Sản xuất và đầu tư

Thứ Ba 21:21 20-06-2006
Ảnh minh hoạ

Trong quý 1, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù mức tăng này thấp hơn mục tiêu đặt ra là 8%, chưa đáng lo ngại vì theo quy luật, những tháng đầu năm với nhiều ngày lễ tết thường tăng trưởng chậm hơn hơn so với cả năm.

Trên thực tế, mức tăng trưởng trong quý này đã đạt mức cao thứ hai trong vòng 6 năm qua, và chỉ thấp hơn 0,1% so với quý 1 năm ngoái. Trong năm 2005, tăng trưởng GDP cả năm vẫn đạt 8,4% mặc dù khởi động thấp chậm chỉ 7,3% trong 3 tháng đầu năm, do đó mục tiêu tăng trưởng cho năm nay trong điều kiện bình thường vẫn có thể thực hiện được.

Ngành công nghiệp - xây dựng tăng trưởng ở mức 8,7% (cao hơn 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái), đóng góp 3,7 điểm phần trăm vào tổng tăng trưởng GDP. Ngành dịch vụ cũng đạt mức tăng trưởng mạnh (7,4% so với 2,7% trong năm 2005). Mức tăng trưởng đáng thất vọng của ngành nông, lâm, thủy sản (2,1% so với 4,3% trong năm 2005) là nhân tố chính làm giảm mức tăng GDP trong quý này xuống thấp hơn mức cùng kỳ năm ngoái.

Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14,7%, cao hơn mức tăng năm 2005 (14,4%) nhưng vẫn không đạt mục tiêu 15,5%. Mặc dù sản lượng công nghiệp rất có khả năng sẽ tăng lên trong những tháng tới (giống như những năm trước). Dấu hiệu đáng lo ngại là mức tăng trưởng không đồng đều giữa các ngành: một số sản phẩm có mức tăng trưởng hai con số trong khi các sản phẩm khác lại giảm về sản lượng.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI), trong số 36 nhóm hàng công nghiệp, 17 nhóm hàng có sản lượng giảm, trong đó phải kể đến những mặt hàng quan trọng như dầu thô (giảm 3,3%), khí hóa lỏng (giảm 3,3%), ôtô (giảm 39,8%), xe máy (2,9%), vô tuyến nguyên chiếc (giảm 3,3%), phân bón (giảm 2,4%), xe đạp (giảm 6%).

Trong các khu vực kinh tế, khu vực trong nước tăng trưởng ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái (chậm hơn 1% và 5% tương ứng với doanh nghiệp quốc doanh và ngoài quốc doanh). Chỉ có khu vực có vốn FDI có mức tăng trưởng cao hơn, đạt 16,3% (so với 12,5% trong năm 2005).

Trong tất cả các mặt hàng công nghiệp, lắp ráp ôtô đã có mức sản lượng giảm mạnh nhất (- 40%), do mức cầu đã giảm sau khi chính phủ công bố quyết định cho phép nhập khẩu ôtô đã qua sử dụng. Tuy nhiên với thuế suất đối với ôtô cũ được công bố vào cuối tháng 3 ở mức quá cao (vào khoảng 400-600%), người tiêu dùng sẽ có xu hướng quay lại với xe lắp ráp trong nước trong những tháng tới.

Tuy nhiên, dầu thô, mặt hàng quan trọng nhất sẽ tiếp tục chứng giảm sút về sản lượng khi trữ lượng tại các giếng khoan đang giảm, và chính phủ có chính sách tiết kiệm tài nguyên cho 3 nhà máy lọc dầu (Dung Quất, Nhơn Hội, Phú Yên), dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2009.

Sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các nước ASEAN sau khi thuế quan được cắt giảm theo Hiệp định AFTA và các vụ kiện chống bán phá giá mà ngành giày dép hiện đang phải đối mặt đặt nền kinh tế trong nước trước thách thức lớn; Việc đạt mức tăng trưởng 15% đối với ngành công nghiệp sẽ là một nhiệm vụ khó khăn, đặc biệt trong tình trạng thiếu điện trong các tháng mùa hè ở phía Bắc và khan hiếm lao động ở các tỉnh phía Nam.

Ngành dịch vụ tiếp tục có bước tăng trưởng mạnh, đạt mức 7,4%, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái năm 2005 (7,2%) và năm 2004 (6,3%). Các ngành dịch vụ có mức tăng trưởng cao nhất là khách sạn - nhà hàng (tăng 9,5%); giao thông vận tải, bưu chính - du lịch (tăng 9,1%); tài chính, ngân hàng - bảo hiểm (tăng 9,4%); và thương mại (tăng 7,7%).

Ngành dịch vụ sẽ tiếp tục có xu hướng tăng trưởng nhanh khi mức độ phát triển của nền kinh tế được nâng cao, chất lượng cuộc sống ngày càng tăng và các giao dịch được tiến hành thông qua thị trường nhiều hơn. Tổng doanh thu bán lẻ trong quý 1 đã tăng 19,3% (tăng 10% theo giá cố định), ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, các con số này tương ứng là 20,9% và 18%.

Tổng đầu tư tính theo giá thực tế ước đạt 64.000 tỷ VND, bằng 17% của mục tiêu cả năm (tăng 19,8% so với mức của năm ngoái). Trong đó đầu tư chính phủ chiếm 51,4%, tiếp theo là khu vực tư nhân (chiếm 28,1%) và khu vực có vốn FDI (chiếm 20,6%). Mức tăng trưởng mạnh vốn đầu tư của khu vực tư nhân và khu vực có vốn FDI (cao hơn mức tăng của khối nhà nước) cho thấy dấu hiệu môi trường kinh doanh đang dần cải thiện và hứa hẹn hiệu quả đầu tư được tăng lên.

Trong 3 tháng đầu năm, Việt Nam đã thu hút được tổng cộng 2,05 tỷ USD vốn FDI (79% trong số này từ 215 dự án mới được cấp phép, trung bình mỗi dự án khoảng 7,6 triệu USD). Trong số các dự án mới trong quý này, phần lớn là đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp - xây dựng (75,5% về số lượng và 76,7% về tổng vốn). Gần 400 triệu USD đã được đầu tư vào ngành dịch vụ và chỉ 5,3 triệu thuộc các dự án nông nghiệp.

Trong bức tranh thu hút FDI đầu năm, nổi bật nhất là dự án 605 triệu USD của Intel (cấp phép ngày 28/2). Dự án chia làm hai giai đoạn với 300 triệu USD đợt 1 sẽ đầu tư xây dựng nhà máy lắp ráp và thử nghiệm chíp bán dẫn tại TP HCM. Đây là nhà máy lớn thứ 7 của Intel trên thế giới, tạo việc làm cho khoảng 1.200 công nhân và dự tính sẽ đi vào hoạt động cuối năm 2007. 300 triệu USD của giai đoạn đầu tư thứ 2 sẽ được quyết định vào năm 2008 dựa vào tình hình sản xuất và môi trường đầu tư lúc đó.

Đây không chỉ là dự án lớn nhất của Mỹ tại Việt Nam mà cũng là dự án quy mô nhất trong ngành công nghệ cao, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc phát triển nền công nghiệp điện tử - thông tin nước nhà.

Báo chí quốc tế bình luận quyết định đầu tư của Intel như một "phiếu tín nhiệm quan trọng" và đưa Việt Nam lên bản đồ công nghệ cao của thế giới, giúp khẳng định Việt Nam là một địa điểm hấp dẫn đối với các tập đoàn trong lĩnh vực IT. Dự án được kỳ vọng sẽ là bước khởi đầu cho làn sóng FDI mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin trong thời gian tới.

Trong năm nay, Việt Nam hi vọng thu hút được hơn 6 tỷ USD vốn FDI, so với mức 5,8 tỷ USD năm 2005. Nhiều nhận định cho rằng triển vọng gia nhập WTO sẽ là chất xúc tác, thúc đẩy nguồn vốn lớn hơn vào Việt Nam từ Mỹ và EU, đặc biệt là trong ngành công nghệ cao và dịch vụ (bất động sản, tài chính, bảo hiểm và ngân hàng).

Môi trường quốc tế cũng đang tạo những thuận lợi cho Việt Nam. Trung Quốc, vốn là nền kinh tế thu hút nhiều vốn FDI nhất, đang trở nên kém hấp dẫn do công suất nền kinh tế đã vượt xa nhu cầu thực tế (hậu quả của việc đầu tư quá tải), đồng thời chi phí lao động ngày càng tăng. Áp lực tăng giá trị đồng Nhân dân tệ, sự căng thẳng về chính trị giữa Trung Quốc và hai nền kinh tế lớn nhẩt là Nhật Bản và Mỹ, cũng đang khiến cho đầu tư chuyển hướng từ "công xưởng của thế giới" sang các nước ASEAN.

Tuy nhiên trong bối cảnh khủng hoảng chính trị ở Thái Lan và Philippines, Việt Nam với tình hình chính trị xã hội ổn định và nền kinh tế tăng trưởng nhanh, đang trở thành điểm đến hấp dẫn và an toàn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Các văn bản liên quan