Ls. Bùi Thanh Lam – Đoàn Luật sư Hà Nội góp ý Dự thảo Bộ luật dân sự tại Hội thảo VCCI ngày 9/4/2015

Thứ Hai 14:54 13-04-2015

GÓP Ý ĐỐI VỚI DỰ THẢO BLDS 2015

Ls. Bùi Thanh Lam – Đoàn Luật sư Hà Nội

Ls. Nguyễn Ngọc Phúc - Đoàn Luật sư Hà Nội

I.                  Vấn đề ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành, luật có liên quan khác tại Điều 10 Dự thảo Bộ Luật Dân sự

Trong mối tương quan với các văn bản pháp luật cùng có các quy định điều chỉnh các quan hệ pháp luật dân sự như: Luật Thương mại, Luật doanh nghiệp, Luật nhà ở, Luật sở hữu trí tuệ, Luật các Tổ chức tín dụng và hàng loạt các Nghị định, Thông tư, Quyết định,… Bộ luật dân sự đóng vai trò là Luật gốc quy định những vấn đề chung cơ bản nhất trong các quan hệ dân sự.

Đơn cử, đối với việc điều chỉnh các quan hệ pháp luật dân sự trong lĩnh vực Ngân hàng, cùng với các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành điều chỉnh hoạt động ngân hàng như Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật các Tổ chức tín dụng và các Nghị định, Thông tư, Quyết định,… thì Bộ luật dân sự là luật chung điều chỉnh các hoạt động như việc cấp tín dụng (cho vay, bảo lãnh…), các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, lãi suất cho vay, trần lãi suất, lãi suất phạt hợp đồng, chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự, các chế định về đại diện, ủy quyền, hợp đồng, nguyên tắc áp dụng pháp luật dân sự và luật chuyên ngành... những quy định này tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của từng tổ chức tín dụng, đồng thời đã và đang tác động nhiều mặt đến không chỉ hoạt động ngân hàng mà còn tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích của Nhà nước, tổ chức và người dân. Trong phạm vi mục này, tôi xin phân tích một tình huống pháp lý liên quan đến vấn đề áp dụng Bộ luật dân sự và luật chuyên ngành, cũng như đề xuất cụ thể đối với Điều 10 của Dự thảo Bộ Luật dân sự như sau:

a)    Tóm lược tình huống:

Theo thông tin từ báo chí[1] vợ chồng Ông Nguyễn Sỹ Minh thế chấp căn hộ vay VPBank 5 tỷ đồng và đã trả được 1 tỷ đồng nợ lãi và 700 triệu đồng nợ gốc. Khi nợ quá hạn VPBank đã xiết nợ căn hộ bằng cách ra quyết định thu hồi, niêm phong trước sự chứng kiến của Công an Phường, Tổ dân phố…. Cách làm này theo giải thích của VPBank[2] thì VPBank hoàn toàn có căn cứ pháp lý theo thỏa thuận của các Bên và căn cứ vào khoản 2 Điều 95 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010[3], việc xử lý tài sản thế chấp, căn cứ vào Hợp đồng thế chấp đã ký, quy định tại Điều 63 và các điều khoản liên quan tại Nghị định của Chính phủ số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 về giao dịch bảo đảm (đã được sửa đổi, bổ sung theo các Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23/7/2010 và số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012), VPBank đã gửi các văn bản thông báo tới Chủ tài sản là ông Sỹ Minh, bà Phương Thoa và các cơ quan chính quyền địa phương...trước khi xử lý, thậm chí có một số luật sư cho rằng việc làm này của VPBank là có căn cứ và phù hợp với nguyên tắc tự do giao kết, thỏa thuận trong quan hệ dân sự[4]. Trong khi đó, từ phía khách hàng vay tiền, thế chấp tài sản và một số luật sư thì cho rằng việc làm này của Ngân hàng là vi phạm quyền bất khả xâm phạm của công dân theo Hiến pháp, vi phạm pháp luật hình sự vì cho rằng đây là quan hệ dân sự và cần phải được giải quyết quan hệ dân sự tại Tòa án có thẩm quyền[5]

b)    Phân tính và đề xuất

Bộ luật dân sự hiện hành (BLDS 2005) có đưa ra các nguyên tắc cơ bản, trong đó một trong những nguyên tắc tối cao là các chủ thể pháp luật dân sự được tự do, tự nguyện giao kết và thực hiện hợp đồng. Như vậy, trong phạm vi pháp luật cho phép, một chủ thể hoàn toàn có thể tự định đoạt đối với tài sản và cách sử dụng tài sản của mình, tự lường trước các hậu quả và chịu trách nhiệm với các quyết định mang tính chất dân sự của mình. Nếu chủ tài sản hoàn toàn tự nguyện đem tài sản của mình đi để bảo đảm cho một nghĩa vụ khác thì chủ tài sản về bản chất là đã ngay từ khi đặt bút ký vào Hợp đồng bảo đảm đã phải hiểu, chấp thuận quyền đối với tài sản bị ảnh hưởng, bị hạn chế, thậm chí sẽ bị chuyển giao cho bên có quyền khi nghĩa vụ được bảo đảm bị vi phạm, ở đây là vay không trả được đúng hạn gốc và lãi thì  tài  sản  bảo  đảm  (dù là động sản hay bất động sản) về mặt nào đó bên có quyền sẽ phải được quyền chủ động xử lý tài sản đó bằng biện pháp phù hợp, trong đó có quyền thu giữ như văn bản luật chuyên ngành (Luật các tổ chức tín dụng và các nghị định về xử lý tài sản bảo đảm) quy định. Như vậy, dường như việc cơ quan nhà nước can thiệp theo cách đã nêu ở tình huống trên đây vừa không đúng với tinh thần ban đầu của các bên khi giao kết hợp đồng, vừa không đúng với nguyên tắc pháp lý dân sự cơ bản nhất và có thể làm cho chính các chủ thể pháp luật dân sự không còn tin tưởng vào sự ổn định, bình đẳng của pháp luật dân sự nói riêng và hệ thống pháp luật nói chung.

Tình huống như đã nêu trên ở thời điểm hiện tại vẫn xảy ra tất nhiên do sự “thay lòng đổi dạ” của người chủ tài sản bảo đảm so với những hứa hẹn ban đầu, nhưng một phần nó có cơ hội thành hiện thực do quan điểm khác nhau trong việc áp dụng và thực thi pháp luật giữa các tổ chức/chủ thể dân sự với các tổ chức/cơ quan nhà nước, giữa bản thân các tổ chức/cơ quan nhà nước với nhau. Trong xã hội hiện đại, để đảm bảo tính chất công bằng, nhu cầu chuẩn hóa các quan hệ xã hội, quan hệ pháp luật, tránh việc một tình huống hat một quy định pháp luật có nhiều cách hiểu, việc quy định thống nhất những nguyên tắc pháp lý là rất quan trọng. Chúng tôi hiểu rằng, với tinh thần hướng đến sự rõ ràng minh bạch và thống nhất trong cách áp dụng và thực thi pháp luật, ban soạn thảo Dự thảo Bộ luật dân sự đã đưa thêm một số nguyên tắc trong đó có nguyên tắc áp dụng pháp luật trong trường hợp có nhiều luật áp dụng cho cùng một quan hệ pháp luật tại Điều 10 của Dự thảo như sau:

“Điều 10. Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan

1. Bộ luật này là luật chung điều chỉnh các quan hệ dân sự.

2. Các luật có liên quan điều chỉnh quan hệ dân sự trong các lĩnh vực cụ thể không được trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại mục 1 của Chương này; trường hợp các luật có liên quan không quy định thì áp dụng quy định của Bộ luật này.”

          Tuy nhiên, Điều 10 này cũng không làm rõ được nguyên tắc ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành, vì vậy tôi kiến nghị sửa Điều 10 Dự thảo Bộ luật dân sự như sau:

Điều 10. Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan

1. Bộ luật này là luật chung điều chỉnh các quan hệ dân sự.

2. Các luật có liên quan điều chỉnh quan hệ dân sự trong các lĩnh vực, chuyên ngành cụ thể không được trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại mục 1 của Chương này; trường hợp các luật có liên quan quy định rõ thì ưu tiên áp dụng luật có liên quan; trường hợp luật có liên quan không quy định thì áp dụng quy định của Bộ luật này”.


II.               Vấn đề thế chấp để bảo đảm cho nghĩa vụ của người khác

Vấn đề thế chấp để bảo đảm cho nghĩa vụ của người khác (không phải là thế chấp để bảo đảm nghĩa vụ của chính mình) trên thực tế đã được các Ngân hàng linh động áp dụng từ lâu song không được ghi nhận trong Bộ luật Dân sự 2005. Các Ngân hàng đã phải lồng ghép quan hệ phức hợp thế chấp – bảo lãnh để thành quan hệ “thế chấp tài sản của bên thứ ba” nhằm đảm bảo tính trực tiếp và khả năng xử lý cao hơn đối với tài sản thế chấp của người không phải là người có nghĩa vụ. Kèm theo việc lồng ghép đó có khá nhiều hệ lụy xảy ra, trong đó có cả việc các bên thế chấp không biết phải giải quyết với nhau ra sao sau khi bên thế chấp phải thực hiện nghĩa vụ thay bên có nghĩa vụ (bên vay vốn) hoặc chấp nhận xử lý tài sản thế chấp.

Chế định về Thế chấp tài sản trong Dự thảo BLDS đã chính thức công nhận về việc “thế chấp tài sản để bảo đảm cho nghĩa vụ của người khác” song vẫn thiếu sót trong quy định về quyền và nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ nói chung và trong trường hợp bên thế chấp đã phải chấp thuận xử lý tài sản thế chấp để thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ (bên được bảo đảm). Do đó, chúng tôi kiến nghị bổ sung các quy định để giải quyết được vấn đề này, ví dụ:

Điều…… Quyền yêu cầu của bên thế chấp đối với người khác

-         Khi bên thế chấp đã thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo đảm hoặc tài sản thế chấp đã bị xử lý để thực hiện nghĩa vụ của bên được bảo đảm, bên thế chấp có quyền yêu cầu bên được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ đối với mình trong phạm vi bảo lãnh, nếu không có thoả thuận khác.

-         Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác, nếu tải sản thế chấp được xử lý để thực hiện nghĩa vụ của bên được bảo đảm, bên được bảo đảm phải bồi hoàn cho bên thế chấp một tài sản hoặc số tiền tương đương giá trị tài sản đã bị xử lý. Trong trường hợp giá trị tài sản đã xử lý lớn hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm, bên thế chấp được thu hồi giá trị chênh lệch và chỉ được yêu cầu bên được bảo đảm bồi hoàn tương đương giá trị nghĩa vụ đã được thực hiện.

Bên cạnh đó, do có quy định trên, để bảo đảm rõ ràng trong việc áp dụng luật, cần định nghĩa “bên được bảo đảm” vào điều luật mô tả về thế chấp tài sản, cụ thể là Điều 344 của Dự thảo như sau:

Điều 344. Thế chấp tài sản

1. Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của chính mình hoặc của người khác (sau đây gọi là bên được bảo đảm) và không chuyển giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp).

2. Việc thế chấp tài sản phải được lập thành văn bản riêng hoặc được ghi trong hợp đồng chính. Trường hợp pháp luật có quy định thì văn bản thế chấp phải được công chứng hoặc đăng ký.

III.           Vấn đề bảo lưu quyền sở hữu

Bảo lưu quyền sở hữu là một nhu cầu thực tế, đặc biệt là trong các giao dịch tài chính, các giao dịch dân sự đối với tài sản không đăng ký quyền sở hữu… và khi được ghi nhận như một biện pháp bảo đảm trong Bộ luật dân sự, việc bảo lưu quyền sở hữu đã được xác định bản chất và vị trí rõ ràng trong hệ thống quan hệ pháp luật dân sự thay vì việc phải núp bóng quan hệ mua bán có điều kiện về thời điểm chuyển quyền sở hữu. Tuy nhiên, tôi cho rằng vấn đề bảo lưu quyền sở hữu có thể gây ra những hệ lụy nhất định, có thể phá vỡ sự vận hành bình thường của các quan hệ pháp luật cơ bản (quan hệ tặng cho, vay – trả…). Do đó, việc ghi nhận trong Dự thảo Bộ luật dân sự 2015 có thể coi là một trong những nỗ lực điều chỉnh quan hệ xã hội thực tế song cần rất thận trọng, trong đó cần quy định cụ thể đối với trường hợp bảo lưu quyền sở hữu khi tài sản giao dịch là tài sản có đăng ký sở hữu như ô tô, xe máy, tàu bay, tàu thủy, bất động sản nói chung.

Giả sử rằng các bên mua bán và cho phép thực hiện các thủ tục chuyển quyền sở hữu trước khi thực hiện xong việc thanh toán tiền rồi sau này lại không thanh toán đủ thì chứng thư ghi nhận quyền sở hữu đã chuyển đổi sẽ được giải quyết ra sao? Các bên sẽ phải quay ngược lại quá trình này để trả về hiện trạng ban đầu hay có giải pháp nào tốt hơn? Cơ chế phối hợp thực hiện của các cơ quan nhà nước trong tình huống này được thể hiện như thế nào?

Trong giai đoạn đầu, nếu như chưa có giải pháp thì có thể lựa chọn cho phép áp dụng bảo lưu quyền sở hữu đối với tài sản không phải đăng ký quyền sở hữu và chỉ định Chính Phủ quy định chi tiết đối với việc bảo lưu quyền sở hữu tài sản phải đăng ký quyền sở hữu….

Đây là một số phương án/góp ý mà Ban soạn thảo cần nghiên cứu tính đến để đảm bảo khả năng đáp ứng của hệ thống cơ quan nhà nước, hệ thống các văn bản kèm theo khi ban hành thêm chế định về bảo lưu quyền sở hữu.



[1] http://laodong.com.vn/phap-luat/xiet-no-ngan-hang-niem-phong-nha-dan-305982.bld

[2] http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/745457/vpbank-len-tieng-vu-lum-xum-thu-hoi-no-tai-ha-noi

[3] Điều 95. Chấm dứt cấp tín dụng, xử lý nợ, miễn, giảm lãi suất

1. Tổ chức tín dụng có quyền chấm dứt việc cấp tín dụng, thu hồi nợ trước hạn khi phát hiện khách hàng cung cấp thông tin sai sự thật, vi phạm các quy định trong hợp đồng cấp tín dụng.

2. Trong trường hợp khách hàng không trả được nợ đến hạn, nếu các bên không có thỏa thuận khác thì tổ chức tín dụng có quyền xử lý nợ, tài sản bảo đảm tiền vay theo hợp đồng cấp tín dụng, hợp đồng bảo đảm và quy định của pháp luật. Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, mua bán nợ của tổ chức tín dụng thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

[4] http://cafef.vn/tai-chinh-ngan-hang/vu-vpbank-bi-to-thu-hoi-no-kieu-buc-hiep-tai-anh-hay-tai-a-2015032409280933.chn

[5] http://tinnhanhchungkhoan.vn/phap-luat/vu-vpbank-xiet-no-co-dau-hieu-hinh-su-114747.html

Các văn bản liên quan