Góp ý của Tiến sỹ Nguyễn Thị Thương Huyền

Thứ Hai 16:19 22-05-2006
Góp ý dự thảo Nghị định 164 (sửa đổi)

Việc góp ý dự thảo Nghị định 164 (sửa đổi) được dựa trên một số quan điểm và luận cứ khoa học sau:

Thứ nhất, phải dựa trên nguyên tắc chung là dành ưu đãi cho các nhà sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp và khu chế xuất và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên không nên có sự phân biệt quá lớn, khoảng cách quá xa giữa các loại hình doanh nghiệp, giữa các lĩnh vực ngành nghề kinh doanh cũng như địa bàn hoạt động.

Thứ hai, Bản chất của Thuế thu nhập doanh nghiệp là thuế trực thu, người nộp thuế đồng thời là người chịu thuế, do đó việc thực hiện ưu đãi thuế có thể thực hiện bằng việc giảm thuế suất hay còn gọi là áp dụng thuế suất ưu đãi hoặc bằng việc miễn, giảm thuế. Nếu ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp được thực hiện bằng việc cả giảm thuế suất cả miễn thuế và cả giảm thuế thì tạo ra một sự ưu đãi quá lớn. Điều này rất có thể bóp méo nguyên tắc công bằng và hiệu quả của thuế cũng như không tạo ra động lực thực sự cho quá trình phát triển của doanh nghiệp. Đó là chưa kể đến sự ỷ lại của doanh nghiệp thông qua các chính sách ưu đãi quá lớn này.

Thứ ba, Ưu đãi đối với khu công nghiệp, khu chế xuất và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thực hiện ở nhiều chế độ chính sách kinh tế tài chính khác nhau và ở một số sắc thuế khác chứ không chỉ duy nhất ở sắc thuế thu nhập doanh nghiệp.

Thứ tư, Mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp hiện nay là 28%, mức thuế suất này thấp hơn trước đây (mức thuế suất chung là 32%) trừ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (25%) và cũng không phải là cao so với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực. Nhưng theo chế độ pháp lý hiện hành, việc chuyển thu nhập ra nước ngoài của các chủ đầu tư nước ngoài không phải chịu thuế chuyển thu nhập ra nước ngoài, đây cũng là một ưu đãi so với trước đây.

Thứ năm, Thuế cũng cần được nhìn nhận ở góc độ là giá của các hàng hoá công cộng mà doanh nghiệp được hưởng, do vậy cũng không nên tạo ra những sự ưu đãi quá lớn trong việc hưởng giá của hàng hoá công cộng.

Thứ sáu,
Không nên đưa ra tiêu chí “bảo đảm ưu đãi thuế đối với khu công nghiệp, khu chế xuất và các dự án đầu tư nước ngoài được giữ mức không thấp hơn trước đây” để xác định thuế suất ưu đãi, thời hạn miễn, giảm thuế cho các đối tượng này. Điều đó là thiếu cơ sở khoa học, bởi “trước đây” và “nay” đã có nhiều thay đổi từ nhiều góc độ trên nhiều khía cạnh và bình diện.

Thứ bảy, Tránh xu thế ban hành, sửa đổi các văn bản qui phạm pháp luật theo kiểu “kêu đâu sửa đó, kêu nhiều sửa nhiều, kêu ít sửa ít, chưa kêu chưa sửa” để hạn chế tình trạng trông chờ, thụ động từ phía doanh nghiệp và sự bị động của nhà nước trong hoạt động quản lý điều hành kinh tế xã hội.

Thứ tám, Một thực tế hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp ở nước ta chủ yếu là hoạt động dịch vụ, ít thực hiện hoạt động sản xuất, do vậy không nên quá ưu đãi thuế đối với các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ.

Trên cơ sở các quan điểm, luận cứ đó, tôi có một số ý kiến góp ý cho dự thảo sửa đổi Nghị định 164 như sau:

1. áp dụng thuế suất 20% và 15% cho các cơ sở kinh doanh mới thành lập từ dự án đầu tư thực hiện trong khu công nghiệp, khu chế xuất nếu như bỏ điều kiện về địa bàn đầu tư như theo tờ trình của Chính phủ.

2. áp dụng thuế suất 10% cho các cơ sở kinh doanh mới thành lập từ dự án đầu tư thực hiện trong khu công nghiệp, khu chế xuất thuộc các địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn để phù hợp với qui định của Luật đầu tư nước ngoài tại Việt nam cũng như Luật khuyến khích đầu tư trong nước đó là không chỉ khuyến khích đầu tư vào những lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu, xây dựng kết cấu hạ tầng và các cơ sở sản xuất công nghiệp … mà còn khuyến khích đầu tư vào các điạ bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Đồng thời đảm bảo được tính dự liệu, tiên đoán và ổn định của pháp luật chứ không thể lập luận rằng xét thấy tình hình những năm sắp tới các khu công nghiệp, khu chế xuất chưa có điều kiện phát triển ở các vùng khó khăn thì không cần phải qui định mức thuế suất ưu đãi.

Cụ thể: Khoản 1, Điều 35 được sửa đổi, bổ sung như sau:
a) Thuế suất 20% đối với:
- Hợp tác xã được thành lập tại địa bàn không thuộc Danh mục B và Danh mục C;
- Cơ sở kinh doanh mới thành lập từ dự án đầu tư thuộc ngành nghề, lĩnh vực quy định tại Danh mục A;
- Cơ sở kinh doanh mới thành lập từ dự án đầu tư tại địa bàn thuộc Danh mục B;
- Cơ sở kinh doanh mới thành lập từ dự án đầu tư thực hiện trong Khu công nghiệp, trong Khu chế xuất;”

b- Thuế suất 15% đối với:
- Hợp tác xã được thành lập tại địa bàn thuộc Danh mục B;
- Cơ sở kinh doanh mới thành lập từ dự án đầu tư thuộc ngành nghề, lĩnh vực quy định tại Danh mục A và thực hiện tại địa bàn thuộc Danh mục B;
- Cơ sở kinh doanh mới thành lập từ dự án đầu tư tại địa bàn thuộc Danh mục C;
- Cơ sở kinh doanh mới thành lập từ dự án đầu tư phát triển hạ tầng Khu công nghiệp, Khu chế xuất; Doanh nghiệp chế xuất mới thành lập trong lĩnh vực sản xuất;
- Cơ sở sản xuất mới thành lập từ dự án đầu tư thực hiện trong Khu công nghiệp xuất khẩu trên 50% giá trị sản phẩm sản xuất trong năm tài chính.”

c- Thuế suất 10% đối với:
- Hợp tác xã được thành lập tại địa bàn thuộc Danh mục C;
- Cơ sở kinh doanh mới thành lập từ dự án đầu tư thuộc ngành nghề, lĩnh vực quy định tại Danh mục A và thực hiện tại địa bàn thuộc Danh mục C;
- Cơ sở kinh doanh mới thành lập từ dự án đầu tư thực hiện trong Khu công nghiệp, Khu chế xuất tại địa bàn thuộc danh mụcB và danh mục C;

3. Để không tạo ra sự chênh lệch quá lớn về thời hạn giảm thuế so với Khoản 2, Điều 36 “giảm 50% số thuế phải nộp cho 03 năm tiếp theo” và phù hợp với thuế suất ưu đãi đã được góp ý tại Khoản 1, Điều 35, cần nghiên cứu rút ngắn thời hạn giảm thuế. Cụ thể:

Bổ sung khoản 13 mới vào Điều 36 như sau:
“13. Cơ sở kinh doanh mới thành lập từ dự án đầu tư thực hiện tại Khu công nghiệp, Khu chế xuất:

a- Được miễn thuế 02 năm, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp cho 05 năm tiếp theo đối với cơ sở kinh doanh mới thành lập từ dự án đầu tư thực hiện trong khu công nghiệp, khu chế xuất;
b- Được miễn thuế 03 năm, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp cho 06 năm tiếp theo đối với Cơ sở kinh doanh mới thành lập từ dự án đầu tư phát triển hạ tầng Khu công nghiệp, Khu chế xuất; Doanh nghiệp chế xuất mới thành lập trong lĩnh vực sản xuất; Cơ sở sản xuất mới thành lập từ dự án đầu tư thực hiện trong Khu công nghiệp xuất khẩu trên 50% giá trị sản phẩm sản xuất trong năm tài chính.”
c- Được miễn thuế 04 năm, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp cho 07 năm tiếp theo đối với Cơ sở kinh doanh mới thành lập từ dự án đầu tư thực hiện trong Khu công nghiệp, Khu chế xuất tại địa bàn thuộc danh mụcB và danh mục C;

4- Về ưu đãi thuế đối với các dự án thuộc danh mục dự án đặc biệt khuyến khích đầu tư và dự án đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực khám chữa bệnh, giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học nếu ưu đãi như theo dự thảo thì sẽ tạo ra sự chênh lệch quá lớn so với đầu tư trong nước “ nếu không đáp ứng được điều kiện về địa bàn thì chỉ được hưởng thuế suất ưu đãi 20%, miễn thuế 2 năm và giảm thuế 5 năm”. Để giảm bớt sự chênh lệch quá lớn này (gấp đôi), đề nghị xem xét sửa đổi như sau:

Điều 37. Ưu đãi thuế đối với các khu kinh tế, các dự án đặc biệt khuyến khích đầu tư như sau:

1. Đối với các khu kinh tế, các dự án đặc biệt khuyến khích đầu tư, Cơ sở kinh doanh mới thành lập từ dự án đặc biệt khuyến khích đầu tư mức thuế suất ưu đãi và thời gian miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định nhưng tối đa không quá 04 năm miễn thuế, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp cho 09 năm tiếp theo. Danh mục dự án đặc biệt khuyến khích đầu tư do Chính phủ quy định trong từng thời kỳ.

2- Dự án đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực khám chữa bệnh, giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học được hưởng thuế suất ưu đãi là 15% trong 12 năm kể từ khi bắt đầu hoạt động kinh doanh và được miễn thuế trong 3 năm, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp trong 7 năm tiếp theo./.

Các văn bản liên quan