Góp ý của tiến sỹ Nguyễn Ngọc Thạch

Thứ Hai 16:15 22-05-2006
Luật sư, Tiến sỹ luật Nguyễn Ngọc Thạch
Giám đốc Công ty Thạch & Cộng sự
115B-A5 Thành Công, Ba Đình, Hà nội, Việt nam

_______________________________________


GÓP Ý DỰ THẢO THÔNG TƯ
Hướng dẫn thực hiện các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần
đối với các loại thuế đánh vào thu nhập và tài sản
giữa Việt Nam với các nước có hiệu lực thi hành tại Việt Nam




Phần A. QUY ĐỊNH CHUNG

Mục I.3.2 (cool.gif: Tiêu chí xác định "trụ sở điều hành thực tế". Do đây đã là hướng dẫn để thực hiện nên cần làm rõ các tiêu chí cụ thể để có cơ sở áp dụng thống nhất, chứ không nên viết là "...hoặc các tiêu thức khác có tính chất tương tự " như trong dự thảo. Theo chúng tôi thì Tiểu đoạn này chỉ có câu 1 là chính xác. Câu 2 có vẻ như để giải thích thêm nhưng chính sự giải thích thêm này lại rất có vấn đề và làm rối thêm khi áp dụng trên thực tế, vì vậy nên bỏ cả câu 2 đi thì hơn.

Phần B. THUẾ ĐỐI VỚI CÁC LOẠI THU NHẬP

Mục I Thu nhập từ bất động sản

Mục I.1 Ví dụ 1: Coi là có bất động sản và được coi là bất động sản là hai vấn đề khác nhau vì việc xác định một loại tài sản nào đó là bất động sản là nhằm xác định nghĩa vụ nộp thuế của đối tượng sở hữu tài sản đó theo Hiệp định. Vì lý do đó, nên cần thể hiện là "nếu đối tượng đó có một đàn gia súc tại Việt Nam liên quan trực tiếp đến quyền sử dụng đất này thì đàn gia súc đó cũng được coi là bất động sản tại Việt Nam" mới chính xác chứ không phải viết như trong Dự thảo Thông tư.

Mục II. Thu nhập từ hoạt động kinh doanh

• Theo chúng tôi thì Điều 7 của các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần ký giữa nước ta và các nước thực chất là quy định việc đánh thuế đối với lợi tức doanh nghiệp tại nước mà tuy doanh nghiệp đó không phải là đối tượng cư trú nhưng lại có hoạt động kinh doanh thông qua một cơ sở thường trú. Vì thế, hướng dẫn tại Mục này chính là hướng dẫn các Điều 5 và Điều 7 của các Hiệp định.

Tuy nhiên cách hướng dẫn của Dự thảo Thông tư lại làm rối thêm vấn đề đối với người thực hiện hướng dẫn. Tại sao không nêu thẳng vào vấn đề? Đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu lại.

Mục II.2.b (ii): Cách bắt đầu tính thời hạn 3 hoặc 6 tháng đối với trường hợp một doanh nghiệp của nước ký kết có tiến hành hoạt động kinh doanh thông qua một cơ sở thường trú tại Việt nam do họ có tại Việt Nam một địa điểm xây dựng, một công trình xây dựng, lắp đặt hoặc lắp ráp, hoặc tiến hành các hoạt động giám sát liên quan đến các địa điểm xây dựng, công trình xây dựng, lắp đặt hoặc lắp ráp nói trên như trong Dự thảo cần được xem xét lại. Tại sao không lấy thời điểm họ được cấp giấy phép nhận thầu xây dựng tại Việt nam để bắt đầu việc tính thời hạn, còn nếu trước đó họ có một văn phòng tại Việt nam thì việc xác định thời hạn có thể căn cứ vào ngày họ được cấp phép để mở văn phòng đó. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm.

Mục II.2.2 d: Theo chúng tôi vẫn có trường hợp phải áp dụng phương pháp phân bổ thu nhập đối với cơ sở thường trú để xác định thu nhập chịu thuế của cơ sở thường trú đó (Văn phòng đại diện được ủy quyền thường xuyên ký kết hợp đồng tại Việt nam chẳng hạn). Vì thế, tại mục này nên có hướng dẫn phương pháp tính phân bổ thu nhập sẽ được áp dụng để tăng tính minh bạch của quy định pháp luật.

• Trường hợp doanh nghiệp nước ngoài tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam thông qua việc tham gia thành lập pháp nhân tại Việt Nam hoàn toàn không phải là vấn đề của Điều 7 của các Hiệp định mà có thể thuộc phạm vi áp dụng của các Điều khác của Hiệp định thì nêu ở đây làm gì vì dù sao cũng phải hướng dẫn tại các điều tương ứng đó?

Mục IV. Thu nhập từ lãi cổ phần

Mục IV.1: Định nghĩa tiền lãi cổ phần: Đề nghị có hướng dẫn đối với trường hợp khoản tiền được trích từ thu nhập của hoạt động hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng tại Việt nam trả cho Bên nước ngoài hợp doanh (mà không thuộc trường hợp hợp doanh trong vận tải quốc tế)?

Mục IV.3: Khi đề cập những trường hợp không áp dụng Điều 10 của Hiệp định, theo chúng tôi để dễ dàng cho việc áp dụng Hiệp định, thiết nghĩ nên nêu luôn là trường hợp đó sẽ áp dụng Điều nào của Hiệp định, còn nếu nói Hiệp định không áp dụng đối với trường hợp đó thì có thể là chưa chuẩn xác.

Mục V. Thu nhập từ lãi tiền vay

Mục V.3: Khi đề cập những trường hợp không áp dụng Điều 11 của Hiệp định, theo chúng tôi để dễ dàng cho việc áp dụng Hiệp định, thiết nghĩ nên nêu luôn là trường hợp đó sẽ áp dụng Điều nào của Hiệp định, còn nếu nói Hiệp định không áp dụng đối với trường hợp đó thì có thể là chưa chuẩn xác.

Mục VI. Thu nhập từ tiền bản quyền

• Mục VI.3: Khi đề cập những trường hợp không áp dụng Điều 12 của Hiệp định, theo chúng tôi để dễ dàng cho việc áp dụng Hiệp định, thiết nghĩ nên nêu luôn là trường hợp đó sẽ áp dụng Điều nào của Hiệp định.

Mục VII. Thu nhập từ dịch vụ kỹ thuật

Ví dụ số 23: Cách nêu ví dụ kiểu này rất giống với việc đánh đố doanh nghiệp khi họ có ý định tìm hiểu quy định pháp luật. Tại sao không nói rõ rằng, việc khấu trừ thuế sẽ được thực hiện theo quy định về chế độ thuế đối với nhà thầu nuớc ngoài hoạt động tại Việt nam không theo các hình thức của Luật đầu tư nước ngoài tại Việt nam. Và mức khấu trừ đối với trường hợp này theo Thông tư 169/1998/TT-BTC chính xác là 7,5% doanh thu tính thuế, chứ không phải là "không quá 7,5%" như cách diễn đạt của Dự thảo Thông tư.

Mục VIII. Thu nhập từ chuyển nhượng tài sản

Mục VIII.2.1: Đề nghị sửa lỗi đánh máy trong câu đầu tiên.

Mục VIII.2.4: Nếu có Hiệp định không có quy định thì sao, vì nếu theo Luật của ta thì phải nộp thuế thu nhập?
Mục VIII.2.5: Tại sao lại nói là "có thể", ở đây chỉ là có hoặc không. Đề nghị sửa lại.

Mục XIII. Thu nhập từ tiền lương hưu

Mục XIII.1: Định nghĩa thu nhập từ tiền lương hưu: Dự thảo Thông tư định nghĩa thiếu hẳn một vế của vấn đề. Đó là tiền lương hưu do đối tượng cư trú của Việt Nam nhận được từ công việc trước đây làm tại nước ký kết Hiệp định với Việt Nam. Đề nghị Ban soạn thảo xem lại.

Phần C. BIỆN PHÁP TRÁNH ĐÁNH THUẾ HAI LẦN TẠI VIỆT NAM

1. Theo thiển nghĩ của chúng tôi thì Phần C của Dự thảo Thông tư mới chỉ dừng lại ở việc cho các đối tượng nộp thuế và các cán bộ thuế biết là chúng ta có thỏa thuận trong các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần việc thực hiện một biện pháp hoặc kết hợp các biện pháp tránh đánh thuế hai lần như biện pháp khấu trừ, biện pháp khấu trừ số thuế khoán và biện pháp khấu trừ gián tiếp; và mô tả về nội dung chính của từng biện pháp đó. Và vì thế chưa thể coi là sự hướng dẫn áp dụng các biện pháp tránh đánh thuế hai lần theo các Hiệp định đã ký được.

Lý do là khi một đối tượng nộp thuế cầm trong tay một Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và Thông tư hướng dẫn, anh ta không thể xác định một cách chắc chắn rằng ở trường hợp của anh ta thì biện pháp nào sẽ được cơ quan thuế Việt nam áp dụng để khấu trừ thuế. Điều này ảnh hưởng đến khả năng tiên liệu của các đối tượng nộp thuế là các cá nhân và doanh nghiệp và do đó giảm tính minh bạch của pháp luật trên thực tế.

Từ những lý do trên, theo chúng tôi phần hướng dẫn các biện pháp tránh đánh thuế hai lần cần được cơ cấu lại theo hướng:

o Đối với từng biện pháp cần chỉ ra những dấu hiệu được quy định trong Hiệp định mà với những dấu hiệu đó thì biện pháp tránh đánh thuế hai lần này sẽ được áp dụng;

o Cách tính thuế của biện pháp này cụ thể ra sao (theo những bước nào và do đó kết quả là thế nào);

o Trường hợp có hai biện pháp cùng được phối hợp thì cách tính và khấu trừ thuế sẽ được thực hiện ra sao (chẳng hạn như trường hợp áp dụng phối hợp biện pháp khấu trừ trực tiếp và khấu trừ số thuế khoán, ....)


2. Ý kiến đối với một số điểm cụ thể trong Dự thảo Thông tư:

Ví dụ số 40 về việc khấu trừ thuế gián tiếp. Tuy đây là biện pháp có phần phức tạp hơn các biện pháp khác một chút, nhưng nó cũng không đến nỗi phức tạp như trong cách hướng dẫn của Dự thảo. Chúng tôi cho rằng nếu trình bày như trong Dự thảo thì quả là các tác giả đã làm cho mọi người cùng đi lòng vòng trước khi đến được kết quả mà thôi. Đề nghị Ban soạn thảo xem lại cách thể hiện ví dụ này cho ngắn gọn, chính xác mà lại dễ hiểu hơn.

Có thể theo các bước như sau:

o Xác định số lợi nhuận trước thuế mà Công ty V của Việt Nam được hưởng trong tổng số lợi nhuận của Công ty N tại Nga: chúng ta dễ dàng biết được đó là 20.000 đô la (20% của 100.000 đô la lợi nhuận trước thuế)

o Xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp mà Công ty N đã nộp tại Nga trên số lợi nhuận nói trên: chúng ta dễ dàng biết được đó là 6.000 đô la (thuế suất 30%)

o Xác định lợi tức cổ phần được chia sau thuế của Công ty V của Việt Nam: chúng ta dễ dàng biết được đó là 14.000 đô la (20.000 - 6.000)

o Xác định số thuế mà Công ty V của Việt Nam phải nộp tại Nga đối với lợi tức cổ phần được chia: chúng ta dễ dàng biết được đó là 1.400 đô la (thuế suất 10%)

o Xác định tổng số thuế mà Công ty V của Việt Nam đã phải nộp tại Nga: chúng ta dễ dàng biết được đó là 7.400 đô la (6.000 + 1.400)

o Xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp mà Công ty V của Việt Nam phải nộp ở Việt nam theo luật pháp Việt nam: chúng ta lấy số lợi nhuận trước thuế mà Công ty V của Việt Nam được hưởng trong tổng số lợi nhuận của Công ty N tại Nga (tức 20.000 đô la) đem nhân với thuế suất 28%: chúng ta biết kết quả là 5.600 đô la.

o Theo quy định về cách khấu trừ gián tiếp, Công ty V của Việt Nam chỉ được phép khấu trừ 5.600 đô la trong tổng số thuế mà họ đã phải nộp tại Nga.

Theo chúng tôi với cách tính như trên thì ai cũng có thể hiểu được, còn nếu trình bày như trong ví dụ của Ban soạn thảo thì quả là quá khó hiểu.

Trên đây là một số ý kiến của chúng tôi để Ban soạn thảo nghiên cứu hoàn thiện Dự thảo.

Các văn bản liên quan