Trích ý kiến của ĐBQH Vũ Ngọc Cừ – Tỉnh Lào Cai

Thứ Sáu 16:07 01-09-2006

Kính thưa Hội nghị,
Tôi xin tham gia một số ý kiến vào dự thảo luật:
Vấn đề thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh, tôi đồng tình với rất nhiều ý kiến các đồng chí đã phát biểu từ sáng tới giờ là nên mở rộng điều chỉnh cả chứng thực, còn lý do như nhiều đồng chí đã phát biểu ý kiến. Tôi nghĩ luật này có thể lấy tên là Luật Công chứng và chứng thực, do nó khác nhau về nội dung và mặt tính chất cho nên có thể chia làm hai phần: một phần là công chứng và một phần là chứng thực. Đương nhiên đây là hai nội dung được quy định trong cùng một Nghị định, như các đồng chí phát biểu ý kiến các nội dung về mặt chứng thực hiện nay đang còn nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết, nhưng chúng ta không có văn bản điều chỉnh ngay.
Như ý kiến giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể sẽ xây dựng thành luật, nhưng một thời gian sau có lẽ Ban soạn thảo cũng nên quy định chung vào một dự án luật này, vừa đáp ứng nhu cầu cần thiết, mà cũng đỡ lãng phí tiết kiệm được. Nếu bây giờ chúng ta xây dựng một Luật Chứng thực thì thành lập Ban soạn thảo, rồi chi phí và tất cả các thứ diễn ra như là một luật riêng, tôi nghĩ như thế không cần thiết.
Thứ hai, nếu giao cho Phòng công chứng chỉ công chứng hợp đồng và giao dịch không thôi thì tôi thấy có lẽ chỉ trừ ở một số thành phố và một số tỉnh lớn, còn lại các tỉnh nhất là các tỉnh ở miền núi sẽ không có việc làm. Chúng tôi kiến nghị Ban soạn thảo nghiên cứu có thể ngoài giao trách nhiệm chứng thực về hợp đồng và giao dịch, nên giao cho Phòng công chứng ở những nơi có đặc thù này, một số hoạt động khác, kể cả hoạt động chứng thực như trước nay đã làm, như thế thì hợp lý hơn. Đó là ý kiến thứ nhất.
Ý kiến thứ hai, về Điều 14, công chứng của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, đọc điều này tôi thấy có 2 suy nghĩ:
Thứ nhất, nó có trái với Điều 2 không vì Điều 2 quy định là: "Công chứng là việc công chứng viên chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng" Nhưng cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài không phải là công chứng viên, mà là cán bộ công chức của cơ quan đại diện, anh này chỉ được học qua Đại học Luật, cử nhân Luật, được bồi dưỡng về công chứng chứ không phải là công chứng viên. Vậy thì quy định như ở Điều 14 có trái gì với Điều 2, tức là công chứng là việc công chứng viên chứng nhận, ở đây lại người không phải là công chứng viên chứng nhận, như thế nó có hợp lý hay không?
Ý thứ hai, vậy cán bộ công chức của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài khi làm việc công chứng có thực hiện bồi thường thiệt hại như quy định tại Điều 33 không? Điều 33 quy định rõ tổ chức công chứng phải bồi thường thiệt hại nếu gây thiệt hại. Bây giờ cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài là một tổ chức được giao nhiệm vụ công chứng, nếu công chứng sai gây thiệt hại cho người yêu cầu công chứng thì có bồi thường hay không? Điều 14 có 2 suy nghĩ tôi xin được phát biểu kiến nghị để Ban soạn thảo nghiên cứu.
Ý thứ ba, Điều 23 tôi thấy quy định rất chung, nói là quyền và nghĩa vụ công chứng viên, nói rất chung chung không có gì rõ ràng, cụ thể cả. Ở đây chúng ta rõ ràng có 2 loại công chứng viên. Một loại công chứng viên là công chức, cán bộ công chức Nhà nước. Một loại công chứng viên hoạt động ở các Văn Phòng công chứng. Hai đối tượng này quyền và nghĩa vụ của nó khác nhau. Tôi kiến nghị Điều 23 về quyền và nghĩa vụ của công chứng viên cần chia ra làm 2 loại.
Một loại đối với công chứng viên thuộc các Phòng công chứng, là công chức Nhà nước thì một mặt anh phải thực hiện theo Pháp lệnh về công chức Nhà nước. Thứ hai là có cái gì đặc thù của công chứng viên ở Phòng công chứng này thì nên quy định.
Còn loại thứ hai là hoạt động của công chứng viên ở Văn Phòng công chứng thì nó lại khác hoàn toàn với cán bộ công chức, phải có sự rõ ràng và riêng biệt. Chúng tôi đề nghị Điều 23 nên cụ thể hóa thêm. Ý thứ tư, Điều 64 quy định về giải quyết khiếu nại, đọc điều này tôi thấy chưa đầy đủ. Theo suy nghĩ của tôi Điều 64 là giải quyết khiếu nại, tố cáo có lẽ phải có 1 ý thứ nhất, tức là nếu như những khiếu nại, tố cáo thông thường thì phải giải quyết theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Nhưng trong này không hề nói gì, chỉ nói một ý là giải quyết khiếu nại đặc thù, tức là khiếu nại về việc từ chối công chứng. Tôi thấy Điều 64 này, một là phải có một khoản nói về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo bình thường thì chúng ta giải quyết theo pháp luật khiếu nại, tố cáo. Ngoài ra có một đặc thù tức là khiếu nại về việc từ chối công chứng khi có căn cứ cho rằng việc từ chối đó là trái pháp luật. Đó là đặc thù của việc khiếu nại đối với công chứng, như thế thì mới đầy đủ, rõ ràng. Nếu đọc toàn bộ chương này thì như thế là không có quyền tố cáo và giải quyết khiếu nại như Điều 64, chỉ có một việc là Trưởng Phòng công chứng sau đó đến Giám đốc Sở Tư pháp thôi chứ cũng có quyền nếu lần đầu anh không được thì anh có quyền khởi kiện ra tòa hoặc kiện lên cấp trên, việc này tức là quy định theo pháp luật khiếu nại, tố cáo.

Các văn bản liên quan