Góp ý của đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Hồng – Nghệ An

Thứ Ba 10:17 03-11-2009


Kính thưa Quốc hội,

Tôi ưu tiên cho đại biểu Phan Trung Lý ngồi cạnh tôi, anh cũng đăng ký phát biểu nhưng thấy Nghệ An cũng nhiều người nên anh xóa luôn để nhường lại cho tôi. Ý của anh muốn nói là:

Thứ nhất, luật này đã nhiều lần thông qua họp rồi nhưng đến giờ phút này vẫn chưa rõ nên là hành nghề y hay là khám, chữa bệnh, cho nên ý của anh Phan Trung Lý muốn lần này dứt khoát luôn, tên gì cho nó rõ ràng trước Quốc hội luôn. Đó là ý của anh Phan Trung Lý.

Về phần tôi, trong Uỷ ban về các vấn đề xã hội chúng tôi rất nhất trí với Báo cáo của đồng chí Trương Thị Mai vì Uỷ ban của chúng tôi đã làm rất nhiều lần và rất kỹ về vấn đề này. Thứ hai, tôi cũng rất cảm ơn Ban soạn thảo trong Kỳ họp thứ 5 tôi đã phát biểu đề nghị sửa một số vấn đề trong luật, ví dụ sửa cụm từ "thương yêu người bệnh" thành "tận tâm tận lực", lần này thấy đã sửa lại, cũng rất cảm ơn sự tiếp thu của Ban soạn thảo. Tôi thấy nhiều đồng nghiệp của chúng tôi cũng cảm thấy đúng.

Bản thân tôi là người hành nghề khám, chữa bệnh trên 20 năm ở 28 Điện Biên Phủ, chúng tôi va chạm vấn đề này rất nhiều và chà sát cũng rất nhiều, chúng tôi cũng là người trực tiếp sống với khám, chữa bệnh nhiều cho nên chúng tôi nằm trong chăn chúng tôi biết chiếc chăn đó như thế nào và cần phải làm gì. Trong luật này có một vấn đề là bảo hiểm trách nhiệm cho người khám, chữa bệnh, điều đó rất tốt, bản thân tôi đã có một bài trong tác phẩm văn học và đó cũng là một cái nhìn. Có những người đến lần thứ nhất khám, bác sỹ bảo tốt, yêu cầu xét nghiệm kê đơn thuốc. Lần thứ hai đến khám cũng tiến bộ rất tốt, bác sỹ lại kê đơn uống thuốc, lần thứ ba, lần thứ tư, đến lần thứ năm lại đến nói ông khám như thế nào mà chẩn đoán sai hết, bây giờ bệnh của tôi lại nặng thêm. Bây giờ ông không bồi hoàn cho tôi từ đầu đến đuôi, tôi sẽ làm um lên, tôi sẽ kéo mấy chục thương binh đến vây trước cổng, không cho ông làm việc và tôi sẽ phá tan phòng khám của ông. Cách tốt nhất là bác sỹ dàn hòa và "nuốt bồ hòn làm ngọt", cắn răng đền cho xong.

Hay có những bệnh chỉ đáng đền khoảng 100.000-200.000đ nhưng lại bắt 1 triệu, 10 triệu, 20 triệu đến 100 triệu, nếu không làm thì không xong với tôi. Tôi viết báo, tôi báo cáo thanh tra, tôi đưa quân đến vây phá tan phòng khám và ông cũng đừng hòng đi ra khỏi phòng khám với tôi. Đồng nghiệp của chúng tôi đã ca thán như vậy, lần này trong luật đã có Điều 78 quy định bảo hiểm trách nhiệm cho người khám bệnh, điều đó chúng tôi rất phấn khởi, các đồng nghiệp ở 28 Điện Biên Phủ chúng tôi nghiên cứu ai cũng rất mừng. Nhưng trong này lại có một vấn đề tức là ở Điều 53, Khoản 6 là trách nhiệm cơ sở khám, chữa bệnh là phải mua bảo hiểm trách nhiệm khám, chữa bệnh cho người hành nghề theo quy định của Điều 78.

Điều 78, quy định hàng năm cơ sở khám, chữa bệnh có trách nhiệm mua bảo hiểm trách nhiệm khám, chữa bệnh cho người hành nghề thuộc cơ sở mình và cho cơ sở mình tại doanh nghiệp nếu cơ quan bảo hiểm được cấp. Điều này chúng tôi thấy không rõ, vừa phải mua bảo hiểm cho người hành nghề, lại vừa phải mua bảo hiểm cho cơ sở mình nữa thì phải mua 2 bảo hiểm. Tôi thấy việc đó không hợp lý. Không hợp lý thứ hai là bởi vì bảo hiểm rủi ro đối với người hành nghề, nếu anh làm đúng thì không ai bắt anh đền, nhưng nếu anh làm sai do bản thân anh làm, khác với bảo hiểm xã hội, khác với bảo hiểm y tế là do thời tiết, do thiên nhiên, do xã hội gây nên cho bản thân anh, nhưng bảo hiểm này là bảo hiểm do anh gây nên cho bệnh nhân, nhưng cơ sở phải mua cho anh, như vậy anh chẳng cần. Bởi vì nếu cơ sở mua bảo hiểm cho anh, bảo hiểm đền cho anh và bản thân anh khám, như thế anh chẳng lo gì, anh cứ khám, cứ kê đơn, cứ cho đơn thuốc và không sợ gì trách nhiệm, như thế không được.

Theo chúng tôi thấy bảo hiểm đó người hành nghề phải mua. Khi người hành nghề mua bảo hiểm để người ta thấy trách nhiệm của người ta là phải làm thế nào thật tốt để phục vụ cho bệnh nhân. Còn nếu cơ sở mua bảo hiểm như thế người hành nghề người ta không có trách nhiệm. Kinh nghiệm của chúng tôi 28 Điện Biên Phủ tại sao hơn 20 năm chúng tôi không xảy ra một tai biến nào, không có một đơn kiện nào? Bởi vì chúng tôi trước khi vào, lương của giáo sư, bác sỹ chúng tôi trả đúng theo yêu cầu, 2 bên cùng thỏa thuận trả lương. Nhưng nếu trách nhiệm xảy ra do bản thân anh gây nên với bệnh nhân là anh phải chịu trách nhiệm. Ví dụ bây giờ bệnh nhân đến giờ khám rồi, người ta chỉ còn 15 phút người ta lên máy bay mà anh không khám cho người ta, người ta kiện cáo là anh phải chịu trách nhiệm. Hoặc anh kê đơn, một lúc anh kê đơn thuốc về người ta nổi sưng mặt mày lên là anh phải chịu trách nhiệm và anh cho xét nghiệm không đúng, bệnh nhân kiện anh phải chịu trách nhiệm và thực tế có cả giáo sư. Ví dụ khi có giáo sư kê đơn (giáo sư đầu ngành) sau đó bệnh nhân về, thuốc bị phản ứng nó phù lên, giáo sư phải đến tận nơi giải quyết, gặp bệnh nhân đó để giải quyết, như thế bác sĩ cũng phải thế chứ không phải người cơ sở, vì người cơ sở không nắm được vấn đề. Cho nên khi bác sĩ, giáo sư người ta thấy trách nhiệm của người ta là phải làm trọn và người ta phải bảo hiểm chuyện đấy thì người ta phải làm tốt. Cho nên tất cả các bác sĩ của chúng tôi khi làm việc người ta rất lo đến trách nhiệm, trách nhiệm chuẩn đoán thế nào cho đúng, trách nhiệm điều trị thế nào cho tốt. Bởi vì có làm sao thì mình là người gánh trách nhiệm đầu tiên, có làm sao mình là người bồi hoàn đầu tiên. Thời gian đầu, một, hai năm đầu chúng tôi không làm chuyện đấy, không cài chặt chỗ đó, cho nên bác sĩ cứ khám, cứ kê đơn, bệnh nhân kiện cứ giám đốc là phải chịu trách nhiệm, giám đốc chẳng biết cái gì cả, giám đốc đâu giỏi bằng giáo sư, không thể giỏi bằng các bác sĩ, chẳng biết cái gì thì ngồi cãi nhau với bệnh nhân. Cuối cùng bệnh nhân bắt đền bao nhiêu trả cho xong nhưng sau khi chúng tôi cột chặt quyền, trách nhiệm của người khám, chữa bệnh vào bệnh nhân là thôi. Ý của tôi chỉ thế, xin hết.

Các văn bản liên quan