Trích ý kiến góp ý của ĐBQH Vũ Ngọc Cừ – Tỉnh Lao Cai

Thứ Năm 21:05 25-05-2006

Tôi xin tham gia một số vấn đề vào Dự án Luật trợ giúp pháp lý như sau:

 

Vấn đề thứ nhất, về tên gọi, tôi nhất trí tên gọi là Luật trợ giúp pháp lý, vì đã gọi là trợ giúp pháp lý thì không đặt vấn đề thu phí, nếu thu phí là tư vấn pháp luật thông thường, cho nên không nhất thiết phải lấy tên gọi là Luật trợ giúp pháp lý miễn phí.

 

Vấn đề thứ hai, người được trợ giúp pháp lý quy định tại Điều 8, Dự thảo luật nêu 2 phương án, theo tôi thì nhất trí với phương án 2, đó là người được trợ giúp pháp lý bao gồm: Một là người nghèo theo quy định của pháp luật về chuẩn nghèo.

Hai là người hoạt động cách mạng trước tổng khởi nghĩa 19 tháng 8 năm 1945. Cha, mẹ, vợ, chồng, con liệt sỹ, người có công nuôi dưỡng liệt sỹ, bà mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, anh hùng lao động, thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, người có công giúp đỡ cách mạng, có bằng Tổ quốc, có công với nước.

 

 Đối với đồng bào dân tộc thiểu số cư trú ở các xã miền núi, vùng cao, vùng xã, vùng hải đảo, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn. Theo tôi, quy định như vậy là hợp lý. Nó kế thừa Quyết định số 734 của Thủ tướng Chính phủ về đối tượng được trợ giúp pháp lý. Nó thể hiện sự quan tâm và chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta với người nghèo và người có công với nước thuộc đối tượng chính sách xã hội, đồng bào của các dân tộc thiểu số. Mặt khác, đây là đối tượng được thụ hưởng, còn các đối tượng có nhu cầu hay không họ còn phải có đơn yêu cầu trợ giúp như quy định trong dự án luật, chứ không phải tất cả các đối tượng. Vả lại, kinh phí cho nhu cầu này không phải là quá lớn.

 

Vấn đề thứ ba, về chính sách trợ giúp pháp lý, tôi nhất trí như quy định tại Điều 5 của dự thảo. Tuy nhiên, tại Khoản 2, Điều 5 đề nghị bỏ cụm từ "Tạo điều kiện và có chính sách hỗ trợ để" vì đã quy định trợ giúp pháp lý là nhiệm vụ của Nhà nước thì Nhà nước phải có cơ quan chuyên trách lo trợ giúp pháp lý và kinh phí cho hoạt động trợ giúp pháp lý. Mặt khác nếu đã xã hội hóa trợ giúp pháp lý thì chỉ cần khuyến khích Mặt trận Tổ quốc, các ngành, các thành viên Mặt trận, các tổ chức và cá nhân khác tự nguyện tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý. Nhà nước không cần thiết phải cấp kinh phí cho các cơ quan này để thực hiện trợ giúp pháp lý.

 

Vấn đề thứ tư, về nguyên tắc trợ giúp pháp lý, tôi nhất trí như quy định tại Điều 3 của dự thảo luật. Quy định như vậy là chặt chẽ, bảo đảm cho tổ chức trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý phải nâng cao trách nhiệm của mình trước những yêu cầu của người được thụ hưởng trợ giúp pháp lý.

 

Vấn đề thứ năm, về vụ việc được trợ giúp pháp lý quy định tại Điều 9 của dự thảo luật, được quy định tại hai khoản:

Khoản 1 dự thảo nêu là vụ việc có thực, gắn liền với quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý. Vấn đề này tôi nhất trí như ý kiến của Uỷ ban pháp luật là cần xác định rõ phạm vi vụ việc được trợ giúp pháp lý, là các vụ việc trực tiếp liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý, mà họ cho là họ đã bị xâm phạm như người trợ giúp pháp lý bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị truy tố, bị xét xử hoặc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo. Nếu quy định như trong Dự thảo thì phạm vi được trợ giúp pháp lý đối với tất cả các vụ việc và thuộc mọi lĩnh vực pháp luật là qúa rộng, nó thuộc mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, của người được trợ giúp pháp lý là không khả thi.

 

Vấn đề thứ sáu, về trung tâm trợ giúp pháp lý quy định tại Điều 14 của Dự thảo. Tôi nhất trí như ý kiến của Uỷ ban pháp luật. Nếu quy định như Dự thảo cấp tỉnh có một hoặc một số trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước có trụ sở riêng, biên chế và kinh phí hoạt động của trung tâm do Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định. Như thế thì trung tâm trợ giúp pháp lý là một hoặc một số sự nghiệp thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh. Do đó làm tăng đầu mối cơ quan, tổ chức thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, không phù hợp với chủ trương cải cách hành chính.

Vì vậy, tôi đề nghị quy định mỗi tỉnh chỉ có một trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước thuộc Sở tư pháp , Sở tư pháp cho Uỷ ban nhân dân tỉnh trực tiếp chỉ đạo và quản lý đối với công tác trợ giúp pháp lý ở địa phương.

 

      Vấn đề thứ bảy, về trợ giúp viên pháp lý được quy định tại Điều 18 của Dự thảo luật, theo tôi không hợp lý. Bởi vì người thực hiện trợ giúp pháp lý không có chức danh pháp lý như điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, chấp hành viên, thanh tra viên là những người có thẩm quyền pháp lý độc lập trong hoạ t đ ộng tố tụng thanh tra và thi hành án. Còn ng ười thực hiện trợ giúp pháp lý chỉ là những cán bộ được phân công thực hiện nhiệm vụ chuyên môn cho tổ chức trợ giúp pháp lý. Vì vậy không nên quy định chức danh trợ giúp pháp lý.

Các văn bản liên quan