Công ty Tư vấn Falolaw góp ý Dự thảo Bộ luật dân sự tại Hội thảo VCCI ngày 9/4/2015

Thứ Hai 14:55 13-04-2015

Hội thảo VCCI-Bộ Tư pháp                                                                    Hà Nội, 09-4-2015    

MỘT SỐ BÌNH LUẬN VỀ DỰ THẢO BỘ LUẬT DÂN SỰ

Công ty Tư vấn Falolaw

1.      Bình luận Điều 690 Bộ luật dân sự sửa đổi.

Thực chất việc áp dụng pháp luật trong quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là việc lựa chọn pháp luật nhằm giải quyết xung đột pháp luật. Xung đột pháp luật thường được giải quyết bằng hai phương pháp chủ yếu: áp dụng các quy phạm pháp luật thực chất và áp dụng các quy phạm pháp luật xung đột.

Phương pháp thực chất được xây dựng trên cơ sở hệ thống các quy phạm thực chất trực tiếp giải quyết các quan hệ dân sự quốc tế. Quy phạm pháp luật thực chất là quy phạm pháp luật trực tiếp quy định quyền và nghĩa vụ của các bên chủ thể tham gia Tư pháp quốc tế.

Phương pháp xung đột hình thành trên cơ sở nền tảng hệ thống quy phạm xung đột của các quốc gia, bao gồm cả các xung đột của các điều ước quốc tế mà quốc gia đó là thành viên, nhằm xác định hệ thống pháp luật nào được áp dụng trong việc điều chỉnh quan hệ Tư pháp quốc tế cụ thể đang xem xét. Quy phạm xung đột là quy phạm đặc thù nhằm quy định hệ thống pháp luật nước nào sẽ áp dụng để điều chỉnh quan hệ Tư pháp quốc tế. Quy phạm xung đột không trực tiếp quy định quyền và nghĩa vụ của các bên chủ thể tham gia quan hệ Tư pháp quốc tế, mà nó chỉ ra việc áp dụng pháp luật của một nước nào đó nhằm điều chỉnh một quan hệ Tư pháp quốc tế nhất định.

Quy phạm xung đột thông thường chỉ gồm hai phần cấu thành là phần phạm vi và phần hệ thuộc. Hệ thuộc luật là các nguyên tắc chọn luật áp dụng của Tư pháp quốc tế. Mỗi quy phạm xung đột có phần hệ thuộc riêng của mình. Vì vậy, có bao nhiêu quy phạm pháp luật xung đột thì có bấy nhiêu hệ thuộc pháp luật.

Phần thứ năm: “Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài”  của Bộ luật dân sự sửa đổi từ Điều 689 đến Điều 710 chủ yếu xây dựng các nguyên tắc áp dụng pháp luật. Dự thảo Bộ luật quy định các bên có thể lựa chọn áp dụng pháp luật theo nguyên tắc sau: Các bên có thể lựa chọn pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài theo quy định của Phần thứ 5 “Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài” của dự thảo Bộ luật; trường hợp các bên không lựa chọn pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài theo quy định tại khoản 1 Điều 690 của dự thảo Bộ luật hoặc pháp luật Việt Nam không có quy định về việc xác định pháp luật áp dụng thì pháp luật của nước nơi có quan hệ gắn bó nhất với quan hệ dân sự đó được áp dụng.

Tại Điều 690 giữ vai trò hết sức quan trọng trong Phần thứ V, Dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi, bổ sung, quy định nguyên tắc căn bản nhất của việc lựa chọn hệ thuộc luật áp dụng theo pháp luật dân sự Việt Nam. Tuy nhiên, logic trong tư duy xác định nguyên tắc lựa chọn hệ thuộc luật áp dụng trong điều khoản này không thật sự thuyết phục và được trình bày theo một cách tương đối khó hiểu đối với người đọc.

Theo logic hiện tại thể hiện qua Điều 690 thì hệ thuộc luật áp dụng đối với một quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài có thể được xác định theo một trong ba cách:

- Thứ nhất, do các bên lựa chọn (Điều 690, Khoản 1).

- Thứ hai, do các quy phạm xung đột (quy phạm chọn luật) của pháp luật Việt Nam xác định (Điều 690, Khoản 2, Đoạn 1).

- Thứ ba, pháp luật của nước nơi có “quan hệ gắn bó nhất” với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài đang được xem xét (Điều 690, Khoản 2, Đoạn 2).

Vấn đề là ở chỗ sự ưu tiên trong các cách thức lựa chọn luật trên đây không được thể hiện rõ trong Điều 690. Khoản 1, điều này quy định: “Các bên có thể lựa chọn pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài theo quy định của Phần (V) này”. Ở đây không thể dùng từ “có thể” bởi lẽ nó không thể hiện là các bên có quyền lựa chọn hay không và sự lựa chọn của các bên được ưu tiên như thế nào trong tương quan với sự lựa chọn do pháp luật quy định.

 Với bản chất của các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là quan hệ tư, dựa trên sự thỏa thuận của các bên, sự lựa chọn của các bên về hệ thuộc luật áp dụng phải được ưu tiên hàng đầu. Pháp luật dân sự chỉ hạn chế sự lựa chọn này trong những trường hợp cụ thể để bảo đảm những trật tự hoặc thông lệ nhất định.

Vì vậy Khoản 1, Điều 690 nên sửa thành: “Các bên có quyền lựa chọn pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài mà mình tham gia trừ trường hợp Phần này có quy định khác”.

Như trên đã đề cập, Điều 690 quy định về 3 cách thức xác định pháp luật áp dụng là sự lựa chọn của các bên, pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước nơi có quan hệ gắn bó nhất. Điều này không đề cập tới các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia trong đó có chứa đựng các quy phạm xung đột thống nhất. Đây là sự thiếu sót cần bổ sung vì cùng với xu hướng hội nhập quốc tế ngày càng tăng, số lượng các điều ước quốc tế như vậy đang ngày càng nhiều hơn.

2.      Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình

Trong giao dịch dân sự, người thứ ba ngay tình được hiểu là người chiếm hữu không có căn cứ pháp lý đối với tài sản nhưng không biết và không thể biết việc chiếm hữu tài sản đó là không có căn cứ pháp luật. Theo đó, khi xảy ra tranh chấp về tài sản vị thế của người thứ ba ngay tình bị yếu thế hơn so với các chủ thể khác khi họ có thể bị thiệt hại trong khi giao dịch đầy thiện chí. Do vậy,việc bảo vệ người thứ ba ngay tình là vô cùng quan trọng và cần thiết phải được pháp luật điều chỉnh một cách chặt chẽ.

Trong  Bộ luật dân sự 2005 , vấn đề bảo vệ người thứ ba ngay tình đã được thể hiện tương đối rõ tại Điều 138 .Tuy nhiên quá trình thực thi cho thấy quy định hiện hành chưa bảo vệ một cách triệt để quyền lợi của người thứ ba ngay tình. Đặc biệt là đối với các giao dịch dân sự mà đối tượng giao dịch là tài sản đã được đăng ký quyền sở hữu và người thứ ba căn cứ vào tình trạng đã đăng ký của tài sản để thực hiện việc giao dịch. Do vậy, cần có những quy định mới chặt chẽ hơn, chi tiết hơn và theo hướng bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người thứ ba ngay tình có thiện chí. Tại dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi, vấn đề bảo vệ người thứ ba ngay tình được quy định tại Điều 148.

Theo đó, quyền lợi của người thứ ba sẽ không được bảo vệ khi chủ sở hữu đòi lại tài sản mà tài sản đó là động sản, không phải đăng ký do người chiếm hữu ngay tình có được thông qua hợp đồng không có đền bù hoặc tài sản đó là động sản đã bị lấy cắp, bị mất hoặc bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu. Vấn đề đặt ra là nếu chủ sở hữu không chứng minh được tư cách chủ sở hữu thì việc bảo vệ người thứ ba ngay tình sẽ được thực hiện như thế nào? Vì vậy, cần phải có quy định trong trường hợp chủ sở hữu không chứng minh được tư cách chủ sở hữu thì không có quyền đòi lại tài sản và quyền lợi của người thứ ba ngay tình cũng cần được bảo vệ. Bởi lẽ trên thực tế, đối với những động sản không đăng ký quyền sở hữu, người thứ ba rất khó để có thể nhận định về tính hợp pháp của động sản này và pháp luật cũng không bắt buộc họ phải biết điều đó hay không. Vì thế, trong giao dịch này, người thứ ba hoàn toàn không thể biết việc họ chiếm hữu động sản không đăng kí là đúng pháp luật hay không và giao dịch của họ hoàn toàn thiện chí. Họ có quyền được yêu cầu chủ sở hữu chứng minh quyền sở hữu với tài sản và được bảo vệ trong trường hợp chủ sở hữu không chứng minh được quyền sở hữu của mình.

Không những thế, một vấn đề khác được đặt ra trong trường hợp người thứ ba ngay tình đã chiếm hữu động sản liên tục, công khai trong vòng 10 năm thì động sản đó sẽ được xử lý như thế nào ? Người thứ 3 sẽ được xác lập quyền sở hữu với động sản theo Điều 178 Dự thảo hay chủ sở hữu chứng minh được quyền sở hữu tiếp tục được đòi động sản ? Thiết nghĩ, trong trường hợp này người thứ ba đã được hưởng lợi ích từ tài sản giao dịch một thời gian dài (10 năm) nên cần có quy định rõ về việc chủ sở hữu sẽ được trả lại tài sản trong trường hợp này.

Khoản 2 : “ Trường hợp đối tượng của giao dịch dân sự là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu mà tài sản đó đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba biết hoặc phải biết tài sản là đối tượng của giao dịch đã bị chiếm đoạt bất hợp pháp hoặc ngoài ý chí của chủ sở hữu”

Trên thực tế có rất nhiều trường hợp bất động sản là tài sản đồng thừa kế, đồng sở hữu, tài sản chung vợ chồng hoặc tài sản hộ gia đình nhưng chỉ đứng tên một người đại diện,  nên nếu có giao dịch tài sản với người đứng tên trong đăng ký tài sản  thì rất khó để người thứ ba biết được ngoài người đứng tên thì còn những ai có quyền lợi đối với tài sản đó (trừ khi họ biết hoặc đương nhiên biết ). Mặt khác , theo thông thường việc kiểm tra một tài sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng kí quyền sở hữu có hợp pháp hay không, người giao dịch chỉ có thể thực hiện qua việc kiểm tra giấy tờ. Việc giấy tờ đầy đủ, tài sản được đăng ký quyền sở hữu , có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền  hoàn toàn được mặc định rằng tài sản đó là tài sản hợp pháp của chủ sở hữu. Có thể nói mối quan hệ tài sản bất hợp pháp giữa người giao dịch với người thứ ba và chủ sở hữu tài sản đã được hợp thức hóa bởi cơ quan có thẩm quyền thông qua việc thực hiện đăng ký quyền sở hữu tài sản . Theo đó, người giao dịch thuộc bên thứ ba lấy việc xác lập đó làm căn cứ thực hiện giao dịch của họ là hoàn toàn hợp lý và có căn cứ pháp luật. Do đó, quy định như dự thảo là hợp lý và bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người có thiện chí, ngay tình trong giao dịch dân sự..

Mặt khác , Bộ luật dân sự năm 2005 (Điều 168, Điều 439, Điều 692), Luật đất đai năm 2013 (khoản 3 Điều 188) quy định thời điểm xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền sở hữu đối với bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu được tính từ thời điểm đăng ký. Dự thảo Bộ luật tại khoản 3 Điều 182 về cơ bản kế thừa quy định của Bộ luật dân sự hiện hành và phù hợp với quy định của Luật đất đai năm 2013. Do đó, việc quy định bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền là phù hợp với nguyên tắc đăng ký bất động sản hiện nay, bảo đảm sự ổn định trong các quan hệ dân sự.

Ở một khía cạnh khác, có ý kiến cho rằng dự thảo cần có quy định riêng về các trường hợp mà một bên đứng tên giấy tờ sở hữu, sử dụng tham gia giao dịch: thế chấp, bảo lãnh, cầm cố… tài sản chung để bảongười nhận thế chấp, bảo lãnh sẽ được bảo vệ . Theo đó, hợp đồng thế chấp, bảo lãnh…không vô hiệu. Tuy nhiên, thiết nghĩ thế chấp , bảo lãnh , cầm cố trong dân sự…. cũng là một dạng của giao dịch dân sự , vì thế các quy định của giao dịch dân sự này cũng đương nhiên được áp dụng và được bảo đảm thực hiện với các giao dịch bảo đảm đó vì vậy mà không cần phải để thành các quy định riêng.

Khoản 3 dự thảo quy định ngoài việc nhận được tài sản bán đấu giá hoặc giao dịch với người theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là những trường hợp có căn cứ pháp luật thì người thứ ba sẽ không được bảo vệ nếu tài sản trong giao dịch phải đăng ký quyền sở hữu mà tài sản đó chưa được đăng ký taị cơ quan có thẩm quyền. Bởi lẽ, như  ở trên đã phân tích, đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu được kiểm tra tính hợp pháp thông qua đăng ký chủ sở hữu, nêu người thứ ba không kiểm tra tính hợp pháp của tài sản đó hoặc biết không hợp pháp mà vẫn giao dịch thì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về hành vi của mình mà không được pháp luật bảo vệ. Quy định này là một sự kế thừa đúng đắn của Dự thảo bộ luật dân sự với Bộ luật dân sự 2005 khi bảo đảm được sự công bằng giữa chủ sở hữu và người thứ ba.

Các văn bản liên quan