Góp ý của đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Tuyết – Yên Bái

Thứ Ba 10:17 03-11-2009


Kính thưa Chủ tọa phiên họp.

Kính thưa Quốc hội.

Qua Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tôi thấy rất nhiều ý kiến đã được giải trình một cách nghiêm túc và thấy rằng dự án luật cũng có thể thông qua trong kỳ này. Về những ý kiến cụ thể tôi tham gia, trước hết về tên gọi của dự án luật, tôi nhất trí với tên gọi Luật khám bệnh, chữa bệnh tên gọi như vậy nó rất phù hợp với những nội dung mà chúng ta nêu ra ở trong dự án luật. Về quy định về công chức, viên chức y tế hành nghề khám, chữa bệnh tư nhân ở Điều 6 như rất nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cũng đã phát biểu rất ủng hộ dự thảo luật đã nêu. Vì như vậy sẽ tạo được điều kiện để tiếp tục sử dụng trình độ chuyên môn, chất xám của cán bộ y tế, nhất là trong tình trạng thiếu nhân lực ở các bệnh viện như hiện nay và quy định như vậy nó cũng phù hợp với Luật cán bộ, công chức và Luật phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, tôi đề nghị, chúng ta nên có các biện pháp cụ thể hơn để làm sao khi mà bác sỹ mà làm ngoài giờ thì trước hết trong giờ phải làm tốt, tránh tình trạng trong giờ cứ mức độ bình thường, nhưng sau đó mới lại nhiệt tình ở bên ngoài thì rất gay. Cho nên ở đây chúng ta cũng cần phải có những biện pháp để trong các trường hợp như vậy.

Về cấp chứng chỉ hành nghề, ở Điều 17, Điều 18, Điều 19, Điều 20 về vấn đề này thì tôi nhất trí với quy định chứng chỉ hành nghề chỉ cấp một lần và có giá trị trong phạm vi cả nước, quy định như vậy giảm bớt đỡ tốn kém và thuận lợi cho cả các cơ quan quản lý. Nhưng ở đây Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng giải trình sẽ tăng cường hoạt động kiểm tra, thanh tra, thu hồi chứng chỉ hành nghề. Có một điều tôi nghĩ rằng nên có bổ sung trong Điều 29 quy định chứng chỉ hành nghề có các trường hợp để thu hồi, trong đó có trường hợp khi người hành nghề không đủ sức khỏe để hành nghề thì sẽ phải thu hồi. Nhưng nếu như chúng ta không có một quy định là đối với các trường hợp này làm thế nào để biết người đó không đủ sức khỏe nữa, cho nên nên chăng quy định có thể 5 năm phải khám sức khỏe định kỳ để nộp kết quả của sức khỏe đó cho các cơ quan quản lý Nhà nước, thì lúc bấy giờ tiếp tục hành nghề. Còn nếu không đủ sức khỏe thì phải thu hồi theo như Điều 29 quy định, nếu chúng ta không có quy định cụ thể thì rất khó vì cũng muốn nói tăng thanh tra, kiểm tra nhưng ai thanh tra, ai kiểm tra kết quả về sức khỏe, vì kinh nghiệm có thể nâng lên, tay nghề thì cũng có thể nâng lên nhưng sức khỏe lại giảm đi thì lúc đó có đảm bảo để chúng ta kiểm soát được quá trình hành nghề khi chúng ta cấp phép hay không. Cho nên tôi xin đề nghị cũng nên có bổ sung như vậy.

Về thủ tục cấp mới và cấp lại chứng chỉ hành nghề thì có đại biểu đã phát biểu rồi thì tôi không phát biểu lại nữa, nhưng tôi rất đồng tình là nên rút ngắn lại. Vì chúng ta nói là cải cách hành chính, cải cách thủ tục để giảm bớt phiền hà, rút ngắn thời gian nhưng trong dự án Luật lại thời gian rất dài. Cho nên xin đề nghị có rút ngắn lại thời gian.

Về thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề tôi nhất trí với những quy định trong dự thảo Luật.

Ý kiến cuối cùng của tôi là về cấp giấy phép hoạt động đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì theo tôi không cần cấp giấy phép đối với cơ sở y tế của Nhà nước. Vì nếu quy định cấp giấy phép hoạt động đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thì theo tính toán của các nhà quản lý, của các nhà chuyên môn thì chúng ta sẽ phải cấp cho khoảng 50.000 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cả công và tư. Trong đó có 13.438 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và 35.000 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của tư nhân, trong đó có 74 bệnh viện tư nhân. Như vậy bình quân mỗi địa phương phải cấp phép cho khoảng từ 800 đến 1.000 cơ sở y tế cả công và tư. Trong khi đó tổ chức rồi, năng lực của đội ngũ cán bộ cũng như khi cấp như thế này thì chúng ta cũng cần phải có nguồn kinh phí. Mà kinh phí như trong báo cáo thì cũng phải mất mấy chục tỷ. Hơn nữa trong thực tế rất nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước chưa đủ điều kiện về cơ sở vật chất, con người cũng như sẽ đáp ứng được các điều kiện cấp phép. Đặc biệt là các trạm y tế xã, phòng khám đa khoa khu vực, ngay cả các bệnh viện ở miền núi, hải đảo cũng không đáp ứng được và khi đó chúng ta sẽ xử lý như thế nào. Vì các cơ sở này sẽ không đủ điều kiện để cấp phép và đến 2016 như dự thảo nói thì những cơ sở này có tiếp tục hoạt động nữa hay không, mà nhân dân ở các vùng này vẫn cần phải khám bệnh, chữa bệnh. Chúng ta nói rằng bây giờ phải công bằng, bình đẳng nhưng ở đây có một điều khi chúng ta nói đến sự bình đẳng, vậy thử hỏi có bình đẳng trong việc thực hiện nhiệm vụ không. Vì đối với một số loại hình cơ sở y tế như trạm y tế xã hay phòng khám đa khoa khu vực, thì ngoài việc khám bệnh, chữa bệnh thì các cơ sở này phải làm nhiệm vụ về hoạt động dự phòng, phục hồi chức năng, tuyên truyền phòng chống dịch v.v... các cơ sở của tư nhân có làm việc này không? Cho nên bình đẳng ở đây chúng ta phải hết sức cân nhắc và tính toán đối với nhiệm vụ của các cơ sở làm việc đó. Khi chúng ta quy định phải cấp phép, những đơn vị này không đủ điều kiện để cấp phép không hoạt động nữa thì dân sẽ thế nào? Tôi xin có một số ý kiến như vậy đề nghị Quốc hội có cân nhắc về vấn đề này. Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội. Xin hết.

Các văn bản liên quan