Góp ý của đại biểu Quốc hội Hồ Thị Thu Hằng – Vĩnh Long

Thứ Ba 10:19 03-11-2009


Kính thưa Quốc hội

Tôi nhận thấy việc ban hành Luật khám, chữa bệnh là cần thiết nhưng chưa phải đáp ứng đủ nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tôi cũng đề nghị cần sớm nghiên cứu sửa đổi một cách căn bản Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân năm 1989 nhằm khắc phục những khoản trống trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân. Hơn nữa luật cũng đã ban hành hơn 20 năm trong điều kiện nước ta còn khác so với hiện nay. Theo gợi ý của Đoàn thư ký kỳ họp tôi xin nêu ba vấn đề:

Vấn đề thứ nhất, việc cấp chứng chỉ hành nghề cũng như các đại biểu khác, như đại biểu Sa Duyên ở Gia Lai, Chi Lan ở Vĩnh Phúc, đại biểu Hằng ở Đồng Nai, tôi thống nhất như trong dự thảo luật và giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cấp một lần và tăng cường công tác thanh kiểm tra. Đặc biệt phải có chế tài rõ ràng để xử lý vi phạm một cách nghiêm minh, có thể quy định ngay trong luật để khi luật có hiệu lực thì sớm được sử dụng không phải chờ văn bản hướng dẫn, tùy mức độ và số lần vi phạm mà xử lý có thể rút chứng chỉ hành nghề giống như giấy phép lái xe.

Thứ hai, về thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề. Do đặc thù riêng của nước ta ban đầu có thể ghi vào dự thảo luật và Bộ Y tế giữ vai trò Chủ tịch. Nhưng để có lộ trình giao thẩm quyền cho Hội đồng y khoa với những ưu điểm như đại biểu Hương đã phân tích, tôi thấy nên có một điều quy định mang tính nguyên tắc trong luật là giao Chính phủ quy định thành lập Hội đồng y khoa với thành phần cơ cấu thích hợp, có thể hoạt động độc lập và có quyền cấp chứng chỉ hành nghề với mục đích như sau:

Một, phù hợp với xu thế thế giới để hội nhập và công nhận chứng chỉ hành nghề giữa các nước.

Hai, tăng cường vai trò của Hiệp hội nghề nghiệp trong việc giám sát chất lượng chuyên môn của cán bộ y tế vì đây là người vừa đề nghị sử dụng, vừa bán dịch vụ với một bên là người mua dịch vụ đó là người bệnh không có kiến thức chuyên môn. Hơn nữa hàng hóa khác người tiêu dùng có thể mặc cả nhưng dịch vụ khám, chữa bệnh thì không.

Trong Hội đồng y khoa cũng cần có những chuyên gia chuyên ngành sâu về lĩnh vực khám, chữa bệnh, cần cấp giấy phép, sẽ đánh giá năng lực thực hành chuyên môn thực sự, hạn chế các tiêu chuẩn đánh giá chỉ dựa trên giấy tờ bằng cấp và hạn chế vấn đề xin, cho, bằng cấp giả hoặc học giả, bảo đảm năng lực thực sự, năng lực này rất cần thiết trong thực hành y khoa.

Thứ ba, về cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám, chữa bệnh. Tôi không đồng ý với ý kiến của đại biểu Tuyết ở Yên Bái là không cấp giấy phép hoạt động cho cơ sở khám, chữa bệnh công. Tôi đề nghị cấp giấy phép cho cơ sở khám, chữa bệnh cả công và tư bởi vì hai hệ thống công và tư đều cần có môi trường phát triển thuận lợi trên một mặt bằng chung để hệ thống y tế tư nhân không lấn sân và hệ thống y tế nhà nước không ở thế áp đảo, tạo cơ hội lành mạnh hóa lĩnh vực y tế, quan trọng hơn là để người dân có quyền tự do lựa chọn dịch vụ y tế bên nào mà họ muốn, nhất là khi ta đang tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân. Thực tế cơ sở khám, chữa bệnh nhà nước không kham nổi mà cần tư nhân tham gia bảo hiểm y tế.

Lý do quan trọng nữa là qua xét điều kiện cấp phép nhà nước sẽ có trách nhiệm đầu tư phù hợp, kịp thời đến cơ sở khám, chữa bệnh theo phạm vi hoạt động để hoạt động ngày càng có hiệu quả, chăm sóc sức khỏe nhân dân hữu hiệu hơn, nhất là những người dân ở vùng sâu, vùng xa.

Ngoài những vấn đề mà Đoàn thư ký kỳ họp gợi ý tôi còn một số vấn đề cụ thể nhằm góp phần hoàn chỉnh dự án luật.

Điều 3 Khoản 4 nguyên tắc trong hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đề nghị diễn đạt lại cho rõ nghĩa. Khoản 3 tôi nghĩ nên chia làm hai điểm.

Thứ nhất, là ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp cấp cứu theo quy chế cấp cứu phụ thuộc chuyên môn và mức độ bệnh.

Thứ hai, ưu tiên khám chữa trị trước đối với những trường hợp thông thường không phải cấp cứu cho những đối tượng như trẻ em dưới 6 tuổi, người già trên 80 tuổi, phụ nữ có thai v v...để tránh nhầm lẫn, tôi lấy ví dụ người trẻ nhưng khi chấn thương đứt động mạnh đùi được ưu tiên khám, chữa bệnh trước một cụ già trên 80 tuổi bệnh tiểu đường nhưng nếu người trẻ này chỉ xước nhẹ thì cụ già sẽ được ưu tiên khám trước.

Vấn đề thứ hai, theo dự luật quy định thời gian thực hành để cấp chứng chỉ hành nghề thì có thời gian thực hành là 18 tháng đối với bác sĩ chuyên khoa, đa khoa và phải có 36 tháng hành nghề khám, chữa bệnh đối với người chịu trách nhiệm chuyên môn, kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Tôi không đồng ý với giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng quy định như vậy là phù hợp với Pháp lệnh hành nghề y dược. Tuy nhiên vì trong Pháp lệnh quy định về thời gian hành nghề phải là 5 năm tức là 60 tháng thì tôi đề nghị Chính phủ giải thích tại sao có khoảng thời gian này và phải chăng là có yếu tố Nhà nước hoặc do nhận thấy thời gian 5 năm theo Pháp lệnh hành nghề y đối với tư nhân là quá dài.

Vấn đề thứ ba, tại Mục 4 Chương III quy định về nghĩa vụ của người hành nghề, tôi nhận thấy dự thảo đã bao quát các nghĩa vụ của người hành nghề đối với người bệnh, đối với nghề nghiệp, đối với đồng nghiệp, đối với xã hội, đó chính là đạo đức nghề nghiệp. Nên chăng có thể quy định cụ thể hơn vì thế theo tôi không cần có Điều 40, người hành nghề có nghĩa vụ thực hiện đạo đức nghề nghiệp theo quy định của Bộ trưởng Bộ y tế vì đạo đức nghề nghiệp đã được quy định trong các điều trên rồi.

Thứ tư, ở Điều 48, Khoản 4, dự thảo theo tôi có sự nhầm lẫn, đề nghị thay cụm từ "chứng chỉ hành nghề" bằng cụm từ "giấy phép hoạt động", vì đây là điều thu hồi và đình chỉ giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Thứ năm, vấn đề cuối cùng tôi muốn nói ở Điều 91, về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành cần phải viết lại: Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các điều, khoản cụ thể nào đó cần kê ra và bỏ cụm từ: hướng dẫn những nội dung cần thiết khác của luật này để đáp ứng yêu cầu quản lý của Nhà nước vì sẽ không đúng tinh thần của Luật ban hành văn bản qui phạm pháp luật, những gì luật không giao cho Chính phủ thì Chính phủ không hướng dẫn được. Tôi xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan