Chính sách và môi trường đầu tư

Thứ Ba 21:20 20-06-2006
Ảnh minh hoạ

Trong quý I, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,2%, thấp hơn mục tiêu 8% Chính phủ đề ra. Kết quả chưa lạc quan này đã được cảnh báo trước trong báo cáo mới nhất của Viện Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) công bố vào ngày 17/3, theo đó tốc độ tăng trưởng kinh tế năm nay với các kịch bản khác nhau (tuỳ vào tình hình kinh tế quốc tế) dao động trong biên độ 7,28 - 7,74%, thấp hơn đáng kể so với tốc độ tăng trưởng năm ngoái (8,4%) và so với kế hoạch năm nay..

Việc tăng trưởng GDP không đạt kế hoạch là đáng lo ngại vì Việt Nam đang có những điều kiện rất thuận lợi để tăng tốc, đặc biệt là với mức tăng mạnh của đầu tư và tiêu dùng (chiếm 70% GDP).Theo báo cáo mới nhất của Tập đoàn Visa Châu Á - Thái Bình Dương, chi tiêu thương mại của Việt Nam năm 2006 sẽ tăng 11% đạt 73 tỷ USD, tương đương với Singapore. Trong khi đó theo đánh giá của tập đoàn MasterCard, Chỉ số niềm tin của người tiêu dùng trong nước luôn ở mức cao (trên 90%) và tăng liên tục trong ba quý gần đây.

GDP Lạm phát
Kịch bản tốt nhất 7,74% 6,69%
Kịch bản bình thường 7,51% 6,68%
Kịch bản xấu nhất 7,28% 6,24%

Tốc độ tăng trưởng trên 7% là mức cao đối với phần lớn các nền kinh tế, tuy nhiên với tiềm năng của mình, Việt Nam có thể đạt được kết quả cao hơn. Báo cáo của CIEM chỉ ra những rào cản chủ yếu là sức cạnh tranh yếu của các doanh nghiệp (khi cạnh tranh quốc tế đang tăng mạnh) và tính kém hiệu quả của đầu tư trong nước (đặc biệt là đầu tư nhà nước). Ngoài ra, trong năm nay, nền kinh tế cũng còn phải đối mặt với những khó khăn do tình trạng thiếu hụt điện năng ở các tỉnh phía Bắc và khan hiếm lao động ở các tình phía Nam gây ra.

Do tình hình khô hạn kéo dài từ tháng 11/2005, tình trạng thiếu điện dự báo sẽ nghiêm trọng hơn năm ngoái. Theo tính toán của EVN, mùa khô năm nay có thể thiếu từ 150 đến 200 triệu kWh làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất trong nước (năm ngoái với mức thiếu hụt 160 triệu kWh, các tỉnh phía Bắc đã phải cắt điện luân phiên trong hai tháng).

Trong những tháng đầu năm, tình hình đình công diễn biến phức tạp; tỷ lệ lao động quay trở lại TP HCM sau khi về quê ăn Tết chỉ còn khoảng 60-70%, một phần do các tỉnh cũng đang tích cực mở KCN và một phần do chế độ lương và điều kiện làm việc tại thành phố không còn hấp dẫn khi giá cả leo thang. Các cuộc đình công đã lan từ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sang doanh nghiệp trong nước, trong khi các khu công nghiệp ngày càng gặp phải khó khăn trong tuyển dụng nhân công.

Mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức, Việt Nam vẫn được đánh giá là nền kinh tế năng động với tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực. Trong khi tình hình chính trị bất ổn ở Thái Lan và Philippines vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Ở Trung Quốc, tình trạng cung vượt cầu trở nên trầm trọng và giá lao động leo thang đang khiến Việt Nam trở thành ưu tiên đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài giá nhân công rẻ, mức độ mở cửa nền kinh tế cao và quyết tâm cải cách theo hướng thị trường, Việt Nam còn có một thị trường tài chính đang từng bước phát triển vững chắc và thị trường chứng khoán đang rất sôi động.

Ngân hàng đầu tư hàng đầu thế giới Merrill Lynch có những nhận xét rất tích cực về kinh tế Việt Nam trong một báo cáo công bố vào tháng 2. Bản báo cáo nhận định Việt Nam sẽ là nền kinh tế tăng trưởng cao nhất khu vực trong 10 năm tới, năng động và "thú vị" hơn nhiều so với các nước trong khu vực ASEAN, kể cả Thái Lan. Chứng khoán Việt Nam cũng được đánh giá là một danh mục đầu tư nhiều triển vọng nhất khu vực.

Diễn đàn "Đầu tư Việt Nam, Cơ hội tiếp cận đầu tư hậu WTO" hồi tháng 3 đã thu hút sự tham gia của gần 1.000 nhà đầu tư và doanh nhân, từ 20 quốc gia, nhiều hơn so với dự tính của ban tổ chức. Báo chí quốc tế đưa tin phần lớn các nhà đầu tư rất ấn tượng với sự năng động của kinh tế Việt Nam và nhận định Việt Nam là "thị trường tiềm năng lớn chưa được khai phá của Châu Á". Trong khi các nhà quản lý quỹ đang hoạt động trong nước đều kêu gọi thêm vốn và tiếp tục mở ra các quỹ mới để đầu tư vào các lĩnh vực khác, thì các quỹ đầu tư chưa có mặt tại Việt Nam đều đang thăm dò và lên kế hoạch tham gia vào thị trường.

Sự quan tâm của giới kinh doanh, đầu tư quốc tế đối với Việt Nam cũng thể hiện qua sự gia tăng về số khách quốc tế đến Việt Nam, mà phần lớn là doanh nhân (chiếm 22% năm 2005). Trong quí 1, lượng khách quốc tế tăng 16.3%, trong đó số viếng thăm liên quan đến công việc tăng mạnh nhất với 34%.

Theo báo cáo mới nhất của Hội đồng lữ hành và du lịch thế giới và Tổ chức Dự báo Kinh tế Oxford, Việt Nam có mức tăng trưởng vềì du lịch cao thứ 6 thế giới trong giai đoạn 2007-2016. Du lịch phát triển mạnh có thể trở thành kênh quảng bá hình ảnh Việt Nam như một điểm đầu tư hiệu quả nhất, vì đa số khách du lịch đến Việt Nam lần đầu tiên (65%) và phần lớn đều ngạc nhiên khi chứng kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế và các cơ hội tiềm tàng tại Việt Nam.

Mối quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam sẽ còn tăng mạnh sau khi Việt Nam gia nhập tổ chức WTO (được kỳ vọng là trong năm nay). Hiện nay, quá trình đàm phán đang ở những bước cuối cùng sau khi đàm phán song phương với 26 trong tổng số 28 nước đã kết thúc.

Đối với 2 đối tác còn lại là Mỹ và Mexico, thoả thuận với Mexico chỉ còn là vấn đề thời gian, và có thể sẽ được hoàn tất vào giữa tháng 4. Rào cản lớn nhất vẫn là Mỹ, với các vấn đề gai góc như cải cách doanh nghiệp nhà nước, trợ cấp chính phủ, quyền thương mại và phân phối, sở hữu trí tuệ... Tuy nhiên hai bên cho rằng quá trình đang có tiến triển tốt đẹp và lạc quan về việc hoàn tất đàm phán song phương vào tháng 5. Theo lịch trình đó, khả năng Việt Nam trở thành thành viên của WTO sẽ rất cao vì Quốc hội Mỹ sẽ có thời gian thảo luận về việc cấp cho Việt Nam quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) trước kỳ bầu cử giữa kỳ.

Việt Nam đang có lợi thế lớn trong quá trình đàm phán với sự ủng hộ mạnh mẽ của giới doanh nghiệp Mỹ. Trong chuyến thăm Việt Nam 4 ngày vào đầu tháng 3 của mình, đoàn doanh nghiệp Mỹ gồm các công ty lớn trong danh sách Fortune 500 như Boeing, City Group, GE... đã bày tỏ mong muốn Việt Nam được tiếp nhận vào tổ chức WTO trước tháng 11 năm nay, khi hội nghị thượng đỉnh APEC khai mạc.

Đây là đoàn doanh nghiệp cấp cao nhất của Mỹ tới Việt Nam, phần lớn đã có văn phòng đại diện nhưng đều muốn mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Sự ủng hộ của họ là rất quan trọng trong việc thúc đẩy tiến độ giải quyết các vướng mắc trên bàn đàm phán song phương.

Về mặt chính trị, con đường dẫn tới việc trao cho Việt Nam chế độ PNTR dường như đang được khai thông khi Chính phủ Mỹ quyết định xem xét việc rút Việt Nam ra khỏi danh sách các nước hạn chế tự do tôn giáo. Ngoài ra Chủ tịch Hạ viện, Dennis Haster cũng đang chuẩn bị cho chuyến thăm Việt Nam đầu tiên kể từ bình thường hoá quan hệ vào giữa tháng 4 để thảo luận về vấn đề này.

Theo công bố của MPI trong tháng 11 năm ngoái, kết quả khảo sát tại các tỉnh phía Bắc, cho thấy khả năng cạnh tranh yếu kém của các doanh nghiệp:

- 43% chủ doanh nghiệp có bằng PTTH trở xuống.

- Trong nhóm 37,8% chủ doanh nghiệp có bằng cử nhân, phần lớn chưa qua các khoá đào tạo về kinh doanh và quản lý.

- 8% doanh nghiệp có trang thiết bị phù hợp (phần lớn là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) trong khi nhiều doanh nghiệp vẫn sử dụng máy móc kỹ thuật từ những năm 40 của thế kỷ trước.

- Chỉ có 2% doanh nghiệp có trang web, 11% có mạng nội bộ nhưng chỉ có 5,6% đối tượng phỏng vấn nói có nhu cầu đào tạo về kỹ thuật.

Trong nước, tốc độ cải cách cũng đang được đẩy mạnh. Trong tháng 3, chính phủ đã cho phép mở cửa lĩnh vực ngân hàng, xoá bỏ các hạn chế về hoạt động của các ngân hàng nước ngoài và cho phép thành lập ngân hàng 100% vốn FDI. Ngân hàng nhà nước (NHNN) cũng xin ý kiến chính phủ về việc công khai tài chính đối với các ngân hàng thương mại quốc doanh nhằm tăng tính minh bạch của hệ thống (xem phần Tài chính - Ngân hàng trong báo cáo này).

Áp lực hội nhập cũng là một lý do dẫn đến quyết định cho phép nhập khẩu ôtô đã qua sử dụng (vốn bị cấm từ năm 2001), bắt đầu từ tháng 5. Hiện tại, giá xe ở Việt Nam đang ở mức cao nhất thế giới (do được bảo vệ bởi hàng rào thuế quan), kỳ vọng mua ôtô cũ với giá phải chăng đã nén nhu cầu trong nước từ cuối năm ngoái. Lượng ôtô bán ra của VAMA trong 3 tháng đầu giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái mặc dù các hãng đã có động thái giảm giá để kích cầu. Tuy nhiên không ít người tiêu dùng bất ngờ và thất vọng khi biểu thuế đối với ôtô cũ nhập khẩu được phê duyệt vào cuối tháng 3 (với thuế suất từ 400-600%).

Quyết định cho phép nhập khẩu ôtô cũ và việc xây dựng biểu thuế được đăng tải rộng rãi trên báo chí thể hiện sự quan tâm đặc biệt của công chúng. Theo lộ trình AFTA, thuế nhập khẩu cho ôtô mới sẽ giảm từ 80% hiện tại xuống 5% trong năm 2010, thuế đối với xe cũ sẽ được điều chỉnh theo, tuy nhiên hiện giờ chưa có thông báo cụ thể của nhà nước. Nhiều người đang mong đợi việc gia nhập WTO sẽ đảm bảo giá cả thích hợp hơn đối với người tiêu dùng trong nước, một trong những nền kinh tế nghèo nhất thế giới như Việt Nam.

Khác với vài năm trước xu thế hội nhập kinh tế và mở cửa thị trường khó có khả năng bị đảo ngược. Đại hội Đảng X khai mạc vào giữa tháng 4 được kỳ vọng là sẽ tiếp tục đẩy mạnh các cải cách theo hướng thị trưòng và hội nhập, tiếp tục củng cố lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế Việt Nam.

Các văn bản liên quan