Góp ý của đại biểu Quốc hội Trương Thị Thu Hằng – Đồng Nai

Thứ Ba 10:16 03-11-2009


Kính thưa Quốc hội,

Tôi cơ bản đồng tình với ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý. Tôi xin được góp ý thảo luận vào những điều cụ thể mà tôi quan tâm trong dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh.

Trước hết về quy định công chức, viên chức y tế hành nghề khám, chữa bệnh tư nhân, tôi tán thành quy định nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý điều hành bệnh viện tư nhân, lý lẽ thì đại biểu Dễ - Long An đã phân tích khá sâu, tôi xin không phân tích lại. Tuy nhiên, các cơ sở khám, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp và Luật hợp tác xã là loại hình gì, tôi đề nghị phải làm rõ ý này trong luật. Nếu các phòng khám đa khoa không thuộc loại hình này thì theo nhiều ý kiến của cử tri Đồng Nai trong hội thảo lấy ý kiến Luật khám bệnh, chữa bệnh tôi đề nghị bổ sung phòng khám đa khoa cũng là một loại hình ở điều cấm này.

Về hành nghề và thời gian thực hành, một trong những điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề, dự thảo luật có quy định bác sỹ và y sỹ thuộc cùng một nhóm đối tượng hành nghề và phải đáp ứng thời gian thực hành là 18 tháng thì sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề. Tôi cho như vậy là chưa hợp lý, với thời gian đào tạo của bác sỹ là 6 năm thuộc hệ đại học và y sỹ thuộc hệ trung cấp đào tạo 3 năm. Tại các bệnh viện các y sĩ không được quyền khám bệnh và ra lệnh điều trị mà chỉ phục vụ như điều dưỡng viên. Mới đây Bộ y tế không cho phép tuyển dụng bác sĩ đào tạo tại các trường đại học y dược của Trung Quốc, do thời hạn đào tạo chỉ có 5 năm, vì vậy cho nên việc xét y sĩ của một nhóm đối tượng hành nghề với bác sĩ và có quy định cùng thời gian thực hành là 18 tháng là chưa hợp lý. Tôi đề nghị tách đối tượng hành nghề là y sĩ đa khoa, y sĩ chuyên khoa, y sĩ đông y thành một khoản trong Điều 17 và thời gian thực hành của nhóm đối tượng này quy định tại Điều 24 là 12 tháng bằng với đối tượng là điều dưỡng viên, hộ sinh viên, kỹ thuật viên. Về chứng chỉ hành nghề tôi tán thành với ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ cấp chứng chỉ một lần sau đó tăng cường cơ chế thanh kiểm tra xử lý vi phạm và có phân cấp cho Bộ y tế, Sở y tế thẩm quyền cấp mới, cấp lại, thu hồi chứng chỉ hành nghề đối với những đối tượng hành nghề thuộc thẩm quyền quản lý của mình lý lẽ đã được phân tích kỹ tôi không nêu lại. Tuy nhiên, với những quy định riêng lẻ liên quan đến thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ quốc phòng và Bộ trưởng Bộ y tế trong lĩnh vực chứnh chỉ hành nghề. Tôi đề nghị nên gom thành một khoản và giao cho Chính phủ quy định các điều kiện cụ thể về quy trình thủ tục liên quan đến việc thu hồi cấp mới, cấp lại chứng chỉ hành nghề.

Trên cơ sở đó các bộ sẽ thực hiện thẩm quyền và trách nhiệm của mình một cách thống nhất, tránh việc mỗi bộ đặt ra những quy định riêng cho cùng một công việc. Tương tự với những vấn đề liên quan giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám, chữa bệnh cũng cần giao cho Chính phủ và thực hiện thống nhất theo quy định chung của Chính phủ. Về thời gian cấp mới chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám, chữa bệnh, dự thảo luật quy định thời gian cấp mới chứng chỉ hành nghề là 60 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ đề nghị. Đối với trường hợp có liên quan đến yếu tố nước ngoài, thời gian có thể lên đến 180 ngày, trường hợp cấp lại là 30 ngày. Đối với giấy phép hoạt động của các cơ sở khám, chữa bệnh quy định chung là 90 ngày, thời hạn quy định như trên là quá dài trong khi chúng ta đang thực hiện cải cách hành chính, giảm bớt những thủ tục phiền hà, rút ngắn thời gian cấp lại giấy tờ. Chính phủ và các bộ, ngành cũng đang tăng cường thúc đẩy thủ tục cải cách hành chính, các sở, ngành tại các địa phương cũng áp dụng quy trình ISO trong quản lý cấp phép. Hơn thế nữa quy định trên là một bước lùi so với quy định hiện hành tại Thông tư 07 hướng dẫn về hành nghề y, y học cổ truyền và trang thiết bị y tế tư nhân của bộ y tế. Việc rút ngắn thời hạn cấp phép đầu tư, giấy phép hoạt động đang là xu thế hiện nay nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa y tế.

Tôi đề nghị đối với việc cấp giấy chứng chỉ hành nghề nên rút ngắn bằng 1/2 thời gian quy định tức là 30 ngày đối với cấp mới và 15 ngày đối với cấp lại. Các trường hợp có liên quan tới yếu tố nước ngoài, cấp mới thời hạn 90 ngày, cấp lại 15 ngày như các đối tượng hành nghề khác.

Đối với việc cấp giấy phép hoạt động cần có quy định thời gian cụ thể đối với từng loại hình cụ thể bệnh viện, phòng khám, nhà hộ sinh, cơ sở chuẩn đoán, cơ sở dịch vụ y tế v.v.... không quy định chung là 90 ngày, vì độ phức tạp của các loại hình này rất khác nhau.

Liên quan đến quy định cơ sở khám, chữa bệnh không đảm bảo các điều kiện quy định sẽ bị thu hồi giấy phép hoạt động tại Điểm 1b, Khoản 1, Điều 48. Rút kinh nghiệm từ việc cấp phép cho các trường đại học không đủ điều kiện gây bức xúc trong dư luận vừa qua, tôi cho rằng quy định như vậy là chưa chặt chẽ. Khám chữa bệnh là một lĩnh vực đặc biệt liên quan đến tính mạng và sức khỏe con người, tôi đề nghị các cơ sở không đảm bảo các điều kiện theo quy định, thì nhất định không cấp phép hoạt động, tránh tình trạng cấp phép trước rồi hoàn thiện sau đến khi bị phát hiện mới thu hồi.

Trường hợp trong quá trình hoạt động cơ sở xuống cấp không đảm bảo điều kiện qua thanh tra phát hiện cũng bị thu hồi giấy phép hoạt động. Ngoài ra từ kinh nghiệm thực tế tôi đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về trường hợp người đứng đầu cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân tử vong, thì cơ sở đó phải có trách nhiệm khai báo, nộp lại giấy phép hoạt động và làm thủ tục cấp mới cho người điều hành mới.

Về sai sót chuyên môn kỹ thuật trong khám, chữa bệnh. Trong khám, chữa bệnh rủi ro nghề nghiệp xảy ra gây tổn hại sức khỏe người bệnh là điều không ai mong muốn và do rất nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân do người thày thuốc chỉ là một. Vì vậy tôi quan tâm những quy định nhằm xác định rõ trách nhiệm của người hành nghề và của cơ sở khám, chữa bệnh, những quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của người bệnh và gia đình người bệnh và cả những quy định bảo vệ người thầy thuốc hành nghề trong trường hợp xảy ra sự cố rủi ro nghề nghiệp.

Nghiên cứu Điều 73 quy định về xác định người hành nghề có sai sót chuyên môn hay không. Tôi thấy trong thực tế có trường hợp người hành nghề không vi phạm trách nhiệm trong chăm sóc và điều trị, không vi phạm quy định chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp, không xâm phạm quyền của người bệnh, hết sức tận tâm, tận lực với người bệnh nhưng do trình độ, khả năng không chuẩn đoán ra bệnh, không đánh giá được tình trạng bệnh tật, không tiên lượng được diễn biến của bệnh, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho người bệnh. Trường hợp này chưa được quy định, tôi đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung thêm vào dự thảo Luật.

Trong những nguyên nhân dẫn đến rủi ro nghề nghiệp có nguyên nhân quá tải và những điều kiện cho người thầy thuốc hành nghề không đảm bảo. Do đó tôi cho rằng trong Luật cần quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở khám, chữa bệnh trong việc đảm bảo các điều kiện khám, chữa bệnh, sắp xếp, bố trí tạo điều kiện thuận lợi cho người hành nghề được đào tạo bồi dưỡng, tránh gây áp lực công việc mà ảnh hưởng đến sức khỏe, không cập nhật được kiến thức, nâng cao kỹ năng tay nghề dễ gây đến hạn chế sai sót trong lúc hành nghề.

Về thành phần của Hội đồng chuyên môn, khi xảy ra sự cố để xác định có sai sót hay không? trước hết phải có các chuyên gia lĩnh vực chuyên môn đó cùng với các chuyên gia thuộc các chuyên khoa khác có liên quan, xem xét và cho ý kiến. Vì vậy, tôi đề nghị bỏ cụm từ "các chuyên gia có trình độ chuyên môn tương đương với người hành nghề bị khiếu nại" và thay bằng "các chuyên gia thuộc lĩnh vực chuyên môn bị khiếu nại" cho sát hợp.

Về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong khám, chữa bệnh, khám, chữa bệnh là một lĩnh vực đặc biệt. Tuy nhiên, các trình tự, thủ tục, thời gian giải quyết các khiếu nại, tố cáo theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh cần đồng bộ với Luật khiếu nại, tố cáo. Tôi đề nghị cần làm rõ quy định về thời hiệu khiếu nại là từ 2 đến không quá 5 năm, kể từ khi phát hiện sự việc trong dự thảo Luật. Về thời hiệu giải quyết khiếu nại, tố cáo lần đầu trong Luật khiếu nại, tố cáo là 30 ngày, nhưng trong dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh thì chỉ có 60 ngày. Không nêu cụ thể là lần thứ mấy, tôi đề nghị Ban soạn thảo phải rà soát lại cho phù hợp, Luật khám bệnh, chữa bệnh cần có những quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn trong xử lý sai xót chuyên môn kỹ thuật và giải quyết khiếu nại, tố cáo để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người bệnh. Đồng thời cũng đảm bảo cho người thầy thuốc hành nghề an tâm, tận tâm, tận lực chăm lo cho người bệnh.

Cuối cùng về chế độ khám bệnh, chữa bệnh. Thường trực là chế độ đặc thù bắt buộc đối với ngành y tế, nhưng chế độ trực hiện nay đang là một bất cập mà chủ trương ngành y tế kiến nghị sửa đổi rất nhiều lần, đến nay cũng chưa được xem xét. Dù là một công việc mang tính đặc thù nhưng trước hết người hành nghề y vẫn là người lao động, cần phải tuân thủ theo Luật lao động. Tức là làm việc 40 giờ một tuần, số giờ làm thêm cũng không quá 300 giờ một năm và số giờ làm thêm phải được hưởng chế độ theo quy định của Luật lao động, có như thế mới đảm bảo được tính đồng bộ thống nhất trong quy định và thực thi pháp luật. Tôi đề nghị vấn đề này cần được nghiên cứu, bổ sung vào Điều 84 của dự thảo luật. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan