Trích ý kiến của ĐBQH Nguyễn Đình Lộc – Thành phố Hồ Chí Minh

Thứ Sáu 15:58 01-09-2006

Kính thưa các đồng chí.

Tôi xin có một số ý kiến về dự án luật này như sau:

Chúng tôi có theo dõi quá trình xây dựng dự án luật này thấy đến giờ có nhiều phần có thể chấp nhận được. Tuy nhiên những ý kiến chúng ta phát biểu từ sáng tới giờ thấy cũng có một số vấn đề cần phải làm sâu thêm, cần phải cân nhắc thêm ý kiến.

Điều chúng tôi muốn thể hiện ý kiến của mình đó là vấn đề gọi là phạm vi điều chỉnh. Tôi đứng về phía là tiện thể phải làm luôn, chứ không nên để đến một luật khác nữa và đạo lý của nó ở đây chúng ta nói nhiều đến chương trình, nói đến Tờ trình của Chính phủ, tôi hiểu rằng khi chúng ta xây dựng chương trình chúng ta không dừng lại để bàn kỹ từng luật một và thấy đạo lý của nó cần phải có luật đó thì chúng ta đưa vào, còn khi thảo luận như thế này mới phát sinh ra vấn đề và không ai ràng buộc Quốc hội chúng ta, tất nhiên đây mới là chuyên trách thôi, còn nay mai ra Quốc hội chính rằng mở rộng phạm vi, thu hẹp phạm vi lại. Cho nên tôi nghĩ lấy những lý do như thẩm tra lại thế này thế kia thì chúng ta có thể xử lý được, còn bây giờ xây dựng lại một luật mới tức là năm 2007 - 2008, chúng ta ban hành luật này, vô hình chung là ban hành cái mà mình chưa cần, còn cái cần thì chưa có. Cho nên tôi nghĩ rằng nếu kết hợp được thì mạnh dạn kết hợp và không bị ràng buộc bằng những quy định khác.

Tôi nghĩ rằng khi có quy định mới và hình như trong Tờ trình của Chính phủ cũng muốn có cả thêm chứng thực chứ không chỉ riêng công chứng. Đấy là vấn đề chung chúng tôi muốn phát biểu.

Còn vấn đề gọi là giá trị chứng cứ của hoạt động công chứng nói chung, chúng tôi báo cáo như sau: Chúng ta thường nói tới 2 mô hình gọi là giá trị hình thức và giá trị nội dung, thì xin thưa đó là 2 mô hình của lịch sử các nước, do hoàn cảnh riêng của mỗi nước người ta hình thành ra một mô hình như thế, chẳng hạn có mô hình từ thời La Mã và ta đi sau không dại gì chỉ theo một mô hình mà trong hai mô hình đó phải chọn cái gì tốt mình lựa, chứ việc gì mình phải đã A thì thôi B mà đã B thì thôi A. Tại sao chúng ta lại vừa A vừa B, nhưng không thể lấy hết A, lấy hết B, chúng tôi đã phát biểu ý kiến đó trong một lần họp với Bộ Tư pháp, đó chính là lợi thế của người đi sau. Nếu chúng ta cứ ràng buộc mình vào một mô hình nào đó tức là tự hạn chế mình. Tôi nghĩ rằng cần phải cân nhắc điểm đó để bảo đảm tính hoàn chỉnh, tính khả thi và tính hiệu quả cao của luật này. Đó là vấn đề thứ hai.

Còn có một vài vấn đề cụ thể tôi thấy hình như có một vài chỗ hơi khác. Có một thuận lợi lớn là chúng ta xây dựng luật này sau Luật về Luật sư. Đây là hai loại hoạt động tuy nó rất khác nhau, nhưng cùng một tính chất đó là hoạt động tiến tới để làm dịch vụ nó là luật dịch vụ. Trong luật này so với Luật Luật sư thấy có một vài điểm cần cân nhắc thêm. Chẳng hạn như ở đây chúng ta bắt buộc Văn phòng công chứng phải 2 công chứng viên trở lên. Trong lúc đó Luật Luật sư chúng ta cho phép 1 luật sư mở văn phòng. Tại sao như thế? Tôi nghĩ rằng 1 công chứng viên cũng có thể mở một văn phòng luật, văn phòng công chứng của mình và vì trong Luật Luật sư có điểm: Cùng với việc cho phép một luật sư mở một văn phòng thì đồng thời cho phép luật sư có quyền thuê luật sư, thuê người khác làm cho mình. Có thể một công chứng viên, vì muốn mở văn phòng công chứng phải có cơ sở tài sản, chứ không phải có bằng cấp chứng chỉ là đủ. Cho nên mở ra rồi và có thể công chứng viên khác đến làm việc cho người ta, việc đó có hại gì đâu. Cho nên không bắt buộc rằng phải từ 2 công chứng viên trở lên mới được mở văn phòng. Tôi nghĩ chỉ cần 1 công chứng viên nếu có đủ điều kiện về vật chất và về mặt tài chính.

Điểm thứ hai, tôi băn khoăn trong Luật Luật sư chúng ta xem trọng tổ chức xã hội nghề nghiệp mà luật này chúng ta sẽ tiến tới xã hội hóa hoạt động công chứng, có nghĩa biến công chứng thành một nghề phục vụ và thay mặt Nhà nước, nhưng là một nghề tự do, phải có một tổ chức xã hội nghề nghiệp giúp cho họ về mặt nhiệm vụ, đồng thời giúp cho Nhà nước quản lý họ tốt hơn. Vì vậy, tôi giở ra so sánh thì Luật luật sư chúng ta dành 1 chương là Chương V, đến 8 điều quy định về tổ chức xã hội nghề nghiệp, đến luật này tìm mãi không thấy, tôi hỏi đồng chí ngồi bên cạnh, đồng chí Vụ trưởng phụ trách vấn đề này cũng bảo hình như trước có, nhưng bây giờ để đâu, tôi không biết lý do vì sao, chúng ta biết rằng hoạt động công chứng còn quan trọng hơn hoạt động luật sư, nhưng chúng ta tiến tới xã hội hoá thì đòi hỏi cá nhân, trách nhiệm cá nhân nhưng đồng thời vai trò của tổ chức giúp họ tự quản rất quan trọng, cùng với Nhà nước quản lý tốt hơn. Cho nên, ngay từ bây giờ chúng ta cần quan tâm vấn đề đó. Chẳng hạn đến bây giờ chúng ta có Luật luật sư là mới có chương lớn như thế, nhưng ngay Pháp lệnh 201 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trước đây cũng đã có một chương quy định rõ về tổ chức xã hội nghề nghiệp của luật sư, tại sao luật này chúng ta phải bỏ nó đi. Đó là điều chúng tôi thấy nên tránh.

Một ý nữa chúng tôi thấy cũng cần phải xem lại, chẳng hạn Điều 25, cách đặt tên cho tổ chức này, vấn đề cũng rất bình thường thôi, nhưng từ thực tế lâu nay chúng ta cứ gọi là Phòng công chứng số 1, Phòng công chứng số 2, bây giờ chúng ta nói rằng tên của các Phòng công chứng đặt ra thứ tự trước sau, nếu tổ chức trước số 1, tổ chức sau số 2, có bắt buộc như thế không, tại sao trong 1 huyện có 2 phòng công chứng, trong 1 quận có hai phòng công chứng, một công chứng ở phía Bắc, Bắc Diễn Châu chẳng hạn, phía Nam Diễn Châu của tôi cũng có một phòng công chứng thì sao, bắt buộc phải bằng số, khi nói tên cho rõ thì người dân hình dung rất dễ, nếu nói bây giờ đến phòng công chứng số 2 không biết nó ở đâu, nếu phòng công chứng phía Bắc, một địa phương nào đấy hoặc phía Nam, một địa phương rất rõ, vì vậy, nhất là khi chúng ta cho phép mở Văn phòng công chứng của các cá nhân, thì chắc chắn họ không phải theo số, có nghĩa Văn phòng công chứng, Phòng công chứng của Nhà nước thì phải có số còn của tư nhân thì lại khác đi, như thế có phải là bắt buộc không, có cần không. Theo tôi là không cần thiết, đó là một số vấn đề chúng tôi xin phát biểu thêm

Các văn bản liên quan