phục tình trạng này?

II.        Một số ý kiến về nội dung của dự thảo Thông tư

Tại Nghị định 51 Chính phủ giao cho Bộ Tài chính quy định một số vấn đề chưa được quy định trong Nghị định. Cụ thể như sau:

2.1 Thứ nhất, chúng tôi cho rằng, dự thảo Thông tư nên hướng dẫn những nội dung nào mà tại Nghị định chưa cụ thể và những nội dung đã được Chính phủ giao cho Bộ Tài chính quy định. Không nên nhắc lại các điều như Điều 1, Điều 2, một số nội dung tại Điều 3 và một số điều khác. Để tránh trùng lắp, nhắc lại nội dung của Nghị định 51 đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại toàn bộ nội dung của dự thảo Thông tư xem nội dung nào trùng với Nghị định 51 thì nên bỏ ra.

2.2 Thứ hai, chúng tôi cho rằng một số nội dung tại Thông tư cần hướng dẫn cụ thể hơn, ví dụ:

a.             Khoản 2 Điều 5 quy định: “Chất lượng giấy in và mực in của hóa đơn phải đảm bảo thời gian lưu trữ theo quy định của pháp luật về kế toán” – theo chúng tôi cần nêu cụ thể là theo quy định nào của pháp luật về kế toán hiện hành để tạo sự dễ dàng và sự đồng bộ cho việc áp dụng, soạn thảo, sửa đổi quy định pháp luật có liên quan về sau.

b.            Khoản 4 Điều 5 khẳng định: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh có thể đồng thời sử dụng nhiều hình thức hóa đơn khác nhau (hóa đơn tự in, hóa đơn đặt in, hóa đơn điện tử). Chúng tôi cho rằng cần bổ sung thêm “theo quy định tại Nghị định 51/2010/NĐ-CP và Thông tư này” để đảm bảo tính thống nhất vì không phải tất cả tổ chức, cá nhân kinh doanh đều được sử dụng hóa đơn tự in, hóa đơn điện tử.

c.             Điểm c mục 1.1 khoản 1 Điều 6 quy định: “Đối tượng được tạo hóa đơn tự in là doanh nghiệp có mức vốn điều lệ đã được hạch toán kế toán từ 10 tỷ đồng trở lên”. Chúng tôi cho rằng cần làm rõ khái niệm thế nào là vốn điều lệ đã được hạch toán. Theo quy định tại khoản 6 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2005 thì chỉ giải thích khái niệm về Vốn điều lệ là vốn do cổ đông góp hoặc cam kết góp và được ghi vào Điều lệ công ty. Vốn điều lệ này là số tiền cố định ghi tại Điều lệ công ty. Chúng tôi chưa thấy ở văn bản nào có khái niệm Vốn điều lệ đã được hạch toán kế toán.

d.            Nội dung tại Điều 8 về “hộ” cần nên sửa là “hộ gia đình” cho thống nhất với các điều khác của dự thảo.

2.3 Thứ ba, tại Điều 5 của Nghị định 51 quy định nguyên tắc tạo hoá đơn, Điều 5 của dự thảo Thông tư cũng quy định nguyên tắc tạo hoá đơn, nhưng hai nội dung của hai điều này hoàn toàn khác nhau. Vậy không nên đặt tên điều là nguyên tắc tạo hoá đơn tại Thông tư nữa. Chúng tôi thấy, nội dung của Điều 5 tại Dự thảo Thông tư nên sửa thành “Việc tạo hoá đơn” thì phù hợp với nội dung hơn.

2.4 Thứ tư, Dự thảo Thông tư dành hẳn một phần là Phần V quy định về xử phạt vi phạm hành chính về hoá đơn (gồm hai điều), nhưng cả hai điều này đều viện dẫn: “thực hiện theo các điều.. quy định tại Nghị định 51”. Vì vậy, chúng tôi cho rằng nên bỏ Phần V tại Dự thảo Thông tư.

Trên đây là một số ý kiến chúng tôi xin đóng góp vào dự thảo Nghị định 51/2010/NĐ-CP quy định về hóa đơn bán hàng hóa.

 

Trân trọng./.

 

Các văn bản liên quan