Góp ý của ông Phan Hồng Quân

Thứ Sáu 10:42 26-05-2006
[size=18]THAM LUẬN VỀ DỰ THẢO LUẬT DOANH NGHIỆP THỐNG NHẤT

------------------------------
Phan Hồng Quân
Giám đốc Bộ phận Dịch vụ tư vấn tài chính Doanh nghiệp
Công ty cổ phần chứng khoán Sài–gòn (SSI)

#180-182 Nguyễn Công Trứ, Q.1, HCMc
Tel : (84-8) 8218-567, ext.131
Email : quanph@saigonsecurities.com
------------------------------


Những đóng góp của tôi dưới đây mới dừng lại ở nội dung một số điều trong Dự thảo luật chứ chưa đề cập đến mối quan hệ của Luật DN với Luật ĐTNN và Luật DNNN. Nếu coi đối tượng, phạm vi của luật DN thống nhất (lần này) bao gồm các hình thức Doanh nghiệp có sở hữu khác nhau, thì rất nên có thêm nội dung về lộ trình áp dụng Luật DN thống nhất đối với các đối tượng còn lại kia (mà hiện nay đang nằm “ngoài” phạm vi điều chỉnh của Luật DN) . Theo tôi, điều này mới có thể tác động sâu rộng đến môi trường kinh doanh, cạnh tranh “bình đẳng” giữa các loại hình doanh nghiệp chứ không phải chỉ là việc chỉnh sửa đơn thuần các nội dung của Luật DN đã xây dựng 1999. Hơn nữa, Luật DN 1999 đã phát huy tính tích cực, nhưng vẫn chưa được tổng kết tình hình thực hiện sau 5 năm áp dụng . Quá trình thực thi Luật DN vẫn chưa được áp dụng nghiêm túc ở nhiều cấp địa phương, Bộ, Ban , ngành (các rào cản, giấy phép con, phân biệt ưu đãi tín dụng….) . Do đó, việc ban hành, tìm kiếm các giải pháp thực thi đúng và nghiêm túc tinh thần Luật DN (1999) mới là thách thức lớn hơn việc chỉnh sửa, xây dựng Luật DN thống nhất (2005?) này. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu và rộng của Việt nam hiện nay (thực thi BTA, gia nhập WTO….) , Ban Soạn thảo nên cân nhắc kỹ lưỡng hoặc tham vấn giữa các lợi ích/chi phí cũng như các thách thức/cam kết mà cộng đồng doanh nghiệp phải thực thi trong việc a) tiếp tục thực hiện luật DN 1999 như cũ b) áp dụng Luật DN thống nhất mới (trong tình trạng thiếu vắng các giải pháp thực thi hiệu quả như hiện tại ) hay c) buộc phải tuân thủ các điều ước quốc tế khi Việt nam tham gia hội nhập kinh tế quốc tế. Điều này chính là sự đánh đổi về chi phí/lợi ích trong các quyết định chính sách công của Chính phủ, rất cần thêm các nghiên cứu tác động chính sách vĩ mô.

Qua bản dự thảo Luật doanh nghiệp thống nhất, tôi có một số điểm muốn trao đổi với Ban soạn thảo nhằm làm rõ hơn một số nội dung . Với kinh nghiệm làm việc trong môi trường chứng khoán và tư vấn tài chính doanh nghiệp, tôi sẽ tập trung thảo luận một số điểm chủ yếu trong chương về Công ty cổ phần và mối quan hệ giữa các qui định pháp luật chứng khoán với luật doanh nghiệp về cổ phần, chuyển nhượng cổ phần…
Một số điểm trong bài viết có thể trùng một hoặc vài ý của một số tác giả đã đăng tải trên forum của website VCCI ( www.vibonline.com.vn), nhưng tôi vẫn đưa thêm hoặc tổng kết quan điểm cá nhân của tôi dưới đây thành các điểm để Hội thảo tiện theo dõi.

(i) Quyền của cổ đông phổ thông (Đ.53.1c2, c3) :
Theo quan điểm bảo vệ quyền lợi chính đáng của cổ đông, đặc biệt là những cổ đông nhỏ, thiểu số , việc định danh các quyền của cổ đông phổ thông là quan trọng. Tuy nhiên, không phải bất kỳ thông tin nào của doanh nghiệp, đặc biệt những thông tin mang tính chất “nhạy cảm” như danh sách cổ đông có quyền biểu quyết, có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông ( mục 53.c2 và 53.2.c) hay “mật “ như ‘Sổ biên bản và toàn văn nghị quyết, quyết định của HĐQT’ (mục 53.1.c2) ở mọi thời điểm. Nếu đưa điều này vào luật, có lẽ chỉ gây hại nhiều hơn cho doanh nghiệp trên cả 2 khía cạnh : a. tính bảo mật những thông tin “nhạy cảm” của doanh nghiệp bị xâm hại, nhất là trong bối cảnh việc tìm hiểu thông tin kinh tế của đối thủ cạnh tranh đang diễn ra gay gắt hiện nay ; b. Chi phí cho việc tìm kiếm, chiết xuất thông tin cho đòi hỏi của bất kỳ cổ đông nào đều làm gia tăng chi phí (không cần thiết) cho doanh nghiệp. Hơn nữa, trong trường hợp các công ty cổ phần niêm yết trên thị trường chứng khoán (cả trong và ngoài Việt nam), việc cổ đông phổ thông tra cứu thông tin về danh sách cổ đông là không thể được !
Do đó, theo tôi phải lược bớt những thông tin mà cổ đông phổ thông có quyền xem xét.
Một nội dung nhỏ, liên quan đển việc đề cử người vào HĐQT, Ban kiểm soát (mục 53.3a) là “a. Các cổ đông có quyền biểu quyết ….phải thông báo về việc họp nhóm cho tất cả các cổ đông dự họp biết ngay khi khai mạc Đại hội đồng cổ đông “. Điều này nên sửa lại là “..trước khi khai mạc ..ít nhất 2 ngày”. Trên thực tế, việc nhóm họp các cổ đông để đề cử, uỷ quyền đề cử thành viên HĐQT, Ban kiểm soát không hề dễ dàng , nhất là đối với các Công ty cổ phần có số lượng cổ đông lớn, phân tán.

(ii) Quyền của Đại hội đồng cổ đông ( Đ.70.2.g , Đ.77.2.b) :
Cơ quan quyền lực cao nhất của Công ty cổ phần là Đại hội đồng cổ đông. Các quyết định quan trọng nhất của Doanh nghiệp cùng phải được cơ cấu này thông qua. Tuy nhiên, ngoài các nội dung (“bán tài sản có giá trị trên 50% tổng tài sản”- Đ.70.2.g..) trong dự thảo Luật đã nêu, không thấy qui định về thẩm quyền quyết định mức độ, giá trị đầu tư (dự án) của Đại hội đồng cổ đông. Thực tế cho thấy nhiều khi một quyết định đầu tư sai lầm có thể làm doanh nghiệp lụn bại, thậm chí phá sản, ảnh hưởng đến lợi ích của cổ đông. Do đó, tôi đề nghị bổ sung một nội dung về quyền của Đại hội đồng cổ đông là “ Nếu điều lệ công ty không qui định, Đại hội đồng cổ đông quyết định thông qua đầu tư dự án có giá trị trên (75% ) tổng tài sản của công ty ”

(iii) Thẩm quyền của HĐQT (Đ.80.2d ) :
Để thống nhất với mục (ii) ở trên về quyền hạn của Đại hội đồng cổ đông nên bổ sung thêm về quyền hạn của HĐQT ở mục 80.2d là “ Quyết định phương án đầu tư trong thẩm quyền và giới hạn, qui định trong Luật này hay trong điều lệ Công ty” . Tức là, HĐQT có thể quyết định phê duyệt phương án đầu tư có giá trị dưới (75%) tổng tài sản .

(iv) Hạn chế mức góp vốn vào Doanh nghiệp khác:

Không nên ! Việc đầu tư vào doanh nghiệp khác phụ thuộc vào nguồn vốn-dòng tiền của họ ( bao gồm vốn chủ sở hữu, lợi nhuận giữ lại, vốn vay…) chứ không đơn thuần dựa vào nguồn vốn chủ sở hữu. Trên thị trường chứng khoán, giá trị công ty không đơn thuần xác định bằng nguồn vốn chủ sở hữu mà bằng giá trị thị trường (số lượng cổ phiếu lưu hành * thị giá cổ phiếu), thực tế tại Việt nam cho thấy có công ty có giá trị thị trường cao hơn nhiều lần vốn chủ sở hữu (vd: Germadept có vốn chủ sở hữu 399 tỷ, nhưng có giá trị thị trường là 873 tỷ). Việc hạn chế mức góp vốn vào doanh nghiệp khác chỉ dựa vào vào vốn chủ sở hữu của họ là không khuyến khích cơ hội đầu tư của doanh nghiệp, mặt khác ngăn cản hoạt động mua bán & sáp nhập, thâu tóm doanh nghiệp (merge & acquisition, take-over) – những hoạt động rất phổ biến của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường.

(v) Chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập ( Đ.58.4)
Có một trường hợp cổ đông sáng lập mua thêm cổ phần, so với số lượng ban đầu, trong thời gian bị hạn chế chuyển nhượng ( 3 năm đầu tiên thành lập) thì việc chuyển nhượng giải quyết thế nào ? Theo quan điểm các cổ phần của công ty cổ phần đều là cổ phần phổ thông, theo tôi nên bổ sung “Số lượng cổ phần mua thêm của cổ đông sáng lập, trong thời gian 3 năm đầu, sẽ được chuyển nhượng tuân theo qui định tại Đ.61” mà không cần Đại hội đồng cổ đông thông qua mới là hợp lý.

(vi) Chào bán và chuyển nhượng cổ phần (Đ.61 và Đ.64) : “giá thị trường” ;
Tại mục 61.1 có qui định về “ Giá chào bán cổ phần không được thấp hơn giá thị trường tại thời điểm chào bán..” Trên thực tế, không phải lúc nào HĐQT cũng có thể biết giá thị trường cổ phần của mình, điều này đặc biệt đúng với các công ty cổ phần nhỏ, ít tên tuổi, hoạt động ở xa đô thị…Để bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp và tránh sự lạm dụng quyền hạn của HĐQT, nên qui định mức giá chào bán trên là “giá trị sổ sách của cổ phần tại thời điểm gần nhất..”. Qui định này là khả thi và dễ làm về mặt hạch toán kế toán. Tương tự tại Đ.64 – Mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông, mục 2 ” Công ty phải mua lại cổ phần.. với giá thị trường hoặc… “ nên đổi thành “ Công ty phải mua lại cổ phần …với giá thoả thuận không thấp hơn giá trị sổ sách của cổ phần tại thời điểm gần nhất hoặc…” để đảm bảo tránh tranh chấp giữa cổ đông và công ty.

Một điểm khác liên quan đến việc chuyển nhượng cổ phần của các công ty cổ phần niêm yết, đăng ký trên các trung tâm giao dịch chứng khoán hiện nay tuân theo các qui định riêng. Như vậy, cần bổ sung thêm vào Đ.64.4b “ Việc chuyển nhượng cổ phần của các công ty niêm yết, đăng ký giao dịch tại các Trung tâm GDCK tuân theo qui định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán “

(vii) Điều kiện thanh toán và xử lý cổ phần mua lại (Đ.66) :
Tại mục 2, dự thảo Luật định nghĩa cổ phần mua lại theo qui định tại Đ.64 và Đ.65 được coi là “ cổ phần chưa bán..” là chưa chính xác, mà phải là “ cổ phần ngân quỹ..” (treasury share) cho đúng với thông lệ quốc tế và qui định hạch toán kế toán. Tiếp theo, tại mục 4, việc bắt công ty phải đăng ký lại vốn điều lệ ngay sau khi thanh toán cổ phần mua lại là không thực tế và làm tăng thêm chi phí không đáng có cho công ty. Thực tế, nếu việc công ty dùng tiền mua cổ phiếu của mình làm cổ phiếu ngân quỹ trong vòng một năm, rồi bán lại (để kinh doanh) thì không cần điều chỉnh vốn điều lệ. Nếu thời gian nắm giữ trên 1 năm, tuy hạch toán ghi giảm vốn chủ sở hữu, nhưng không nhất thiết phải đăng ký vốn điều lệ mới (tương tự trường hợp vốn chủ hữu tăng thêm do lợi nhuận tích luỹ ). Vậy, đề nghị bỏ mục Đ.65.4

(viii) Điều kiện, thể thức tiến hành Đại hội cổ đông (Đ.76) :
Trên thực tế, có nhiều doanh nghiệp lớn, nhiều cổ đông, các cổ đông tại nhiều vùng địa lý , quốc tịch khác nhau… tỉ lệ 51% là đủ lớn để có thể nhóm họp ĐHCĐ. Nếu qui định 75%, e rằng nhiều công ty lớn khó nhóm họp được. Đề nghị giữ nguyên tỉ lệ như Luật DN 1999.


(ix) Tiêu chuẩn thành viên HĐQT (Đ.80b) :
a) Do việc công ty có thể đề cử người không phải là cổ đông vào HĐQT, nên việc việc đề cử thành viên HĐQT tại mục 80b.1 nên sửa thành “Cổ đông sở hữu hoặc được uỷ quyền tối thiểu 10% cổ phần phổ thông..” ; b) Với sự thay đổi nhanh chóng của môi trường kinh doanh hiện đại, cũng như sự xuất hiện nhiều ngành công nghiệp mới (IT, viễn thông, Internet…), tháp dân số Việt nam rất trẻ, việc qui định thành viên HĐQT phải là người “không dưới 21 tuổi” không còn thực tế nữa. Đề nghị sửa mục 80b.2 thành “không dưới 18 tuổi” ; c) Đề nghị bổ sung thêm mục 6.” Thành viên HĐQT không nhất thiết phải là cổ đông của công ty” để công ty có thể tiếp nhận được những người giỏi từ bên ngoài vào quản trị công ty, và cũng nên thay đổi quan niệm về “thành viên HĐQT” cung là một “nghề“- Tách biệt giữa chức năng điều hành DN với sở hữu công ty.

(x) Cuộc họp HĐQT (Đ.82) :
Đề nghị bỏ mục 82.1 “Hội đồng quản trị có thể họp tại trụ sở chính của Công ty hoặc nơi khác” là đủ. Không cần “ trên lãnh thổ Việt nam” vì ngày nay, vì lợi ích của công ty và sự phát triển của hệ thống truyền thông, vận chuyển , HĐQT quản trị có thể nhóm họp ở bất kỳ địa điểm (trong và ngoài lãnh thổ Việt nam) hay trên không gian ảo (teleconference, video conference…)

(xi) Tiền lương và lợi ích khác của thành viên HĐQT, giám đốc(tổng giám đốc) Đ.85a.4
- Về cơ bản Luật DN không nên đi quá chi tiết về các mức thưởng, thù lao của HĐQT,mà chủ yếu để DN tự chủ trong vấn đề này, tránh trường hợp qui định cứng nhắc. Cụ thể, về tỉ lệ cụ thể “mức thưởng vượt mức kế hoạch..” cho HĐQT và Giám đốc cũng như “mức phạt” lương giám đốc không hoàn thành kế hoạch không nên chi tiết vì như vậy vô hình chung giảm bớt vai trò tự quyết, sáng tạo của HĐQT , Ban giám đốc những người có vị trí rất quan trọng trong sự phát triển của doanh nghiệp. Nếu đưa các tỉ lệ cụ thể vào cũng nên là mức hướng dẫn và phải thêm câu “nếu Điều lệ công ty không qui định khác thì…” để Doanh nghiệp có sự lựa chọn phù hợp với điều kiện tài chính cũng như văn hoá công ty.

(xii) Tiêu chuẩn thành viên Ban Kiểm soát (Đ.88a)
Với lí do tương tự như tại Đ.80b về tiêu chuẩn thành viên HĐQT, nên qui định thành viên Ban kiểm soát “không dưới 18 tuổi “ và “không nhât thiết là cổ đông của công ty”

./.

Tp.Hồ Chí Minh, ngày 10/04/2005

Các văn bản liên quan