Luật sư Đặng Thị Dung - Công ty Luật Đặng Dung góp ý Dự thảo Bộ luật dân sự tại Hội thảo VCCI ngày 9/4/2015
Hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam góp ý Dự thảo Bộ luật dân sự tại Hội thảo VCCI ngày 9/4/2015
Hội thảo VCCI-Bộ Tư pháp Hà Nội, 09-4-2015
Ý KIẾN THAM GIA VỀ DỰ THẢO BỘ LUẬT DÂN SỰ
Hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam
Theo công văn số 0517 /PTM-PC ngày 19-3-2015 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam đã trao đổi và tổng hợp ý kiến từ các Hội viên về dự thảo Luật Dân sự ( sửa đổi) như sau:
1- Về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự
Điều 12, khoản 3 Hiến pháp năm 2013 quy định Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân.
Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng : Luật dân sự quy định tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng, trong trường hợp này Tòa án cần căn cứ vào tập quán ( quy định tại Điều 11) và căn cứ nguyên tắc áp dụng pháp luật tương tự, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và lẽ công bằng (Điều 12) để xem xét, giải quyết. Quy định như vậy là hợp lý, vừa phù hợp quy định của Hiến pháp, vừa phù hợp thông lệ quốc tế và cũng là để bảo vệ quyền lợi của công dân.
2- Về quyền nhân thân
Có 20 điều quy định về quyền nhân thân Từ Điều 31 đến 50. Đây là sự cụ thể hóa các quyền nhân thân đã được quy định trong Hiến pháp 2013, cũng là sự kế thừa các quy định trong Bộ Luật Dân sự năm 1995. Đa số ý kiến trong Khoa đồng ý với các quy định này. Đề nghị quy định rõ hơn các quyền của công dân đã được chế định trong Hiến pháp như quyền bí mật cá nhân , quyền tiếp cận thông tin, quyền sống, quyền chăm sóc sức khoẻ và quyền lập Hội……..nếu có phải nhắc lại các quy định trong Hiến pháp cũng là cần thiết.
3- Về chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự,
Dự thảo Luật Dân sự (sửa đổi) chỉ quy định chủ thể của quan hệ pháp luật bao gồm cá nhân và pháp nhân, không bao gồm hộ gia đình và tổ hợp tác. Quy định như vậy là hợp lý , vì trên thức tế sự tồn tại của Hộ gia đình và tổ hợp tác không thực sự ổn định, thường xuyên có sự biến động, chia tách và sáp nhập.
4- Về hậu quả pháp lý của gia dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức.
Đề nghị giữ như quy định tại điều 134 của Luật Dân sự hiện hành, không nên quy định như điều 145 dự thảo Luật Dân sự. Như vậy sẽ đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
5-Về bảo vệ người thứ 3 ngay tình trong trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu hóa.
Phần nhiều ý kiến đề nghị giữ như quy định hiện hành tại điều 138 , không cần sửa đổi. Theo đó, trường hợp giao dịch dân sự bị tòa tuyên bố vô hiệu, nhưng tài sản, bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu đã chuyển giao cho người thứ 3 ngay tình, thì giao dịch với người thứ 3 bị vô hiệu và chủ sở hữu được nhận lại tài sản của mình chỉ trừ hai trường hợp :
Người thứ ba nhân được tài sản qua bán đấu giá,
Người thư ba giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy.
Quy định như vậy sẽ bảo vệ tốt hơn quyền của chủ sở hữu tài sản theo quy định tại điều 32 của Hiến pháp 2013.
6-. Về hình thức sở hữu (Điều 213 và từ điều 224 đến điều 247)
Nhiều ý kiến cho rằng chỉ nên quy định hai hình thức sở hữu Sở hữu riêng và sở hữu chung. Thuật ngữ Sở hữu toàn dân mặc dù đã ghi trong Hiến pháp nhưng quá chung chung và nặng về tính chính trị. Trên thực tế, sở hữu tào dân nhưng không có chủ thể cụ thể chịu trách nhiệm và chiếm hữu. Không nên quy định sở hữu toàn dân là hình thức sở hữu độc lập, Bởi vì đây cũng là sở hữu chung do nhà nước là đại diện chủ sở hữu.
Có ý kiến đề nghị nên quy định thêm về hính thức sở hữu nhà nước, trong đó có nhà nước Trung ương và nhà nước địa phương.
7-Về thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác
Đa số ý kiến đồng ý với quy định tại điều 182 dự thảo Luật Dân sự (sửa đổi) , theo đó nên quy định rõ ràng hơn thời điểm giao dịch được xác lập với thời điểm quyền sở hữu hoặc vật quyền khác được xác lập. Đây cũng là đảm bảo sự đồng bộ với các Luật khác đang có hiệu lực , như Luật đất đai, Luật nhà ở…
8.Về điều chỉnh Hợp đồng kinh tế khi hoàn cảnh thay đổi
Quy định như dự thảo Luật Dân sự ở điều 143 là cần thiết, Khi hoàn cảnh thay đổi dẫn đến quyền, lợi ích của một trong các bên bị ảnh hưởng nghiêm trọng thì cho phép các bên điều chỉnh hợp đồng. Trường hợp các bên không đạt được thỏa thuận thì Tòa án có thể quyết định chấm dứt hợp đồng, có thể điều chỉnh hợp đồng để phân chia thiệt hại hoặc lợi ích phát sinh từ việc thay đổi hoàn cảnh trên nguyên tắc công bằng về lợi ích giữa các bên .
9. Về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản
Đa số ý kiến cho răng Lãi suất cơ bản của Ngân hàng nhà nước chỉ là mức lãi suất để điều hành chính sách tiền tệ quốc gia, không mang tính thị trường. Cho nên sử dụng lãi suất cơ bản để điều chính các quan hệ dân sự là không phù hợp. Đề nghị xem xét lại quy định tại điều 491. Có thể quy định trực tiếp mức lãi trần trong dự thảo Luật. Như vậy sẽ không lệ thược vào lãi suất cơ bản của Ngân hang và cũng đảm bảo rõ rang minh bạch hơn trong áp dụng. Các bên tham gia giao dịch có thể lượng hoa được hậu quả pháp lý khi xác lập hợp đồng vay
10.Về thời hiệu
Quy định chung về thời hiêu và thời hiệu thừa kế, theo hướng : cá nhân, pháp nhân phải yêu cầu tòa án giải quyết vụ việc dân sự trong thời hạn luật định. Quy định như vậy là phù hợp, Hết thời hạn luật định mà cá nhân, pháp nhân mới có yêu cầu thì Toà án vần phải thụ lý, giải quyết. Điều này phù hợp quy định tại Điều 102 (khoản 3) của Hiến pháp 2013: Toà án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ quyền con người, quyền công dân…, bảo vệ lợi ích hợp pháp của tổ chức , cá nhân.
Cũng có một ý kiến e ngại áp dụng quy định này sẽ gây áp lực cho Toà án và sẽ gây xáo trộn trong thi hành pháp luật.
Trên đây là ý kiến của cán bộ giáo viên Khoa kế toán, kính đề nghị tiếp thu và báo cáo với ban soạn thảo dự thảo Luật Dân sự.
Chủ tịch Hội
PGS.TS Đặng văn Thanh