Góp ý của TS. Nguyễn Văn Tuyến – Trường Đại học Luật Hà Nội

Thứ Tư 17:08 18-08-2010

GÓP Ý

DỰ THẢO THÔNG TƯ HƯỚNG DẪN NGHỊ ĐỊNH 51/2010/NĐ-CP

VỀ HÓA ĐƠN BÁN HÀNG HÓA, CUNG ỨNG DỊCH VỤ

TS. Nguyễn Văn Tuyến

Trường Đại học Luật Hà Nội

 

I. VỀ BỐ CỤC CỦA THÔNG TƯ

1. Nguyên tắc chung khi ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định là phải bám sát và tôn trọng các quy định đã có trong Nghị định, chỉ làm rõ hơn những quy định nào còn chung chung, không rõ ràng, không cụ thể, tránh nhắc lại nguyên văn những điều khoản đã quy định chi tiết trong Nghị định.

2. Cần sắp xếp lại bố cục của Thông tư, theo hướng gộp Phần V và Phần VI thành một phần, với tiêu đề chung là: “Kiểm tra, thanh tra, tố cáo, xử lý vi phạm hành chính về hóa đơn và khiếu nại hành chính về hóa đơn”. Như vậy sẽ đảm bảo tính chặt chẽ, logic khoa học hơn vì theo logic tự nhiên, việc kiểm tra, thanh tra, tố cáo phải được thực hiện trước, sau đó nếu xác định có vi phạm thì mới tiến hành xử lý vi phạm hành chính về hóa đơn và cuối cùng là việc khiếu nại và giải quyết các khiếu nại về hóa đơn.

II. VỀ NỘI DUNG CỦA THÔNG TƯ

1. Về những hướng dẫn chung

- Sửa lại định nghĩa về “hóa đơn” (khoản 1 Điều 3) cho rõ hơn và phản ánh đúng bản chất của hóa đơn, đồng thời đảm bảo tính thống nhất với Luật Kế toán. Cụ thể là: “Hóa đơn là chứng từ do người bán lập, ghi nhận những thông tin về việc bán hàng hóa, dịch vụ đã thực hiện và đã hoàn thành”[1].

- Đề nghị chỉnh sửa khoản 3 Điều 3 về hình thức hóa đơn, theo hướng chỉ nên phân biệt 2 loại hóa đơn là hóa đơn viết (tự in và đặt in) và hóa đơn điện tử. Ngoài ra, có thể thừa nhận thêm các loại chứng từ khác có giá trị như hóa đơn (hiện đã được nêu trong khoản 4 Điều 3 của Dự thảo).

- Đề nghị xem lại nội dung quy định tạo khoản 3 Điều 4 về một số loại hóa đơn đặc thù không nhất thiết phải có chữ ký của người mua học người bán trên hóa đơn. Quy định này tuy có thể thuận lợi cho các bên giao dịch nhưng lại gây khó khăn cho cơ quan thuế khi xác định nghĩa vụ thuế của người mua và người bán về những giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ mà họ đã thực hiện (vì không có chữ ký trên hóa đơn nên khó xác định được họ có phải là người mua hoặc người bán hay không để từ đó xác định nghĩa vụ thuế đối với họ).

2. Về việc tạo và phát hành hóa đơn

- Cần thống nhất một nguyên tắc chung trong việc tạo hóa đơn là: Mọi tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, dịch vụ đều có quyền tự quyết định về việc lựa chọn loại hóa đơn (ví dụ hóa đơn GTGT; hóa đơn thông thường; hóa đơn xuất khẩu; các loại hóa đơn đặc thù khác…) và phương thức tạo hóa đơn (ví dụ: tự in, đặt in, mua của cơ quan thuế). Nhà nước không nên khống chế tổ chức cá nhân chỉ được tạo và sử dụng một loại hóa đơn như quy định nêu trong khoản 3 Điều 5 của Dự thảo Thông tư, vì trong thực tế một tổ chức, cá nhân kinh doanh có thể bán nhiều loại hàng hóa, dịch vụ khác nhau và đòi hỏi phải phát hành nhiều loại hóa đơn khác nhau.

- Cần phân biệt rõ hành vi tạo hóa đơn với hành vi phát hành hóa đơn. Hai hành vi này khác nhau ở chỗ: Tạo hóa đơn là việc thiết kế, in, khởi tạo hóa đơn điện tử để sau đó công bố phát hành và sử dụng vào các nghiệp vụ mua bán hàng hóa, dịch vụ. Sau khi được in ra hoặc khởi tạo, hóa đơn chưa có giá trị sử dụng mà phải trải qua thủ tục công bố phát hành theo quy định của pháp luật.

Còn phát hành hóa đơn là việc chủ thể có thẩm quyền (tổ chức, cá nhân kinh doanh hay Cục thuế địa phương) tuyên bố đưa một loại hóa đơn nào đó có đủ tiêu chuẩn hợp lệ vào sử dụng trong các giao dịch kinh doanh.    

3. Về sử dụng hóa đơn

Càn có quy định rõ hơn về hiệu lực pháp lý của hóa đơn và thời điểm phát sinh hiệu lực pháp lý của hóa đơn, vì có thể có sự nhầm lẫn về hiệu lực pháp lý giữa hóa đơn đã công bố phát hành nhưng chưa sử dụng với hóa đơn đã phát hành và đã sử dụng khi giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ.

4. Về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng hóa đơn

Cần có quy định riêng về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân mua hàng hóa, dịch vụ nhằm đảm bảo sự công bằng về quyền lợi cho họ trong giao dịch mua bán.

5. Về kiểm tra, thanh tra, tố cáo, xử lý vi phạm hành chính về hóa đơn và khiếu nại hành chính về hóa đơn

Ngoài việc thiết kế lại Phần V và phần VI như đề nghị trên đây cho hợp lý hơn, đề nghị thiết kế thêm một điều luật quy định về các hành vi bị cấm trong quá trình in, phát hành, sử dụng hóa đơn để làm căn cứ cho việc xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm pháp luật về hóa đơn.



[1] Theo Luật Kế toán 2003, hóa đơn là một loại chứng từ kế toán, được lập trên cơ sở nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh và đã hoàn thành, được dùng làm căn cứ để thanh toán và ghi sổ kế toán. Ngoài ra, theo Từ điển tiếng Việt, hóa đơn được định nghĩa là: Phiếu, tờ giấy, chứng từ ghi những món hàng hóa, dịch vụ đã mua bán xong giữa người mua và người bán, trong đó ghi rõ số lượng, đơn giá và tổng số tiền phải thanh toán.

 

 

Các văn bản liên quan