Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính góp ý DT 16 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư

Thứ Năm 16:14 06-07-2006


GÓP Ý DỰ THẢO HƯỚNG DẪN THI HÀNH LUẬT ĐẦU TƯ*
 

                                                                        Nguyễn Hoàng Hải
                                                Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính
 
         

          Phần I- Góp ý theo trình tự nội dung Bản Dự thảo:
 
          1/ Tại Điểm 2 Điều 11 qui định “Nhà đầu tư nước ngoài không được góp vốn, mua cổ phần vượt quá các cam kết về tỷ lệ mua, hình thức đầu tư và lộ trình qui định trong các Điều ước quốc tế mà VN là thành viên” - Qui định như này là chưa đủ và cứng nhắc. Trong nhiều trường hợp ta cần chủ động mở cửa thị trường cho đầu tư nước ngoài không phải vì cam kết quốc tế mà vì sự phát triển của kinh tế Việt Nam, vì ta cần tranh thủ vốn, công nghệ, trình độ quản lý từ nhà đầu tư nước ngoài. Hãy nhìn vào lĩnh vực tư vấn kiến trúc, qui hoạch xây dựng đô thị Việt Nam - 1 lĩnh vực hiện không có cam kết quốc tế về mở cửa thị trường, hầu như đại bộ phận các doanh nghiệp trong nước thực hiện nhưng kết quả có mấy thương hiệu Việt đạt trình độ quốc tế, hậu quả là kiến trúc đô thị bị bóp méo, chất lượng xây dựng kém mà người tiêu dùng vấn phải chấp nhận, nếu đặt mục tiêu xây dựng  đô thị Việt Nam như các nước trong khu vực thì chúng ta đã lãng phí ngàn tỷ đô la cho việc phá bỏ những kiến trúc tồi tàn hiện nay, vì vậy cần bổ sung qui định trên như sau: “Nhà đầu tư nước ngoài không được góp vốn, mua cổ phần vượt quá các cam kết về tỷ lệ mua, hình thức đầu tư và lộ trình qui định trong các Điều ước quốc tế mà VN là thành viên hoặc theo qui định hiện hành của pháp luật Việt Nam” .
 
          2/ Điều 12 qui định về đầu tư theo hình thức công ty cổ phần có vốn đầu tư nước ngoài cần phải loại bỏ toàn bộ điều này vì không cần thiết, đây là quyền của các nhà đầu tư theo Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư.
 
          Hơn nữa việc bắt các cổ đông thành lập doanh nghiệp phải xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư là 1 điều phi lý. Trường hợp với Dự án đầu tư dưới 300 tỷ đồng, không có điều kiện và giả sử đối tác nước ngoài nắm giữ từ 1 cổ phần đến 49% vốn điều lệ mà phải xin giấy chứng nhận đầu tư là điều bất hợp lý. Việc xin cấp giấy chứng nhận đầu tư cần tuân thủ theo Luật Đầu tư: qui mô dự án, dự án nước ngoài hay trong nước, dự án có điều kiện hay không có điều kiện ?
 
          3/ Điểm 3 Điều 13 qui định “Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư tại Việt Nam thông qua hình thức mở chi nhánh để thực hiện hoạt động đầu tư phải tuân theo các điều kiện, lộ trình cam kết trong Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên”.

          Như đã phân tích tại mục 1, qui định này sẽ bất hợp lý và cứng nhắc. Luật Chứng khoán vừa được Quốc Hội thông qua có cho phép công ty chứng khoán, công ty quản  lý quỹ nước ngoài được thành lập chi nhánh tại VN mà không theo cam kết quốc tế.
 
          Cần sửa câu này như sau:“Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư tại Việt Nam thông qua hình thức mở chi nhánh để thực hiện hoạt động đầu tư phải tuân theo các điều kiện, lộ trình cam kết trong Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo qui định  hiện hành của pháp luật Việt Nam”.
 
          4/ Tại điểm 2 Điều 14 “Việc chuyển đổi hình thức đầu tư của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải bảo đẩm phù hợp với cam kết trong điều ước quốc tế mà VN là thành viên.....”. Cũng theo phân tích trên, toàn bộ điểm 2 này bỏ hoàn toàn vì rắc rối, thừa và không cần thiết. Chúng ta cần biết rằng việc chuyển đổi hình thức đầu tư là để tạo ra 1 môi trường đầu tư hấp dẫn chứ không phải theo cam kết quốc tế.
 
          5/ Chương III : Lĩnh vực, địa bàn đầu tư, ưu đãi và hỗ trợ đầu tư
 
          - Về Chương này, đã thảo luận kỹ với nhóm tham gia của Bộ Tài chính, họ có góp ý chi tiết trên cơ sở kết quả đàm phán WTO: sẽ không trợ cấp lĩnh vực xuất khẩu, bảo lưu về ưu đãi xuất khẩu đã cấp trong vòng 5 năm qua, và sẽ qui định chi tiết theo Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính.
 
          - Góp ý cụ thể tại Điểm 1 Điều 23 “Trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, nếu nhà đầu tư đáp ứng thêm điều kiện ưu đãi đầu tư thì nhà đầu tư có quyền đề nghị cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh, bổ sung ưu đãi đầu tư trong Giấy chứng nhận đầu tư đã cấp “Qui định như này chưa đủ đối với đối tượng không cần cấp Giấy chứng nhận đầu tư (chỉ cần đăng ký đầu tư). Với trường hợp này chẳng nhẽ để được hưởng thêm ưu đãi đầu tư thì họ phải làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đầu tư, vì vậy cần bổ sung qui định trên như sau:

“Trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, nếu nhà đầu tư đáp ứng thêm điều kiện ưu đãi đầu tư thì nhà đầu tư có quyền đề nghị cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh, bổ sung ưu đãi đầu tư trong Giấy chứng nhận đầu tư đã cấp . Đối với những dự án chỉ tiến hành đăng ký đầu tư thì nhà đầu tư xin hưởng thêm ưu đãi đầu tư tại cơ quan thuế đã xét duyệt ưu đãi trước đây”.    
 
          6/ Điểm 3 Điều 53 qui định “Dự án đầu tư khác có qui mô vốn đầu tư từ 3000 tỷ đồng trở lên phải do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cấp giấy chứng nhận đầu tư”, đề nghị bỏ hoàn toàn qui định này, điểm 1 và 2 đã đủ, đưa ra điểm 3 không có cơ sở.

          7/ Đề nghị bỏ qui định tại điểm 2 đ Điều 63 : “Đối với dự án đầu tư có sử dụng vốn nhà nước phải có văn bản đồng ý đầu tư của cơ quan đại diện chủ sở hữu hoặc quyết định đồng ý đầu tư của Hội đồng quản trị Tổng công ty hoặc Hội đồng quản trị Tập đoàn kinh tế”. Đây là 1 qui định vô cùng bất hợp lý, nếu có qui định này thì sẽ tạo nhiều rào cản đầu tư phi lý sai luật pháp:
 
          - Khi các doanh nghiệp nhà nước, tổng công ty nhà nuớc có cổ phần tại các doanh nghiệp cổ phần hoá, doanh nghiệp niêm yết thì dù chỉ sở hữu 1 cổ phân, những doanh nghiệp cổ phần này phải đi xin sự chấp thuận của các công ty nhà nước. Trên thực tế có những công ty niêm yết  hay doanh nghiệp cổ phần hoá, đã có rất nhiều công ty tài chính chứng khoán 100% vốn Nhà nước đầu tư ít nhiều vào, chả nhẽ họ lại phải đi xin văn bản chấp thuận của nhiều đại diện cổ phần nhà nước?
 
          - Ngay cả khi Nhà nước nắm giữ nhiều cổ phần và có ý kiến phủ định những dự án đầu tư thì chưa chắc đã là đúng Luật. Nếu Đại hội cổ đông quyết định thông qua dự án theo hình thức đa số phù hợp Luật Doanh nghiệp thì đó là quyết định đúng đắn việc gì tôi phải lấy ý kiến bằng văn bản của cơ quan chủ sở hữu vốn Nhà nước.
 
          -  Qui định  trên hoàn toàn trái với qui chế quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Cơ quan đại diện cổ phần nhà nước tại doanh nghiệp chỉ thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình thông qua người đại diện.
 
          - Từ những phân tích trên thì không thể lấy ý kiến cơ quan đại diện cổ phần nhà nước để làm thủ tục xét duyệt dự án đầu tư. Qui định này cũng sai với Luật Đầu tư.
 
          8/ Bỏ qui định Tại Điểm 4 Điều 64 : “ Đối với dự án đầu tư trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, ngân hàng, bảo hiểm.....thì nhà đầu tư phải ký quỹ và mua bảo hiểm khách hàng, trừ trường hợp pháp luật có qui định khác. Bộ Tài chính quy định về việc ký quỹ, mua bảo hiểm khách hàng” vì các lý do sau :
 
          - Khi xin cơ quan nhà nước xét duyệt và cấp phép đầu tư, dự án chưa ra đời, hay nói chính xác là doanh nghiệp chưa ra đời thì nhà đầu tư không có cơ sở và không thể tiến hành việc mua bảo hiểm cho khách hàng.
 
          - Mỗi lĩnh vực ngành nghề nói trên đều có nhiều loại hình bảo hiểm như bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, bảo hiểm khách hàng, bảo hiểm rủi ro......và có thể do nhiều cơ quan soạn thảo chính sách. Một số dạng bảo hiểm đã ra đời như bảo hiểm tiền gủi do ngân hàng nhà nước qui định....
 
          - Qui định về các loại bảo hiểm là những qui định về điều kiện hoạt động của doanh nghiệp mà doanh nghiệp phải thực hiện trong quá trình hoạt động. Việc đóng bảo hiểm là luôn luôn thay đổi theo thời gian và tiến hành tại nhiều thời điểm chưa không thể tại 1 thời điểm, cho nên không thể coi qui định trên là điều kiện cần có khi lập dự án đầu tư.
 
          - Cuối cùng Ban soạn thảo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư không nên tham gia vào công việc của Bộ ngành khác cho rắc rối, e rằng không hiểu Luật chuyên ngành, không đúng thẩm quyền của mình bằng các Bộ khác.
 
          9/  Danh mục lĩnh vực cấm đầu tư : nhìn chung không có vấn đề gì
 
          10/ Danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện áp dụng cho nhà đầu tư nước ngoài
 
          - Nhìn chung danh mục này đã có rất nhiều tiến bộ so với dự thảo trước kia, hợp với Luật Đầu tư.
 
          - Tuy nhiên cần có sự phân biệt rõ ràng giữa đầu tư trực tiếp nước ngoài (thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài hay thành lập doanh nghiệp mà bên nước ngoài nắm giữ cổ phần đa số) và nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào doanh nghiệp Việt Nam.
 
          - Đối với việc nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào doanh nghiệp Việt Nam hoặc nắm giữ cổ phần dưới 51% vốn điều lệ trong Danh mục ngành nghề này (Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện) thì nhà đầu tư nước ngoài chỉ tuân thủ không vượt quá tỷ lệ cổ phần mà pháp luật cho phép.
 
          - Cần qui định thêm rằng Thủ tướng Chính phủ qui định về cơ chế mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp Việt Nam.
 
Phần II. Bổ sung thêm những qui định mới trong Dự thảo Nghị định để đảm bảo Luật Đầu tư có hiệu lực đối với những dự án đầu tư chứa đựng vốn đầu tư trong nước và vốn đầu tư nước ngoài
 
1. Về khái niệm “Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”:
- Nhiều quy định của  Luật và Dự thảo Nghị định 14 được thiết kế xung quanh 02 nhóm chủ thể là “nhà đầu tư trong nước” và “nhà đầu tư nước ngoài” (về mở cửa thị trường, các lĩnh vực đầu tư có điều kiện, một số quyền và nghĩa vụ, thủ tục đầu tư…). Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hiện chưa được xác định là thuộc nhóm nào trong 02 nhóm này nên không rõ cơ chế áp dụng cho họ sẽ thế nào?

- Nguy cơ: Khó khăn trong việc xác định cơ chế về thủ tục đâu tư, cơ chế đầu tư vào lĩnh vực ngành nghề kinh doanh có điều kiện ....

- Giải pháp: sẽ được trình bày kỹ ở phần sau

2. Về khái niệm và qui định của“Dự án  đầu tư nước ngoài”, “Dự án đầu tư trong nước”

- Thủ tục đầu tư được áp dụng khác nhau giữa dự án đầu tư nước ngoài và dự án đầu tư trong nước, và Luật chưa qui định 2 khái niệm này.

- Nguy cơ: Nếu không định nghĩa ở văn bản dưới Luật thì có thể có những cách hiểu sau :

+ Dự án của nhà đầu tư trong nước nhưng lại huy động vốn đầu tư nước ngoài nên được hiểu là Dự án đầu tư nước ngoài;

+ Dự án của nhà đầu tư nước ngoài nhưng huy động nguồn vốn trong nước nên được hiểu là dự án đầu tư trong nước;

+ Trường hợp dự án  của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì được xếp vào Dự án đầu tư trong nước hay dự án đầu tư nước ngoài ?

+ Theo tinh thần của Luật Đầu tư thì dự án đầu tư trong nước hay nước ngoài là thuộc về chủ đầu tư trong nước hay nước ngoài, tuy nhiên chưa rõ được dự án của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì thuộc nhóm nào ?

- Giải pháp :

+ Cần qui định cụ thể về khái niệm “Dự án đầu tư trong nước” và “Dự án đầu tư nước ngoài” tại Nghị định hướng dẫn;

+ Về dự án của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì cần căn cứ vào tỷ lệ nắm giữ cổ phần đa số của nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài để phân định đâu là “ dự án đầu tư trong nước” và đâu là “ dự án đầu tư nước ngoài”, tuy nhiên cách thức phân loại thế nào ?

Đây là 1 vấn đề không đơn giản:

a/ Có quan điểm cho rằng nếu nhà đầu tư trong nước hoặc nước ngoài nắm giữ trên 51% vốn điều lệ thì sẽ phân thành dự án đầu tư trong nước hoặc nước ngoài, cách thức này sẽ không hợp lý ở chỗ :

- Các công ty cổ phần đại chúng, công ty niêm yết xuất phát từ doanh nghiệp Việt Nam, do người Việt Nam quản lý không thể xác định được tỷ lệ cổ phần chính xác của nhà đầu tư nước ngoài  trong ngắn hạn, trung hạn, vì chỉ cần 1 lượng giao dịch mua bán nhỏ 5% giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài là tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài có thể biến động từ 47% đến 52% và ngược lại. Tại thời điểm thực hiện dự án đầu tư, doanh nghiệp niêm yết mới có 47% tỷ lệ cổ phần do nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ, nhưng chỉ vài ngày, vài tuần thì tỷ lệ này lại vượt trên 51% và nguợc lại.

- Trong thời gian tới, khi tiến hành giao dịch chứng khoán qua mạng Internet thì sẽ có rất nhiều nhà đâu tư cá nhân nước ngoài mua bán cổ phân qua mạng, điều này càng khó xác định tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp niêm yết.

- Nếu qui định theo tỷ lệ 51% thì chắc chắn là các doanh nghiệp niêm yết sẽ luôn luôn vô tình vi phạm pháp luật     

b/ Đề xuất nên căn cứ vào tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài (kinh doanh cùng ngành nghề với doanh nghiệp trong nước và trực tiếp quản lý doanh nghiệp) nắm giữ trên 51% vốn điều lệ để làm cơ sở phân loại dự án đầu tư trong nước và dự án đầu tư nước ngoài :

- Các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài luôn có kế hoạch đầu tư lâu dài trong 1 doanh nghiệp và luôn tham gia trực tiếp quản lý doanh nghiệp - Đây là cơ sở hợp lý nhất

- Các nhà đầu tư tài chính và nhất là nhà đầu tư cá nhân thường có chu kỳ đầu tư ngắn hơn nhà đầu tư chiến lược và thường không tham gia điều hành doanh nghiệp, luôn dựa vào Ban quản lý của doanh nghiệp VN nên không thể xét yếu tố này.

3/ Về qui định “Tỷ lệ góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đối với một số lĩnh vực ngành nghề do Chính phủ qui định” (tại điểm 1 Điều 25)

- Vấn đề đặt ra là các doanh nghiệp liên doanh mà phía Việt Nam nắm giữ trên 51% vốn điều lệ, các doanh nghiệp Việt Nam niêm yết trên thị trường chứng khoán mà có vốn đầu tư nước ngoài thì có bị hạn chế bởi qui định này hay không? Nếu hạn chế thì sẽ rất thiệt thòi cho các doanh nghiệp Việt Nam và hạn chế sự phát triển của thị trường chứng khoán.

- Giải pháp: Cần qui định chỉ với những doanh nghiệp mà nhà đầu tư chiến lược nước ngoài nắm gĩư trên 51% tổng số cổ phần mới bị hạn chế bởi qui định này.
 
Góp ý phần 2 này rất quan trọng bởi vì nếu như qui định tại dự thảo 14 thì môi trường đầu tư sẽ bị méo mó, hàng ngàn doanh nghiệp trong nước bỗng nhiên trở thành doanh nghiệp nước ngoài đồng thời luôn luôn bị vi phạm pháp luật mà việc vi phậm này không phải do chủ quan doanh nghiệp mà do văn bản pháp luật gây ra.

Các văn bản liên quan