Trích ý kiến của ĐBQH Hoàng Văn Minh – Tỉnh Nghệ An

Thứ Sáu 16:08 01-09-2006

Kính thưa các đồng chí.

Tôi xin phép được phát biểu một số ý kiến về Dự án Luật Công chứng.

Trước hết, chúng tôi muốn trình bày suy nghĩ của mình về phạm vi điều chỉnh của luật này. Tôi thấy rằng xác định phạm vi điều chỉnh của luật, thì ở đây có vấn đề có nhiều đại biểu đã phát biểu là luật này nên điều chỉnh phạm vi của nó chỉ công chứng hay bao gồm cả chứng thực. Đây là vấn đề tôi nghĩ rằng về lý luận các đồng chí đã trao đổi nhiều rồi, nhưng chúng tôi muốn xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của đời sống.

Thực tiễn đời sống của chúng ta có 2 việc chúng tôi thấy rằng nó tạo nên sự bức xúc trong lĩnh vực này ở các Phòng công chứng hiện nay.

Thứ nhất, chúng ta không phân biệt giữa công chứng và chứng thực. Cho nên hoạt động của các Phòng công chứng lâu nay nói là Phòng công chứng, nhưng trong thực tế là làm nhiệm vụ chứng thực, chứng thực ở đây chủ yếu là chứng nhận bản sao, hầu hết là như vậy. Nhất là vào các dịp học sinh thi cử, sinh viên nhập trường, sao các văn bằng, chứng chỉ rất nhiều và nó dồn sức ép đó. Rõ ràng đây là một vấn đề trong tổ chức thực tiễn phải có một suy nghĩ.

Thứ hai, tạo nên tình hình bức xúc và thực tiễn đó vì thực ra chúng ta cũng không xây dựng nó thực sự minh bạch của chế độ pháp lý của hoạt động công chứng là gì và giữa công chứng với chứng thực hiện nay lĩnh vực hoạt động nào cần phải có một chế độ pháp lý. Theo chúng tôi suy nghĩ chính bản thân hoạt động công chứng đang đòi hỏi cần phải có chế độ pháp lý. Nếu không quy định rành mạch, rõ ràng hoạt động công chứng gồm những lĩnh vực gì, rồi hình thức tổ chức hoạt động và trách nhiệm pháp lý của công chứng viên, thì trong thực tiễn nó cũng nhầm lẫn như lâu nay chúng ta thường gặp, ngoài những nội dung công chứng, nó không xác thực, nó không bảo đảm được tính pháp lý, nhất là tính trung thực của nó gây hậu quả trong đời sống thực tiễn rồi, nó đã diễn ra trong thực tiễn rồi, thì chính bản thân hoạt động của cơ quan công chứng nó không thực hiện đúng chức năng của nó.

Trong khi đó, chứng thực thì xin thưa với các vị đại biểu là chứng thực theo chúng tôi hiểu ở đây phạm vi nó rất rộng, nó gắn với chức năng quản lý của cơ quan, tổ chức, không phải chỉ cơ quan Nhà nước đâu, ngay các tổ chức cũng có thể có chứng thực, chứng thực những văn bản giấy tờ trong nội bộ cơ quan đó, kể cả cơ quan Đảng. Vậy phạm vi chứng thực ở đây rất rộng, nó gắn với quản lý cơ quan, ví dụ tôi ở một cơ quan cụ thể, tôi là thủ trưởng thì cũng có những hoạt động chứng thực, điều này rõ ràng nó không trở ngại gì về pháp lý cả, nó gắn với thẩm quyền của mình.

Vì chúng ta lâu nay chúng ta hiểu không đúng, chúng ta đặt vấn đề không đúng, cho nên trong thực tiễn chúng ta đưa rất nhiều hoạt động chứng thực để đến Phòng công chứng, trong đó nổi cộm lên là vấn đề chứng nhận giấy sao, nó gây nên bức xúc trong cuộc sống và một số cơ quan Nhà nước tổ chức lại cứ muốn là cái gì cũng phải qua công chứng.

Trong khi đó, bản thân hành vi công chứng đó cũng không thể đảm bảo được nội dung của việc công chứng.

Cho nên, chúng ta ỷ lại một hoạt động mà thực chất không bảo đảm được nội dung của nó, rồi chúng ta sử dụng nó như một tài liệu có cơ sở, giá trị pháp lý, thường thường nói công chứng là nó có giá trị chứng cứ của nó, nó làm cho những việc sai sót không được phát hiện, không được xem xét. Tôi nghĩ đây là vấn đề cần khắc phục. Trở lại vấn đề ở đây nổi cộm là cái gì? Tức là trong tổ chức thực hiện của chúng ta là đã đưa việc chứng thực để cho Phòng công chứng làm và làm một cách tràn lan, mà việc đó là việc của chính quyền. Kỳ này tôi cho rằng khi xây dựng Luật công chứng là xác định một chế độ pháp lý rất rõ ràng cho hoạt động công chứng. Còn hoạt động chứng thực thì trả về cho cơ quan quản lý đúng với bản thân của nó. Nhất là ở xã, phường, thị trấn người dân cần chứng nhận một giấy khai sinh, một bản sao thì đến xã, phường làm vừa sát thực tế, vừa gần gũi với người dân, việc gì phải đến Phòng công chứng làm để vừa mất thời gian, vừa tốn kém công sức. Hiện nay tôi không nhớ lệ phí ở công chứng cao hay lệ phí chứng thực ở xã, phường thấp hơn. Đó là việc không lớn, nhưng cơ bản là nó đến chỗ mà không nhất thiết phải có.

Vì vậy theo chúng tôi phải xác định rõ chế độ pháp lý của luật này chính là vấn đề công chứng. Trên cơ sở xác định rõ chế độ pháp lý của hoạt động công chứng để giải quyết vấn đề chứng thực là tập trung trả về cho các xã, phường, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và các cơ quan, tổ chức trong phạm vi quản lý Nhà nước của nó. Ví dụ, sao văn bằng thì cơ quan nào cấp bản chính thì cơ quan đó cấp bản sao và khi có bản chính thì người ta có thể xin luôn mấy bản sao, không phải chỉ cấp1 lần. Hiện nay một số các trường đại học hoặc một số cơ quan nhất là trong lĩnh vực giáo dục và một số cơ quan khác người ta cũng thực hiện như vậy.

Hai nữa là những chứng thực theo nhu cầu của người dân thì nên giao cho chính quyền xã, phường thực hiện theo chức năng của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Như thế chúng ta vừa không mất bộ máy, vừa hoạt động thuận lợi cho người dân thì tốt quá, tại sao chúng ta lại không làm. Tại sao cứ phải nhất nhất đến chỗ công chứng để chứng nhận một số bản sao, chúng tôi thấy rằng cần phải đổi mới tư duy và cách tổ chức hoạt động của chúng ta trong đời sống thực tiễn.

Trở lại vấn đề, chúng tôi cho rằng trách nhiệm của các cơ quan chức năng và nhất là Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn cần phải thực hiện nhiệm vụ chứng thực và tạo thuận lợi cho người dân. Vấn đề cần đặt ra như vậy, cho nên phạm vi điều chỉnh của luật này chúng tôi thiên về hướng là chỉ cần quy định chế độ pháp lý cho hoạt động công chứng. Cũng liên quan đến phạm vi điều chỉnh, trong này có nói công chứng viên hành nghề công chứng liên quan đến hợp đồng giao dịch bằng văn bản. Từ đời sống thực tiễn chúng tôi cũng muốn đề nghị cân nhắc có bổ sung thêm cho hoạt động công chứng một nội dung gì nữa không.

Ví dụ chứng thực các bản dịch tôi thấy cũng là một vấn đề nên chăng trong tình hình cụ thể của chúng ta vẫn tiếp tục giao cho công chứng để đảm bảo được tính xác thực của nó. Tuy nhiên công chứng đã hoạt động thì nó phải bảo đảm giá trị của nó, các tài liệu đó đảm bảo như theo hoạt động công chứng nói chung về tính xác thực của văn bản đó. Một số trường hợp ví dụ liên quan đến lập di chúc, người ta yêu cầu phải có công chứng thì có nên quy định thêm một số hoạt động đó không? Tôi thấy có thể xác định được thì nên đưa thêm một số hoạt động đó.

Một số nội dung cụ thể khác, vì thời gian hết rồi nên chúng tôi nói gọn, Điều 23 tôi nhất trí như một số đại biểu, nên quy định quyền và nghĩa vụ tách thành hai điều, để cho nó minh bạch trong luật pháp. Hoạt động công chứng có những quyền hạn nhất định người ta mới thực hiện được các yêu cầu để xác minh tính xác thực của văn bản, mới làm cho văn bản đó có giá trị là chứng cứ và chứng minh.

Chúng tôi đề nghị bổ sung vào điều khoản thi hành một quy định trực tiếp, vì hoạt động công chứng lâu nay diễn ra như vậy, khi Luật Công chứng có hiệu lực thì trực tiếp hoạt động đó như thế nào? phạm vi thẩm quyền các cơ quan ra sao? Tôi nghĩ trong Luật Công chứng này phải có điều khoản trực tiếp, để phân định rạch ròi trách nhiệm của công chứng và các cơ quan có thẩm quyền, trong việc thực hiện những nhiệm vụ mà lâu này công chứng phải làm, bản thân việc đó không phải là của công chứng thì trả về cho cơ quan có thẩm quyền, hoạt động cho đúng, thuận lợi cho người dân.

Các văn bản liên quan